Bên lề Đại Hội CSQG 2012 tại Nam Cali. Print
Tác Giả: Dư Thị Diễm Buồn   
Thứ Sáu, 22 Tháng 6 Năm 2012 22:13

Tổng hội CSQG.VNCH được thành lập ngày 27 tháng 5 năm 2000 với 8 hội CSQG/VNCH ở địa phương. Sau 12 năm hoạt động đã phát triển thành một hệ thống gồm 16 hội, và 7 ban đại diện từ các tiểu bang của hoa Kỳ đến Âu Châu, Úc Châu, Canada…

Mới sáu giờ sáng, tôi đã rời nhà đến bến xe, và sang qua một chuyến xe đò khác để đi thêm khoảng đường dài nữa. Nếu suôn sẻ thì xe chạy thêm cả 8, 9 giờ mới tới nơi mình muốn đến.


Vào mùa xuân cận tháng sáu như sáng hôm nay, khí hậu vùng chúng tôi ở tương đối dễ chịu. Mới 5 giờ sáng, ở phương đông mặt trời nhú lên thì ánh sáng rực rỡ trải trên cỏ cây hoa lá, trên đường phố sầm uất đông người Việt cư ngụ ở Thủ Phủ Sacramento (miền Bắc California). Nếu vào mùa đông 7 giờ sáng bên ngoài vẫn còn tối hù. Dù mặt trời cố tình vươn lên để trải nắng mai, nhưng cũng bị che phủ âm u, nhòa nhạt bởi những đám mây xám giăng giăng. Thiệt đúng như ông bà ta ám chỉ ngày dài đêm ngắn: “Tháng năm chưa nằm mà sáng/ Tháng mười chưa cười đã tối” và ngược lại ngày ngắn đêm dài.


Mấy mươi năm ở xứ người, đây là lần đầu tiên tôi đi xe đò từ miền Bắc đến miền Nam của tiểu bang California. Không phải tôi chê xe đò không đi, mà hơn ba mươi năm trước gia đình tôi ở vùng Trung Tây (thuộc tiểu bang Illinois) thì đâu có xe đò của người Việt như ở California mà đi! Nhưng lúc đó dù có ở California đi chăng nữa, thì tôi nghĩ cũng chưa có xe đò “Hoàng” chạy các tuyến đường như: Nam California, Sanfrancisco, San Jose, Sacramento, Stockton, San Diego, Arizona…


Sáng nay, từ nhà tôi đến bến ở Sacramento phải 1 giờ lái xe. Và khởi hành từ đó bằng xe đò nhỏ lúc 7:30 AM. Xe chạy đến con lộ tẻ chuyển tiếp để qua xe đò Hoàng từ San Jose chạy ra và chúng tôi sang chuyến xuống miền Nam. Và xe đến bến trước chợ ABC Nam California đúng 3:30 PM. Tổng cộng cũng tròm trèm mất hết 10 giờ ngồi xe mới đến nơi đã định.


Thiệt là ê ẩm bộ xương già! Nhưng trong khoảng thời gian 9, 10 giờ ngồi trên xe đó, tôi được ngắm núi non hùng vĩ bên ngoài, ngắm trời xanh mây trắng bay lang thang. Lòng tôi cảm thấy bùi ngùi nhớ về cố quốc thuở ngày xưa. Nhớ ngồi xe đò từ Sài Gòn về miệt Hậu Giang, có nhiều sông rạch và những vườn cây ăn trái dọc theo hai bên Quốc Lộ Bốn.


Qua Bến Lức có trái khóm, là đặc sản của vùng nổi tiếng đó đây. Ngồi trên xe tù túng, giữa trưa nắng gắt đang cơn khát mà cắn miếng khó mướp lạnh, được phết muối ớt nồng cay! Khóm tươi, giòn, ngọt chua chua thấm mát miệng, và mát tận tâm hồn luôn! Đến Long An (hay Tân An) mua mấy gói cốm chuồi sầu riêng đậu phọng đem về làn quà cho ba má thưởng thức với nước trà Quan Âm KỳChưởng. Qua cầu Tân An xe chạy chầm chậm, đưa mắt nhìn nền trời cao xanh như ngọc, in vài cụm mây trắng dầy ngồn ngộn như bộng gòn. Lờ lững không gian những con chim bói cá chập chờn tìm mồi, và sông Vàm Cỏ hai bên bờ rủ bóng cây ăn trái. Chúng ta sẽ thấy lác đác xuồng câu tôm, xuồng chài cá, hoặc ghe chèo, xuồng bơi qua lại trên dòng nước trong xanh, êm đềm xuôi chảy, dài ngút mắt.


