Home Đời Sống Tài Liệu Bãi cọc Bạch Ðằng Giang

Bãi cọc Bạch Ðằng Giang PDF Print E-mail
Tác Giả: Viên Linh   
Thứ Bảy, 09 Tháng 7 Năm 2011 20:53

Cách đây ba năm, người viết bài này được đọc một bản tin khảo cổ, cho biết Việt Nam mới tìm thấy những cây cọc gỗ vĩ đại có đai bằng sắt.


 
Ngô Quyền đại phá quân Tầu trên sông Bạch Ðằng, thế kỷ thứ mười. Tranh mộc bản dân gian.

Bản tin nói rằng để khảo sát những cây cọc gỗ này, các chuyên gia người Nga đã được mời đến tham khảo. Họ tìm được 38 cây cọc như thế. Tin chi tiết cho hay: “Các nhà khảo cổ học đã tìm được 38 cây cọc khi khai quật một diện tích 100 mét vuông tại khu vực di tích Bãi Cọc Bạch Ðằng Giang trong vùng Vạn Muối, xã Nam Hoa, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh.” Cọc có đường kính 10-22 phân, một đầu vót nhọn và cắm thành từng bó cụm. Theo một nhà khảo cổ học ước đoán, những cọc này đóng ven sông, vừa dùng ngăn cản các chiến thuyền xông vào bờ, vừa cản quân bộ tràn từ thuyền lội lên đất liền. Như thế, đây là những cây cọc có sứ mệnh chống lại những kẻ ngoại bang xâm nhập, vậy đây là những linh vật thuộc về lịch sử.

Theo Việt Nam Sử Lược của Lệ Thần Trần Trọng Kim, nước Việt Nam ta trải qua bốn ngàn năm văn hiến đã bị Bắc thuộc bốn lần. Lần thứ nhất vào năm 111 trước Công nguyên được ghi dấu bằng một nhân tài ở Việt Nam là ông Lữ Gia. Ðến năm 40 sau Công nguyên, hai chị em nữ lưu Trung Trắc Trưng Nhị phá Bắc thuộc đem lại nền tự chủ cho Việt Nam. Nhưng chỉ được 3 năm, đến năm 43 sau Công nguyên, Mã Viện kéo quân sang và đặt nền Bắc thuộc lần thứ hai. Ðến năm 544 sau Công nguyên, dân tộc Việt Nam lại nổi dậy phá Bắc thuộc với triều đại nhà tiền Lý là Lý Nam Ðế (Lý Bôn), rồi đến Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) và đến năm 602, tướng Lưu Phương nhà Tùy đem quân sang Giao Chỉ thuyết phục Lý Phật Tử, là hậu duệ của Lý Nam Ðế, đánh lại Triệu Việt Vương và chiếm thành Long Biên, lúc đó là thủ phủ Giao Châu, lập nên nước Nam Việt. Lưu Phương lấy lý lẽ thiệt hơn khuyến dụ Lý Phật Tử hàng. Lý Phật Tử biết mình yếu thế không cự nổi đành xin hàng. Việt Nam lại bị Bắc thuộc lần thứ ba. Và lần Bắc thuộc thứ tư xảy ra vào thời Hồ Quí Ly 1407. Mãi tới năm 1428, Bình Ðịnh Vương Lê Lợi mới đánh bại nhà Minh, lấy lại nền tự chủ cho nước nhà.

Nhân vụ tìm được bãi cọc và những cây cọc lịch sử đã giúp chiến thắng quân Tàu hai lần trên sông Bạch Ðằng Giang được tìm thấy trong lúc này phù hợp với tình hình đảng CSVN đang dâng đất dâng biển để giữ thế cai trị độc quyền quê hương Việt Nam, với ý đồ chấp nhận làm một chư hầu nhỏ mọn, chúng ta nên đọc lại sử Việt để thấy tiền nhân anh hùng bất khuất như thế nào trước Bắc phương. Và bài này được hình thành trong những suy nghĩ ấy, lần giở những trang sử chống Bắc phương theo những suy nghĩ ấy.

