Home Đời Sống Tôn Giáo Thần Học Liên Đới Đức Tin

Thần Học Liên Đới Đức Tin PDF Print E-mail
Tác Giả: TS.Lê Đình Thông   
Thứ Ba, 21 Tháng 2 Năm 2012 21:58

Năm Liên đới Đức tin của Tổng giáo phận Paris và Giáo xứ Việt Nam tại Paris là cơ hội để cộng đoàn giáo xứ cùng tìm hiểu ý nghĩa thần học của liên đới đức tin.

- Liên đới (連帶) là muốn nhấn mạnh đến chiều kích Giáo hội và cộng đoàn của Đức tin (dimension ecclésiale et communautaire de la vertu de foi). Vì vậy, trong La foi comme vie communiquée, ĐHY Henri de Lubac nói đến đức tin của Hội thánh (fides ecclasiastica);

- Đức tin (德信): Tin (πιστις) được nói đến 244 lần trong Tân ước. Khi nói đến đức tin (vertu de foi) là muốn nói đến nhân đức đối thần (vertu théologale) hướng về Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói đến nhân đức này trong các thánh thư, nhất là thư 1 gửi tín hữu Côrintô (1 Cr 13, 13).

 1) Đức tin ki tô học:

Cơ sở thần học liên đới đức tin là cuộc đời Chúa Kitô; ta nói đến đức tin Kitô học (foi christologique) Trong bữa tiệc ly, Chúa Kitô lập giao ước mới là phép Thánh thể. Đức tin được loan truyền là nhờ hoạt động tông đồ, các phép bí tich, kinh sách và việc giảng dạy. Liên đới đức tin là cơ sở của sự hiệp thông giữa hai chiều kích của cây thánh giá; chiều dọc: đối thần, và chiều ngang: liên đới trong Giáo hội, giữa các tín hữu với nhau, giữa các tín hữu và chủ chăn.

Đức tin được nhận biết qua việc tuyên xưng đức tin trong cộng đoàn; mỗi tín hữu trở thành một chi thể, một thành phần của dân Chúa trong lòng Giáo hội, được định nghĩa là cộng đoàn phổ quát, xây dựng trên đức tin (une communauté universelle fondée sur la foi).

Bí tích rửa tội chính là tuyên xưng đức tin, hay nói rộng ra là hình thức cơ bản của liên đới đức tin: người tân tòng trở thành một chi thể của Giáo hội: Chỉ có một Chúa, chỉ có một đức tin, chỉ có một phép rửa.’’ (Ep 4,4). Ba điều ‘‘chỉ có’’ gắn bó khăng khít từ một Thiên Chúa. Nhờ phép rửa, ta chết đi cùng với việc tử nạn của Chúa Kitô và sống lại trong cuộc sống mới đời đời. Trong nghi thức tiếp nhận dự tòng, vị chủ tế hỏi ứng viên rửa tội:

Chủ tế: Ông (bà, anh, chị, em, con) xin gì cùng Hội Thánh Chúa ?

Người chịu phép: Thưa con xin Ðức Tin.

Chủ tế: Ðức Tin sinh ơn ích gì cho ông (bà, anh, chị, em, con) ?

Người chịu phép: Thưa Ðức Tin đem lại cho con sự sống đời đời.

Nhờ phép thánh tẩy, chúng ta làm chứng cho đức tin. Phúc âm nói đến phép rửa bằng nước, vì nước là nguồn gốc sự sống. Trong Cựu ước, tàu Nô ê tiên báo ơn cứu độ. Việc người Do thái vượt qua biển Đỏ có nghĩa là sự sống chiến thắng điều xấu xa, từ nô lệ đi tìm tự do, đến miền đất hứa. Với phép rửa ta, trở thành người mới, hướng đến sự sống vĩnh cửu: Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, và làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. (Mt 28,19).

2) Ba nhiệm vụ cụ thể của liên đới đức tin:

Khi xức dầu rửa tội, người tín hữu tham dự vào ba nhiệm vụ: tư tế (fonction sacerdotale), tiên tri (prophétique) và vương giả (royale): Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người. (1 Pr 2,9). Thánh Augustinô đã diễn giải thánh vịnh 26 về nhiệm vụ vương giả của vua David như sau: Vua David lãnh nhận xức dầu vương giả. Vào thời cựu ước, David được xức dầu và đón nhận vị vua và thượng tế, báo trước vị vua và thầy cả thượng tế là Đức Giêsu Kitô. Danh hiệu Kitô cực thánh là do chữ Hy lạp χριστός (Christos) có nghĩa là đấng được xức dầu. Chúng ta là chi thể của Ngài, chúng được xức dầu giống như Ngài. Trong cựu ước chỉ có hai nhân vật được xức dầu thánh. Trong tân ước, tất cả các tín hữu đều được xức dầu (christi).