Chuyến xe xuôi Nam California tôi đi hôm nay, hành khách gần đầy. Xe chạy vùn vụt, đa số người đang lim dim đôi mắt dưỡng thần, để tìm giấc ngủ, có người xem báo, có người đọc sách… Riêng tôi dù không muốn nghe, nhưng cũng lọt vào lỗ tai những chuyện kể buồn, vui của hành khách chung chuyến. Nhờ thế mà thời gian qua mau, thu ngắn quãng đường đỡ cảm thấy nó dài, ôi lê thê!
Chị ngồi bên cạnh tôi, có dáng người nhỏ thó, thon gọn và lanh lợi. Tôi chỉ mỉm cười chào chị xã giao, hỏi:
-Chị ở Nam California hay ở San Jose?


Chị tươi cười trả lời tôi và tiếp tục nói! Ôi chị nói huyên thiên, nói có ca có kệ, nói có mách có chứng, nói dai, nói dẻo, nói hoài như không bao giờ dứt. Chị nói, chị kể từ chuyện gia đình, rồi đến thiên hạ sự, luôn cả thời tiết gió mưa chị cũng rất rành rọt… Nhìn đồng hồ tôi mới biết chị nói nãy giờ gần 2 tiếng đồng hồ rồi, mà vẫn còn tiếp tục nói!
Ối giời ơi, nghe chị nói riếc tôi muốn nhức đầu đây! Nhưng tôi lại hỏi:
-Việt Nam chị ở đâu?
Chị ta nhanh nhẹn trả lời:
-Dạ em ở Hố Nai… bác có biết Hố Nai không ạ?
-Dạ tôi có nghe Hố Nai, nhưng chưa đến đó lần nào? Chị được mấy cháu, chắc đã lớn hết rồi hả?
Thiệt là đúng ngay băng tầng! Thế là chị bắt đầu mở máy kể về chồng, về con… chồng chị đã qua đời 6 năm trước. Có hai con gái, cô lớn làm y tá có chồng được 1 con và đang mang thai đứa thứ hai.
Rồi chị trở buồn giọng, bảo:
-Em muốn ở nhà giữ cháu ngoại, mà con em không cho thà nó đem gởi cho người ta. Đứa con gái kế của em 20 tuổi còn đi học…
Nồi đất nồi đồng ơi, chị ta nói liên tục gần 3 giờ nữa! Chị chỉ ngừng lại khi nào mở nút chai uống ngụm nước lọc cho đỡ khô cổ!
Giờ thì hai cái lỗ tai của tôi bắt đầu kêu gào thảm thiết rồi đây… Nhưng tôi chưa kịp ngưng chị, với lý do là chính đáng của mình là:“Tui buồn ngủ quá”… Thì tôi hoảng hồn kinh, và cơn ngủ vội vổ cánh bay đi mất tiêu! Vì chị ta đang thúc thích khóc đó?
Tôi mở to mắt, hỏi:
-Ồ, tại sao chị khóc, chuyện gì mà chị khóc vậy?
- Em buồn lắm bác à! Em ở xe phòng với người ta, còn con gái em đi xe phòng ở chỗ khác… Em thiệt vô phước sanh ra toàn là thứ ngỗ nghịch không nghe lời. Đứa con lớn không cho em giữ cháu, nếu có giữ thì nó chỉ trả cho em chỉ 500$/ 1 tháng thôi, vậy mà nó cũng không chịu. Thà đem con gởi cho người ta phải trả 700$/ 1 tháng. Đứa nhỏ còn đi học, phải hai mẹ con xe phòng ở chung, chia nhau thì đỡ phí đi mấy trăm bạc tiền nhà một tháng! Tiếc quá, nên mỗi lần nhớ đến em không làm sao cầm được nước mắt…
Mèn ơi, mắt chưa hết đỏ, lệ chưa ráo thì cao hứng thế nào chị ta lại nói luôn một lèo, không dính đâu vàođâu cả. Tôi làm thinh chịu trận mà nghe chị ta trút bầu tâm sự, chớ làm sao bây giờ?
Buồn mấy đứa con chưa dứt, chị ta liền tươi nét mặt, bảo:
-Bác biết không, bây giờ ở Việt Nam thay đổi lắm bác ạ! Em về trước sau cũng 8 lần rồi. Xứ mình ôi bây giờ đẹp, giàu, và văn minh lắm, “Văn hay chữ tốt không bằng thằng dốt có tiền” đó bác! Thú thật với bác: “Mình ngu nhiều kẻ ngu hơn, cho nên được gọi là khôn hơn người…”Thế cho nên “Em xinh đâu phải nụ cười, em xinh là bởi nhiều người xấu hơn!” Em cảm thấy vui sướng về bển, xóm chòm xem em như công chúa vậy bác!


