Home Đời Sống Tài Liệu Cảnh sát là “bạn dân”?

Cảnh sát là “bạn dân”? PDF Print E-mail
Tác Giả: Huy Phương   
Chúa Nhật, 08 Tháng 11 Năm 2009 10:17

Mấy tuần nay chúng ta nghe nói chuyện cảnh sát hơi nhiều...

toàn là chuyện đánh đập, bắn giết thô bạo từ Bắc đến Nam California. Dù phải trái gì đi nữa thì tâm lý ghét cảnh sát bỗng nẩy sinh ra trong lòng chúng ta. Nếu các bạn đã có dịp nhìn thấy người cảnh sát Pháp, Ý hay Ðức nhỏ nhắn, hiền lành rồi mới thấy khác biệt với người cảnh sát Mỹ, vừa cao lớn dềnh dàng, vừa “trang bị vũ khí tận răng”, vừa mặt mũi đằng đằng sát khí. Trên thân hình ông nào cũng mang đủ súng thật, súng điện taser, dùi cui, máy truyền tin và hai ba cái còng sáng loáng. Mỗi lần lái xe trên đường, bất chợt thấy cái xe cảnh sát chạy theo chớp đèn lia lịa là thấy mất hết một tuần lương rồi, còn chưa kể phải ngồi trong lớp xóa ticket hết một ngày cuối tuần buồn nản, vậy thì thương mấy ông này sao nổi. Ðó là chưa nói đến các vụ đánh đập “bề hội đồng”, còng tay, dập mặt người ta xuống đường, dộng đầu vào thùng xe, đánh người bằng đen pin, có khi đạp cả đôi bốt da số 10 lên ngực, lên đầu lê dân nữa.

Thường thì cảnh sát bị người ta ghét, có nhiều trường hợp cảnh sát bị phục kích và bắn hạ. Ngày 22 Tháng Ba 2009, Lovelle Mixon, 26 tuổi, cư dân Oakland, California đã nổ súng bắn chết 4 cảnh sát và làm bị thương một nhân viên khác. Sau đó hai tuần, tại Pittsburgh, Pennsylvania, khi cảnh sát được gọi đến giải quyết một vụ xung đột trong gia đình, vừa xuất hiện trước cửa, hai cảnh sát đã bị một người từ trong nhà bắn gục, người cảnh sát thứ ba đến tiếp cứu cũng cùng chung số phận. Tại New York, cảnh sát viên Henry Steward, vào quá nửa đêm, ngoài giờ làm việc, nghe tiếng xe gầm rú trước cổng nhà, ông ra khỏi nhà và yêu cầu người lái xe bước ra khỏi xe. Ðã chẳng những không nghe lời, Michael Oddo, 19 tuổi, một sinh viên đã cán lên người ông Steward, kéo nạn nhân đi 500 yards và sau đó đã cán lại lên người ông nhiều lần.

Nếu ai cũng ghét cảnh sát thì cô nào dám lấy cảnh sát, và vì sao cảnh sát lại mang khẩu hiệu là “trừ bạo, an dân” hay là “bạn dân” theo lối nói Việt Nam? Nếu cho rằng “nhân chi sơ tính bản thiện” thì ông nào trước khi được huấn luyện để trở thành cảnh sát cũng hiền lành như mấy cậu sinh viên trong trường đại học hay con em của chúng ta ở nhà cả. Chúng ta đã nghe nói “Dân nào chính phủ ấy” thì cũng tạm gọi “tội phạm nào thì cảnh sát ấy”, chẳng qua là dân nó hung hãn quá thì cảnh sát cũng phải dữ dằn mới trị lại nổi. Theo thống kê vào Tháng Bảy 2009 thì dân số Hoa Kỳ có 307,212,123 nước Mỹ phải dùng đến 800,000 cảnh sát.

Ở Mỹ có hai nghề bị bắn nhiều nhất là nghề cảnh sát và nghề bán tạp hóa ban đêm. Trong vòng 60 năm trở lại đây, đã có 9,288 cảnh sát thiệt mạng vì công vụ, tính đổ đồng mỗi năm khoảng 154 người. Chúng ta chỉ lấy vài con số sồi sụt, theo National Law Enforcement Officers Memorial Fund thì năm 1995 có 136 cảnh sát bị giết, năm 1996 có 139, con số của năm 2007 là 181, của 2008 là 140. Cảnh sát bị giết có khi vì chặn xe chạy quá tốc độ trên xa lộ, có khi trong một vụ cảnh sát được gọi đến nhà để can thiệp những vụ ẩu đả trong gia đình, có khi truy lùng đuổi bắt các tội phạm về ma túy, sát nhân, do đó đối với cảnh sát nhiều khi “bắn chậm là chết”.

