Home Đời Sống Tài Liệu Những cuộc vượt thoát tìm tự do qua bức tường Bá Linh

Những cuộc vượt thoát tìm tự do qua bức tường Bá Linh PDF Print E-mail
Chúa Nhật, 08 Tháng 11 Năm 2009 07:33
Những cái chết bên bờ biên giới

 
 Thi hài của Peter Fechter (hình trên) nằm cạnh Bức Tường Bá Linh, bên phía Ðông, sau khi bị lính Ðông Ðức bắn bị thương và để mặc cho cho chết. Biến cố này gây phẫn nộ cả thế giới. Hình dưới: thi hài Fechter được mang đi một giờ sau đó. (Hình: Iconicphotos.wordpress)
Trong khi vượt thoát qua ranh giới giữa hai vùng Bá Linh, không may cho ai bị thương ngay trên “lằn ranh tử thần,” sát bên bờ Tây. Không ai có thể được may mắn cứu thoát, vì người dân e phải chạm trán với lực lượng biên phòng Grepos của Ðông Ðức. Lính canh sẽ để mặc cho kẻ bất hạnh nằm đó, ra máu đến chết như trường hợp của Peter Fechter, 18 tuổi.

Ngày 17 Tháng Tám, 1962, một năm sau khi Bức Tường Bá Linh được dựng lên, Fechter, 18 tuổi, làm nghề thợ hồ, cùng bạn là Helmut Kulbeik tìm cách trốn qua bên phía Tây. Kế hoạch của họ là ẩn trong một xưởng mộc ở Zimmerstrasse, rồi sau khi cẩn thận quan sát lính canh, họ nhảy từ cửa sổ một tòa nhà xuống bãi đất của “lằn ranh tử thần,” từ đó họ cố chạy nhanh đến chân tường, rồi trèo lên bức tường cao 2m, bên trên có giăng một hàng thép gai nữa. Nếu thành công, họ sẽ qua được khu vực Kreuzberg của Tây Bá Linh, gần trạm kiểm soát ranh giới Charlie. Khi cả hai chạy vừa đến chân tường thì lính canh nổ súng. Kulbeik thoát qua được, duy chỉ Fechter vì bị trúng đạn ở mông nên gục xuống ngay chân tường bên phía Ðông. Anh bị để mặc cho nằm đó trên vũng máu, ngay trước mắt của truyền thông Tây phương và hằng trăm người dân Tây Bá Linh đang mục kích một cách kinh hoàng. Mặc dù Fechter kêu la nhưng cả Ðông lẫn Tây đều không có ai đến cứu. Ðám đông ở Tây Bá Linh biến thành cuộc biểu tình, họ hướng qua đám lính canh Ðông Ðức và hô to “Quân Sát Nhân!”

Cái chết của Fechter dấy lên làn sóng công phẫn trên khắp thế giới khiến các lãnh tụ Ðông Ðức phải ban lệnh hạn chế nổ súng quá lộ liễu nơi công cộng, cũng như phải cứu chữa cho người đào tẩu bị thương. Ở chân tường bên phía Tây, ngay nơi chỗ Fechter gục chết, người ta trồng lên một bia tưởng niệm với hàng chữ “...anh ta chỉ muốn được tự do.”

Sau khi nước Ðức thống nhất vào năm 1990, đài tưởng niệm Peter-Fechter-Stelle được dựng ngay chỗ anh nằm chết và nơi đây trở thành tâm điểm của những buổi tưởng niệm liên quan đến bức tường nói chung.

Nhà văn Cornelius Ryan, người từng viết cuốn The Longest Day và A Bridge Too Far, đã viết cuốn The Last Battle để tưởng nhớ đến riêng Fechter. Nhà soạn nhạc Aulis Saullinen viết bản hợp tấu Mauermusik để tưởng nhớ đến anh. Năm 2007, Viện Nghệ Thuật Ðương Ðại ủy thác nghệ sĩ Mark Gubb tổ chức buổi diễn nghệ thuật dựa vào cái chết của Fechter, vở này chỉ có một hồi và dài một tiếng đồng hồ.

Người cuối cùng bị bắn trong khi tìm cách vượt Bức Tường Bá Linh là Chris Gueffroy, vào ngày 6 Tháng Hai, 1989. Anh và người bạn tên Christian Gaudian thực hiện cuộc trốn thoát qua bức tường vì tin rằng lệnh bắn đã được hủy bỏ. Khi leo đến được bên trên thì họ bị phát giác và lính canh nổ súng. Gueffroy chết vì mười phát đạn bắn vào ngực, trong khi Guadian chỉ bị thương nặng và bị bắt lại. Sau đó vào ngày 24 Tháng Năm, 1989, anh bị tòa Pankow kết án ba năm tù. Qua Tháng Chín, Guadian được tại ngoại với một số tiền thế chân, và vào ngày 17 Tháng Mười, 1989, anh được trao cho Tây Bá Linh.

