Home Đời Sống Tôn Giáo Buổi tưởng niệm và thánh lễ Giỗ 10 năm Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Buổi tưởng niệm và thánh lễ Giỗ 10 năm Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguoi-Viet.com   
Chúa Nhật, 13 Tháng 11 Năm 2011 07:05


Mùa Hè đã qua, trời bắt đầu bước vào tháng 9 làm cho thời tiết San Diego dịu mát với những cơn gió nhè nhè của khí hậu miền ven biển Nam Cali.

 Hôm nay cộng đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận San Diego tổ chức thánh lễ giỗ 10 năm cho Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Dù chưa đến giờ cho buổi lễ nhưng mọi người đã tề tựu đông đủ tại thánh đường Giáo xứ Chúa Thánh Linh để chuẩn bị cho những nghi thức tưởng niệm và thánh lễ.

Cũng trong ngôi thánh đường này, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam San Diego đã được hân hạnh tiếp đón Đức Cố Hồng Y khi ngài còn tại thế. Thời gian thấm thoát đã hơn 10 năm trôi qua, nhưng lòng người San Diego vẫn luôn ghi nhớ những hình ảnh yêu thương và những lời giảng đơn sơ chân tình mà Đức Cố Hồng Y gieo vào tâm khảm của mọi người dân Chúa tại đây. Với tấm lòng yêu mến và tri ân Đức Cố Hồng Y, giáo dân thuộc năm cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Giáo Phận San Diego hôm nay về đây để cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho giáo hội Việt Nam một vị Hồng Y lỗi lạc và cũng cầu xin cho tiến trình phong Chân Phước cho ngài được mau chóng thành tựu, để toàn thể giáo hội tôn vinh ngài.

Chương trình tưởng niệm Đức Cố Hồng Y bắt đầu bằng một đoạn phim ngắn được chiếu lên với những hình ảnh thu thập trong cuộc đời của ngài, trải dài từ khi bắt đầu vào chủng viện cho đến khi qua đời. Với khuôn mặt thánh thiện của Đức Cố Hồng Y trong những bức ảnh và bài hát Con Có Một Tổ Quốc làm nền cho đoạn phim, đã mang lại cho mọi người niềm nuối tiếc không nguôi và đánh động tâm hồn người nghe, nhắc nhở mình là người Việt Nam luôn yêu mến quê hương tổ quốc.


Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Sau phần trình chiếu đoạn phim, linh mục quản nhiệm Cộng Đoàn Chúa Thánh Linh, cha Giuse Lại Văn Đoàn đã hướng dẫn cộng đồng vào chương trình cầu nguyện tưởng nhớ Đức Cố Hồng Y. Bằng giọng ấm cúng truyền cảm ngài đã đưa mọi người vào tâm tình yêu mến Mẹ Maria bằng cách lần Chuỗi Mân Côi. Lời kinh đơn sơ nhưng nói lên đầy đủ ý nghĩa của cuộc đời Mẹ Maria. Đó cũng là cách mà Đức Hồng Y đã đến với Mẹ Maria trong mọi giây phút của cuộc đời ngài.

Sau phần tưởng niệm Đức Cố Hồng Y là đến phần thánh lễ. Với sự hiện diện của các linh mục Việt Nam thuộc Giáo Phận San Diego: Cha Phêrô Lâm Hoàng Vũ, cha Giuse Lại Văn Đoàn, cha Giuse Hoàng Việt, cha Micae Phạm Minh Cường, cha Đôminicô Nguyễn Viết Đương, cha Giuse Phạm Văn Phiên, cha Giuse Lại Văn Khuyến. Trong thánh lễ hôm nay còn có sự hiện diện của Đức Ông Roger A. Lechner - cha sở giáo xứ Chúa Thánh Linh, và đặc biệt cha Phêrô Đỗ Quang Châu, ngài là nghĩa tử của Đức Cố Hồng Y cũng là chủ tịch của ĐCH Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận Foundation, cùng đến đồng tế.

