Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Chính trị và Công lý

Chính trị và Công lý PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Ngọc Nguyên   
Thứ Bảy, 31 Tháng 3 Năm 2012 15:55

Cuối cùng, phiên tòa lịch sử của Tối cao Pháp viện cũng đã khai diễn vào ngày đầu tuần này, trong sự theo dõi có lẽ của cả thế giới vì sự kỳ quái của nó, và trong sự mong đợi hồi hộp của toàn dân Mỹ vì vận mệnh của đất nước và không kém quan trọng là sự an nguy của chính mình.

TT Obama sau khi ký luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Y tế ngày 23 tháng 10, 2010. Getty Images

Về mặt danh nghĩa, bị can của phiên tòa chính là Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Y tế trong Khả năng (Patient Protection and Affordable Care Act) mà lưỡng viện Quốc Hội với đa số là người Dân Chủ đã thông qua và Tổng thống Barack Obama ký ban hành ngày 23-3-2010. Đạo luật này bị truy tố vào tội cho phép Quốc Hội lạm quyền, can thiệp vào quyền tự do thương mại, tức tự do mua bán của ngưòi dân, bắt mọi người phải mua một món hàng do chính phủ chỉ định (bảo hiểm y tế), vi phạm điều khoản Thương Mãi trong Hiến Pháp Hoa Kỳ. Nguyên đơn là chính quyền của 26 tiểu bang có thống đốc là người Cộng Hòa, cùng một tổ chức hội đoàn về quyền tiêu thụ.

Trong ba ngày từ thứ Hai đến thứ Tư, chín vị của Tối cao Pháp viện sẽ nghe phía luật sư của bị cáo giải bày, đưa ra những luận cứ bào chữa, bênh vực cho đạo luật này cùng trả lời những chất vấn của tòa. Bốn điểm mà những vị thẩm phán muốn nghe là (i) Phiên tòa mở ra có đúng không khi qui định buộc mọi người phải mua bảo hiểm và phải chịu phạt nếu không mua đến năm 2014 mới có hiệu lực; (ii) Qui định về nghĩa vụ phải mua bảo hiểm có hợp hiến hay không; (iii) Nếu hủy bỏ điều khoản này trong luật cải tổ y tế, liệu luật này có thể tồn tại được hay không?; và (iv) Quyền hạn giữa liên bang và tiểu bang có xung đột trong việc điều hành chương trình Medicaid hay chăng. Sau ba ngày này, Tối cao Pháp viện sẽ đóng cửa, tắt đèn làm việc đề đưa ra phán quyết, dự trù vào khoảng tháng Sáu. Chúng ta có thể hiểu rằng tuy đóng cửa làm việc, nhưng họ không thê bịt tai, che mắt trước xã hội bên ngoài, khi những phe ủng hộ luật này và những phe đòi hủy bỏ luật hàng ngày sẽ ồn ào, huyên náo phô trương lực lượng bằng cách này hay cách khác, để tạo áp lực với những người cầm cân nẩy mực cho công lý – không chừng có thể có choảng nhau đẫm máu giữa những người theo Trà Hội (tea-partiers) và những ngưòi trong phong trào Chiếm đóng Phố Wall.

Trong cuộc điều trần vào ngày thứ Ba, luật sư đại diện cho chính quyển (solicitor general) Donald Verrilli Jr. đã có dịp nhắc lại và nhấn mạnh những điều căn bản về luật này mà chúng ta đã biết trong mấy năm qua. Người ta đã phê bình ông lúng túng, thiếu chuẩn bị, thiếu sách lược trong việc giải bày và đối đáp của mình, nhưng trong chín vị ở Tối cao Pháp viện, có đến bốn người được các Tổng thống Dân Chủ đề cử, là một ông Stephen G. Breyers (do Tổng thống Bill Clinton đề bạt) và ba bà Ruth Bader Ginsburg (Clinton), Sonia Sotomayor (Barack Obama), Elena Kagan (Obama). Bốn người này đã tích cực nhắc tuồng cho ông Verrilli một cách xuất sắc, trong khi bốn vị được các tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm, gồm chánh án John G. Roberts Jr. (George W. Bush), Samuel A. Alito Jr. (Bush), Antonin Scalia (Ronald Reagan), Anthony M. Kennedy (Reagan) đã tấn công ông Verrilli tới tấp. Người duy nhất im lặng là ông thẩm phán da đen Clarence Thomas do Tổng thống George W. H. Bush (Bush cha) bổ nhiệm. Ông không cần lên tiếng vì ông đã có định ý sẵn mà ai cũng biết đến mức từng có đề nghị ông không được tham dự phiên tòa này. Ông chủ trương, “ăn cây nào, rào cây ấy”, và “bảo hoàng hơn vua”.

