Niềm Vui Nhỏ PDF Print E-mail
Tác Giả: Chu Thập   
Thứ Hai, 05 Tháng 3 Năm 2012 20:48

Sáng chúa nhựt vừa rồi, trên đường đi lễ, ghé đổ xăng, tôi có được một niềm vui nhỏ.

Sau khi tính tiền, người đàn bà thu ngân nhoẻn miệng cười thật tươi và chúc “một ngày vui” (Have a nice day!).
Trong một xã hội văn minh như Úc đại lợi, những cử chỉ máy móc và những công thức chào hỏi sáo ngữ nhiều đến độ khiến người ta dửng dưng. Nhưng cứ tưởng tượng một ngày nào đó, quan hệ giữa người với người không còn được tô điểm bằng những cử chỉ và công thức ấy thì cuộc sống sẽ nặng nề biết chừng nào.

Người Việt nam thường bị ám ảnh bởi những kiêng kỵ. Sáng sớm ra ngõ gặp đàn bà bị xem là xui. Vậy mà chúa nhựt vừa qua, cử chỉ thân thiện của người người phụ nữ ở trạm xăng đã thực sự mang lại cho tôi một ngày thật vui và đương nhiên là không hề xui. Ở tiệm bán trái cây “Fresco” ở Hornsby, trong lúc đứng sắp hàng để trả tiền, tôi theo dõi những người đang lựa trái cây chưng đầy ở phía bên kia lối đi, vốn cũng thuộc về cửa hàng này. Người đi qua kẻ đi lại nườm nượp.

Vậy mà cửa hàng không cần phải cắt cử một nhân viên nào để theo dõi, bởi vì người ta tin tưởng chẳng có khách hàng nào muốn “chôm chĩa” cả. Ở nhà quê như chỗ tôi ở chẳng hạn, thỉnh thoảng đi dọc đường tôi cũng thấy những người nông dân bày một cái sạp nhỏ trước cổng nhà để bán lẻ các nông sản như trái cây, trứng gà, mật ong. Tuyệt nhiên chẳng thấy có ai đứng bán hay trông chừng hàng. Nhưng nhìn kỹ, người mua hàng sẽ thấy có một cái hộp nhỏ gọi là “honesty box” được đặt ngay trên sạp. Người mua hàng nào cũng hiểu rằng mình cứ tự động lấy hàng và bỏ tiền vào trong cái hộp đó theo giá được ghi trên mỗi món hàng. Tiền giấy, tiền cắc nằm trong cái lọ nhỏ, nếu cần “thối” thì khách hàng cũng tự mà làm. Ngoài con mắt lương tâm của chính mình đang theo dõi, chẳng ai biết mình có trả tiền và muốn sống lương thiện hay không.

Nhìn cảnh tượng mua bán “tự biên tự diễn” kiểu đó, tôi cảm thấy vui. Vui vì không những mình được sống trong một đất nước “may mắn” như Úc đại lợi, mà còn cảm nhận được sự tử tế, lương thiện và tin tưởng của con người đối với nhau.

Vui ở xứ người, nhưng cũng cảm thấy buồn mỗi khi nghĩ về quê hương. Chuyện lường gạt, dối trá thì đầy dẫy trên các trang báo hàng ngày trong nước. Chuyện khách du lịch ngoại quốc đến Việt nam một lần rồi tuyên bố sẽ không bao giờ trở lại vì bị trấn lột cũng không phải là chuyện bịa đặt của những “thế lực thù địch”. Dạo tháng 9 năm vừa qua, về thăm lại quê hương trong tinh thần luôn “đề cao cảnh giác”, vậy mà tôi cũng không tránh khỏi không biết bao nhiêu “sự cố”. Không nói đến chuyện mua hớ trong hàng chợ, không kể đến chuyện “treo đầu dê bán thịt chó”..., mỗi sáng đi vào chợ lỡ trả giá hay chỉ đứng xớ rớ mà không mua mở hàng thì cũng lãnh đủ những câu nói, cử chỉ khiếm nhã khiến phải bị ám ảnh suốt cả ngày. Tôi không trách những người đồng bào ruột thịt của tôi. Sống trong một xã hội mà sự chụp giựt, dối trá, lừa đảo, “móc ngoặc”...đã hầu như trở thành luật sống, thì lội ngược dòng đời không phải là điều dễ làm. Họ cũng chỉ là nạn nhân của một chế độ xây dựng trên dối trá mà thôi.

