Home Đời Sống Tôn Giáo Vì sao Mỹ không cho VN vào sổ đen tôn giáo

Vì sao Mỹ không cho VN vào sổ đen tôn giáo PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC News   
Thứ Năm, 03 Tháng 11 Năm 2011 03:09

Cựu Đại sứ Michael Michalak gửi điện tín năm trang về Washington thuyết phục Bộ Ngoại giao không đưa Việt Nam vào sổ đen tôn giáo hôm 20/1/2010.

 


Đại sứ Hoa Kỳ nói Việt Nam đã trả lại nhà thờ và thánh địa La Vang cho người Công giáo

1. TÓM LƯỢC: Cách xử lý vụng về của Việt Nam trước những tình huống trong Tăng đoàn Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã và Giáo xứ Đồng Chiêm - nhất là việc sử dụng bạo lực quá mức - là đáng lo ngại và báo hiệu một đợt trấn áp nhân quyền lớn hơn trong giai đoạn trước Đại hội Đảng trong tháng Một năm 2011.

Tuy nhiên, những tình huống này chủ yếu là "tranh chấp đất đai", không phù hợp với tiêu chí luật định của Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế 1998, và không nên khiến chúng ta quên đi những tiến bộ đáng kể về mở rộng tự do tôn giáo mà Việt Nam đã đạt được kể từ khi được bỏ ra khỏi danh sách CPC [Nước cần Quân tâm Đặc biệt] hồi tháng Mười Một năm 2006.

Những tiến bộ này bao gồm công nhận và cho đăng ký hoạt động hàng chục tôn giáo mới, thực hiện khung pháp lý mới về tôn giáo và các chương trình đào tạo ở cấp địa phương và quốc gia.

Các cộng đồng Tin lành và Công giáo, bao gồm cả những cộng đồng ở miền Bắc và vùng Cao nguyên Tây Bắc, tiếp tục thông báo về những cải thiện cũng như các tín đồ đạo Hồi, Baha'i và Cao Đài ở các vùng khác nhau của Việt Nam.

Sự trấn áp tôn giáo có hệ thống và hàng loạt từ trước khi Việt Nam được đưa vào danh sách CPC hồi năm 2004 giờ không còn nữa.

Bởi vậy Đại sứ quán khuyến cáo Bộ Ngoại giao không đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC mà thay vào đó dùng các cơ hội tiếp xúc cao cấp nhằm gây sức ép để Việt Nam tiếp tục mở rộng tự do tôn giáo ở Việt Nam. HẾT TÓM LƯỢC.

Tình hình Trước khi Việt Nam bị Đưa vào CPC

2. Trước khi Việt Nam bị coi là Nước cần Quan tâm Đặc biệt vào năm 2004, việc trấn áp của chính phủ Việt Nam đối với một số tôn giáo là có hệ thống và rộng khắp và sự can thiệp chính thức vào các hoạt động tôn giáo là lệ thường.

Chính phủ Hoa Kỳ có danh sách của 45 cá nhân bị bỏ tù vì tín ngưỡng trong đó có tín đồ Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hòa Hảo và Cao Đài.

Hàng ngàn dân làng và những sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên đã bị hạn chế về tín ngưỡng và nhiều người bị buộc phải bỏ đạo.

Những tín đồ thường bị sách nhiễu và bạo hành. Hồi năm 2001, chính quyền đóng cửa gần như tất cả các cộng đoàn Tin lành và các điểm tụ họp không được thừa nhận ở Tây Nguyên.

3. Chính phủ Việt Nam cũng còn hạn chế việc mở các chủng viện mới và việc thụ phong linh mục của Giáo hội Công giáo.

Chính phủ cũng không ủng hộ việc Giáo hội Công giáo tham gia vào công tác từ thiện, chẳng hạn như cuộc chiến chống HIV/AIDS.

Những Cải thiện Trước khi Bỏ Quy chế CPC

4. Sau khi Việt Nam bị coi là nước CPC hồi năm 2004, cơ quan về dân chủ và tôn giáo thuộc Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán đã tạo ra lộ trình để giúp Việt Nam gỡ bỏ quy chế CPC.

Trong năm 2004 và 2005 - chỉ trong thời gian hai năm - chính phủ Việt Nam đã đưa ra những thay đổi rộng khắp đối với chính sách tự do tôn giáo bằng cách thực thi khuôn khổ pháp lý mới về tôn giáo mà theo đó việc cưỡng bức bỏ đạo bị cấm và công dân được trao quyền tự do tín ngưỡng hay không tín ngưỡng.

Việc vi phạm các quyền này bị cấm.

Chính quyền tổ chức nhiều chương trình đào tạo để đảm bảo các cấp tỉnh, huyện, xã và làng đồng loạt tuân thủ khuôn khổ pháp lý mới.

Các quan chức của chính quyền trung ương bắt đầu đáp lại những phàn nàn từ các nhà lãnh đạo tôn giáo về cách mà cấp địa phương đối xử với họ.

Người theo đạo tin lành ở khắp miền Bắc cũng thông báo về sự cải thiện trong thái độ của quan chức đối với tôn giáo và thực thi tín ngưỡng.

5. Tại miền Bắc và Cao nguyên tây Bắc, người theo Phật giáo, Công giáo, Tin lành và cả chính phủ đều thông báo về sự gia tăng các hoạt động tôn giáo và sự tuân thủ quy định.

Hơn 1.000 "điểm hội họp" của Hội Thánh Phúc Âm Nam Việt Nam và những nơi cầu nguyện của các tổ chức tôn giáo khác tại Tây Nguyên đã được đăng ký, bao gồm cả ở tỉnh Gia Lai nơi việc đăng ký đã hợp pháp hóa 75.000 người theo đạo ở tỉnh.