Trong bài giảng của thánh lễ, cha Phạm Văn Phiên, quản nhiệm cộng đoàn Chúa Chiên Lành đã chia sẻ những linh đạo của Đức Cố Hồng Y mà chúng ta cần noi gương học hỏi và áp dụng trong đời sống đó là:

•Sống Hy Vọng: Cuộc đời Đức Cố Hồng Y luôn sống trong hy vọng, dù trong tù đày đau khổ, hay khi bệnh tật nguy cập cận kề cái chết. Ngài luôn hy vọng và tin tưởng vào Thiên Chúa và Mẹ Maria.Đúng như thế, chỉ có một niềm tin yêu phó thác hoàn toàn tuyệt đối vào lòng thương yêu của Thiên Chúa ĐHY Thuận mới có đủ sức mạnh vượt qua những đêm tăm tối dài đằng đẵng của 13 năm ngục tù và vẫn một lòng tín trung cho dù có những lúc thể xác mong manh với hơi thở tưởng chừng đứt quãng. Cuối cùng ngài đã biến bóng đêm của lao tù tỏa rạng thành ánh sáng của yêu thương, chia sẻ, hy vọng và kể cả tha thứ cho những người hành hạ ngài.
Qua đời sống trong hy vọng mà ngài đã viết được những cuốn sách nổi tiếng như: Đường Hy Vọng, Chứng Nhân Hy Vọng, Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng, Đường Hy Vọng Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Đồng Vaticanô II.

•Yêu mến Thánh Thể: Dù sống nhiều năm trong ngục tù, hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn nhưng ngài đã khôn khéo tìm cách để có rượu nho và bánh miến cử hành thánh lễ mỗi ngày. Ngài không cử hành thánh lễ với chén thánh, đĩa thánh nhưng trên lòng bàn tay của ngài. Thật tuyệt vời biết bao khi tình yêu mến Thánh Thể đã vượt qua mọi thử thách để không còn bị ràng buộc chi phối mà chỉ còn là tình yêu.•Tôn sùng Mẹ Maria: Nếu không yêu mến Mẹ Maria thì chẳng có ai để ý hoặc nhớ đến những ngày lễ kính nhớ Mẹ. Riêng Đức Cố Hồng Y, ngài đã nhớ rất rõ và ghi nhớ những dấu mốc của cuộc đời ngài đi liền với những ngày kính nhớ đến Mẹ Maria. Ngày ngài bị bắt vào ngục tù là ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, và ngày được ra tù là ngày lễ kính Đức Mẹ Đi Viếng Bà Thánh Isave (Elisabeth). Và những chuỗi ngày sống là những điểm chấm tuyệt hảo sống trong thánh thiện và tình thương bao dung quy về Thiên Chúa và Mẹ Maria.Cha đã kết thúc bài giảng bằng lời khuyên mọi người hãy sống Linh Đạo của Đức Cố Hồng Y và kêu gọi mọi người hãy cùng chung sức đóng góp cho công việc yểm trợ tiến trình Phong Chân Phước cũng như cầu nguyện cho vị Tôi Tớ Chúa được vinh hiển trên bàn thờ.

Sau phần thánh lễ, ông chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam San Diego đại diện cộng đồng để ngỏ lời cám ơn Đức Ông, quý cha cùng toàn thể cộng đồng dân Chúa đến tham dự nghi thức tưởng niệm và thánh lễ giỗ cho Đức Cố Hồng Y. Ông cũng kêu gọi cộng đồng tham gia chiến dịch đóng góp cho quỹ yểm trợ Phong Thánh ĐHY bắt đầu từ ngày hôm nay cho đến hết tháng 11.

Cha tuyên úy cộng đồng Micae Phạm Minh Cường cũng đã dùng ít phút để chia sẻ cảm nghiệm và tâm tình của ngài đối với ĐHY. Ngài cho biết ơn gọi linh mục của ngài bắt đầu bằng những học hỏi linh đạo của ĐHY. Chính linh đạo này đã hướng dẫn ngài tìm hiểu và dấn thân trên bước đường tiến đến thiên chức linh mục. Ngài kêu gọi các bạn trẻ hãy theo gương ĐHY qua cuộc đời và linh đạo của ngài để sống đúng đắn là một người Việt Nam và con cái Chúa trong giáo hội.