Thế giới có lý để lo sợ và đề phòng trước sự bành trướng của Trung Quốc. Trong khi lo sợ trước sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng lớn của Trung cộng, thế giới cũng cảm thấy bị đe dọa trước làn sóng những lề thói hạ cấp và cách hành xử “vô đạo” của người dân và xã hội mà “nhân lễ nghĩa trí tín” luôn từng được dùng như thước đo phẩm giá.

Mới đây, đài Truyền Hình Al Jazeera, ấn bản Anh ngữ, đã thực hiện một thiên phóng sự về điều được gọi là sự đụng độ về “văn hóa” giữa Trung hoa lục địa và Hong Kong. Cũng cùng một dòng máu và một ngôn ngữ, nhưng rõ ràng là Trung Hoa cộng sản và Hong Kong hiện có hai nền văn hóa khác biệt và xung đột nhau. Cuộc đụng độ giữa hai bên lên đến đỉnh điểm sau khi những người xử dụng mạng lưới Internet tại Hong Kong đã quyên góp trên 100 ngàn Dollard Hong Kong chỉ trong một tuần lễ để tài trợ cho một bảng quảng cáo gọi là “chống nạn châu chấu”. Bảng quảng cáo được đăng trên báo “Apple Daily” vẽ hình của vô số châu chấu đang xâm lấn Hong Kong. Nếu “châu chấu” là biểu tượng của nạn dịch phá hoại mùa màng, thì hiện nay người Hong Kong cũng so sánh người Trung Hoa lục địa với một thứ nạn châu chấu. Họ tràn ngập cựu nhượng địa Anh quốc này và làm xói mòn những giá trị mà Hong Kong đã bồi đắp được trong suốt 150 năm sống dưới quyền cai trị của người Anh. Ngoài những quyền cơ bản như tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do phát biểu, tự do hiệp hội...và những giá trị dân chủ, Hong Kong còn giữ được những giá trị truyền thống của Khổng Giáo mà cuộc cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông đã quét sạch ở Lục địa.

Theo thống kê, mỗi năm có đến 15 triệu người Trung hoa lục địa viếng thăm và tìm cách ở lại Hong Kong, đặc biệt các phụ nữ trong thời kỳ thai nghén, để hưởng những quyền lợi về y tế, xã hội tại Hong Kong. Đây là điều mà người dân Hong Kong còn có thể chấp nhận được. Nhưng có những điều mà họ cho là người Trung Hoa lục địa đã vượt quá làn ranh. Một cách cụ thể, người dân Hong Kong không còn chịu đựng nổi trước cảnh tượng của vô số người Trung Hoa lục địa đến đất nước của họ mà vẫn “vô tư” sống như ở nhà mình. Chuyện leo lên Taxi đi cho đã mà vẫn tỉnh bơ không chịu trả tiền là chuyện mà chỉ có người dân Trung Hoa lục địa dám làm ở Hong Kong. Các máy thu hình ở các nơi công cộng ở Hong Kong cũng quay được cảnh những thiếu phụ “vô tư” cho con tiểu tiện bên lề đường. Cách hành xử này cũng chỉ có ở Trung Hoa Lục địa mà thôi. Dân cư Hong Kong cũng cảm thấy khó chịu không ít khi phải chứng kiến cảnh người ta tỉnh bơ ngồi ăn uống trong xe điện ngầm. Nếu bị bắt gặp đang khạc nhổ, hút thuốc lá, tiểu tiện, xả rác nơi công cộng thì một trăm phần trăm người đó chỉ có thể là người dân cộng hòa nhân dân Trung quốc.