Ðầu năm 900, nhà Ðường bên Tàu sắp suy tàn với loạn lạc trong nước. Tại đất Giao Châu có người tên Khúc Thừa Dụ, một hào phú nổi dậy xưng vương và được nhà Ðường phong cho chức Tiết Ðộ Sứ. Nhà Ðường mất, rồi đến nhà Hậu Lương, rồi đến nhà Nam Hán cai trị miền Nam nước Tàu. Khúc Thừa Mỹ, là cháu Khúc Thừa Dụ, vì chỉ thần phục nhà Hậu Lương, liền bị tướng Nam Hán là Lý Khắc Chính kéo quân sang đánh và đô hộ. Ðến năm 931, Dương Diên Nghệ, thuộc hạ của Khúc Thừa Hạo, cha của Khúc Thừa Mỹ, nổi lên đánh bọn Lý Khắc Chinh và lên làm Tiết Ðộ Sứ. Sau đó Dương Diên Nghệ bị thuộc hạ là Kiều Công Tiễn giết và cướp quyền. Dương Diên Nghệ có người tướng tên là Ngô Quyền, được Nghệ gả con gái cho vì có tài và phong cho giữ đất Ái Châu là Thanh Hóa ngày nay. Nghe tin cha vợ bị giết, năm 938, Ngô Quyền bèn chiêu mộ quân lính, đánh Kiều Công Tiễn trả thù cho chúa. Kiều Công Tiễn bèn chạy sang Nam Hán cầu cứu. Vua Nam Hán bèn sai Thái Tử Hoằng Tháo đem quân sang đánh Ngô Quyền theo đường sông Bạch Ðằng Giang.

“Khi quân Hoằng Tháo vào gần đến sông Bạch Ðằng, thì bên này Ngô Quyền đã giết được Kiều Công Tiễn. Một mặt ông truyền hịch cho quân sĩ phải hết sức phòng bị, một mặt sai người lấy gỗ cặp sắt nhọn, cắm ngầm ở dưới sông Bạch Ðằng, xong rồi chờ đến lúc thủy triều lên, cho quân ra khiêu chiến. Quân Nam Hán đuổi theo, đến lúc nước xuống, Ngô Quyền hồi quân đánh ập lại, quân Nam Hán thua chạy, bao nhiêu thuyền mắc vào cọc gỗ thủng nát mất cả, người chết quá nửa. Hoằng Tháo bị Ngô Quyền bắt được đem về giết đi.” (Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược)

Ngô Quyền phá quân Hán, chấm dứt cuộc Bắc thuộc lần thứ ba, lên làm vua lập triều đại nhà Ngô và khởi đầu cho một trang sử tự chủ vẻ vang tiếp nối bởi các triều đại Ðinh Lê Lý Trần. Trương Hán Siêu, một danh sĩ đời Trần đã làm bài phú về trận Bạch Ðằng Giang trong có trích đoạn sau đây:

Tuy nhiên:
Từ có vũ trụ,
Ðã có giang san.
Quả là trời đất cho nơi hiểm trở,
Cũng nhờ nhân tài giữ cuộc trị an.
Hội nào bằng hội Mạnh Tân, có vương sư họ Lã,
Trận nào bằng trận Duy Thủy, có quốc sĩ họ Hàn.
Khi trận Bạch Ðằng mà đại thắng,
Bởi đại vương coi thế giặc nhàn.
Tiếng thơm còn mãi,
Bia miệng không mòn.
Ðến chơi sông chừ ủ mặt,
Nhớ người xưa chừ lệ chan.
Rồi vừa đi vừa ca rằng:
“Sông Ðằng một dải dài ghê,
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Ðông.
Những phường bất nghĩa tiêu vong,
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh!”
Khách cũng nối tiếp mà ca rằng:
“Anh minh hai vị thánh quân,
Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.
Giặc tan muôn thuở thanh bình,
Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao.”
(Trương Hán Siêu, Bài phú Sông Bạch Ðằng)

Lịch sử Bạch Ðằng Giang lại tái diễn với trận đánh lẫy lừng vào năm 1288. Lúc này nước Tàu đang bị người Mông Cổ cai trị với triều đại nhà Nguyên. Nhưng, khác với trận Bạch Ðằng Giang của Ngô Quyền, quân Tàu kéo chiến thuyền vào đánh nước ta, thì lần này quân Nguyên lại kéo chiến thuyền về nước qua ngả Bạch Ðằng Giang.

Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim tả trận Bạch Ðằng giang này như sau:

“Lúc ấy, các tướng bèn bàn với Thoát Hoan (con trai vua Nguyên bị bại trận lần trước, lần này kéo sang phục thù): “Quân ta đóng ở đây, thành trì đã không có, kho tàng lại cạn cả, và bây giờ là đang lúc hết Xuân sang Hạ, khí trời nồng nực, mà lại những chỗ hiểm yếu đều mất cả, chi bằng hãy rút quân về, rồi sau sẽ liệu kế khác.”

