Home Gia Đình CSQG Tài Liệu Tản mạn một thời thụ huấn khóa 3

Tản mạn một thời thụ huấn khóa 3 PDF Print E-mail
Tác Giả: Cựu SVSQ K3 Nguyễn Ngọc Đa   
Thứ Hai, 15 Tháng 8 Năm 2011 22:40

Hồi ký của cựu SVSQ khóa 3 trong thời gian thụ huấn dưới mái trường Học Viện CSQG.

 

 

       TẢN MẠN MỘT THỜI THỤ HUẤN KHOÁ BA THẨM SÁT VIÊN
                       BIÊN TẬP VIÊN HỌC VIỆN CSQG/VNCH

 Nguyễn Ngọc Đa

Mười lăm tháng Giêng năm Sáu tám Mậu Thân, ngày đầu bước vào Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia VNCH của những chàng thanh niên trai trẻ tuổi vừa chớm hai mươi, đánh dấu cuộc đời quân ngũ để trở thành những sĩ quan khoá Ba Thẩm Sát Viên và Biên Tập Viên ưu tú, khi ra trường phục vụ cho đất nước miền Nam Việt Nam Tự Do trong thời điểm chiến tranh tàn khốc, họ sẽ là những người con yêu phục vụ với lý tưởng tự do và chống Cọng.

Trình diện Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia toạ lạc trên đường Vỏ Tánh Sài Gòn để chuẩn bị cho việc nhập Trại Lê Văn Duyệt trong Biệt Khu Thủ Đô nằm gần ngã Sáu đường Lê Văn Duyệt, ngoài một số tân Sinh Viên Sĩ Quan phải chờ đợi trước Sở Nhân Huấn chờ mong tin phiếu khám sức khỏe gởi đến để làm thủ tục nhập học, trễ năm ngày, rồi sau đó tất cả đều vào nhập học. Sau khi nhận ba lô, mùng mền, hai bộ “Treilli”, đôi giày vải bố, nịt, mũ lưỡi trai, mũ nồi đen, huy hiệu, sinh viên tân tuyển được phân về từng Đại đội trong ba nhà trại, cứ mỗi nhà hai Đại đội. Nhà Một giáp bờ thành phía trước dành cho hai Đại đội 101 và 102 Biên Tập Viên thời gian thụ huấn 9 tháng, nhà Hai chính giữa cho hai Đại đội 211, 212 và nhà Ba là Đại đội 311, 312 Thẩm Sát Viên thời gian thụ huấn 6 tháng. Tổng cọng con số Sinh viên sĩ quan khoảng chừng 600 người và đặc biệt khóa Ba ngoài sinh viên tân tuyển ra còn có nhân viên trong ngành được gởi vào tu nghiệp. Vừa vào có mấy ngày thì dịp Tết Mậu Thân, anh em được phép về vui Xuân với gia đình, Cọng Sản xâm nhập đánh phá thành phố nên anh em phải trở về trại sớm hơn, một số anh em được phân công đi giữ an ninh các nút chận. Sau khi tình hình lắng dịu. Anh Em cũng tổ chức một đêm Văn nghệ mừng Xuân.

Rồi cuộc chiến bùng nổ Mậu Thân buồn
Giặc tràn về qua các nẻo đường thương
Sáu tám quân trường nhịp bước hai ba
Chia khắp ngã canh chừng quân Cọng phỉ
Áo trắng, quần lam, súng ghìm, tay vững
Tổ quốc, an ninh, giữ trọn câu thề
Kỷ luật, trung thành, hai vai nặng nợ
Tuổi trẻ tài trí, trai tài thi gan
Danh dự, trách nhiệm, công minh, liêm chính
Khoá Ba Th¬ẩm Sát Viên, Biên Tập Viên
Quyết tiến lên, đất nước dụng anh tài

Trong những tháng ngày huấn luyện, cứ mỗi chiều về bên cạnh nhà ăn có một sân  bóng chuyền, các Đại đội thường qui tụ về đây tranh tài, tối đến cũng cạnh nhà ăn có phòng thư viện để anh em ca hát, viết thư về thăm người yêu, gia đình.  Học Viện với ba dãy nhà ngang chỉ cách nhau con mương thoát nước, anh em qua lại tâm tình, ca hát rất là thân mật. bên trong mỗi căn nhà có treo mấy tấm tranh sơn dầu mô tả người lính chiến oai hùng cầm súng xông pha về phía trước. Bên ngoài có những tấm kiếng gương soi để “Nhìn Cảnh Phục Biết Tư Cách”. Hằng tuần các Đại đội thay phiên nhau làm nhà vệ sinh gần sát bờ tường trại Quân nhu và không biết người nào đã xưng biệt danh “Thọc huyết heo” và biệt danh này nghe rất vui tai từ đấy.

