Home Đời Sống Tài Liệu Hành trang một nhà thám hiểm

Hành trang một nhà thám hiểm PDF Print E-mail
Tác Giả: Viên Linh   
Thứ Năm, 06 Tháng 10 Năm 2011 04:24

 

Ngày 12 tháng 10, 1492 - Hôm nay, trên đường đi tìm một nước Á Châu, ở đây là Ấn Ðộ, sau nhiều tháng trời lênh đênh trên biển cả, Christopher Columbus đã khám phá ra Châu Mỹ.

Columbus, người tìm ra Tân Thế Giới

Tranh vẽ cảnh Christopher Columbus đổ bộ San Salvador hôm 12 tháng
10, 1492, theo tưởng tượng của họa sĩ trong Great Moments in History
của A. Nisenson& A. Parker.

Cuộc thám hiểm của ông ta thực sự nhằm một mục đích khác, gây ra bởi vì quê hương Genoa nơi ông ra đời, thành phố Venice và nhiều nước Âu Châu đã hết đường giao thương về phía Bắc khi quân Turks (Thổ Nhĩ Kỳ) chiếm Constantinople vào năm 1453. Biến cố quân sự đó đã khiến giới hàng hải và các nhà thám hiểm phải nghĩ đến việc tìm một con đường khác để liên lạc giao thương với Viễn Ðông, như Trung hoa hay Nhật Bản.

Ðã nhiều năm qua, những tấm bản đồ sơ sài được trải lên bàn quan sát của các nhà thám hiểm, trong đó có Christopher Columbus. Như người ta biết, ông ra đời năm 1451 tại Genoa, nước Ý, với tên khai sinh là Cristoforo Colombo theo tiếng Ý, hay Cristóbal Colón theo tiếng Spanish, con một người thợ dệt len. Tuy nhiên người ta không chắc ông có phải người gốc Ý hay không, mà có thể là người gốc Spain (Tây Ban Nha), vì bút tự ông ta để lại trong cuốn sổ tay là tiếng Spanish. Mẹ ông tên Suzanna Fontanarossa. Các nhà viết tiểu sử sau này không biết được nhiều về ông, ngoài điều ông đi biển rất sớm, năm 14 tuổi, và có lẽ từng là hải tặc. Về sau ông từng tới một hòn đảo Hy lạp ở vùng Chios. Sinh tại Genoa, vậy mà năm 1476, khi 25 tuổi, Columbus lại có mặt trong một trận đánh chống lại đảo Genoa, nơi ông ra đời, trên một con tầu của người Portuguese (Bồ Ðào Nha). Trận đánh diễn ra ngoài khơi Cape St. Vincent, chiếc tầu trên đó có Columbus bốc cháy, và các thủy thủ sống sót loi ngoi trên biển, ông ta may mắn có được một mái chèo bằng gỗ, và nhờ đó mà bơi được vào bờ biển Bồ Ðào Nha. Thành phố Lisbon của nước Bồ lúc đó là một trung tâm thương mại sầm uất nhất của cực Tây của thế giới, nơi lui tới và qui tụ những đầu óc văn minh đương thời: các nhà thiên văn, các nhà địa dư, các nhà khoa học, và các tay hàng hải phiêu lưu. Trong miền đất mở mang đó, người ta luôn luôn nói đến chuyện thám hiểm phương Ðông. Các đầu óc tiến bộ đương thời ở đây cũng nói rằng mặt đất không phải bằng phẳng như một cái mặt bàn, và trái đất cũng không vuông, mà trái đất tròn. Như thế, muốn đi về miền Viễn Ðông, như Trung Hoa và Nhật Bản, đường gần nhất là đi về phía Tây.