Nói xong chị ta có vẻ đắc chí thỏa mãn lắm! Cười hả hê tòe cái miệng méo xẹo thấy răng cỏ mọc lỏm chỏm vô trật tự, như hàng rào ấp chiến lược! Thiệt trông mất thẩm mỹ hết trơn hết trọi! Tôi muốn ca câu vọng cổ: “Trời đất ơi, cái nỗi đoạn trường!” quá đi thôi! Tôi nghĩ bà nầy chắc “mát giây” và định bụng bảo: “Chị nói nhiều quá, nên cô con gái lớn không cho chị giữ cháu. Con gái kế chịu không nổi nên bỏ chị đi ở chỗ khác chớ gì?” Nhưng kịp ngưng miệng lại, tôi làm bộ ngoẻo đầu qua một bên, thở khò khò như đã rơi vào cơn ngủ!
Nhìn qua cửa sổ xe bên ngoài nắng chang chang, nền trời màu thiên thanh … Vài con chim trời nhàn hạ xoãi cánh lượn bay. Cây quạt máy trên đầu chạy rè rè phà hơi mát dễ chịu vô cùng. Tôi cố tìm giấc ngủ, nhưng cũng nghe được ông khách ở băng sau kể cho các ông ngồi gần nghe:


“Bên bờ hồ có hai nguời đàn ông, một Việt Nam và một người là Mỹ đi câu cua. Mỗi lần ông Mỹ câu được cua, ông bắt bỏ vào giỏ thì cẩn thận đậy nắp lại vì sợ cua bò ra. Ông Mỹ lấy làm lạ, người Việt Nam nầy câu được cua thì cũng bỏ vào giỏ mà không đậy nắp và cũng hời hợt không ngó chừng xem cua có bò ra không? Ông Mỹ thắc mắc, bèn chỉ cái giỏ đựng cua của mình, bảo với ông câu Việt Nam rằng: Ông xem nầy, giỏ cua lúc nào tôi cũng đậy kín vì sợ nó bò ra… Còn giỏ của ông, sao không đậy vậy? Coi chừng cua bò đi hết đó! Ông câu Việt Nam cười hề hề trả lời: “Cua Việt Nam tôi câu bỏ vào giỏ, không làm sao ra được đâu ông ơi! Bởi con nầy bò lên thì con kia kẹp kéo xuống, vì nó sợ con leo cao hơn nó đó mà…”


Nghe ông ta nói, tôi cảm thấy buồn và thấm thía! Bỗng chợt nhớ lại con một người bạn sanh ra trên đất Mỹ, hôm đó nghe cháu bảo rằng: “Xếp của cháu trước kia là ông chủlớn. Sau nhiều năm kiếm lời và có nhiều tiền rồi thì ông đem bán hãng của mình, ra làm công! Hãng của cháu đang làm đây, mỗi năm lời rất ít. Sau ba năm ông ta điều hành, hãng lời trên 200%, 300% (hai, ba trăm) lần hơn trước! Nhưng tháng rồi trong lúc ăn trưa, ông nói là làm ở đây chừng 2 năm nữa thì nghỉ. Ông sẽ đi làm hãng tệ (không được tốt) khác, để giúp cho hãng của họ được khá lên… Ông bảo làm thế chỉ vì nước Mỹ của ông!”