Một người ngoại quốc nhưng rất yêu mến Đức Cố Hồng Y đó là Đức Ông Roger A. Lechner. Chính Đức Ông là người đã thu thập nhiều chữ ký từ Hoa Ky và ở Việt Nam để đệ trình Tòa Thánh mở án Phong Thánh cho Đức Cố Hồng Y. Đức Ông đã nhận lãnh được nhiều ơn lạ qua việc cầu nguyện cùng Đức Cố Hồng Y và kêu gọi chúng ta hãy đến xin Đức Cố Hồng Y bầu cử vì ngài là vị Thánh. Đó là những tâm tình đơn sơ mà Đức Ông đã trao gửi đến mọi người tham dự thánh lễ.

Cuối cùng nghĩa tử của Đức Cố Hồng Y là cha Phêrô Đỗ Quang Châu đã chân thành cám ơn Đức Ông, quý cha và toàn thể Cộng Đồng Dân Chúa San Diego. Ngài rất vui mừng, cảm động vì những tâm tình của Cộng Đồng Công Giáo San Diego đối với ngài và đặc biệt là Đức Cố Hồng Y. Ngài cũng cho biết tiến trình xin Phong Chân Phước cho Đức Cố Hồng Y diễn tiến rất tốt đẹp và rất cần sự tiếp tay ủng hộ của mọi người, đặc biệt là người cùng chung dòng máu Việt Nam.

Thánh lễ đã kết thúc trong bầu không khí trang nghiêm, ấm cúng và mọi người ra về trong tâm tình phấn khởi vì biết chắc rằng Giáo Hội Việt Nam sẽ có một Hồng Y lỗi lạc sắp được Phong Thánh. Như lời tiên tri của một vị trong giáo triều Rôma phải thốt lên vào ngày 16 tháng 9 năm 2002: “Một vị Thánh đã qua đời”.

Để tiếp tục việc yểm trợ Quỹ Phong Thánh, cộng đồng đang tiếp nhận những đóng góp từ mọi giáo dân. Và đặc biệt ngày 11 tháng 11 tới đây. Giới trẻ Công Giáo San Diego kết hợp với BCH cộng đồng sẽ tổ chức một buổi gây quỹ tại nhà hàng Lucky Star với giá vé $25 và đang có bán tại các cộng đoàn để đóng góp vào quỹ yểm trợ Phong Thánh.

Xin cộng đồng dân Chúa hãy nhiệt tình ủng hộ. Được biết sẽ có một chương trình văn nghệ đặc sắc với sự hiện diện của ca sĩ Khánh Ly, Mỹ Hảo và linh mục nhạc sĩ Hải Đăng giúp vui cho buổi gây quỹ này.

Nguyện xin Thiên Chúa qua lời bầu cử của Đức Mẹ La-vang ban cho Tôi Tớ Chúa là Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận mau sớm được tôn vinh trên bàn thờ.
 
Vài nét chấm phá về Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
 
Sinh tại Phủ Cam, Huế ngày 17 tháng 4 năm 1928.
Ngài theo học tại Tiểu Chủng Viện An Ninh, Quảng Trị và Đại Chủng Viện Kim Long, Huế.
Ngày 11 tháng 6 năm 1953, ngài thụ phong linh mục và được bổ nhiệm là cha phó xứ tại họ đạo Phanxicô.

Năm 1956 ngài được cử đi học giáo luật tại Roma. Trong thời gian học tại ngoại quốc này, ngài có dịp tiếp xúc, sinh hoạt với các phong trào Đạo Binh Đức Mẹ, Hướng Đạo, Cursillos, Focalare. Các phong trào này ảnh hưởng đến đường lối hoạt động của ngài sau này: Một đường lối vừa siêu nhiên vừa nhân bản.

Năm 1959, ngài đậu bằng tiến sĩ giáo luật và trở về dạy tại Tiểu Chủng Viện Huế (lúc bấy giờ đặt tại Đại Chủng Viện Kim Long). Một năm sau ngài được cử làm bề trên tiểu chủng viện. Trong thời gian ngắn, ngài khởi công xây cất cơ sở mới và thành lập tiểu chủng viện Hoan Thiện ở ngay thành phố Huế, cạnh trường Thiên Hữu. Không lâu sau, ngài vừa là bề trên tiểu chủng viện Hoan Thiện vừa đảm nhận chức vụ tổng đại diên Tổng Giáo Phận Huế.

