Home Đời Sống Tài Liệu Chủ nghĩa Marx – Lenin

Chủ nghĩa Marx – Lenin PDF Print E-mail
Tác Giả: Đại Nghĩa-sưu tầm   
Thứ Tư, 09 Tháng 11 Năm 2011 07:02

Chủ nghĩa Mác-Lê do hai ông Karl Marx và Angels chủ xướng được ông Lenin vận dụng vào cuộc cách mạng giải phóng lớp công nhân thợ thuyền bị bốc lột và các dân tộc nhược tiểu bị áp bức.


Chủ thuyết này thoạt đầu được phát triển ở các nước Đông Âu, Á, Phi và Mỹ La Tinh. Tuy nhiên chẳng được bao lâu thì nó bị phá sản, nó bị phá sản vì nó chỉ là một chủ thuyết mơ hồ, ảo tưởng, không đưa được những dân tộc đã tốn nhiều xương máu có được đời sống ấm no, không đến được thiên đàng mà họ từng nghe nói. Trái lại, chủ nghĩa Mác-Lê chỉ đem đến cho họ một đời sống cơ cực, nghèo đói và lạc hậu hơn. Sau cùng chủ nghĩa cộng sản đã dãy chết ngay trên cái nôi nơi sản sinh ra nó: thành trì Liên xô.

Nhân dân Liên xô, nhân dân các nước cộng sản Đông Âu đã có được hạnh phúc là đã sớm thoát khỏi cái chủ nghĩa phi nhân này, chỉ còn đau khổ một điều là nhân dân Việt Nam và một vài nước cộng sản còn sót lại phải chịu cảnh cơ cực lầm than, không biết đến ngày nào mới được tháo cũi sổ lồng!?

Qua quá trình vận dụng học thuyết Mác-Lê vào Việt nam, tiến sĩ Hà sĩ Phu đã cho chúng ta thấy cái nhận thức của ông qua bài “Chia tay ý thức hệ” trong Tuyển tập Hà Sĩ Phu do Tạp chí Thế kỷ 21 phát hành tháng 1-1996 như sau:

“Theo điều tôi nhận thức được thì… bản chất của dòng tư tưởng Mác-Lê về xã hội là dòng tư tưởng Phong kiến phục hưng, cộng với ảo tưởng Cộng sản nguyên thuỷ (hoặc ảo tưởng nô lệ) trong cơn khủng hoảng tăng tốc của nền Văn minh Công nghiệp.

Học thuyết Mác-Lê không phải là cái gì cao xa chưa tới mà chỉ là cái hoài vọng đã bị vượt qua, chỉ là biến tướng mới mang cái mốt công nghiệp của chủ nghĩa phong kiến đã bị lịch sử vượt qua trước đây nhiều thế kỷ. Nó không phải là thứ cẩm nang dẫn đường đầy tính súc tích huyền bí đến mức hàng thế kỷ sau chưa có ai hiểu đúng, mà chỉ là những dự đoán lẩm cẩm không bao giờ có thực trên đời”. (Tuyển tập HSP- trang 117)

Đài RFA có loạt bài “Vì sao chủ nghĩa cộng sản bị cáo buộc chống nhân loại? được phóng viên Trần Văn thực hiện:

“Gần đây, các kho lưu trữ được giải mật, giới nghiên cứu lịch sử đã tìm được nhiều tài liệu liên quan đến việc Lenin cổ suý, chỉ đạo thực hiện “đấu tranh giai cấp” mà thực sự là thực thi những cuộc thảm sát. Một trong những tài liệu ấy là lá thư chính Lenin viết. Trong thư, Lenin yêu cầu: Treo cổ ít nhất 100 tên Cu-lắc. Bắn bỏ hết bọn con tin! Hãy để cho những người đứng cách xa hàng trăm dặm đều thấy và run sợ”… Ảnh chụp lá thư này đã được đạo diễn Edvins Snore  đưa vào bộ phim“Câu chuyện Sô Viết”…

“Các tài liệu lưu trữ cho thấy, đã có hàng trăm ngàn người bị giết, hàng triệu người bị tước đoạt tài sản. Ông Vladimir Bukovsky- một nhà văn Liên Xô, đồng thời là người chuyên nghiên cứu về tội ác của chính quyền cộng sản, kể lại trong “Câu chuyện Sô Viết”: Ban đầu, khi những người cộng sản lên nắm quyền thì xã hội không có vấn đề gì. Ngay cả ở Nga, Ba Lan, Cuba, Nicaragua, hoặc ở Trung quốc. Rồi họ bắt đầu giết khoảng 10% dân số, họ chọn lựa rất kỹ lưỡng. Họ làm việc này không chỉ để tiêu diệt kẻ thù. Họ giết người để thiết lập lại cơ cấu xã hội. Một phương pháp xây dựng xã hội. Tất cả trí thức, những công dân tốt nhất, các kỹ sư tốt nhất đều bị họ giết hết…và sau đó họ cố gắng xây dựng một xã hội mới.

