Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Công Cha Nghĩa Mẹ

Công Cha Nghĩa Mẹ PDF Print E-mail
Tác Giả: Chu Thập   
Thứ Sáu, 25 Tháng 5 Năm 2012 22:55

 Mẹ tôi qua đời đã lâu. Ngày của Mẹ năm nay cũng đã qua.

Nhưng với tôi, 365 ngày trong một năm đều tất cả là ngày của Mẹ. Tôi có hiện hữu, thành người và nên người là bởi có mẹ. Tôi không thể nhớ và cũng chẳng kể hết được công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ.
Nhưng nhớ đến mẹ, tôi cũng không thể không nghĩ đến cha. Mỗi buổi sáng, khi rửa mặt soi gương, tôi nhận ra hình ảnh của cha mẹ trong tôi: những sợi tóc mềm mại là của mẹ, cái sóng mũi hơi dài là của cha, làn da không đến nỗi đen sạm là của mẹ, nhưng cái dáng người không được tầm cỡ lắm là của cha...Thể chất của tôi là như thế. Còn tinh thần thì, cho dẫu “cha mẹ sinh con trời sinh tánh”, nếu tôi có “lém miệng” một chút thì chắc chắn đó là gia tài mẹ để lại và một chút “cáu giận” thì đương nhiên là một rơi rớt từ cái thói nổi “tam bành” một cách dễ dàng của cha rồi. Tôi quả là một tổng hợp kỳ diệu của cha và mẹ. Tôi là tôi và tôi không giống ai là bởi đã được cha mẹ tôi kết hợp để tạo ra như thế. Bao lâu còn hít thở và còn chút tỉnh táo, tôi không thể không nghĩ đến công ơn “cha sinh mẹ dưỡng” ấy.

Mấy ngày vừa qua, tôi nghĩ đến công cha nghĩa mẹ rất nhiều khi đọc tạp chí Time, ấn bản Hoa kỳ, số ra tuần này. Trên trang bìa của tạp chí này là một hình ảnh khá “khiêu khích”: một người phụ nữ ở độ tuổi 30, với dáng vẻ của một người mẫu, đang cho cậu con trai bú. Điều đáng nói là cậu con trai 3 tuổi này đứng trên ghế và đang làm thao tác của một thơ nhi một cách ngon lành. Bên cạnh bức hình là câu hỏi: “Má làm Mẹ đủ chưa?” (Are you Mom enough?) Cứ tưởng đây là một hình ảnh ghép và giả tạo. Nhưng theo một lời giải thích, thì người phụ nữ đang cho con bú này là cô Jamie Lynne Grumet, một người mẹ đang sống tại thành phố Los Angeles và đang là thành viên của một phong trào nuôi dạy con được mệnh danh là “nuôi dưỡng bằng sự gắn bó” (Attachment Parenting). Đây là một phong trào nuôi dạy con rất thịnh hành tại Hoa kỳ từ 2 thập niên qua. Phong trào này đã phát sinh từ một cuốn sách có tựa đề “The Baby Book” (cẩm nang nuôi dạy con) của bác sĩ Bill Sears và vợ ông là bà Martha, xuất bản năm 1992.