Tuần sự đến rồi mau các bạn
Kẻ vòi, người quét réo vui tai
Mùi hương ngao ngán như hương dại…

Mỗi Sinh Viên Sĩ Quan phải trải qua một lần làm Tuần Sự Đại đội, tuần tự được chia nhau canh gác lô cốt xung quanh trại, phải đứng chào ở cổng chính và tuần sự tập làm cấp chỉ huy Đại đội, hằng tuần được phép ra ngoài trại hoặc có khi vì tình hình an ninh phải bị cấm trại, thời gian này anh em có nhiều cơ hội để quây quần bên nhau kể chuyện tiếu lâm, ca hát. Riêng Đại đội 101 BTV xôm trò nhất vì có cả tiếng đàn tân nhạc, cải lương nên lúc nào cũng nhộn nhịp vui vẻ.

Đêm nay, đánh thức, trăng tàn
Giọng ca, đàn nhớ, gió ngàn chơi vơi

Vừa nhập trại được chừng một tháng, có trận mưa rào mấy tiếng mà nước đã ngập đến chân giường.

Mưa rơi có mấy tiếng
Nước ngập đến chân giường
Xách giày rồi xách dép
Kê gối trông chừng xem

Nằm chính giữa trại cạnh cột cờ là văn phòng của Thầy Viện Trưởng, Phòng Thư ký, Phòng Tổng vụ, Phòng nghỉ của các Giảng sư. Một Câu Lạc Bộ được thiết kế theo kiểu nhà sàn do khoá Một đàn anh xây dựng có con lạch nước nuôi cá cảnh nằm cạnh bờ tường Biệt Khu Thủ Đô. Nhà bếp là dãy nhà ngang phía sau văn phòng với thức ăn hằng ngày được nhà thầu cung cấp cho Sinh Viên. Ba tháng đầu, học cơ bản thao diển là chính, bên cạnh học tháo ráp súng tiểu liên M3A1, Carbin M1, học bắn Rouleau, Shotgun, học lái xe, học võ. Tiết học gồm những môn Hình sự tố tụng, Hình luật tổng quát, Hình luật đặc biệt, Cảnh sát tư pháp, Trấn áp bạo động, Căn cước, Giảo nghiệm, Giao thông v.v…

Sau ba tháng Sinh Viên Sĩ Quan được gắn Alpha, hằng ngày xe buýt của Nha Đô Thành chở lên Quân trường Thủ Đức học chiến thuật gần khu thiết giáp, sáng đi chiều về, trưa ăn bánh mì nhưn thịt. Thường vào buổi trưa nghỉ ngơi có em bán chè dễ thương thường hay gánh đến “Chateau d’eau” khu Thiết giáp bán chè cho Sinh Viên Sĩ Quan .

Hỡi em bán chè khu Thiết giáp
Quân trường trưa nghĩ gánh thon thon
Chè ngon, chè dỡ, anh đâu thiết
Chỉ ngắm trông em mắt mỏi mòn

Sau kỳ thi cuối khoá Thẩm Sát Viên, ra trường với bộ Cảnh phục quần xám áo trắng vai mang hai gạch trắng, khi kéo cờ lên để chuẩn bị làm lễ, giây cờ bị đứt, kịp thời có hai Sĩ quan thay nhau trèo lên nối lại, đúng lúc Đại Tá Tư lệnh Cảnh Sát Quốc Gia Trần Văn Hai đến dự lễ, sau này là Chuẩn tướng đã anh dũng tự sát trong ngày biến cố 30 tháng 4 năm 75.

Ngày mãn khóa
Trời sương mưa
Giây cờ đứt
Một người
Rồi hai người
Leo lên
Nối lại
Lá cờ vàng

Ba tháng sau, BiênTập Viên vai mang hai gạch trắng lăng quăng tiếp tục ra trường để rồi anh em được phân bổ đi khắp nơi và có duyên gặp lại những người ra trường trước để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao phó.