“Sau một thời gian dài nghiên cứu, thống kê, giới sử gia ước tính, nỗ lực xây dựng những xã hội mới quen được gọi là xã hội Xã hội chủ nghĩa của các chính quyền cộng sản ở Liên Xô, Đông Âu, Cuba, Trung quốc, Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Campuchia dưới thời Polpot…suốt giai đoạn từ cuối thế kỷ 19 đến hết thế kỷ 20 đã tước đoạt sinh mạng của chừng 100 triệu người”. (RFA online ngày 14-5-2010)

Bài viết này với mục đích sẽ trình bày nhiều ý kiến của những người cộng sản lão thành và ngay cả của những nhà trí thức trẻ nhận định về cái chủ nghĩa Mác- Lê như thế nào để cho lớp trẻ sau này và ngay cả những người cộng sản còn mê muội thấy được cái sai lầm của chủ nghĩa mà dân tộc Việt Nam phải gánh chịu cái hậu quả bi thảm suốt 70 năm nay.

Ông Lê Hồng Hà, nguyên Chánh văn phòng bộ Công an trong bức thư “Mấy điều chất vấn bộ trưởng Công an Lê Minh Hương”, ông viết:

“Đến nay qua sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên xô cũ và Đông Âu, qua những cuộc cải cách của Trung Quốc và đổi mới ở Việt Nam, đã có đầy đủ sự kinh nghiệm của thực tiễn, có thể thấy các nguyên lý chủ yếu của chủ nghĩa Mác về mô hình CNXH là sai lầm, là phản phát triển, nền kinh tế phi hàng hóa.

“Đối với dân tộc Việt nam, học thuyết Mác là học thuyết ngoại nhập… Không lý giải được xã hội Việt Nam với những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng hoàn toàn khác với Tây Âu, rất dễ dẫn cách mạng Việt Nam đi chệch đường và do đó gây nên tổn thất, gây đổ vỡ, gây kiềm hãm sự phát triển”. (Người Việt ngày 28-2-2001)

Giáo sư Hoàng Minh Chính, nguyên Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin  khi trả lời phỏng vấn của đài RFA ông nói như sau:

“Cái đảng nầy nó đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin, mà bản thân chủ nghĩa Mác-Lênin đã sai từ gốc rễ và cái đảng nầy hiện nay nó đang xây dựng một cơ chế độc tài, độc quyền toàn trị thì làm sao cải tổ được, tự đổi mới được…

“Liên xô đàn áp nhân dân như thế, Liên xô đi theo chủ nghĩa Mác –Lênin xây dựng một chính đảng toàn trị, thì chính nhân dân đã nổi dậy lật đổ cái chính đảng đó”. (Việt Tide số 55 ngày 2-8-2002)

Tiến sĩ địa chất Nguyễn Thanh Giang trong lần “Hội luận Trong – Ngoài nước…” do đài RFA tổ chức, ông nói:

“Ba mươi năm qua, chủ nghĩa Mác-Lênin tàn phá đất nước này về mặt kinh tế, và tàn phá về mặt văn hóa và tư tưởng…

“Phải bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin và phải rút ra được những nhận định một cách khách quan, thẳng thắng về sự tàn hại của cái ứng dụng sai lầm chủ nghĩa Mác-Lênin, cái CNXH xơ cứng cũ và Xã hội VN. Và xây dựng một nền kinh tế thực thụ, không có cái đuôi định hướng XHCN vào đấy nữa”. (Người Việt ngày 11-7-2005)

Cụ nhạc sĩ Tô Hải, người đã từng một thời ngang dọc phụng sự đảng cộng sản hết mình, ngày nay với tuổi gìa “điếc không sợ súng”, cụ đã hết “hèn” nên đã phát biểu nhiều điều làm đau đầu các đồng chí đàn em của cụ. Cụ đòi “Giải tán ngay cái đảng cộng sản đi!” vì cụ cho rằng:

“Thực tế cái chủ nghĩa do hai ông Mác, Lê nguỵ tạo ra một cách điên khùng làm đảo lộn thế giới loài người gần 1 thế kỉ qua, làm chết hàng trăm triệu con người nhân danh đấu tranh giai cấp…

“Thực tế là chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ ở những nước“thành trì cách mạng vô sản” và những tượng đài cuối cùng của hai anh Mác, Lê đã bị đập tan và vất vô bãi rác ngay đúng giữa ngày ông Nguyễn Minh Triết có mặt tại Nga kỉ niệm ngày chiến thắng Phát xít Đức. Chẳng lẽ các ông cũng không biết?” (Lương Tâm Công Giáo online ngày 9-11-2010)

Một vị cựu đại tá QĐND đã bỏ đảng và xin “tỵ nạn” ở một nước có tự do dân chủ đó là ông Bùi Tín, nguyên Phó tổng biên tập báo Nhân Dân trong bài “Về những văn kiện Đại hội XI…” đoạn nói về chủ nghĩa Mác-Lênin ông viết:

“Các nước Đông Âu XHCN cũ, đồng minh thân thiết một thời của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, không những đã cam kết từ bỏ học thuyết Mác-xít, còn coi CNXH Mác-xít là nhầm lẫn bi thảm nhất của lịch sử cận đại; Nghị viện châu Âu còn ra “Nghị quyết cấm tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội Mác-xít trên lãnh thổ châu Âu do những tội ác nó gây ra trên thực tế đã vượt quá tội ác của bọn phát xít Hitler”. (Đàn Chim Việt online ngày 11-6-2010)

Trong một lần Hội Khoa học Kinh tế và Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia, thuộc bộ Kế hoạch – Đầu tư tổ chức hội thảo góp ý cho Văn kiện Đại hội XI, giáo sư Trần Phương, nguyên Phó thủ tướng chính phủ và hiện là Chủ tịch hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã đưa ra nhận xét về chủ nghĩa Mác-Lênin trong dự thảo cương lĩnh của đảng như sau:

“Ông đưa ra một cái cương lĩnh, cương lĩnh tức là cái đảng này phải tiến lên đến đâu, nó đi theo con đường nào. Thế mà cương lĩnh của ông, ông nói chủ nghĩa Mác-Lênin, thì chủ nghĩa Mác-Lênin có điều đúng và có điều sai, nhất là những dự đoán của Mác và Lênin về cái gọi là CNXH, sai rồi, mà rõ ràng là thực thi 70 năm đã thất bại rồi!…

“Đó là sự thất bại rõ ràng rồi, thế thì ông nói cái gì đây? Cho nên, ông nói chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng của đảng ta, thì tôi không hiểu, xác định nền tảng tư tưởng, thì cái gì là nền tảng, còn cái gì là không nền tảng chứ. Tôi muốn nói thêm là hiện nay người Việt Nam chúng ta, thích nói một cách, làm một cách. Thế tôi hỏi ông là bây giờ ông nói nền tảng của ông là chủ nghĩa Mác-Lênin thì chủ nghĩa Mác-Lênin là cái gì đây? Thế ông nói chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử đâu? Cái chuyện đó xa xôi, với các nhà học thuật thôi. Có phải không? Thế bây giờ chủ nghĩa Mác-Lênin là cái gì. Mà ông nói là nền tảng của ông”? (RFA online ngày 17-12-2010)

Giáo sư tiến sĩ Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Tp Sài Gòn viết một bức thư gởi đảng, gởi Nhân dân nhân ngày ông nhận huy hiệu 50 tuổi đảng. Gởi thư mục đích của ông là đóng góp với đảng, với Dân một số vấn đề mà từ nhiều năm ông trăn trở, trong thư có đoạn:

“Không nên tuyệt đối hóa và kiên định một cách máy móc học thuyết Mác-Lênin. Trào lưu cách mạng vô sản và công cuộc xây dựng XHCN ở Liên xô, Trung quốc và một số nước khác, trong đó có Việt nam cho chúng ta những cảm nhận: (1) Học thuyết Mác-Lênin có cái trước đúng nay vẫn đúng; (2) Có cái trước đúng, nay không còn phù hợp vì bối cảnh xã hội đã có quá nhiều thay đổi; (3) Và cũng có cái trước và nay đều không đúng. Do đó, để chọn được cái đúng, cái phù hợp để vận dụng, thì không thể tuyệt đối hóa, không thể cứ kiên định một cách máy móc học thuyết Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi tư duy và hành động”. (Bauxite Việt Nam online ngày 28-9-2011)