Cả ông Bill và bà Martha đều có một tuổi thơ bất hạnh. Cha của ông Bill đã bỏ rơi mẹ ông khi ông mới được một tháng tuổi. Mẹ con ông phải dọn về sống chung với ông bà ngoại. Lúc còn là một sinh viên y khoa và đi thực tập, Bill đã làm quen với Martha, một y tá mới ra trường. Ở tuổi thơ, Martha cũng gặp nhiều khó khăn trong gia đình. Cha cô qua đời vì chết đuổi khi cô mới được 4 tuổi. Mẹ cô lại mắc bệnh tâm thần. Bầu khí gia đình lúc nào cũng buồn thảm. Martha chưa một lần cảm nhận được thế nào là tình thương và sự ôm ấp của cha mẹ. Dù vậy, Martha cũng cố gắng vượt qua khó khăn để học hành và cuối cùng tốt nghiệp y tá. Lớn lên hầu như trong cùng một cảnh ngộ, hai tâm hồn này đã dễ dàng cảm thông với nhau. Chỉ sau 3 tháng quen nhau, họ đã đính hôn với nhau và làm đám cưới 6 tháng sau đó. Nhưng cuộc sống hôn nhân của họ đã không chỉ là mầu hồng. Sau khi sinh đứa con đầu lòng, cuộc khủng hoảng về niềm tin tôn giáo đã khiến cho hai người phải xa nhau. Nhưng chỉ sau một thời gian, họ đã đoàn tụ lại và lần này, quyết tâm dồn mọi nỗ lực và thời giờ cho con cái để chúng hưởng được những gì mà hai người đã không có được trong tuổi thơ. Từ kinh nghiệm ấy, ông bà Sears đã viết ra cuốn sách “The Baby Book” và làm dấy lên phong trào dưỡng dục con cái theo phương pháp “Attachment Parenting”. Phương pháp dưỡng dục con cái này đặt trọng tâm vào ba điểm chính: cho con bú sữa mẹ càng lâu càng tốt, cho con được ngủ chung giường với cha mẹ và gắn bó một cách mật thiết nhứt là về mặt thể lý với cha mẹ.

Dĩ nhiên, hiện nay phương pháp của ông bà Sears vẫn chưa được chứng nghiệm về mặt khoa học. Về chuyện bú sữa mẹ, tất cả các nhà khoa học đều đồng ý rằng đây là một điều lý tưởng cho cả mẹ lẫn con. Nhưng Hàn lâm viện nhi khoa Hoa kỳ cho rằng cần phải qui định dứt khoát chu kỳ và thời gian cho con bú sữa mẹ, chứ không thể để bao lâu cũng được.

Về chuyện ôm ấp và dỗ con mỗi khi chúng khóc, ông bà Sears cho rằng để con khóc quá lâu có thể làm hại não bộ và dẫn đến những rối loạn tâm thần. Nhưng các nhà khoa học thì lại cho rằng để cho con khóc ngay cả một thời gian dài không hề gây nguy hại cho sự phát triển não bộ của chúng.

Riêng về chuyện để cho con cái được ngủ chung với cha mẹ thì nhiều chuyên gia lại cảnh cáo rằng đây là một hành động liều lĩnh, bởi vì không thiếu trường hợp xảy ra khi do ngủ say cha mẹ có thể đè con chết hay làm cho chúng nghẹt thở.

Không rõ phương pháp “dưỡng dục con cái bằng sự gắn bó” do ông bà Sears để ra có mang lại kết quả nào không. Nhưng nhìn vào gia đình ông bà, người ta thấy đây là một đại gia đình hạnh phúc và thành công. Trong 7 người con của ông bà, có 3 người là bác sĩ. Mỗi ngày chúa nhựt, sau thánh lễ tại một nhà thờ Công giáo, ông bà con cháu thường tập trung lại để chia sẻ bữa ăn với nhau trong yêu thương và an bình.

Mặc dù phong trào nuôi dưỡng con cái của ông bà Sears đang gây nhiều tranh cãi, nhưng theo tạp chí Time, đây là một phương pháp ngày càng được nhiều gia đình Mỹ chú ý tới. Dĩ nhiên, đối lại với sự ôm ấp, gắn bó và chìu chuộng, nhiều bậc phụ huynh Mỹ cũng thành công không kém trong việc giáo dục con cái bằng kỷ luật và sự cứng rắn. Điển hình là phương pháp của bà Amy Chua, một bậc khoa bảng người Phi luật tân gốc Hoa hiện đang giảng dạy tại một đại học danh tiếng ở Hoa kỳ. Bà Amy Chua đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi khi cho xuất bản cuốn sách có tựa đề “Battle Hymn of the Tiger Mother” (bài ca xuất trận của người Mẹ dữ như cọp). Trong cuốn sách, tác giả kể lại sự nghiêm khắc của cha bà, nhờ đó bà mới có thể học hành thành tài và nên người. Bà cũng áp dụng kỷ luật sắt này với hai cô con gái của bà.

