Một Đề Nghị Đơn Giản Dành Cho Người Bắt Đầu Đọc Thánh Tôma |
![]() |
![]() |
![]() |
Tác Giả: Otto Hermann PESCH | |||||
Chúa Nhật, 27 Tháng 6 Năm 2010 10:25 | |||||
Otto Hermann PESCH từ sau luận án về Thần học Công Chính Hóa của Lu-te và Tô-ma A-qui-nô năm 1965, đã không ngừng xuất bản những khảo cứu khoa học sâu sắc về Lu-te và Tô-ma A-qui-nô, và về những vấn đề "Thần học đang được thảo luận"... Trong phần phụ trương cuốn THOMAS D'AQUIN, grandeur et limites de la théologie médiévale, do J.Hoffmann dịch từ nguyên bản tiếng Đức, trong bộ Cogitatio fidei của NXB Les Éd.du Cerf, Paris, năm 1994, Otto Hermann PESCH đã đưa ra một đề nghị giúp học hỏi tư tưởng của Thánh Tô-ma.
Các sử gia có một qui luật khắt khe (cuồng tín) như sau : đọc 25 bản văn nguyên bản của chính tác giả thì quan trọng hơn là chỉ đọc một bài nghiên cứu về các bản văn nguyên bản. Tôi coi qui luật đó là một sai lầm, vì như thế dễ làm mất đi ngay từ khởi đầu mọi hứng thú tìm về các nguyên bản, đặc biệt khi nói về Thánh Tô-ma. Trước khi ta bắt đầu thực sự hiểu được các nguồn mạch, trong mọi trường hợp cần một sự chuẩn bị về ngôn từ, tiểu sử, cũng như lịch sử diễn tiến của các luồng tư tưởng, của triết lý và thần học. Không cần phải dày công chuẩn bị - nói rõ ra là : Không cần dành nhiều năm tháng cho việc chuẩn bị; nếu không, ta sẽ cảm thấy chán thay vì hứng thú và ham thích. Chỉ cần đọc PIEPER trong cuốn "Tô-ma A-qui-nô, thân thế và sự nghiệp" (Thomas von Aquin, Leben und Werk), và CHENU trong cuốn "Hướng dẫn nghiên cứu Thánh Tô-ma A-qui-nô" (Introduction à l'étude de Saint Thomas d'Aquin), và tùy sở thích, hãy tìm đọc một tác phẩm nào đó về lịch sử Giáo hội và văn hóa (xc.chương 3, O. H.PESCH, THOMAS D'AQUIN, do J.Hoffmann dịch từ tiếng Đức, trong bộ Cogitatio fidei của Les Éd.du Cerf, Paris, năm 1994) như thế cũng tạm đủ. Ngay cuốn tiểu sử do WEISHEIDL viết "Tô-ma A-qui-nô, cuộc đời, tư tưởng, tác phẩm" (Thomas d'Aquin, sa vie, sa pensée, ses oeuvres. Paris NXB Le Cerf 1993) chắc hẳn cũng quá chuyên môn đối với những ai mới bắt đầú; bù lại, độc giả nói tiếng Pháp sẽ tìm thấy ở cuối sách này (O.H.PESCH, THOMAS D'AQUIN, do J.Hoffmann dịch từ tiếng Đức, trong bộ Cogitatio fidei của Les Éd.du Cerf, Paris, năm 1994) một "tiểu mục lục về các tác phẩm chính hiệu", có kèm theo một phần chú thích vắn gọn, cho ta một cái nhìn chính xác về sự phong phú của các văn phẩm do Tô-ma để lại, như chúng tôi sẽ gợi lên trong phần trình bày dưới đây. Cả khi đã hoàn thành công tác chuẩn bị như thế, cũng không phải là sai phạm gì nếu như ta còn tìm hiểu để có được một kiến thức sơ khởi về một luận đề nào đó của Thánh Tô-ma, bằng cách đọc thêm những tác phẩm "phụ trội" - chẳng hạn như đọc chính quyển này, một quyển sách được viết với mục đích ấy. Tóm lại, tiếp xúc trực tiếp với nguồn có nhanh hay không, một phần cũng tùy từng người. Nhưng phải ý