Việc vận động xây dựng một chế độ bảo hiểm y tế đại chúng (universal health care) – ai cũng có bảo hiểm y tế - đã là một điều tâm nguyện của những người Dân Chủ từ những năm 30 của thế kỷ trước, khi đảng này thành công trong việc đưa ra chương trình An sinh Xã hội (social security) nhằm lo chuyện an toàn cho người thất nghiệp và người già về hưu. Năm 1965, Tổng thống Lyndon B. Johnson của đảng Dân Chủ đã thành công trong việc đưa ra chương trình Medicare và Medicaid – bảo hiểm y tế cho người già và người nghèo. Tuy nhiên, những nỗ lực xúc tiến y tế đại chúng trong gần 80 năm qua đều thất bại (cho dến khi ông Obama đưa ra luật này), có nghĩa là đảng Cộng Hòa đã chống đối ý định này của người Dân Chủ một cách thành công trong cả gần tám thập niên qua, chưa nói đến chuyện chống đảng Dân Chủ từ trước thời Nội Chiến!

Luận chứng của đạo luật này trong thực tế xã hội Mỹ ngày nay khá đơn giản và dễ hiểu. Nước Mỹ đã rơi vào một cuộc khủng hoảng y tế đại chúng khá trầm trọng, chi phí ngày càng lên cao cho mọi người, cho chính phủ, và cho toàn xã hội - một vấn đề cần phải giải quyết, do đó phải có giải pháp. Cả 50 triệu người không có bảo hiểm y tế - chưa nói đến cả 20-30 triệu người chỉ có bảo hiềm “đại khái” (under-insured). Tương đương với môt tỷ lệ dân số từ 15%-25%. Đây chính là một “lưc lượng” đe dọa trên nhiều mặt cho xã hội, cho ngân sách chính phủ. Không có bảo hiểm, cho nên trong nhiều trường hợp họ “có bệnh” hơn những người có bảo hiểm được chăm sóc thường xuyên. Khi bệnh của những người không có bảo hiểm phát tác, người ta đi E.R. – phòng cấp cứu của các bệnh viện – theo lời khuyên của cựu tổng thống George W. Bush, với phí tổn nặng nề không tưởng được mà cuối cùng nhà nước phải chịu. Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), chi trả cho những người không có bảo hiểm này làm chính phủ tốn đến 47 tỉ một năm. Mặt khác, chỉ vì cách chi tiêu y tế tốn kém của “lực lượng” này, chi phí nhà thương và bảo hiểm của những người có bảo hiểm cũng đều gia tăng. Bởi vậy, một chính sách chính phủ mua bảo hiểm cho những người không có bảo hiểm không chỉ có tính “nhân đạo”, mà còn có tính thực tế, thực tiễn mà không thực dụng - kềm chế chi phí y tế.

 Người dân Hoa Kỳ chống đối luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Y tế bên ngoài tòa Tối Cao ngày 28 tháng 3, 2012. Getty Images

Tại sao phải bắt mọi người mua bảo hiểm y tế? Câu hỏi cũng tương tự như tại sao lại bắt mọi người phải mua bảo hiểm xe cộ. Đó là vấn đề an toàn giao thông. An toàn xã hội. Nếu chỉ có những người hay lo, hay sợ mới mua bảo hiểm, nhỡ những lúc tai nạn xảy ra, người gây nạn hay người bị nạn không có bảo hiểm, làm sao có thể giải quyết được những hậu quả. Và nếu người ta được quyền không mua bảo hiểm xe hơi, thì các hãng bảo hiểm làm sao đủ “sở hụi” để bồi thường thỏa đáng trong những trường hợp dính líu tới thân chủ của họ. Về thị trường bảo hiểm y tế, nếu khoảng 40% dân số trẻ tuổi nghĩ rằng mình chẳng có việc gì phải lo về sức khỏe, rốt cuộc các hãng bảo hiểm y tế phải ôm toàn những người già, người bệnh, người tàn phế, phụ nữ, trẻ em… trong đó có không ít những người chi phí y tế cao gấp 10-20 lần tiền bảo phí họ đã đóng. Nếu không đòi hỏi mọi người đều phải mua bảo hiểm, thì làm sao quân bình được phương trình, một bên là tổng chi phí y tế của toàn xã hội trả cho bác sĩ, nhà thương, thuốc men, một bên là sự đóng góp của người dân như người mua dịch vụ. Đúng như bà Kagan nói: “Những người trẻ có thể phải trợ giá cho thị trường bảo hiểm ngày nay, để rồi mai sau khi họ già, họ sẽ được trợ giá lại bởi những thế hệ về sau”.