Tựu trung, những luận cứ ủng hộ hay chống lại phuơng pháp “dưỡng dục con cái bằng sự gắn bó” phản ảnh những cách dạy dỗ con cái khác nhau trong xã hội Mỹ từ 50 năm qua. Nhưng dù thế nào đi nữa, hai đường lối dưỡng dục này đểu qui về một mẫu số chung là đặt nặng vai trò của cha mẹ và sự giáo dục trong gia đình. Thời nào và ở đâu gia đình cũng vẫn là mái trường đầu tiên trong đó con người tiếp nhận những giá trị và những bài học cơ bản về “làm người”.

Nhưng dĩ nhiên, nói đến gia đình là phải trước tiên nghĩ đến cái mái ấm được tạo thành bởi mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ và con cái. Chỉ trong một môi trường như thế con người mới có thể sinh ra, lớn lên và trưởng thành một cách thực sự bình thường. Các nhà khoa học có thể có ý kiến khác nhau về phương pháp giáo dục trong gia đình, nhưng chắc chắn ai cũng phải nhìn nhận tầm quan trọng của nền giáo dục này. Mới đây khoảng 150 bác sĩ thuộc tổ chức “Bác sĩ vì gia đình” (Doctors for the Family) tại Úc đại lợi tuyên bố rằng con cái được giáo dục trong những gia đình xây dựng trên các quan hệ “khác giới” thành công hơn về mọi mặt. Nhóm các bác sĩ này đã ký tên vào một thỉnh nguyện thư gởi cho Thượng Viện Liên Bang Úc để chống lại hôn nhân đồng tính và khẳng định rằng hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là “nền tảng của một xã hội ổn định”. Thỉnh nguyện thư này lập lại rằng hôn nhân, như đã được định nghĩa theo Luật Hôn Nhân năm 2004, tức hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, vững chắc hơn hôn nhân đồng tính.

Nhóm các bác sĩ này bày tỏ quan ngại về sức khỏe của những đứa trẻ do những cặp đồng tính nuôi dạy. Theo các bác sĩ này, đã có bằng chứng cho thấy những đứa trẻ lớn lên với cha mẹ đẻ trong một gia đình được xây dựng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ có sức khỏe thể lý, tâm lý và tinh thần bình thường hơn những đứa trẻ khác.

Dĩ nhiên, về khoa học thì những người bênh vực hôn nhân khác giới cũng như bên ủng hộ hôn nhân đồng tính, phía nào cũng đều có thể trưng dẫn những bằng chứng để hỗ trợ cho lập trường của mình. Cuộc tranh luận tại Úc đại lợi ngày càng sôi bỏng khi Quốc hội Úc đang chuẩn bị thảo luận về việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Tôi không biết vấn đề sẽ ngả ngũ như thế nào. Nhưng ít nhứt cho tới nay thủ tướng Julia Gillard vẫn một mực chống lại hôn nhân đồng tính. Tôi cũng rất cảm phục lập trường của lãnh tụ đối lập Tony Abbott. Mặc dù tỏ ra rất cảm thông với một người em gái là người sau khi ly dị chồng, đã bước thêm một bước nữa với một người đồng tính, ông Abbott vẫn trước sau như một cương quyết không chấp nhận hôn nhân đồng tính.