Lúc ở nhà, chưa đi Nam California bằng xe đò, nghe nói đường xa cũng ớn lắm. Nhưng giờ đây xe đò tôi đi cũng thuận buồm xuôi gió đến bến!


Hai anh bạn hàng xóm năm ngoái kỳ xưa đến đón tôi. Tính đến nay chúng tôi cách xa hơn bốn mươi năm rồi mới gặp lại. Nhưng trên bến xe đò chúng tôi nhận ra nhau ngay. Ngày xưa những người chòm xóm mỗi lần gặp nhau, chỉ chào hỏi vì lịch sự xã giao thôi. Nay bôn đào ra ở xứ người khi biết tin thì điện thọai chuyện trò như người thân thuộc, rồi hẹn gặp nhau. Thế mới biết tình người xa xứ nó đậm đà, tha thiết đến dường nào!


Thời Cộng Hòa, hai anh bạn tôi một người là Pháo binh thuộc binh chủng Sư đoàn 7. Tổng hành dinh trấn cứ tại Mỹ Tho. Một người là Cảnh Sát Quốc Gia ở tỉnh Long An. Khi tôi rời nước cả hai anh bạn chưa lập gia đình. Bây giờ anh nào cũng có tuồi, thê tử đùm đề, tóc bạc hoa răm, bóng ngã đường chiều… hết rồi. Vì nắng gió thời gian và các anh đã trải qua những tháng năm dài trong ngục tù cải tạo! Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 Cộng sản và Việt cộng cưỡng chiếm miền Nam, nước Việt Nam rơi vào tay giặc. Từ tháng tư đen đó đến nay dân Việt Nam không cộng sản phải chịu cảnh đời lầm than, khốn khổ, tang thương… không có một ngày tươi sáng!


Không gian rộn ràng trên những con đường, có phố xá sầm uất buôn bán trong khu thương mại của người Việt ở Nam California. Giờ đây gần như còn êm đềm trong giấc ngủ của sáng cuối tuần.


Nơi khu khang trang tượng đài Việt&Mỹ. Có kỳ đài cao với hai lá Quốc kỳ Mỹ, cờ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ phất phới bay bay lồng lộng trong gió xuân nồng. Hôm nay về Nam California, tình cờ tôi được đi dự “Đại Hội Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa”.
Mới sáng tinh sương mà đã tề tựu đầy đủ những cựu chiến sĩ CSQG/VNCH trong vùng và ở các nơi về đây rất đông. Với rừng cờ vàng ba sọc đỏ rực rỡ chan hòa cùng ánh bình minh thắp sáng cả khu tượng đài. Mọi người có mặt hãnh diện ngẫng mặt nhìn trời, cùng cất cao giọng hát bài Quốc Ca Việt Nam “Nầy công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi…” Lời ca điệu nhạc rền vọng và vang vang trong không gian dưới bầu trời xanh biếc ngập ánh nắng mai, in lác đác những vầng mây trắng, mây hồng, mây vàng…Có gió mát và nắng xuân hiền hòa của nước tự do.


Các anh đến dự “Đại Hội CẢNH SÁT QUỐC GIA Việt Nam Cộng Hòa” ở tượng đài Việt Mỹ, vùng Westminster, California. Các anh hành lễ tưởng niệm CSQG/VNCH, cùng các binh chủng khác. Đặt vòng hoa dưới tượng đài! Mọi người tham dự, đều ngậm ngùi cúi mặt tưởng niệm anh linh những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vị quốc vong thân!


