Home Đời Sống Xuân Tân Mão 2011 Trăm Tuổi Bạc Đầu Râu

Trăm Tuổi Bạc Đầu Râu PDF Print E-mail
Tác Giả: Chu Thập   
Thứ Ba, 01 Tháng 2 Năm 2011 16:19

Ngày Tết là “Ngày sinh nhựt chung” của mọi người.

Lúc còn nhỏ, mỗi năm đến dịp Tết, mẹ tôi thường dạy cho tôi một công thức phải học thuộc lòng để gọi là đi “mừng tuổi”. Được mặc quần áo mới, được mang giày hay xanh-đan ít nhứt một lần vào dịp đầu năm và nhứt là được lì xì, đứa trẻ nào mà chẳng thích đi “mừng tuổi”.

Sau khi thực tập một vòng trong nhà với ông bà, cha mẹ, các anh các chị và dĩ nhiên với cái túi cũng tương đối được rủng rỉnh, chúng tôi mới bắt đầu đi “xông đất” những gia đình bà con, láng giềng. Người đầu tiên mà lũ trẻ xóm giáo chúng tôi phải làm nghĩa vụ “chúc tết” là cha mẹ đỡ đầu. “Cha mẹ đỡ đầu” là người được cha mẹ nhờ “cầm đầu” đứa bé sơ sinh khi nó được mang đến nhà thờ để chịu phép rửa và gia nhập vào Giáo hội Công giáo. Chúng tôi còn gọi cha mẹ đỡ đầu là “vú bõ”. Ông “bõ đỡ đầu” của tôi đi lập nghiệp ở xa cho nên tôi được miễn lễ. Nhưng ở trong cái thôn làng mà mọi người đều có giây mơ rễ má với nhau, đi làm nghĩa vụ “mừng tuổi” hết một vòng từ đầu trên đến cuối xóm có khi cũng mất cả ngày mùng Một Tết. Dĩ nhiên, mặc dù đi làm nghĩa vụ, nhưng lũ trẻ chúng tôi không cảm thấy bị bó buộc và khổ sở như khi phải cắp sách đến trường hay đi học giáo lý. Trái lại là khác. Ai cũng cảm thấy vui sau một lần vào xông đất và đọc xong cái công thức “mừng tuổi”. Lũ trẻ vui vì được lì xì, mà tôi cũng nghĩ rằng người lớn càng vui hơn vì được “mừng tuổi”.

Bây giờ, bước vào cái tuổi thích ôn lại những kỷ niệm của tuổi thơ và nhớ chuyện “đời xưa”, tôi mới nhận thấy ông bà trong cái thôn làng nhỏ ở miền Trung chúng tôi  có một triết lý thật thâm thúy khi nghĩ ra hai chữ “mừng tuổi”. Ngày nay, theo văn hóa Tây Phương, người Việt nam ngoài cũng như trong nước đều biết mừng “sinh nhựt”. Đến ngày sinh mà không nhớ là cả một thiếu sót lớn lao, có khi còn dẫn đến cả thảm kịch gia đình nữa. Nhưng ngày xưa, có lẽ cha mẹ tôi cũng chẳng biết các ngài sinh vào ngày nào. Cùng lắm họ chỉ nhớ mình cầm tinh con vật nào đó trong 12 con giáp mà thôi. Ngay cả như tôi, mỗi lần tôi hỏi ngày sinh tháng đẻ chính xác của tôi thì cha mẹ tôi chỉ nói một cách lờ mờ vào khoảng cuối năm con chó. Dựa vào “biên bản thế vì khai sinh” mà kiểm chứng thì cũng chẳng đi tới đâu, bởi vì cũng như người tự xưng là “Bác Hồ”, cha tôi cũng chế cho tôi một ngày sinh tháng đẻ đại khái gần với khoảng cuối năm chó cho xong chuyện.

Điều quan trọng đối với ông bà ngày xưa không phải là ngày sinh tháng đẻ, mà là cái tuổi mà mình phải nhớ mỗi dịp Tết đến. Ngày để nhớ không phải là ngày sinh mà là ngày Tết. Ngày Tết là “Ngày sinh nhựt chung” của mọi người. Cứ đến Tết là thêm một tuổi. Riêng tôi, vì sinh gần cuối năm, cho nên mới có mấy tháng mà tôi đã được những hai tuổi. Cho nên “mừng tuổi” là phải!