Thường thì cảnh sát phải làm việc xa nhà, một phiên là 12 giờ, bốn ngày trong một tuần, không kể những giờ overtime kéo dài mỗi khi có chuyện tại địa phương, thường là đáp ứng những cú điện thoại 911 cầu cứu, phải nhanh và sẵn sàng nên tinh thần rất căng thẳng. Nói đúng ra là cảnh sát sợ chết hơn ai hết, lúc nào cũng nơm nớp sẽ bị một viên đạn không biết từ một khẩu súng nào đó bắn ra, nên tốt hơn là nhanh tay trước. Cảnh sát bị giết khá nhiều như thống kê ở trên, nhưng cảnh sát cũng mạnh tay giết người không ít. Trong 25 năm, từ năm 1980 đến 2005, cảnh sát đã bắn chết 9,500 người trong các cuộc va chạm, trung bình mỗi ngày một người bị giết bởi cảnh sát. Theo một thống kê khác của Bộ Tư Pháp Hoa kỳ, cao nhất là năm 1994, cảnh sát bắn chết 462 người, năm thấp nhất là 1987 với 300 người. Phân nửa số này là dân da đen, số lớn trong phần còn lại là dân Latino, đó là tỷ lệ tội phạm so với dân số hay là chuyện kỳ thị chủng tộc, một vấn đề khá tế nhị.

Năm ngoái cảnh sát Los Ageles được gọi tới trong một party ồn ào, một khách chơi đã dại dột bước ra, trong tay lại cầm một khẩu súng giả, loại đồ chơi liền bị cảnh sát bắn gục. Không những cảnh sát bắn người có súng thật, súng giả, bắn người cầm dao dù là dao làm bếp, cảnh sát còn bắn người không có thứ vũ khí nào, thậm chí là đang còn ẵm một đứa bé trong tay. Người ta sẽ không bao giờ quên vụ án lịch sử Rodney King đã làm cho Los Angeles thành biển lửa, làm 54 người bị chết, 2,383 người bị thương, tổn hại tài sản lên đến 700 triệu Mỹ kim và số tiền thành phố phải bồi thường cho Rodney King là 3.8 triệu.

Dù nói thế nào đi nữa, chuyện tâm lý hay thông cảm với những căng thẳng của nghề nghiệp thì thái độ của cảnh sát trong nhiều tình huống được xem là hung hãn, thô bạo. Tục ngữ Việt Nam đã có câu “tránh voi không xấu mặt”, thành ra “cương” với cảnh sát xem như gánh thiệt hại cho mình. Cảnh sát cũng là loại chim một lần bị cung nên sợ cây cong, nên cũng không nên dại dột khi gặp cảnh sát mà thò tay vào túi quần, chưa được lệnh mà mở cửa bước ra khỏi xe hay mò tay vào hộc đựng giấy tờ, vung tay chân làm những cử chỉ phản đối. Trong quân đội đã có câu: “thi hành trước, khiếu nại sau”, dù biết là khiếu nại này đôi khi chẳng đi đến đâu. Ở Việt Nam, gặp cảnh sát có thể cự nự, hối lộ, rú ga chạy luôn hay thậm chí có thể cán luôn cảnh sát như một vài trường hợp xe bị chận lại làm tiền trên xa lộ, thành ra “nhập gia tùy tục” kẻo bị ăn đòn oan.

Người lính cứu hỏa có khi phải thiệt mạng để ngăn ngọn lửa hoành hành, người cảnh sát đôi lúc hy sinh để ngăn tội phạm, nhưng người ta lại có cảm tình với người lính cứu hỏa hơn là cảnh sát. Cũng như mọi người ở Mỹ, đối với cảnh sát tôi cũng “kính nhi viễn chi”, chỉ mong ra đường đừng gặp cảnh sát, cố gắng đừng có việc gì phải gọi cảnh sát đến nhà, nghĩa là mong cho được yên thân, đôi lần phải mở miệng cám ơn khi nhận cái giấy phạt vi phạm lưu thông là điều bất đắc dĩ mà thôi. Ðối với các cô, các bà ra sao thì thú thật tôi không biết, phần tôi, ở Mỹ hai mươi năm, đối diện với cảnh sát gần chục lần, thú thật chưa bao giờ tôi thấy cảnh sát... cười, dù là cười nhếch mép.

Ðêm qua, tôi thức giấc bực mình vì tiếng còi hụ của xe cảnh sát, vì sau đó khó dỗ giấc ngủ lại. Thật ra thành phố này được yên giấc vì có rất nhiều xe tuần tra cảnh sát đang chạy trên đường hay đang đáp ứng một lời kêu cứu cấp thiết nào đó trong đêm. Xa hơn ở tiền tuyến là quân đội, mà ở hậu phương này là cảnh sát, nhiều người đang thức và có thể là có người đang gặp nguy hiểm chết người. Tôi đâu có ưa gì cảnh sát, nhưng nếu những lúc hư xe trên xa lộ, nửa đêm có kẻ gian cậy cửa vào nhà hay trong gia đình có người tính mạng đang ngụy kịch, vài phút sau khi gọi cấp cứu, mà nghe tiếng còi xe cảnh sát hụ đến gần và thấy ánh đèn chấp chới thì đó hẳn là điều may mắn cho tôi, vì tôi đang ở Mỹ.