Tôi vẫn nhớ và cũng như người dân miền Nam không Cộng sản đều nhớ. Và cùng ngậm ngùi tiếc thương Trung tá CSQG Nguyễn Văn Long. Đã anh dũng tự sát vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 trước trụ sở Quốc Hội, kế bên tượng đài Thủy Quân Lục Chiến VNCH. Ngay khi anh biết Sài Gòn thất thủ vào tay Cộng sản và Việt cộng!
“……………
Quê hương chiến tranh, chiến binh anh dũng
Quê hương thất thủ, chiến binh anh hùng!
Gióng tiếng lòng, gợi nhớ nỗi sầu chung
Nguyễn Văn Long, đã đi vào chiến sử!
Vì quốc vong thân chiến binh bất tử!
Toàn dân ngậm ngùi cúi mặt khóc thương
Những chiến sĩvì chính nghĩa quê hương
Các anh sống mãi trong lòng dân Việt
………………………….”
Trong buổi sáng đẹp nắng của vùng trời Nam California. Chúng tôi thấy các anh chị cựu Cảnh Sát ở địa phương, và đại diên rải rác trên khắp các tiểu bang Hoa Kỳ về tham dự. Gồm có các Niên Trưởng, các cựu Chỉ Huy Trưởng, các Giáo sư giảng viên học viện CSQG/VNCH, Biệt Đội “Thiên Nga” chắp cánh bay cao theo sau “Phượng Hoàng” phát triển cho nữ giới trực thuộc ngành CSQG. “Các chị không thua gì nam giới phải đã âm thầm gày bắt, phá vở không biết bao nhiêu âm mưu của địch từ Bắc vô Nam. Thật không hổ danh là hậu nhân của hai Bà Trưng, Triệu”
Đại hội CSQG hôm nay có sự hiện diện của:
•Cựu Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình
•Cựu Thẩm Phán T/S Trần An Bài
•Cựu Đại Tá Trần Minh Công
•Cựu Đại Tá Lê Sơn Thanh
• Cựu GS Trung Tá Trần Quan An
•Cựu Thiên Nga Thiếu Tá Nguyễn Thị Thanh Thủy
•Cựu Đại Úy Dương Thị Nguyệt Ánh
•…………………………………
Và rất nhiều, nhiều Sĩ quan, Hạ sĩ quan, nhân viên Hành chánh… Ở Nam Bắc California và các tiểu bang về tham dự.
Buổi tiền Đại Hội sau khi một chiến hữu lên chào mừng quan khách và tuyên bố khai mạc “Đại hội kỷ niệm CSQG/VNCH ngày 1 tháng 6, lần thứ 40 của ngành CSQG Việt Nam” năm nay, vào ngày 26 tháng 5 năm 2012 tại Nam California.
Trong bài nói chuyện của cựu Trung Tá Trần Quan An ở buổi khai mạc Đại hôi CSQG.VNCH:
“………………
Cứ 3 năm một lần, tổng hội CSQG/VNCH tổ chức bầu lại các chức vụ lãnh đạo, điều hành tổng hội. Đại hội năm nay đã tổ chức long trọng để kỷ niệm 50 năm thống nhứt ngành Công An thành Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa năm 1962, và cũng là kỷ niệm 40 năm, ngày Cảnh Sát Quốc Gia (1/6/1972- 1/6/2012) Hơn nữa Đại Hội CSQG hôm nay diễn ra vào thời điểm hết sức sôi động ở các nước trên thế giới, là một dịp để chiến hữu khắp nơi hội tựu về đây để ôn lại quá khứ, nhận định hiện tại và định hướng tương lai cho Tổng Hội CSQG/VNCH.


Tổng hội CSQG.VNCH được thành lập ngày 27 tháng 5 năm 2000 với 8 hội CSQG/VNCH ở địa phương. Sau 12 năm hoạt động đã phát triển thành một hệ thống gồm 16 hội, và 7 ban đại diện từ các tiểu bang của hoa Kỳ đến Âu Châu, Úc Châu, Canada… Điểm đặc biệt là tổng hội CSQG/VNCH không dựng lên các hội địa phương cho có hình thức, mà chính các chiến hữu ở địa phương hội tựu lại với nhau thành lập hội, và tham gia vào tổng hội. Vì thế các hội thành viên của tổng hội đều có thực lực, hợp tác hữu hiệu với các hội đoàn bạn tại địa phương. Về chủ trương đường lối, thì Tổng hội đều là những hội có thực lưc, hợp tác với các hội đoàn bạn tại địa phương. Về chủ trương đường lối thì Tổng họi CSQG/VNCH là một lực lượng chống Cộng sản và hỗ trợ cuộc đấu tranh chung vì tự do dân chủ và nhân quyền cho quê hương Việt Nam.