Trong khi có nhiều đảng viên cộng sản đã phê bình một cách mạnh mẽ về chủ nghĩa Mác-Lênin thì những nhà lãnh đạo cộng sản vẫn còn bảo lưu chủ nghĩa ấy trong Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Khi trả lời phỏng vấn của đài RFA tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ, người đã mạnh dạn đề nghị “loại bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của đảng và thay vào đó là chủ nghĩa Dân tộc” và ông đã từng tuyên bố:

“Tôi xin cải chính một chút, tôi tuyên bố đốt thẻ đảng chỉ sau khi, trong Đại hội lần thứ 11 này, đảng CSVN vẫn lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng. Tôi sẽ đốt thẻ, nếu như sau Đại hội, đảng không vứt bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin và thay vào đó là chủ nghĩa Dân tộc lành mạnh, không cực đoan của HCM làm một bước đệm quan trọng”. (Đối Thoại online ngày 12-9-2010)

Một nhà trí thức trẻ yêu nước là kỹ sư Phương nam- Đỗ Nam Hải trong thư trả lời cô Hải Yến, ông viết:

“Anh hoàn toàn đồng ý với nhận xét của Hải Yến và các bạn rằng: “Thiên đường Mác-Lênin hiện nay đã quá lỗi thời rồi và đảng cộng sản Việt Nam chỉ dùng để nhồi sọ, ru ngủ thanh niên mà thôi. Điều này đã được chứng minh một cách hùng hồn qua thực tiễn lịch sử. Nếu đem so sánh với những nước có điều kiện, hoàn cảnh tương tự nhau, thì rõ ràng những nước nào vô phúc mà lao đầu vào cái “con đường Mác-Lênin” kia đều đã “thân tàn ma dại cả”. (Người Việt ngày 9-8-2005)

Luật sư trẻ Lê Quốc Quân, một người từng đấu tranh đòi dân chủ trong bài

“Đảng cộng sản cần canh tân” có đoạn ông viết lên cái nhận định của mình về chủ nghĩa Mác-Lênin như sau:

“Học thuyết Mác-Lênin xây dựng CNXH từ lâu không còn tồn tại trong thực tế. Chủ nghĩa cộng sản thực sự đang chết dần vì những toan tính lợi ích riêng tư của từng đảng viên khi phấn đấu vào đảng…

“Những đảng viên cộng sản hiện nay tự vo tròn, co vòi lại. Họ không còn dám xả thân vì nghiệp lớn. Nhiều đảng viên nay né tránh, lười biếng và phủ nhận chính mình… Lý thuyết cộng sản mất đi tính quyến rũ. Nó trở nên trần trụi và lai căng”. (BBC online ngày 12-3-2010)

Chủ thuyết Mác-Lênin sau bao nhiêu năm hiện hữu đã gây ra biết bao tai họa cho loài người mà gần nhất là dân tộc Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhân dân Việt Nam ngày nay ai cũng biết cái tai họa của chủ thuyết Mác-Lênin như thế nào, duy chỉ có bọn lãnh đạo đảng CSVN đang còn mê muội, u tối vì cố bám cái thây ma của cái chủ thuyết ngoại lai sai lầm ấy để duy trì quyền lực.

Nhận định của những nhà sử học nổi tiếng quốc tế như George Watson, một sử gia làm việc ở Đại học Cambridge, Anh quốc và một sử gia khác là Pierre Rigolout, làm việc tại Viện Xã hội Lịch sử ở Paris, Pháp Quốc cho chúng ta thấy sự tàn bạo của chủ thuyết Mác-Lê như thế nào:

“Ông Pierre Rigolout trích một trong những ý kiến của Marx,viết trên People’s Paper ngày 16 tháng 4 năm 1853 để chứng minh, Marx chủ trương cần diệt chủng. Marx khẳng định: Các chủng tộc và các giai cấp quá yếu để thích ứng với điều kiện sống mới, nên họ phải nhường bước. Họ phải “bị tiêu diệt trong cuộc thảm sát của cách mạng”.

“Dựa trên các tài liệu lưu trữ, ông George Watson: Marx là cha đẻ của nạn diệt chủng chính trị hiện đại. Tôi không thấy một nhà tư tưởng châu Âu nào trước Marx và Engels công khai ủng hộ sự diệt chủng. Tôi không tìm thấy bất cứ điều gì trước đó. Vì vậy, tôi cho rằng nó bắt nguồn từ những người này”. (RFA online ngày 14-5-2010)