Ngày 24 tháng 6 năm 1967, ngài được tấn phong giám mục Nha Trang. Khẩu hiệu của ngài lấy lại tên của Hiến Chế (Gaudium et Spes) Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng Vaticanô, diễn tả hết sức trung thực nếp sống và đường lối mục vụ của ngài. Suốt thời gian làm mục tử Giáo Phận Nha Trang, ngài còn được trao các chức vụ:
-Chủ tịch Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội HĐGMVN (1967-1975).
-Chủ tịch Ủy Ban Phát Triển HĐGMVN (1967-1975).
-Cố vấn Ủy Ban Giáo Hoàng về Giáo Dân (1971-1978).

Ngày 23 tháng 4 năm 1975, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục hiệu tòa Vadesi, tổng giám mục phó tổng Giáo Phận Sài Gòn với quyền kế vị.
Ngày 15 tháng 8 năm 1975, Ủy Ban Quân Quản TP. Sài Gòn bắt giam ngài theo lệnh của nhà cầm quyền trung ương. Ngài bị giam giữ nhiều nơi khác nhau, cho đến ngày 23 tháng 11 năm 1988, nghĩa là hơn 13 năm tù đày, ngài được thả tự do. Trong thời gian bị giam giữ, có lúc ngài được nới rộng một chút như ở Cây Vông (Nha Trang), Giang Xá (Hà Nội), nhờ vậy ngài đã có thể viết lên một số kinh nghiệm sống đức tin, mục vụ, tu đức của ngài qua ba tập sách:

-Đường Hy Vọng (1975).
-Đường Hy Vọng Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Đồng Vaticanô II (1979).
-Những người lữ hành trên Đường Hy Vọng (1980).

Tuy được thả tự do trên giấy tờ, nhưng ngài còn bị quản chế và không được thi hành chức vụ giám mục của mình. Năm 1989, ngài được phép qua Roma chữa bệnh và được mời làm thành viên Ủy Ban Quốc Tế về Di Trú và Di Dân.

Ngày 8 tháng 4 năm 1994, Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm phó chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình.
Và ngày 24 tháng 6 năm 1998, ngài được bổ nhiệm là chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình.

Trong những ngày tháng ra khỏi tù, trước và sau khi nhận các chức vụ trong Giáo Triều Roma, TGM Nguyễn Văn Thuận đã liên tục (hầu như hằng tuần) đi đến các cộng đoàn các nước, các đại học, các cơ quan quốc tế cũng như các cộng đoàn đặc sủng để giúp tĩnhtâm, đào tạo và đôi lúc xây dựng tân cộng đoàn. Trong thời gian này ngài nhận được nhiều bằng cấp danh dự của các đại học, các huy chương quốc gia và quốc tế về cổ xúy và chứng nhân nhân quyền và hòa bình.

Tuy công việc bề bộn, ngài đã cho xuất bản một số sách không những bằng Việt ngữ mà được chuyển ra nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới như:
-Năm chiếc bánh và hai con cá.
-Cầu nguyện.
-Hãy trao tặng tuổi trẻ nụ cười.
-Niềm vui sống đạo.
-Sứ điệp Đức Mẹ La-vang.
-Chứng nhân hy vọng.

Ngày 20 tháng 8 năm 1998, tại Hoa Thịnh Đốn nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La-vang, ngài tuyên bố sáng lập Cộng Đoàn Đức Mẹ La-vang.
Đặc biệt, vào Mùa Xuân Năm Thánh 2000, ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chỉ định giảng phòng Mùa Chay Thánh cho giáo triều Roma.
Và ngày 21 tháng 2 năm 2001, ngài được Tòa Thánh phong tước vị hồng y.
Ngài tạ thế ngày 16 tháng 9 năm 2002 tại Roma và được an táng tại Vatican.