Đã 37 năm qua, kể từ ngày chính thể VNCH sụp đổ. Tình hình thế giới đã thay đổi. Đường lối đấu tranh để mang lại tự do dân chủ cho quê hương, cũng cần phải khác hơn sách lược chiến đấu Việt cộng của 37 năm về trước.


Tổng hội CSQG/VNCHđã theo sát diễn tiến của tình hình thế giới và trong nước, để có đường lối hoạt động vừa trung thành với lý tưởng Tự Do, vừa không đi ngược lại xu thế của thời đại.


Tổng hội CSQG/VNCH chủ trương hợp tác với các đoàn thể Quốc gia trong cuộc đấu tranh chung nhằm giúp đồng bào quốc nội sống trong một một chế độ tự do, pháp trị không Cộng sản……………………”


Nối tiếp diễn giả Thẩm Phán TS Trần An Bài (cựu Giảng viên học viện CSQC/VNCH) nói lên trình độ phải có của học viên khi được tuyển vào học viện. Ông nói về bổn phận, trách nhiệm… của một SQ/CSQG/VNCH. Và diễn giả Trần An Bài nhắc lại lời nói của thủ lãnh tối cao đương nhiệm của công an Việt cộng, khi ông ta đến thăm và bảo với thuộc cấp của mình rằng “… Các anh phải tôi luyện hồng và chuyên! Với xã hôi chủ nghĩa Công an là lá chắn để bảo vệ chế độ…”


Học Viện CSQG/VNCH (trường Đại học Cảnh Sát) huấn luyện và đào tạo những thanh niên ưu tú để giữ an ninh cho đất nước, bảo vệ an bình cho người dân, cho gia đình và bảo về lãnh thổ Việt Nam! Thì người công an Việt cộng đưọc đảng đào tạo ra để bảo vệ chế độ!
Có thời gian kẹt lại sau ngày Cộng sản và Việt cộng cưỡng chiếm miền Nam (30 tháng 4 năm 1975). Dân Việt ai cũng biết ít nhiều về việc ăn nói hàm hồ, lật lộng, tráo trở, gian xảo… của bọn Việt cộng rồi. Nhưng mọi người không thể ngờ Cộng sàn đồng nhứt trí từ trên xuống dưới: “Đào tạo công an là để bảo vệ chế độ”! Cho nên khi nước Việt rơi vào tay Việt cộng, thì lãnh đạo Cộng sản Việt Nam giàu nứt đố vách! Và nước Việt nam bị ngoại bang chiếm lãnh hải lãnh thổ thì không có gì là lạ cả!


Cựu Giảng viên Trần An Bài, tiếp:
“Cách nay không xa lắm, chỉ mấy tuần nay thôi, chắc quý vị thỉnh thoảng đọc được tin tức trên báo chí truyền thông và trên Internet chúng ta đều biết: “Có một số công an của Việt cộng qua Mỹ học (đang học) 8 tuần. Sau 8 tuần trở về nước được cấp bằng Thạc sĩ!” …


Mèn ơi, sao mà Việt Nam ở dưới chế dộ Cộng sản sướng quá hén! Hèn gì sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay. Tiến sĩ, Thạc sĩ lềnh khênh ở đầu đường, xó chợ, đầy phố… đi đến đâu cũng có!


Mọi chuyện rồi cũng theo thời gian qua đi. Cộng sản và đám tay sai chiếm toàn lãnh thổ Việt Nam đã mấy mươi năm rồi! Giờ đây những người Quốc Gia Việt Nam bôn đào ra khỏi nước bằng mọi hình thức người nào cũng “Lục thập, Thất thập, Bát thập cỗ lai hy”Các anh gặp nhau trong Đại hội CSQG/VNCH hôm nay, ngoài tình đồng đội còn tình đồng hương, tình người nơi xứ lạ. Các anh chị bồi hồi xúc động tay bắt mặt mừng…


Có người lúc ở quê nhà chưa quen biết, thậm chí chưa một lần gặp gỡ. Giờ đây cùng cảm thông trong tình người xa xứ, họ tay bắt mặt mừng như quen biết và thân nhau từ lâu lắm… Rồi những mẫu chuyện buồn vui kể cho nhau nghe chuyện vui họ cuời giòn như tuôn ánh sáng, có chuyện buồn cùng ngậm ngùi thương cảm, đỏ mắt lệ mỏng hoen mi!