Có 76 cộng đoàn Hội Thánh Phúc Âm Nam Việt Nam được công nhận ở Tây Nguyên và tham gia vào các hoạt động tôn giáo thường xuyên, trong khi 29 cộng đoàn Hội Thánh Phúc Âm Việt Nam đã được đăng ký ở miền Bắc và Cao nguyên Tây Bắc.

6. Khung pháp lý mới tạo điều kiện đào tạo hàng trăm tăng lữ Công giáo và Tin lành mới, bao gồm cả 71 mục sư Hội Thánh Phúc Âm Việt Nam ở Tây Nguyên.

Tại Hà Nội, 57 linh mục Công giáo được thụ phong trong buổi lễ công khai.


Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội nói tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam đã cải thiện nhanh

Các linh mục Công giáo khác, bao gồm cả chín linh mục ở Đắk Lắk, được thu phong trên toàn quốc.

Một trung tâm đào tạo Công giáo của Hội Thánh Phúc Âm Nam Việt Nam được thông qua và khai trương tại thành phố Hồ Chí Minh và một chủng viện mới được Giáo hội Công giáo khai trương trong năm 2006.

7. Trên toàn quốc, bao gồm cả Tây Nguyên và Tây Bắc, các tổ chức tôn giáo được chính thức thừa nhận thông báo rằng họ có thể hoạt động công khai và những tín đồ cho biết họ có thể cầu nguyện mà không bị sách nhiễu.

Những tôn giáo không được công nhận, chẳng hạn đạo Baha'i, nói các tín đồ của họ không bị sách nhiễu và chính quyền tạo điều kiện để họ hợp pháp hóa các hoạt động.

Và cuối cùng, toàn bộ các nhân vật mà Hoa Kỳ nêu ra với phía Việt Nam với tư cách tù nhân lương tâm vì các lý do có liên quan tới tín ngưỡng đã được trả tự do tính tới tháng Chín năm 2006.

Cải thiện kể từ khi bỏ quy chế CPC Tháng Mười Một 2006

8. Trong khi việc thực hiện khuôn khổ pháp lý chưa đồng đều, tốc độ tiến bộ vẫn tiếp tục nhanh.

Kể từ năm 2006, Nhà nước Việt Nam tuyên bố công nhận trên toàn quốc hoặc cho đăng ký đối với 16 giáo hội trong đó có Hội Thánh Mennonite, Bahai'i và Hội Hồi giáo Bani.

9. Thành phố Hồ Chí Minh đã cho đăng ký ít nhất 91 nhà thờ Tin lành tại gia, phục vụ 7.225 tín đồ từ các dòng khác nhau được thành lập trước và sau năm 1975.

Những nhóm này bao gồm cả những người theo hệ phái Ngũ Tuần, Chính Thống, Giê-hô-va, Baptist.

Ngoài ra tất cả các "điểm hội họp" ở Tây Nguyên trước đây bị đóng nay đã đều mở lại với tổng cộng 1.700 điểm hội họp và 150 cộng đoàn được đăng ký.

Hội Thánh Phúc Âm Nam Việt Nam nói việc đào tạo mục sư tiếp tục được tổ chức ở Đắk Lắk và Gia Lai và họ đã không còn thiếu mục sư ở Tây Nguyên như trước.

10. Các nhà thờ mới được đăng ký ở Tây Bắc đưa tổng số cộng đồng Phúc Âm Việt Nam lên 168.

Hội Thánh Phúc Âm Việt Nam cũng được phép xây nhà thờ mới đầu tiên trong hàng chục năm qua tại Lạng Sơn vào tháng Mười Một năm 2008.

Nhà Thờ là nơi cầu nguyện của người Dao đỏ và cũng là của cộng đoàn người H'mong mới đăng ký.

11. Ngoại trừ những tranh chấp đất đai đang tiếp diễn, Giáo hội Công giáo tiếp tục thông báo về những cải thiện trong lĩnh vực tụ họp và cầu nguyện trong khi chính quyền nới lỏng hạn chế đối với việc bổ nhiệm tăng lữ.

Trong chuyến thăm của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ hồi năm 2007, một linh mục nói trong quá khứ Giáo hội phải chờ sự chuẩn thuận của chính quyền trước khi tấn phong linh mục.


Đại sứ quán Hoa Kỳ xem cuộc gặp của ông Triết với Giáo hoàng phản ánh sự cải thiện tự do tôn giáo ở Việt Nam

Nhưng nay Giáo hội đưa lên danh sách và chính quyền có 30 ngày để tuyên bố họ có đồng ý hay không.

Linh mục này nói Chính phủ Việt Nam chỉ phản đối một trường hợp nhưng do phản đối của Chính phủ được đưa ra sau thời hạn 30 ngày nên Giáo hội vẫn tiếp tục với lựa chọn của mình mà không gặp phản ứng bất lợi nào.

Trong năm 2008, các quan chức Việt Nam trả lại nhà thờ và thánh địa La Vang, điểm hành hương Công giáo quan trọng nhất ở Việt Nam.

Chính quyền cũng có quan điểm linh hoạt hơn đối với hoạt động từ thiện của Giáo hội trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS và các hoạt động xã hội khác.

Vào tháng Mười Hai năm 2009, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã gặp Giáo hoàng Benedict XVI ở Vatican trong cuộc gặp mà Tòa Thánh coi là "sự kiện quan trọng trong tiến bộ của quan hệ song phương với Việt Nam."