Sự khác biệt trong cách sống và cư xử của người dân Hong Kong và Trung Hoa lục địa dĩ nhiên chỉ có thể xuất phát từ hai cách cai trị khác nhau: một bên là tự do dân chủ, một bên là độc tài ý thức hệ. Khác biệt cuối cùng vẫn là khác biệt trong ý thức về đạo đức. Ý thức về đạo đức, về nhân cách, về cách hành xử nhân bản khác nhau một trời một vực giữa hai xã hội.

Khác nhau về sự phát triển kinh tế, nhưng người dân của hai nước cộng sản anh em “Cộng hòa nhân dân Trung Quốc” và “cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam” đều chia sẻ một mẫu số chung là: cứ “vô tư” sống mà không màng đến những chuẩn mực đạo đức nền tảng nhứt mà xã hội nào cũng cần phải có để tồn tại. Nói chung, một chế độ được xây dựng trên dối trá không thể nào tạo được một xã hội có đạo đức, trừ phi là “đạo đức cách mạng”, tức thứ “đạo đức” giả hiệu đề cao sự dối trá, lươn lẹo. Chuyện Hồ Chí Minh có lối sống dối trá và luơn lẹo như thế nào thì ngày càng sáng tỏ. Có tốn bao nhiêu bút mực cũng không diễn tả hết những hành động lừa đảo, ngang ngược, trơ trẽn và vô liêm sỉ của những người cộng sản Việt nam. Xét cho cùng, cộng sản cũng đồng nghĩa với “vô đạo”.

Thước đo sức khỏe của một xã hội không phải là sự phát triển kinh tế, lại càng không phải là quân sự, mà thiết yếu là những giá trị đạo đức. Công ích không chỉ là văn minh kỹ thuật hay an sinh xã hội, mà còn bao hàm cả những giá trị đạo đức. Cho dẫu có mức sống thấp, nhưng nhờ những giá trị đạo đức mà người dân biết sống lương thiện và đối xử tử tế tới nhau, một xã hội như thế mới thực sự có có công ích cao.

Dĩ nhiên, những kẻ “vô đạo”, đầu trộm đuôi cướp, sống mà không màng đến những chuẩn mực đạo đức thông thường thì xã hội nào cũng có. Nhưng ít ra, trong một chế độ có tự do, người dân còn biết phân biệt được thiện ác và nhứt là còn có quyền phê phán cách hành xử vô đạo của nhà cầm quyền. Trong các xã hội tự do, công ích luôn bao gồm cả những giá trị đạo đức. Một chính trị gia, dù có tài ba đến đâu, nhưng hành xử mà không màng đến những giá trị đạo đức, thì khó có thể đứng vững trên quyền lực của mình. Xã hội Mỹ là một điển hình. Các giá trị đạo đức thường vẫn nằm trong chiến dịch vận động bầu của các ứng cử viên, dù ở địa phương, tiểu bang hay liên bang. Trong khi tranh cử mà lỡ “léng phéng” hay “lem nhem” về tiền bạc hay tình ái thì đừng mong ra làm “đầy tớ nhân dân” theo đúng nghĩa (civil servant). Trong khi tại chức mà lỡ “đèo bồng” và nhứt là dối trá hay bội thề, thì số phận lại càng long đong. Một tổng thống tài ba như Bill Clinton đã liểng xiểng và suýt bị Quốc hội bãi nhiệm vì hành động “bội thề”, tức quanh co dối trá.

