Home Đời Sống Y Học Đói ăn rau, đau uống thuốc, nhưng tại sao người Mỹ không uống thuốc mà…nốc thuốc?

Đói ăn rau, đau uống thuốc, nhưng tại sao người Mỹ không uống thuốc mà…nốc thuốc? PDF Print E-mail
Tác Giả: Hồng Quang   
Thứ Bảy, 02 Tháng 10 Năm 2010 08:29

Dân tộc Mỹ là dân tộc vung tay quá trán, thích ‘cầu viện bên ngoài khi bên trong trục trặc trắc trở’, nhất là mục nốc thuốc, bạn xem ciné nhận thấy các tài tử uống thuốc như nhai kẹo, mỗi khi nhức đầu đau lưng chút đỉnh.

 
Chuyện của cậu con của chị Penny, cư dân của thành phố Boston,  quả thật là ly kỳ. Năm lên 13 tuổi, cậu bị chẩn đoán vướng vào một dạng ung thư. Mỗi lần đi thử test, cậu bé lại rên rỉ vì đau, nhưng may mắn đã có thuốc giảm đau Oxycontin.

Bộ não quả thật rất mê Oxycontin, nó làm đầu óc lâng lâng. Khi não mê thì nó bắt đầu nghiện, nhất là lúc con người phải đối đầu với những cơn đau khủng khiếp của ung thư. Khi lên 17 tuổi, bệnh ung thư của cậu con trai chị Penny giảm, nhưng cơn thèm thuốc Oxy của cậu không giảm.

Khi bác sĩ cắt thuốc Oxy, cậu tìm dến một thứ thuốc giảm đau khác, rất đáng sợ, để giảm cơn nghiện: heroin. Giờ đây chị Penny mỗi tối thứ hai phải đi họp với nhóm hỗ trợ Learn to Cope, chuyên cung cấp những lời khuyên cho các gia đình có thân nhân nghiện ngập.

Oái ăm nhất là khi Joanne Peterson, chủ tịch hội đoàn này, thở dài: “Giờ đây có khi Penny tâm sự là chị muốn con mình trở lại giai đoạn bị ung thư, để chị khỏi nhìn cảnh nó nghiện ngập!”

Đây là câu chuyện điển hình của thói ‘mê thuốc giảm đau’ ngày nay của dân Mỹ. Thật ra trên thế giới, dân tộc nào cũng có một giàn thuốc giảm đau, khi mà thiên nhiên, ngay từ thời mịt mù, đã cống hiến bao nhiêu lá, hoa, trái và các loại nấm có tác dụng gây mê tự nhiên trong hệ thần kinh và ngành dược từ bao đời nay đã chế tạo không biết bao nhiêu loại thần dược này.

Nhưng từ khoảng 2 thập niên nay, ngành dược ngày càng chú ý đến các chứng đau kinh niên và cấp tính, một loạt thuốc giảm đau ra đời, nào là fentanyl của thập niên 1990 chuyên trị đau do ung thư, rồi Oxycodone và Oxycotin, “hai nhà anh em” rất mạnh chuyên trị đau rộng hơn và Vicodin. Sau cùng là các loại Schedule I, II và III, trong đó Schedule I mạnh như heroin, không bao giờ được bác sĩ ra toa.

Tất cả các loại thuốc giảm đau có cái tên chung là opioids. Năm 1996 mỗi năm mỗi đầu người dân Mỹ tiêu thụ trung bình 73 mg, nhưng đến năm 2006, con số này đã vọt lên đến 329 mg. Một hình ảnh: thuốc methadone đã gia tăng đến gần 1200% doanh số bán ra từ năm 1997 đến 2006!

Vì thế hậu quả tất yếu là những cái chết do ‘overdose’. Năm 2007, cứ 100,000 dân thì lứa tuổi 45-54 tuổi có 23.5 đàn ông và 15 phụ nữ qua đời vì nốc quá nhiều thuốc giảm đau. Giới trẻ cũng giảm đau không kém: có 19.2 nam và 7.4 nữ trong lứa tuổi 25-34 đã mạng vong.

Từ năm 1999 đến năm 2007, có tổng cộng 27,658 người Mỹ chết do uống quá liều thuốc giảm dau (không phải do tự sát). Cần nhớ là vào năm 1990, con số như thế chỉ là khoảng 6,000, tức đã gia tăng thêm gần 5 lần.

Lần đầu tiên trong 15 tiểu bang và tại vùng thủ đô Washington D.C., con số người chết do uống quá nhiều thuốc đã vượt qua con số nạn nhân chết vì tai nạn giao thông và tại 3 tiểu bang, hai hình thức tử vong này ngang nhau.

Các bác sĩ đã “quá ư rộng rãi” khi kê toa cho thuốc giảm đau và đa số nạn nhân lại không phải là dân ghiền chuyên nghiệp mà lại trong lứa tuổi từ 35 đến 64 tuổi (lứa tuổi sau là ‘baby boomers’). Cathy Barber, thuộc đại học Y Khoa Havard, nhận xét: “Đau một chút là bác sĩ kê ra toa mỗi ngày uống Oxycontin trong 30 ngày, không nghiện sau đó mới là lạ!”

Dân tộc Mỹ là dân tộc vung tay quá trán, thích ‘cầu viện bên ngoài khi bên trong trục trặc trắc trở’, nhất là mục nốc thuốc, bạn xem ciné nhận thấy các tài tử uống thuốc như nhai kẹo, mỗi khi nhức đầu đau lưng chút đỉnh.

Chuyện trở thành “khôi hài đen” khi cô gái tên Evelyn, đang cai nghiện thuốc giảm đau ở trung tâm Hanley Center ở Florida, kể lại: “Trời thần ơi, cái ông bác sĩ đang nói chuyện điện thoại không cần hỏi tên của tôi là gì nữa, vừa biết tôi bị đau là viết xoèn xoẹt một toa thuốc giảm đau liền một khi!”

Ngay cả khi các loại opioids bung ra trong xã hội, từ trước đã có những cái chết quá nổi tiếng do ‘overdose thuốc’ rồi, như Marylin Monroe, Elvis Presley, Dorothy Dandridge, Michael Jackson, Anna Nicole Smith, Heath Ledger…

Người ta nói chỉ có hai loại người là có thể kiểm soát cơn dịch đau và dịch nốc thuốc này là các bác sĩ đừng “múa bút viết toa” và các bệnh nhân có ý thức “không bốc từng vốc thuốc”cho vào mồm nữa. Nhưng các chuyên gia âu sầu cho là cả hai có khi đã bị nghiện rồi, kẻ thì nghiện viết toa xoèn xoẹt và kẻ nhận toa nốc thuốc xồng xộc. Óc của họ tê liệt rồi!

Lạ hông, thuốc làm ra không cho toa để uống, chả lẽ đem ném xuống suối à, ô nhiễm môi trường lắm lắm! Nhưng nếu không ‘giải cứu’ họ thì tình hình sẽ ra sao? Vấn đề làm đau đầu quá, chắc phải đi tìm Oxycontin mất…