Trong dịp nầy, tôi gặp được một sư tỷ đồng môn học cùng Trung học Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ). Sư tỷ Tuyết Vân, ngày xưa là người đẹp nổi tiếng của trường tôi, cũng là kiều nữ của Tây Đô. Tỷ được người hùng Nguyễn Khắc Bình sớm rước đưa nàng về dinh.


Chúng tôi được biết anh chị Phan Tấn Ngưu (vợ chồng, Biên Tập Viên khóa I) bị giặc đày trong tù cải tạo phải dắt theo hai con, vì cháu còn bé nhỏ ở nhà không ai chăm sóc! Chị Nguyễn Thanh Thủy bị hành hạ tẩy nảo từ thể xác đến tâm hồn bao nhiêu là gian truân, đau đớn đọa đày mười mấy năm trời trong ngục tù cải tạo!


Và còn biết bao nhiêu nảo lòng thê lương, sau khi giặc tràn vào cưỡng chiếm miền Nam… mà người không Cộng sản phải gánh chịu!
Tôi chợt nhớ đến vợ chồng anh Đào Thanh Phong (anh Phong thuộc Khóa 1 Học Viện CSQG/VNCH) đến Mỹ theo diện H.O tạm cư ở thành phố Chicago. Đã 17 năm (mười bảy năm) anh bị đọa đày trong tù cải tạo từ Nam ra Bắc!


Thử hỏi Cao Xanh, kiếp con người sống được bao lâu? Ôi oan khiêng cay nghiệt! Họ làm gì nên tội? Phải chăng họ mang tội vì giữ gìn an ninh cho gia đình cho toàn dân và bảo tồn lãnh thổ Việt Nam? Trong dịp tình cờ biết được, chạnh lòng tôi đã viết cho anh chị Đào Thanh Phong, cho những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vì gia đình, vì tổ quốc khi sa cơ lâm vòng lao lý, tù đày của Cộng sản Việt Nam!
“………………………….
Giặc vào… cải tạo dãi dầu ba khổ!
Tủi nhục tột cùng, uất hận riêng mang
Thanh xuân theo mười bảy mùa lá đổ!
Hồn xác xơ trong lao ngục nhọc nhằn
Thư ba gởi từ trại tù Suối Máu
Sau tin về đày ải chốn Năm Căn
Ngày lao động và đêm đêm tẩy nảo
Nước độc rừng thiêng đỉa vắt muỗi mòng
Ba tù đày, nhà chỉ còn có mẹ
Đôn đáo sớm chiều cũng chẳng đủ ăn
Rừng Việt Bắc ba mõi mòn kiệt quệ
Mẹ héo hon trong năm tháng cỗi cằn
Đã mấy lần con lều thân vượt biển
Lỡ chuyến đò, giặc bắt nhốt “xà-lim”
Lo con ra tù, không còn vốn liếng
Gồng gánh gia đình vai mẹ nặng thêm!
Lời mẹ dặn, con khắc ghi tâm trí:
“…Học làm người dân tốt nước Việt Nam
Phải hãnh diện cha con tù Chánh trị
Hoàn cảnh nào… không thẹn với lương tâm”
…………………………………………..”
“Bà Trần Quan An, TS Hà V Hải, Ông bà Nguyễn Khắc Bình”
Theo cá nhân tôi biết, thường thì bất cứ một tổ chức nào, dù không phải là để gây quỹ, cũng luôn có thùng ủng hộ của khách đến tham dự. Thậm chí đã trả tiền cho phần ăn của mình rồi, vẫn có thùng ủng hộ! Và thùng ủng hộ luôn được đặt trên bàn ngay cửa lớn quan khách vào ra.


Tiền Đại hội CSQG/VNCH trưa hôm nay, do nhà hàng cung cấp phần ăn, uống có khoảng 200 người. Sáng vào tôi cố tìm kiếm thùng để tiềnủng hộ nhưng không thấy? Chánh Đại hội vào buổi chiều đãi có khoảng 500 quan khách ở một nhà hàng lớn. Nhưng cũng không thấy thùng ủng hộ (?) Ở cửa vào chỉ có bàn ghi tên quan khách đến, rồi mời vào chỗ ngồi, chớ không thu tiền! Khi vào chỗ ngồi tĩnh mĩnh tôi thấy có bao thư, mở bao thư thì chỉ có giấy để ghi tên người tham dự địa chỉ, điện thoại… và số tiền người tham dư tùy ý đóng góp bao nhiêu thì tự ghi vào!