Columbus cho rằng vụ đắm tầu đưa ông vào nước Bồ là do Trời xui khiến. Ở Lisbon ông ta quen một nhà thiên văn học người Florence tên là Paolo Toscanelli. Ðây là lúc phải thám hiểm phương Ðông, và sự việc đồng nghĩa với sự làm giầu. Ông ta nghĩ mình phải đi Ấn Ðộ. Nàng Felipa Perestrello E Moniz mà ông lấy làm vợ năm 1478 khuyến khích chồng hãy sớm thực hiện cuộc thám hiểm. Nàng là ai? Ðó là con gái của một vị thuyền trưởng gốc người Bồ, trong một gia đình rất thế giá lúc bấy giờ của Bồ Ðào Nha. Tuy thế việc kiếm tổ chức tài trợ cho một cuộc thám hiểm hàng hải xuyên các châu lục, các đại dương, không phải là chuyện dễ. Ðề án được trình bày với nhiều người, và với người của nhiều nước, kể cả vua John đệ nhị của nước Bồ, cũng không đi đến đâu. Thất bại ở Bồ đã khiến Columbus đi tới nước khác; cho đến khi Chistopher khoảng 40 tuổi thì may mắn tới với ông: Vua Ferdinand of Aragon và Hoàng Hậu Isabella of Castile của Tây Ban Nha bằng lòng tài trợ cuộc thám hiểm dựa trên kế hoạch của ông: muốn tìm con đường ngắn nhất đi về Viễn Ðông, phải đi về hướng Tây. Ông được phong chức đô đốc, và phó vương hay thống đốc những nơi ông khám phá ra.

Ngày Thứ Sáu, mồng 3 tháng 4, 1492, Hoàng Gia Tây Ban Nha trao cho Columbus quyền chỉ huy một hạm đội gồm chiếc “soái hạm” Santa Maria dài 36 mét (235 tấn), với 50 thủy thủ, kèm theo hai chiếc nhỏ hơn là Nina và Pinta, do hai anh em Marin Alonso Pinzón điều khiển. Ba chiếc thuyền rời cảng Palos ra đi. Tổng cộng tất cả là 120 người. Cuộc thám hiểm này, với nhiều khiếm khuyết trong sự kết hợp, nhắm tới một mục tiêu mơ hồ, về một chân trời mênh mông, cho đến nay vẫn là cuộc hải trình nổi tiếng nhất thế giới.

Trong 6 tháng đầu tiên, cuộc hải trình vô định đã trải qua nhiều khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật, và cả nổi loạn. Nhưng may thay, ngày 12 tháng 10 họ thấy đất liền, một nơi Columbus ra lệnh đổ bộ. Ðó là một hòn đảo trong vùng Bahamas, được Columbus đặt tên là San Salvador, cho cắm cờ Tây Ban Nha, và... nó thuộc lãnh thổ Tây Ban Nha! Sau đó, họ tới Cuba, Hispaniola (Santo Domingo) và Haiti. Columbus để lại các nơi này 38 người và lương thực đủ dùng cho một năm, rồi dự định nhổ neo. Xung đột xảy ra giữa Columbus và Pinzón, người chống lại quyết định để người ở lại đảo. Họ quay về hải cảng Palos, tới nơi ngày 15 tháng 3, 1493, Columbus được tiếp đón như một anh hùng. Dù sao ông chưa tìm ra con đường ngắn nhất để tới phương Ðông, cho nên lại tổ chức đi nữa.

Ngày mồng 3 tháng 11, 1493 Columbus tới Dominica, West Indies, rồi tới Guadeloupe và Puerto Rico. Xung đột lại xảy ra giữa người chỉ huy và thuộc cấp, lần này là một lô các thuyền nhỏ, 17 chiếc. Các thủy thủ Tây Ban Nha không chịu được kỷ luật sắt của ông. Họ phải quay về Tây Ban Nha năm 1496, trong nhục nhã.