Người dân làng tôi “mừng tuổi” bởi vì người có tuổi lúc nào cũng được kính trọng. Bất kể giàu sang hay nghèo hèn, thông minh hay đần độn, quan quyền hay bần cố nông…hễ có tuổi là hơn người khác. Có lẽ vì vậy mà lúc nhỏ, cứ mỗi dịp Tết đến, tôi cũng thường đưa cái tuổi “nhảy vọt” đến hai bước của tôi ra mà hù dọa mấy đứa trẻ khác. Cứ như nhiều tuổi hơn là mạnh hơn, giỏi hơn, đáng nể hơn vậy. Mà thật vậy, trong cái làng quê của tôi, cứ càng thêm tuổi là càng được trọng nể. Vào cái thời mà tuổi thọ trung bình của người Việt nam chưa quá 40, có những người chỉ mới 60 đã lên hàng cụ ông cụ bà hay bậc tiên chỉ đáng kính trong làng. Chính vì vậy mà hình ảnh của các cụ già râu tóc bạc phơ và lời dạy “kính lão đắc thọ” vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi cho đến bây giờ. Ngày nay, dù sống trong xã hội nào, tôi vẫn luôn xem tuổi già là một giai đoạn “thánh thiêng” trong cuộc sống con người. Với tôi, không cần biết tư cách của người đối diện, hễ hơn tôi một tuổi là người đáng tôi kính trọng.

Mỗi lần cầm trên tay một tờ báo tiếng Việt, tôi thường mở xem trước tiên các trang cáo phó và phân ưu. Tôi xem để đồng cảm trong nỗi mất mát chung của người Việt xa xứ, nhưng cũng để “mừng tuổi thọ” ngày càng cao của người Việt. Và dĩ nhiên, mỗi dịp Tết đến, niềm vui vì tuổi già ngày càng thọ của người Việt cũng như niềm kính trọng đối với tuổi già cũng luôn được khơi dậy trong tôi. “ Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu”, câu thơ này của ông Trần Tế Xương, dù có ý trào phúng đến đâu, cũng gợi lên niềm mong ước chân thực của người Việt nam: người Việt nam mong được sống thọ chứ không phải mong được “trường sinh bất tử” hay “cải lão hoàn đồng”.

Nhưng có lẽ không riêng gì người Việt nam, mà người Á đông nói chung cũng đều quý tuổi thọ hơn là sự trường sinh bất tử. Sự khôn ngoan mà tuổi già là một biểu tượng, được người Á đông tìm kiếm hơn là trường sinh bất tử. Có lẽ vì muốn đề cao sự minh triết ấy của tuổi già mà tác giả bộ “Tây Du Ký”, ông Ngô Thừa Ân, đã cho cái đám đệ tử “mất dạy” của Thày Tam Tạng là Tôn Hành Giả, Sa Tăng và Bát Giới “đại náo” tại Miếu Tam Thánh để quấy phá một nhóm đạo sĩ đang khấn vái cầu kinh để xin “nước trường sinh”. Nước “kim đơn để sống lâu” thì không thấy đâu, mà chỉ  toàn là “nước tiểu” của ba cái tên súc sinh này.

Nhưng thâm thúy hơn phải là câu chuyện cổ tích về “Suối Trường Sinh” của người Nhựt Bản. Chuyện kể rằng đảo Miya Jima của Nhựt Bản xưa kia là môt hòn đảo nổi tiếng linh thiêng. Dân ở đảo này hầu như không có quyền chết.

Trong số dân cư ngụ trên đảo có hai vợ chồng người tiều phu già, hết sức già. Họ được cả làng yêu mến và trọng nể. Ai nấy đều khen sự kiên nhẫn và lòng chung thủy của hai người. Cũng như mọi người, cuộc sống của cặp vợ chồng già này cũng được dệt bằng vô số niềm vui và nỗi khổ. Vui vì họ liên tiếp sinh được ba người con trai. Nhưng buồn khổ nhứt là cả ba người con trai này đều bị chết trong một ngày vì nghề đánh cá.