Bốn người lính canh có công trạng được chính quyền Ðông Ðức khen thưởng và mỗi người được tặng thêm 150 Ðức mã. Tuy vậy, sau khi hai miền thống nhất thì họ lại bị chính quyền Tây Ðức truy tố.

Ngày 21 Tháng Sáu, 2003, đúng vào dịp 35 năm ngày sinh của Gueffroy, một đài tưởng niệm dành cho anh được dựng lên bên bờ kênh hạt Britz. Ðài tưởng niệm do nghệ nhân Karl Biedermann thiết kế. Một trong những chữ thập ở địa điểm tưởng niệm nằm cạnh Reichstag Building cũng được khắc tên anh.

Sau Gueffroy, người Ðông Bá Linh cuối cùng bị thiệt mạng trong khi tìm tự do là anh Winfried Greudenberg, 23 tuổi. Sau thời gian làm thợ điện tập sự, Greudenberg học kỹ sư điện ở trường Volkshochschule. Mùa Thu năm 1988, anh cưới Sabine, một sinh viên học cùng trường. Ra trường không có việc, họ trở nên náo nức muốn vượt qua bên kia ranh giới, chỉ cách nơi họ ở có vài trăm mét. Cả hai quyết định vượt qua phía Tây, vì thế sau khi cưới xong, anh và vợ lập ngay kế hoạch vượt thoát bằng khí cầu tự chế, bơm bằng gas thiên nhiên (natural gas).

Ðể thực thi kế hoạch, Greudenberg xin vào làm tại một xưởng lọc gas địa phương và cả hai mướn một căn chung cư nằm ở ngoại ô của PrenzlauerBerg bên Ðông Bá Linh. Trong hai Tháng Một và Hai, họ dùng vải lều bằng polythene để may một quả cầu có đường kính 11m, cao 13m. Vào ngày 7 Tháng Ba họ quyết định rằng gió đã thuận chiều để bắt đầu khởi hành, nên lúc nửa đêm họ đến chỗ Greudenberg làm việc và bơm gas vào khí cầu. Lúc 1 giờ 30 sáng, một sinh viên thất nghiệp trông thấy liền báo cho công an địa phương. Họ đâm hoảng khi thấy có xe công an xuất hiện. Vì chưa đủ gas cho cả hai người cùng đi nên đành quyết định để cho Greudenberg ra đi một mình, Sabine cắt đứt dây. Do thiếu trọng lượng của Sabine để đủ cân bằng nên quả cầu vọt lên quá nhanh làm cắt đứt nhiều dây điện. Mặc dù công an Ðông Ðức thường bắn kẻ nào vượt thoát nhưng lần này vì sợ nếu bắn thì gas trong quả cầu sẽ nổ tung nên họ lại thôi.

Greudenberg sau đó bay trong suốt nhiều giờ, bay ngang qua phi trường Berlin Tegel ở Tây Bá Linh, nơi anh dự tính sẽ đáp xuống từ độ cao 2,000 mét. Vào 7 giờ 30 sáng hôm sau, anh rơi xuống khu vườn của một ngôi biệt thự nằm ở ngoại ô Zehlendorf. Nguyên nhân của sự rơi ra sao thì chưa được rõ. Chiếc khí cầu rớt xuống nằm vắt giữa một con đường lớn, trong khi xác của Greudenberg được tìm thấy vài giờ sau đó, cách vài khu phố, ở sân sau một căn nhà. Rõ ràng là anh đã bị chết ngay khi vừa rơi xuống đất.

Sau tai nạn này, chính quyền Ðông Ðức chất vấn bạn bè, gia đình, người quen, và bạn đồng nghiệp của Greudenberg, kể cả vợ của anh để xem còn ai liên can đến cuộc đào thoát ấy nữa. Nhờ lúc quốc tế đang chú ý theo dõi và gây áp lực kể từ sau vụ bắn chết Chris Gueffroy mới trước đó, Sabine chỉ bị một án nhẹ ba năm tù treo, và sau đó được ân xá vào Tháng Mười, năm 1989.

Tháng sau, Ðông Ðức bắt đầu cho phép công dân của mình du lịch qua phía Tây, và nhiều tháng sau nữa thì Bức Tường Bá Linh sụp đổ, hai miền thống nhất với nhau.