Ÿ Nhiệm vụ tư tế (office sacerdotal) mời gọi tín hữu hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. (Rm 12,1). Cơ sở thần học tông đồ giáo dân chính là việc tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Kitô: Đức Giêsu là Sứ giả, là Thượng tế, là Trung gian cho chúng ta tuyên xưng đức tin. (Dt 3,1). Tân ước minh chứng Hội thánh và mỗi chi thể tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô cũng như các nhiệm vụ khác (tiên tri, vương giả). Hiến chế Ánh sáng muôn dân (Lumen gentium) đã nhắc lại giáo huấn của thánh Phaolô:

- Không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận đều đau. nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. (1 Cr 12,25-26)

- Tôi đã trở nên người phục vụ Hội thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã ủy thác cho tôi: tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn. (Cl 1,25)

Ÿ Nhiệm vụ tiên tri của tín hữu (office prophétique des fidèles) là làm chứng cho đức tin từ lời nói đến việc làm trong cuộc sống. Tiên tri do tiếng Hy lạp προφήτης có nghĩa là giảng viên. Trong liên đới đức tin, người tín hữu hiệp nhất với Đức Kitô là ‘‘vị ngôn sứ vĩ đại’’ (Lc 7,16), làm chứng việc Đức Kitô sống lại: Ta sẽ đổ Thần khí ta trên hết thẩy người phàm, con trai con gái các người sẽ trở thành ngôn sứ. (CV 2,17). Mỗi người đều được mời gọi để phát huy lời hằng sống trong cuộc sống thường nhật, trong gia đình, ngoài xã hội.

Ÿ Nhiệm vụ vương giả (office royal): Người tín hữu được mời gọi thông phần vào nhiệm vụ vương giả để mở mang Nước Chúa: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han. (Mt 25,34-36). Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất ở đây, là các người đã không làm cho chính ta vậy. (Mt 26,45). Để làm tròn nhiệm vụ vương giả, trước hết người tín hữu là người có tinh thần trách nhiệm với anh em, với cộng đoàn.

3) Đức tin đối thần:

Liên đới Đức tin được biểu hiện qua việc cộng đoàn cùng đọc kinh Tin kính. Kinh Tin kính, tín biểu các thánh tông đồ (Symbole des Apôtres), cũng như trong kinh Tin kính của công đồng Nicée-Constantinople đọc trong Thánh lễ, là tuyên xưng: Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Thánh Augustinô và các Giáo phụ giải thích trẻ em chịu phép rửa tội là nhờ Hội thánh ban ơn. Các nhà thần học sau thánh Thomas d’Aquin cho rằng nhờ phép rửa tội, các tín hữu trưởng thành, đặc biệt là người đỡ đầu, nhận ân sủng đức tin, thực tại hóa (actualiser) đức tin để mang đến cho trẻ em lãnh nhận phép rửa tội. Theo nhà thần học Ratzinger (ngày nay là Đức Bênêdictô XVI), ‘‘Nhờ kinh Tin kính, Hội thánh hiệp nhất trong cảm nghiệm chung về đức tin, nhờ vậy có một tri thức chung (entendement commun)’’ (Principles of Catholic Theology).

Là chiều kích cộng đoàn (dimension communautaire), đức tin luôn hoạt động: Và trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ tới những việc anh làm vì đức tin hoạt động (foi active). (1 Tx 1,3). Như vậy, liên đới đức tin là đức tin hành động (foi agissante). Nhà thần học Henri de Lubac phân biệt giữa fides quae creditur (nội dung đức tin công giáo) và fides qua creditur (hành động đức tin đối thần).

Đức tin là nhân đức đối thần: ta tin vào Chúa và những lời Người đã phán dạy và mặc khải, cũng như Hội thánh giảng dạy. ‘‘Và để người ta hiểu biết mạc khải sâu xa thêm, chính Chúa Thánh Thần không ngừng ban các ân huệ mà kiện toàn đức tin’’ (Hiến chế Dei Verbum: Tín lý về mặc khải của Thiên Chúa (DV5). Liên đới Đức tin giúp mỗi người nhận biết thánh ý Chúa: Người công chính sống trong đức tin (Rm 1,17). Chỉ có đức tin hành động qua đức ái (Gl 5,6). Sự liên đới của đức tin được biểu thị một cách cụ thể qua đức cậy và đức mến: Đức tin không có hành động là đức tin chết. (Gc 2,26).

Kết luận:

Liên đới Đức tin là thực tại hóa đức tin trong các sinh hoạt mục vụ của cộng đoàn. Trong năm Liên đới Đức tin, Giáo Xứ Việt Nam tại Paris mời gọi mỗi tín hữu suy niệm và thực hiện giáo huấn của thánh Phaolô: Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. (1 Cr 13,7). Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến. (1 Cr 13,13). Vì vậy, ngoài ba nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương giả, mục vụ liên đới đức tin của Giáo xứ còn chú trọng đến việc thể hiện các nhân đức đối thần: tin, cậy, mến trong sinh hoạt cộng đoàn, qua một số công việc bác ái chung.

Giáo xứ, chủ nhật 19 tháng 2 năm 2012