Về điểm này, ít ra tôi cũng cảm thấy hãnh diện về các nhà lãnh đạo chính trị của Úc đại lợi. Dù cho đa số dân chúng Úc có ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính đi nữa, thủ tướng Gillard và thủ lãnh đối lập đã không vì lá phiếu của người dân mà đảo lộn luân thường đạo lý. Có đâu như ông tổng thống Hoa kỳ, Barack Obama. Trước đây, ông đã từng tuyên bố chống lại hôn nhân đồng tính. Nay sắp đến kỳ bầu cử, thấy dân chúng Mỹ ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, ông lại quay 180 độ để chạy theo họ.

Chuyện hôn nhân, gia đình và giáo dục con cái xét cho cùng là chuyện đạo đức. Để được ổn định, xã hội cần phải được xây dựng trên nền tảng đạo đức vững chắc, chứ không trên ý muốn tùy tiện của một số người. Mà nói đến đạo đức thiết yếu là nói đến trách nhiệm. Nói như thi sĩ Anh John Donne (1572-1631), trên trái đất này “không ai là một hòn đảo” đơn độc cả. Đã bước vào đời là đi vào một giây chuyền vô tận của liên đới và trách nhiệm.

Nói đến trách nhiệm tôi nghĩ đến trước tiên trách nhiệm trong cái tế bào nền tảng của xã hội là gia đình. Cha mẹ sẽ là những người thiếu trách nhiệm nếu sinh ra con cái mà không lo nuôi dưỡng và giáo dục chúng cho nên người. Càng thiếu trách nhiệm hơn nếu sinh con mà không cho nó biết cha mẹ nó là ai. Lại càng vô trách nhiệm hơn khi tước đoạt quyền của đứa con được nuôi nấng và dưỡng dục trong một gia đình bình thường có một người cha là đàn ông và có một người mẹ là đàn bà chứ không phải là hai người cha hay là hai bà mẹ cùng một lúc. Tội nghiệp cho đứa trẻ phải sống trong một gia đình xây dựng trên hôn nhân đồng tính: nó đã bị mồ côi cha hay mồ côi mẹ ngay trong gia đình!

Tôi biết chắc rằng tổng thống Obama đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình bình thường. Tôi cũng tin rằng thượng nghị sĩ Penny Wong và thượng nghị sĩ Bob Brown và tất cả các ông bà dân biểu nghị sĩ khác cũng có cha có mẹ như tôi. Cũng như tôi, có lẽ mỗi ngày họ cũng nhớ đến bậc sinh thành của mình. Cũng như tôi, có lẽ họ cũng biết rằng chính nhờ công ơn dưỡng dục của cha mẹ mà họ mới có ngày hôm nay. Mong sao họ sẽ làm mọi cách để không có đứa trẻ nào phải bất hạnh vì phải sinh ra và lớn lên trong một “gia đình” có hai ông cha hay hai bà mẹ một lúc nhưng lại bị buộc phải mồ côi cha hay mồ côi mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ.

Dù cho cha mẹ tôi đã khuất núi nhưng tôi vẫn vui sống vì tôi biết tôi là ai và tôi từ đâu đến. Nhớ đến câu chuyện đi tìm lại nguồn gốc của những trẻ em mồ côi trong chiến dịch “baby lift” trong cơn hấp hối của Miền Nam năm 75 được người Mỹ mang ra khỏi Việt Nam, tôi không khỏi chạnh lòng. Các em dù được lo lắng đầy đủ cả tinh thần lẫn vật chất, dù đã thành ông nọ bà kia nhưng nỗi khắc khoải về nguồn gốc vẫn bám chặt từng phút giây trong cuộc sống đến nỗi phải gác lại tất cả để miệt mài tìm cho ra câu chuyện đời mình như một giải tỏa phải có. Nhưng ít ra, các em đó vẫn còn hy vọng. Không còn cha mẹ thì cũng còn một nơi chốn để tìm về. Thế nhưng những em bé thuộc thế hệ tương lai, kết quả của các cuộc hôn nhân đồng tính thì sao? Cội nguồn đâu để các em tìm về?