thức về mối nguy này : càng trì hoãn việc đọc chính nguồn, mà cứ mải mê với các sách khác, thì lại càng phải có cái nhìn phê phán để khỏi chỉ tìm gặp lại nơi nguồn những gì mà các nhà chú giải đã trình bày, và để có khả năng nhận định được những lối cắt nghĩa làm sai ý chính bản. Mục đích của những sách đó là dẫn tới nguồn, cho nên bây giờ ta phải nói về nguồn, tức là nói về các Bản văn. Thiết tưởng nên đọc lướt qua bài viết của F.Van Steenber-ghen, "Đọc và nghiên cứu Thánh Tô-ma, Suy tư và Chỉ dẫn (La lecture et l'étude de Saint Thomas, Réflexions et conseils" - Revue Philosophique de Louvain, th.8.1955, tr.301-320). Bài viết này nhắm tới việc nghiên cứu triết học của Tô-ma, nhưng những điều viết ra cũng có giá trị đối với nền thần học của ngài, và những lời chỉ dẫn của tác giả, là kết quả của một quá trình giảng huấn dầy kinh nghiệm. Bỗ túc hoặc đưa ra những chỉ dẫn mới về thư mục thay thế cho những chỉ dẫn cũ, thì cũng chẳng khó là bao, như ta sẽ thấy trong thư mục của sách này chẳng hạn 3 . Tiếp đó mỗi người sẽ theo một nẻo đường khác nhau. Nếu ta theo lời khuyên của Thánh Tô-ma, được trích dẫn ở trang 515 của sách này, là đừng bắt đầu từ chỗ khó nhất, nếu không ta sẽ cảm thấy e ngại đọc ngay Bộ Tổng Luận Thần Học. Những ai thích triết học thì nên bắt đầu đọc cuốn "Về hữu thể và yếu tính (De ente et essentia), còn ai thích thần học thì nên bắt đầu bằng cuốn "Thần học giản yếu (Compendium theologiae). Nhưng đừng ai để cho nỗi e ngại đó đeo bám mình quá lâu : vì cuối cùng nó sẽ đưa tới chỗ có những ý nghĩ sai lạc về tác giả Tô-ma, kéo theo những thất vọng. Vậy phải làm quen với các Bộ Tổng Luận sớm hơn : các nhà triết học thì nên đọc "Phi bác chư dân (Summa Contra Gentiles) vì các quyển I và II rất quan trọng về phương diện triết học đã được dịch sang tiếng Pháp...; còn các nhà thần học nên đọc bộ "Tổng Luận Thần Học (Summa Theologiae). Một nhận xét quan trọng là : như chúng tôi đã trình bày ở chương V, những sách chú giải về Aristote là những công trình nghiên cứu thuần túy, mặc dầu chúng được viết vì lý do mục vụ; và cuốn "Những vấn đề tranh luận (Quaestiones disputatae) được Tô-ma nối kết với những tác phẩm có tầm cỡ hơn, và giữ vai trò chuẩn bị có tính khoa học. "Những vấn đề tranh luận" dù sao cũng đã đóng vai trò ấy đối với Bộ Tổng Luận, kể từ giữa thập niên 60 của thế kỷ XIII. Kết quả là : chúng ta sẽ thấy lập trường của Tô-ma về một vấn đề đặc thù được trình bày trong cuốn "Những vấn đề tranh luận" một cách rõ ràng và sâu rộng hơn là trong Bộ Tổng Luận; nhưng đối với người bắt đầu đọc tác phẩm của Tô-ma, thì nên theo hướng ngược lại, đúng như ý của ngài (đọc trong Lời tựa của Bộ Tổng Luận) có nghĩa là đi từ phần trình bày trong Bộ Tổng Luận, và khi đã nắm vững rồi, thì mới trở ngược về với "Những vấn đề tranh luận" để đào sâu hơn. Và chỉ sau đó mới nên đọc tới những chú giải về