Trong tuổi già, hai người chỉ biết lấy sự kính yêu làm nguồn an ủi duy nhứt cho những ngày còn lại. Mỗi người đều muốn làm cho người kia bớt đau khổ. Dần dà tâm hồn họ được bình thản trở lại. Hai cụ già thường nghiền ngẫm câu nói quen thuộc của người Nhựt: “Khi hoa anh đào đã tàn, không phải lấy sự tiếc thương mà làm cho hoa nở lại được.”

Giờ đây, hai ông bà đã già lắm; họ già như những con đồi mồi cổ kính. Người chồng thì da nhăn nheo, chân tay run lẩy bẩy trong khi tóc và lông mày của người vợ cũng đã rụng nhẵn. Người dân trong đảo thường gặp hai ông bà bước đi chậm rãi, theo phong tục của người Nhựt, chồng đi trước vợ đi sau. Nhìn chung, mọi người trên đảo đều nhìn nhận rằng đây là một cập vợ chồng già hạnh phúc. Họ biết gác ra ngoài những nỗi khốn khổ của loài người để hưởng cuộc sống yên tĩnh, an bình và tình yêu đối với nhau.

Dù vậy, họ vẫn còn một mối sầu vương vấn trong tâm hồn. Ai cũng nghĩ rằng: nếu có một người phải ra đi trước thì kẻ ở lại phải đau khổ biết chừng nào. Nghĩ như thế cho nên họ mơ ước được còn trẻ để sống bên nhau lâu dài hơn; đời sống của họ sẽ trở nên thơ mộng biết bao!

Thế rồi, một ngày mùa Thu nọ, không rõ do một sự thôi thúc huyền bí nào đó, người chồng đi về phía rừng một mình. Đây là nơi mà trước kia ông đã từng làm nghề đốn củi. Giờ đây, ông chỉ muốn nhìn lại cây cối một lần trước khi nhắm mắt lìa đời. Nhưng khi đến nơi, ông không còn nhận ra phong cảnh ngày xưa nữa. Ngay cửa rừng, ông không còn thấy cây phong to lớn, với lá đỏ nổi bật giữa đám thông xanh mỗi khi mùa Thu đến nữa.

Sau một hồi đi bộ, ông lão cảm thấy khát nước. Thấy có dòng suối trong xanh ngay cạnh lối đi, ông liền đưa tay vốc nước lên và uống. Liền sau đó, nhìn bóng mình trong dòng suối, ông không còn nhận ra mình nữa: tóc ông trở nên đen nhánh, mặt không còn lấy một vết nhăn và các bắp thịt săn chắc lại. Ông thấy mình biến thành một chàng thanh niên tuổi đôi mươi. Thì ra, ông lão đã vô tình uống nước nơi nguồn suối “trường sinh”.

Khỏe mạnh, vui tươi, đầy nhựa sống, con người “cải lão hoàn đồng” hay “trẻ mãi không già” này cảm thấy thơ thới, yêu đời và vội vã trở về. Thấy có người thanh niên bất thần xuất hiện trong nhà, bà lão sợ hãi đến chết đứng.

Nhưng sau khi được người chồng giải thích, bà lão cảm thấy sung sướng hơn ai hết. Thế là ngày mai, bà cũng vào rừng để uống cho bằng được nước suối trường sinh ấy. Nhưng bà đi mãi mà không bao giờ trở về. Không biết điều gì đã xảy ra cho vợ, người chồng liền chạy vào rừng. Người thanh niên nghe thấy tiếng nước suối chảy, mà không thấy vợ mình đâu cả.  Bỗng có một tiếng rên nho nhỏ từ đâu vọng lại. Anh đi đến gần bờ suối và ngạc nhiên vô cùng khi thấy giữa một đám cỏ cao có một đứa bé con chừng vài tháng đang giơ tay về phía anh với vẻ thất vọng. Đôi mắt êm dịu của đứa bé cho anh biết đấy chính là vợ anh. Thì ra, đã được trẻ lại, người vợ còn muốn trẻ hơn chồng cho nên đã uống quá độ và biến thành một hài nhi.