Không thấy giá tiền cho mỗi phần ăn, tôi tìm một người trong ban tổ chức hỏi thăm. Được anh trả lời: “Ai góp bao nhiêu cũng được và xin ghi vào giấy…”


Tôi ngờ ngợ, một lúc sau hỏi người ngồi chung bàn:
-Hồi sáng tôi không thấy thùng tiền để khách ủng hộ. Bây giờ không để giá bao nhiêu cho một phần ăn? Rủi thiếu thì ban tổ chức làm sao, bộ có người lãnh trả hết hả? Hay tiền nguyệt liễm của hội viên?
Một anh ngồi trong bàn, có vẻ rành rọt cười mỉm chi bảo với tôi và cả bàn cùng nghe:
-Hội viên của hộ CSQG/VNCH ở Nam California, chúng tôi đặc biệt không có đóng tiền hội viên hàng tháng!
Vài người trong bàn chưng hửng, mở to mắt. Có người hỏi:
-Vậy tiền ở đâu các anh bù vào chỗ thiếu hụt, và chi dụng linh tinh cho hội mỗi khi có lễ lộc…?
Anh kia ôn tồn bảo:
- Chúng tôi chơi hụi tháng. Một phần hụi 300, 200 hoặc 100$, mỗi tháng sổ một lần ai vô mấy đầu cũng được không hạn chế. Đến tháng chúng tôi bắt thăm, tới phiên người nào hốt hụi thì đóng 50$ cho hội và 50$ để đãi những anh chị đã hoặc chưa hốt (tổng cộng người hốt hội đóng 100$). Có khi phần hụi 30 người, 40 người, 50 người và nhiều hơn. Người hốt hụi và chưa hốt hụi đều đóng mỗi tháng mỗi đầu hụi như nhau.
Trong bàn ai cũng vui vẻ, rồi bảo nhau đó là một sáng kiến rất hay đáng ca ngợi. Trong hội anh em có sự đoàn kết và tin tưởng lẫn nhau. Thật sự khó có hội đoàn hay đoàn thế nào thực hiện được như vậy.


Chúng tôi nhận thấy Đại hội CSQG/VNCHở Nam California năm nay. Trong hai buổi Tiền Đại hội, và Đại hội có đủ các cơ quan báo chí, truyền thông, truyền hình trong vùng và các vùng phụ cận tham dự.Hội CSQG/VNCH Nam California đã quy tụ hội viên ở địa phương và đại diện ở các tiểu bang, cùng ngoại quốc về tham dự rất đông trong ngày Đại hộikỷ niệm ngày CSQG 1 tháng 6 lần thứ 40 trong 50 năm thống nhất thành Lực Lượng CSQG/VNCH. Khách dự tiệc đại đa số trong mọi ngành nghệ xuất thân từ CSQG/VNCH, ít có binh chủng bạn.


Ban tổ chức vô cùng khéo léo với sự tiếp đón niềm nở,ân cần của các chị. Phần điều khiển chương trình Đại hội của các anh đã sắp xếp, thời gian từng phần một, từ diễn văn khai mạc, diễn giả nói chuyện, phát biểu ý kiến, và phần văn nghệ hết sức phong phú. Hai buổi tiền và Đại hội thời gian khít khao không thừa, không thiếu, khiến cho buổi họp mặt đông người trong không khí vui vẻ phấn khởi thắm tình đồng đội thân thương, đoàn kết, ấm nồng…


Trong ánh mắt sáng ngời ý chí phấn đấu quật cường, và niềm kiêu hãnh dâng lên của chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Các anh CSQG/VNCH như ngầm hứa hẹn một ngày trở lại đuổi sạch bóng phi nhân trên Quê Cha Đất Tổ.

California, mùa xuân 2012
Tệ xá Diễm Diễm Khánh An
DƯ THỊ DIỄM BUỒN
ĐT: (530) 822 5622
Email: This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it