Hồi tưởng lại những ngày thơ, mỗi Sinh Viên Sĩ Quan Cảnh Sát Quốc Gia khi ra trường được phân bổ đi khắp nơi bốn vùng chiến thuật, từ địa đầu giới tuyến đến tận mũi Cà Mau đều nung chí hướng phụng sự cho lý tưởng tự do, lo cho đồng bào, bảo vệ Quốc Gia.

Sau tháng 4/75 một số anh em được cơ may di tản ra nuớc ngoài còn lại đại đa số đều chịu chung số phận danh từ cải tạo, người sớm thì ở hơn năm tù, người ở lâu cũng 17 năm. Vậy mà thời gian thấm thoát ngót gần 45 năm, anh em tản mác khắp nơi người còn kẻ mất, lúc nào cũng tạo cơ hội để gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hỏi thăm chia xẻ những nỗi buồn vui trong suốt đoạn đường chiến chinh, tù đày đau khổ và hạnh phúc.

Anh là Thẩm, tôi là Biên
Cùng chung mái ấm gia đình Khóa Ba
Ra đi khắp nước non nhà
Chữ trung, chữ hiếu, một thời hiên ngang

Bên cạnh những anh em khoá Ba còn có anh chị em khoá Một. khoá Hai TSV/BTV cùng xuất thân trường Mẹ Học Viện ở trại Lê Văn Duyệt Sài Gòn họ là những sinh viên tân tuyển ra trường phục vụ bảo vệ tự do khắp miền Nam Việt Nam, phục vụ đồng bào, cùng chung lý tưởngQuốc Gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc VN mến yêu.

Bạn cũ bây giờ đâu ?
Đứa thì lam lũ, xứ
Đứa thì cực khổ, quê
Hẹn ngày mai có dịp
Hội ngộ nhớ nhau về

Sau này với cơ sở mới, Học Viện CSQG được dời lên Thủ Đức đào tạo thêm ba khóa TSV/BTV dành cho những nhân viên Sĩ quan trong ngành được gởi đến tu nghiệp. Tháng 6/1971 theo qui chế quân đội những tân Sĩ quan Cảnh Sát phải chịu thụ huấn trong quân trường thời gian dài hơn 12 tháng và ra trường được mang cấp bậc Thiếu úy cho đến ngày mất nước.

Yêu Tự Do, yêu Tổ Quốc đồng bào
Kèn trống giục tiến nhanh về phía trước
Áo mão, cân đai, tay ghìm cung kiếm
Mai vàng lấp lánh, khép nép bờ vai
Anh trẻ quá, lòng sao e thẹn quá !
Mấy cô nhìn sao thấy mến mà thương
Ra trường rồi cuộc chiến tàn nhanh thế
Tiếc mãi đời trai, trai nước Nam
Anh vẫn là trai, trai nước Nam

Hội ngộ kỷ niệm 45 năm thành lập Học Viện CSQG được tổ chức từ 2/7/11 đến 4/7/11 năm nay tại San José miền Bắc Cali, chúng ta cùng gặp nhau, xin mang đến bó hoa lòng, im lặng vài giây phút tưởng nhớ vị Thầy Viện Trưởng kính yêu, các vị Giảng Sư, cựu Huấn Luyện Viên, dạy dỗ Sinh Viên Sĩ Quan với một lòng yêu thương, quả cảm, chí công vô tư, để lúc nào anh chị em Sĩ quan khi ra trường nhận nhiệm sở mới, luôn luôn nhớ đến lời khuyên của qúy Thầy, xứng đáng là một Sĩ quan gương mẫu xuất thân từ Học Viện CSQG. Chúng ta cũng không quên những người bạn đồng nghiệp đã hy sinh trong trại tù Cọng Sản hoặc tuổi già bệnh tật đã bỏ lại bạn bè sớm ra đi về miền vĩnh hằng.

Bờ tường giáp cạnh Biệt Khu cũ
Hồ cá quanh co nước véo von
Có Thầy Viện Trưởng que phe phẩy
Ngồi lắng im nghe chuyện nước non

Tình yêu thương của người Cha nhân từ Thầy Đàm Trung Mộc. Từ đấy, Sinh Viên Sĩ Quan Học Viện CSQG cùng là anh em một Trường, một Mẹ và mãi mãi cùng là niềm tin yêu vững vàn, bền lòng, chung chí hướng chống Cọng để không phụ lòng Tổ Quốc Miền Nam Việt Nam mến yêu.

Cựu SVSQ Khóa 3

NGUYỄN NGỌC ĐA