Chuyến mạo hiểm thứ ba của Columbus diễn ra từ 1498 tới 1500, lần này ông ta tìm ra Trinidad, và tàu chạy dọc bờ biển Venezuela. Như đã nói, ông sẽ trở thành thống đốc tại thuộc địa mới như đã thỏa thuận với Hoàng Gia Spain. Tuy nhiên sự thay đổi quyền hành ở trung ương đã khiến ông mất chức thống đốc ở miền đất ông vừa khám phá ra, và bị viên toàn quyền mới tên là Francisco Bobadilla bỏ vào cũi sắt đưa về Spain. May mắn là vua và hoàng hậu giải cứu cho ông, và tiếp tục cho ông tổ chức chuyến hải trình chót, diễn ra trong hai năm 1502-1504, kỳ này ông tìm ra Trung Mỹ. Có lúc ông dẫn đoàn thuyền vòng vo chữ S theo bờ biển Mexico. Ðây là cuộc thám hiểm lớn của ông, làm trái lệnh Hoàng gia mà chỉ theo ý định của mình. Những năm sau cùng của đời mình, ông sống trong bóng tối, và nghèo nàn. Columbus không biết rằng, và người đương thời cũng không biết rằng ông đã khám phá ra một Tân Thế Giới: Mỹ Châu! Ðịnh mệnh đã khiến cho tham vọng tìm được con đường ngắn nhất từ Châu Âu tới Ấn Ðộ, và Châu Á, vượt khỏi tay Columbus của Tây Ban Nha, để rơi vào tay Vasco da Gamma của Bồ Ðào Nha.

Năm 1506, Christopher Columbus từ trần gần Seville thuộc Spain, hưởng dương 55 tuổi, trong sự quên lãng của quần chúng. Danh vọng chỉ đến với ông sau khi ông đã chết, đến nỗi 30 năm sau nước Santa Domingo đòi bộ xương của ông mang về chôn ở Hispaniola! Ðến khi Mỹ Châu trở nên một lục địa huy hoàng, Spain nghĩ đến chuyện đòi lại bộ xương của tay giang hồ biển cả, người mà Tây Ban Nha đã giao cho tiền bạc, chức tước và quyền hạn để mạo hiểm. Năm 1899, Tây Ban Nha thành công, mang hài cốt Columbus về lại đất nước và năm 1902, an táng gần nhà thờ Seville.

Ngày tưởng niệm Columbus trở thành một ngày lễ hàng năm ở Hoa Kỳ, tuy nhiên trong khi đó, nhất là ở Nam Mỹ, ngày đó người ta biểu tình để phản đối. Lý do: họ buộc tội ông ta là thực dân đi chiếm đất đai quê hương của kẻ khác, không vinh hạnh gì để phải tổ chức lễ lạt hội hè tưởng niệm. Con người ấy, và hành trạng ấy sẽ không mai một bởi nhiều lẽ, ông đã khám phá ra Tân Thế Giới, tiếng Spanish đã nở rộ ở Mỹ Châu theo bước hải hành của ông, và điều này nữa rất quan trọng: Cristóbal Colón đã để lại một cuốn Sổ Hành Trình.

Vào năm 1826, nhà văn Mỹ Washington Irving (1783-1859) được cử làm tham vụ văn hóa tại Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Madrid, thủ đô Spain, nơi đây, ông đọc được cuốn sổ viết tay của Columbus. Ðược người đời gọi là “người Mỹ đầu tiên của Chữ Nghĩa” (the first American man of Letters,” tác giả của truyện ngắn bất hủ “Rip Van Winkle,” Washington Irving đã viết và xuất bản “Columbus” (1828) một cuốn tiểu sử về nhà thám hiểm, đôi khi gọi là “History of the Life and Voyages of Columbus”; “The Companions of Columbus,” (1831). Columbus trở thành đề tài của văn thơ thế giới, có thể kể Columbus (1847) của James Russell, “The Prayer of Columbus” (1874) của Walt Whitman; kịch “The Book of Columbus” của thi sĩ Pháp Paul Claudel (1927) với phần nhạc của Darius Milhaud. Hành trạng của Columbus là cuộc phiêu lưu thật sự của một con người thật sự, và trở thành đề tài cho vô số các giả tưởng, nhân vật của huyền thoại và lịch sử, không phải của một quốc gia, mà của Mỹ Châu. Columbus là biểu tượng của tưởng tượng với một ý chí thực hiện mộng tưởng quyết liệt, và thành công.

(Viết với tài liệu trong Great Moments in History của S. Nisenson & A. Parker (1932); The Cambridge Biographical Enclyclopedia (1994) của D. Crystal; The Time Table of History; Chambers Biographical Dictionary (1990) của M. Magnusson, Ed.; Benét's Reader's Enc. (1948); Webster's American Authors (1995).