Những ông thẩm phán về phía Cộng Hòa vừa đi thẳng vào đề tài vửa lạc đề. Đi thẳng vào đề tài khi họ chỉ bàn đến một chuyện là quyền hạn của Quốc Hội và quyền tự do mua bán của người dân. Tóm tắt: Quốc Hội lạm quyền, và quyền tự do của người dân bị vi phạm. “Cứ cái kiểu này”, người ta nói, “về sau này Quốc Hội có thề bắt người dân mua cả broccoli”. Lạc đề là ở chỗ người ta lơ đi trước nhu cầu an lạc của xã hội. Thẩm phán Kennedy đã mô tả luật này là “điều chưa từng có trước đây” cho chính phủ liên bang áp đặt một “nghĩa vụ bó buộc” cho người dân mua một sản phẩm. Ông nói “Tôi e rằng chúng ta chẳng tìm ra ở đâu trong Hiến Pháp cho phép Quốc Hội có quyền như thế”. Thẩm phán Antonin Scalia lên tiếng cho rằng không có căn cứ nào để cho phép chính phủ liên bang áp đặt một nghĩa vụ như thế dưới dạng là điều hành thương mại. Ông hỏi nếu ta “cho phép việc ép mua bán này”, thì “câu hỏi phải được đặt ra là có giới hạn nào hay không” cho quyền lực của Quốc Hội. Ông chánh án John Roberts thì có quan điểm Hiến Pháp đặt ra những giới hạn về quyền lực của liên bang, và những giới hạn này sẽ bị xóa bỏ nếu nhà chức trách liên bang bắt buộc người ta mua một sản phẩm. Ông nói ông không tin ở lý luận của chính phủ là y tế là trường hợp đặc biệt bởi vì mọi người đều có thể bị rơi vào một tình trạng sức khỏe cần cấp cứu vào bất cứ lúc nào. Ông Roberts ví von nói những người lái xe trên xa lộ cũng có thể có lúc phải cần sự giúp đỡ cấp kỳ khi có chuyện, cần cảnh sát, cần xe cứu thương đến nay, thế nhưng “đó chẳng phải là lý do để chính phủ bắt mọi người phải sắm một cái điện thoại cầm tay”. Thẩm phán Samuel Alito còn nghiêm khắc hơn. Ông nói “qui định này đã buộc những người lành mạnh phải trợ cấp khổng lồ cho những công ty bảo hiểm”.

Đúng là những ông này khéo lo – hay khéo giả ngộ. Quốc Hội Mỹ vốn nổi tiếng vể sự bất đồng, không quyết đoán, chỉ vì sự bất đồng, “mâu thuẫn đối kháng” giữa hai đảng. Ông nói gà, bà nói vịt. Làm sao hai đảng có thể đạt được một thỏa thuận về những chuyện như bắt người dân sắm cell phone hay ăn broccoli được. Nếu Quốc Hội Mỹ mà ra đươc một đạo luật về việc bắt người ta phải mua broccoli thì điều này cũng có mặt tốt của nó, vì nó chứng tỏ nước Mỹ nay đã bớt điên, đã chịu nhất trí thay vì phân hóa.

Tất cả đều là chuyện nói chơi, cho nên người ta bị ám ảnh bởi một chuyện thật: Tối cao Pháp viện sẽ đạt một quyết định chính trị hay một quyết định dựa trên những giá trị công lý, trên sự phán đoán khách quan về luật pháp. Nhưng thế nào là một quyết định chính trị? Một quyết định hiểu theo nghĩa xấu là dựa trên quan điểm chính trị của mình, sự nối kết với các chính đảng của mình (Cộng Hòa hay Dân Chủ); hiểu theo nghĩa tốt là một quyết định vì lợi ích cua người dân là mục tiêu cao hơn hết thảy. Một quyết định vì công lý cũng có hai nghĩa, nghĩa tốt là vì một xã hội công bằng, bình đẳng, có hiệu quả, và nghĩa xấu là bám vào một hiến pháp cũ kỹ, lạc hậu, trong một thời đất nước rất khác, xã hội rất khác, văn hóa rất khác, để bắt ép, uốn nắn thời nay phải thối lui lại mấy trăm năm cho giống như thời truớc.

Chính trị hay công lý trong thời nay, chẳng phải là chuyện dễ hiểu, dễ làm. Nhưng làm sao người dân chấp nhận được một tòa án mà những người trong “jury” thiên vị, thành kiến, cái đầu không đủ lạnh để giữ được sự khách quan? [HNN]