Cuộc khủng hoảng về quyền lực chính trị tại Úc đại lợi hiện nay, xét cho cùng, cũng là một cuộc khủng hoảng về đạo đức. Mới đây, trong một cuộc thăm dò trên mạng Internet, khi được hỏi nếu chỉ dùng một tiếng để mô tả thủ tướng Julia Gillard và ngoại trưởng Kevin Rudd, trong nhiều “đặc tính” được gán cho bà Gillard, người ta thấy nổi cộm nhứt là những tĩnh từ “Dối Trá” (Liar) và “Không lương thiện” (Dishonest). Về phần ông Rudd, thì nổi bật nhứt là hai tiếng “Ích kỷ” (Egoistical). Tất cả những danh xưng trên đây đều nằm trong phạm trù “đạo đức”.

Nếu chỉ xét riêng bà Gillard, có lẽ cái tính “dối trá” và “không lương thiện” của bà đã khiến cho uy tín của bà tụt dốc thê thảm trong các cuộc thăm dò dư luận. Kể từ nay cho đến cuộc bầu cử liên bang vào năm 2013 tới, dù bà có đạt được bao nhiêu thành tựu về chính trị và kinh tế đến đâu đi nữa, bản thân bà và cùng với bà, Lao động khó có thể lấy lại uy tín. Dù có thờ ơ với chính trị đến đâu, có lẽ đa số người dân Úc vẫn không chấp nhận một nhà lãnh đạo nói đó rồi lại chối đó, hứa hẹn đó rồi lại phủi tay đó, cam kết đó rồi lại phản bội đó để bằng mọi giá yên vị trên chiếc ghế quyền lực của mình.

Tôi vui vì thấy người dân Úc vẫn còn trọng chữ tín và trân quý những giá trị đạo đức trong chính trị. Muốn hay không, trong một thể chế tự do, người dân không chấp nhận chính trị phi đạo đức.

Là một tín hữu Kitô, tôi đang cố gắng sống tinh thần Mùa Chay như Giáo hội của tôi dạy bảo. Trong thánh lễ Chúa Nhựt thứ nhứt Mùa Chay, tôi nghe linh mục chủ tế khuyên nên làm một cuộc “thay đổi”: thay đổi từ ác sang thiện, từ hận thù sang yêu thương, từ ích kỷ sang vị tha và dĩ nhiên từ dối trá sang sự thật...Chay tịnh thì luật Giáo hội bảo rằng tôi đã quá tuổi ăn chay. Còn kiêng khem thì tôi lại kiêng khem theo cách thế của tôi. Tôi thích ăn cá hơn thịt. Dĩ nhiên cá do tôi câu. Do đó, trong mỗi ngày thứ sáu của Mùa Chay, thay vì kiêng thịt như Giáo hội khuyên, tôi lại ăn thịt như một “hy sinh”. Tôi thấy có nhiều thứ để tôi hy sinh hơn là thịt hay cá. Mà hy sinh và chiến đấu là chuyện cả đời chớ không chỉ có 40 ngày Mùa Chay. Nghĩ cho cùng, về chuyện chay tịnh, tôi thấy lời khuyên của ông bà mình thật chí lý: “Thà ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối”.

Sống Đạo cốt lõi là sống với người khác và vì người khác. Tình cảm giữa người với người nhiều khi nảy sinh từ những chuyện rất nhỏ. Tôi thấy yêu xã hội và con người ở Úc hơn không hẳn vì những ân huệ to lớn đã nhận từ xứ sở này mà có lẽ chỉ vì cái cách bán hàng “tự biên tự diễn” trên các con đường quê. Cũng vậy, về thăm lại quê hương, tôi ray rứt buồn bực vì biết bao chuyện nhỏ. Cùng là chuyện nhỏ nhưng chúng phản ánh sự “quan tâm” đến người khác hay không. Cùng là chuyện nhỏ nhưng lại chứa đựng vấn nạn lớn: Đạo và Vô Đạo. Phải chăng yêu thương dẫn đến Đạo và Đạo cũng chỉ qui về một mối Yêu Thương?