Aristote, nhất là để so sánh cách giải thích của Aristote và lập trường của Tô-ma. Đối với các tập chú giải khác cũng nên theo cùng một hướng như vậy, chẳng hạn như khi gặp một chỗ trích dẫn từ các tác phẩm có hệ thống của Tô-ma. Rõ ràng là cả trong các Bộ Tổng Luận nữa, cũng có một số bản văn, hay một số khảo luận khó nuốt xen lẫn với những chỗ dễ đọc hơn; và cũng rõ ràng là một số bản văn hay khảo luận chỉ cần chút ít kiến thức dự chuẩn, trong khi nhiều chỗ khác lại đòi phải chuẩn bị kỹ hơn. Vì ở đây ta đang đề cập đến lãnh vực thần học, nên xin nhường cho các nhà triết học thẩm quyền trong lãnh vực của họ; vậy ta hãy coi những khảo cứu thần học nào trong Bộ Tổng Luận có thể được đề nghị cho những người bắt đầu đọc Tô-ma, xét theo mức độ dễ hiểu và chỉ cần một chút ít kiến thức dự chuẩn trước - dầu vậy, nếu chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, ta sẽ có khả năng hiểu thấu đáo hơn. Tôi đề nghị nên bắt đầu bằng những bản văn sau, nhưng không cần đọc theo thứ tự này : I, 1, 1-10 (Phần I, luận đề 1, mục 1-10) bản chất và nhiệm vụ của Thần học. I, 2-3 sự hiện hữu và bản tính của Thiên Chúa. I-II, 98-10 khái quát về lề luật cũ; thập giới. I-II, 106-108 luật mới. I-II, 109-114 giáo lý về ơn sủng và sự công chính hóa. II-II, 1-4 đức tin. II-II, 23-27 mến Chúa yêu người. III, 46-51 cuộc khổ nạn và sự chết của Đức Ki-tô. III, 60-65 giáo lý về các bí tích, tổng quát. Nhưng tôi cũng không thể không giới thiệu những bản văn mà tôi nghĩ là không nên đọc trong giai đoạn đầu vì chúng sẽ làm cho người mới tập sự có cảm tưởng sách của Tô-ma là một cuốn sách được đóng bảy ấn : I, 4-26 Giáo lý về Thiên Chúa duy nhất (nhưng đến một lúc nào đó, cả những người mới bắt đầu cũng nên mạnh dạn đọc thử I, 13 : "những danh xưng" của Thiên Chúa) I, 27-43 Giáo lý về Chúa Ba Ngôi (nhưng có lẽ nên trừ ra I, 27-28 và I, 43) I, 75-102 nhân loại học, lý thuyết về tri thức, tình trạng nguyên sơ (có lẽ nên trừ ra trừ I, 93 bàn về con người giống hình ảnh Thiên Chúa) I-II, 6-70 hành vi nhân linh, đam mê, tập quán, nhân đức nói chung. (trừ I-II, 61-63 về các nhân đức trụ và các nhân đức đối thần, và I-II, 68-70 về bảy ơn Chúa Thánh Thần, các mối Phúc, các hoa trái của Chúa Thánh Thần; những người "bạo phỗi" không nên bỏ qua I-II, 1-5 bàn về cùng đích của con người) I-II, 81-83 tội nguyên tổ (chỉ có thể hiểu nếu đọc kèm với một tập chú giải). III, 1-26 Ki-tô học (trừ III, 1 và theo cảm tưởng chung của nhiều người, cũng nên trừ ra III, 2) III, 73-83 Giáo lý về mầu nhiệm Thánh Thể, tập trung vào sự hiện diện thật sự và cách giải thích mầu nhiệm Thánh Thể bằng Khái niệm "biến đỗi bản thể - transsubstantiatio". Nếu những lời cáo thị trên đây lại có tác dụng "mời chào", thì càng hay ! Chúng tôi đâu có muốn kìm chế óc phiêu lưu. II. Những chỉ dẫn về cách đọc Đóng góp của hai tác giả này là hai bài khảo cứu dưới đây :
|