Ðây là lần thứ hai quân Nguyên sang xâm lăng Việt Nam.

“Thoát Hoan thấy quân Hưng Ðạo Vương mạnh lắm, chưa có thể phá được, bèn nghe lời các tướng, sai Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp dẫn thủy quân theo đường sông Bạch Ðằng về trước. Hưng Ðạo Vương biết được, bèn sai tướng thuộc hạ là Nguyễn Khoái dẫn binh lẻn đi đường tắt lên mé sông thượng lưu sông Bạch Ðằng, kiếm gỗ đẽo nhọn bịt sắt đóng khắp giữa dòng sông, rồi phục binh chờ đến lúc nào thủy triều lên thì đem binh ra khiêu chiến, nhử cho thuyền giặc qua chỗ đóng cọc. Hễ lúc nào nước thủy triều xuống thì quay hình lại hết sức mà đánh.”

“Các tướng đi đâu đấy cả rồi, Hưng Ðạo Vương tiến quân lên đánh giặc, sực nghe tin báo rằng Ô Mã-Nhi đã kéo quân về đến Bạch Ðằng, Hưng Ðạo Vương mới hô quân sĩ, trỏ sông Hòa giang mà thề rằng: ‘Trận này không phá xong giặc Nguyên, thì không về đến sông này nữa!’ Và đúng như tin báo, chiến thuyền của Ô Mã-Nhi và Phàn Tiếp đang xuông dòng sông Bạch Ðằng thì ‘bỗng chốc thấy tướng nhà Trần là Nguyễn Khoái dẫn chiến thuyền ra khiêu chiến, Ô Mã-Nhi tức giận thúc quân xông đánh, Nguyễn Khoái bèn quay thuyền chạy. Bấy giờ đang lúc thủy triều lên, mặt nước mênh mông, Ô Mã-Nhi vô tình thấy địch quân chạy, cứ thúc thuyền đuổi theo.”
 

Các nhà khảo cổ học Nga và Việt Nam đang quan sát 1 trong 38 chiếc cọc gỗ có đai sắt khai quật từ sông Bạch Ðằng.
Những chiếc cọc này là linh vật của đất Việt từng đánh bại Tầu từ bảy đến mười thế kỷ trước.

Và như chúng ta đã biết, quân nhà Trần đại thắng quân Nguyên, một triều đại Mông Cổ đang cai trị dân Tầu, đi đến đâu thắng đến đấy, tràn qua Âu Châu như chốn không người, nhưng đã thua, và chỉ thua, ở Việt Nam. [Việt Nam khi lãnh thổ còn nhỏ, phía Nam mới tới khoảng Nghệ An, phía Bắc mới tới Ải Bắc, sau này các hủ nho không biết mình đang đứng ở đâu, cứ gọi đó là ải “Nam Quan.” Chỉ người đang ở phía Bắc mới gọi cái cổng ngăn chia Nam Bắc là cổng phía Nam, thế mà người đang đứng ở phía Nam, cũng gọi cái cổng ngó về phía Bắc là à Nam Quan, (như thế là tự đồng hóa mình như người ở phía Bắc) thì mất nước là phải.] Từ tính nể nang thế-nào-cũng-được dẫn tới sự ba phải, từ cảnh huống không quyết đoán dẫn tới sự nhịn nhục buông xuôi, lâu ngày trở thành căn-tính, đến nỗi trong tháng 6, 2011, trong cuộc thảo luận quốc tế về Biển Ðông ở Washington, D.C., người Tầu phải ngạc nhiên nói ra miệng: “Sao trước đây các anh không chống, bây giờ lại hung hăng thế?”

Cho nên việc ôn lại lịch sử chống giặc Bắc phương của ông cha ta là việc vô cùng cần thiết. Các trận đánh thắng Tầu trên sông Bạch Ðằng đã xảy ra từ thế kỷ X và thế kỷ XIII, những chiếc cọc gỗ có đai sắt đã có mặt trong lòng sông ít ra là bảy hay 10 thế kỷ rồi, hãy nhớ lại và hãy xem lại lịch sử, biết đâu người ta sẽ bớt đi những mặc cảm chỉ nảy sinh trong những kiếp sống vô căn, vô tích, và... vô sản, nhất là vô sản tinh thần.