Người chồng buồn bã bồng đứa bé lên và đưa về nhà. Nước suối trường sinh đã cướp mất người vợ của anh và cũng lấy đi niềm vui được sống bên nhau của đôi vợ chồng già. (xem Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Cái Cười của Thánh nhân)

Người nghĩ ra câu chuyện cổ tích trên đây có lẽ muốn nhắn gởi với chúng ta rằng tuổi nào cũng có cái vẻ đẹp và giá trị riêng của nó. Cách riêng, tuổi già là tuổi đáng “mừng” và trân quý nhứt.

Về điểm này, tôi rất tâm đắc với những suy tư của một người Á đông nổi tiếng là ông Lâm Ngữ Đường. Ông đưa ra nhận xét rằng Tây Phương và Đông Phương đều có quan niệm và thái độ giống nhau về một số vấn đề cơ bản như quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa cha mẹ và con cái, về tự do cá nhân, về dân chủ, về quan hệ giữa nhà cầm quyền và dân chúng. Nhưng theo ông, quan niệm và thái độ của người Tây Phương và Đông phương đối với người già và tuổi già thì hoàn toàn khác hẳn. Ở Á đông, đặc biệt là tại các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, khi hai người mới quen nhau, sau khi hỏi tên họ nhau rồi, họ liền hỏi tuổi của nhau. Chắc chắn đây là một điều cấm kỵ đối với người Tây Phương. Sở dĩ người ta tránh hỏi tuổi nhau là bởi người ta sợ “tuổi già” và cũng sợ cả người già. Tại Trung Hoa, những ông lão hành khất, râu tóc bạc phơ cũng được đối đãi một cách đặc biệt. Càng thêm tuổi thì càng tổ chức “ăn mừng” trọng đại hơn.

Ông Lâm Ngữ Đường  còn đưa ra một nhận xét khác khá lý thú về xã hội Mỹ. Theo ông, sở dĩ người già ở Mỹ vẫn tiếp tục làm lụng hăng hái là vì họ theo chủ nghĩa cá nhân một cách thái quá; họ muốn độc lập vì cho rằng nhờ vả con cái là một tủi nhục. Tác giả viết rằng trong rất nhiều quyền cơ bản của con người được ghi vào Hiến Pháp Hoa Kỳ, có một quyền không được nhắc đến đó là quyền “được con cái phụng dưỡng”. Ông lập luận rằng nếu cha mẹ đã làm việc để nuôi dạy con cái, đã mất ăn mất ngủ khi chúng đau ốm, đã phải nuôi nấng chúng trong một phần tư thế kỷ, thì tại sao khi về già họ lại không có quyền được con cái phụng dưỡng?

Ngày nay, nhứt là khi đang sống trong các xã hội Tây Phương,có lẽ nhiều người không đồng ý với quan niệm về “quyền được con cái phụng dưỡng” do ông Lâm Ngữ Đường đề nghị. Nhưng  cái nhìn về tuổi già của ông thì thật là thâm thúy: “Điểm quan trọng là ai cũng muốn sống lâu và nếu trời cho sống lâu thì sẽ tới một thời phải già…Ta phải tổ chức đời sống của ta như thế nào để thời kỳ vui vẻ nhất trong đời sẽ thuộc về tuổi già ở trước mặt ta, chứ không thuộc về tuổi thơ ở sau lưng ta…Đã không chống nổi với luật tự nhiên thì sao chẳng thuận theo tự nhiên mà hưởng lạc trong tuổi già?”(Lâm Ngữ Đường, Một Quan niệm về Sống Đẹp, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, trg 173)

Với quan niệm “kính lão đắc thọ”, tôi xin được trở lại làm đứa trẻ nhỏ như mấy chục năm trước, trông chờ ngày Tết, mang giày mới, áo mới, tóc tai sạch sẽ, theo “công thức” mẹ dạy, khoanh tay, cúi đầu “mừng tuổi” tất cả các vị cao niên Việt nam trong và ngoài nước: “Dồi dào sức khỏe, tâm hồn an lạc và sống lâu trăm tuổi.”