Nam Bắc PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Nam   
Thứ Năm, 15 Tháng 9 Năm 2011 21:30

Phạm tội học là môn khoa học nghiên cứu hiện tượng phạm pháp, nguyên nhân, hoàn cảnh phát sinh các loại tội phạm; diễn tiến và tính chất các tội phạm; và biện pháp ngăn ngừa.

Môn học cũng đề cập đến thái độ, ứng xử của cá nhân và xả hội đối với tội phạm. Bài học khi xưa có hai nhận xét liên quan đến Nam Bắc. Đó là:
- loại tôi phạm xảy ra ở miền Bắc có hơi khác biệt với loại tội phạm xảy ra ở Nam, và
- miền Bắc là nơi tập trung quyền lực chính-trị, kinh-tế, và văn hoá.

Những nhận xét nầy có tính cách tổng quát và thường có ngoại lệ.

Khoảng đầu thế kỷ 20 bên Pháp, các nhà nghiên cứu và phân tích về tội phạm cho rằng những tội về tài sản, có tính cách tính toán, lừa đảo như lường gạt và biển thủ tương đối xảy ra nhiều hơn ở miền Bắc. Những tội dùng bạo lực như hành hung và ấu đả thường xảy ra nhiều hơn miền Nam. Lý do đưa ra là vì kinh-tế, thương mại, và kỷ nghệ ở miền Bắc được mở mang phát triển nhiều hơn miền Nam. Để hổ trợ cho sự phát triển đó, các hệ thống ngân hàng, tài chánh, thương-mại, và bảo hiểm cũng đã được nâng cấp. Khi số tiền của các thương vụ lên cao và số lượng dịch vụ gia tăng thì lại tạo ra nhiều cơ hội cũng như cám dỗ đưa đến phạm pháp nơi thương trường.

Ngoài ra khí hậu của mỗi miền cũng ảnh hưởng và tạo điều kiện thuận tiện cho một số tội phạm. Như trong nước Pháp, Paris ở vào miền Bắc. Mùa đông trời lạnh, người dân ít ra đường, nên việc ấu đả ngoài công cộng vào những tháng lạnh cũng giãm bớt. Miền Nam Marseille thì khác. Dù là mùa đông, khí hậu vẫn dễ chịu, về đêm một số người vẫn la cà ngoài phố và nhậu nhẹt say sưa, nên tỷ lệ tội phạm về hành hung hay ấu đả không thuyên giảm so sánh với những tháng hè. Trong phạm vi rộng lớn hơn, các quốc-gia Bắc Âu-Châu và Bắc Mỹ-Châu cũng có những dữ kiện tương tự khi so sánh các loại tội phạm nói trên với các quốc gia ở vùng phía Nam Âu và Nam Mỹ.

Ngay cả tội phạm về tình dục cũng có cá tánh khác biệt ở các quốc gia Bắc Âu. Loạn luận giữa thành viên trong gia-đính xảy ra ở vùng Bắc Âu thường xuyên hơn ở vùng Nam. Mùa đông ở những vùng hẻo lánh núi non mà có khi cả tháng không ra khỏi nhà thì phải dễ có chuyện hơn. Do đó luật pháp nhiều quốc gia Bắc Âu có phần dễ dãi về tội nầy. Hoà Lan không truy-tố tội loạn luân khi có quan hệ đồng thuận giữa những người trưởng thành trong gia đình. Thụy Điển còn chấp nhận cho anh chị em khác cha hoặc khác mẹ kết hôn nếu đã trưởng thành (1).

Các nhân xét trên dựa vào dữ kiện trong những thập niên 1930 hay 40 gì đó và không còn đứng vững với sự tiến hoá của xả hội. Ngày nay với nhiều tiến bộ kinh-tế thương-mại thu đạt được ở các quốc gia vùng Nam, phương tiện di-chuyển giao-thông nhanh chóng, máy lạnh, máy sưởi đầy đủ nên tội phạm của con người dù ở phía Nam hay Bắc cũng không khác gì nhau. Loại tội phạm gây ra có khác nhau cũng chỉ vì ảnh hưởng kinh-tế, gia-đình, giáo dục, hoặc đạo giáo chớ không vì lý do Nam hay Bắc. Theo thống kê (2) thì các loại tội phạm có tính cách bạo động như giết người, hảm hiếp xảy ra đồng đều mọi nơi và không nhất thiết là phải nhiều hơn ở miền Nam.

Phạm tội học ngày xưa có chưong nói thông thường miền Bắc là nơi trung-tâm chính-trị, kinh-tế, và văn hoá đất nước. Thủ đô của một quốc gia thường nằm ở phía Bắc. Ngày nay, sự kiện nầy vẫn không thay đổi. Năm quốc gia có quyền phủ quyết tại Liên Hiệp Quóc là Hoa-Kỳ, Nga, Anh, Pháp, và Trung-Hoa. Bốn trong số năm quốc gia nầy có thủ phủ nằm về phương Bắc. Đó là Washington DC của Hoa-Kỳ, Moscow của Nga, Paris của Pháp, và Beijing của Trung Hoa. Chỉ có London là ở phía Nam Anh quốc. Trên đời chẳng có gì là tuyệt đối nên luôn luôn có ngoại lệ.

Thủ đô của mỗi tiểu bang cũng thường nằm về phía Bắc. Trong số năm tiểu bang đông dân nhất của Hoa-Kỳ, có ba bang có thủ đô nằm về phía Bắc của bang. California có thủ phủ ở Sacramento. Tallahassee của Florida cũng nằm về phía Bắc. Albany của New York cũng vậy. Riêng thủ phủ Austin của Texas và Springfield của Illinois nằm khoảng kề trung tâm tiểu bang.

Năm đại học nổi tiếng nhất Hoa-Kỳ theo US News (3) là Harvard, Princeton, Yale, Columbia, và Stanford. Bốn trường nằm ở miền Bắc Hoa-Kỳ. Đó là Harvard ở Massachusetts, Princeton và Columbia ở New York, và Yale ở Connecticut. Chỉ có Stanford là ở phía Bắc của California.

Nhóm G6 đầu tiên họp năm 1975 tại Pháp với sáu cường quốc kinh-tế: Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, và Hoa-kỳ. Đến năm 1997, nhóm nầy trở thành G8 với Gia-nã-Đại và Nga. Tất cả tám quốc gia nầy đều nằm ở vùng Bắc Mỹ, Bắc Âu, Bắc Á và đang nắm thực quyền chính-trị, quân sự, và kinh-tế của thế giới. Có hai quốc gia thuộc phương Nam bán cầu nhưng cũng có đời sống kinh-tế và văn hoá cao, đó là Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan. Phần đông quốc dân hai xứ nầy từ Anh và Ái Nhỉ Lan xuống từ vài thế kỷ trước.

Theo tổng sản phẩm quốc gia và tổng sản phẩm quốc nội trung bình của người dân thì hầu hết các quốc gia Bắc Âu đứng đầu bảng ngoại trừ vài quốc gia nhỏ bé như Qatar, Brunei, và Kuwait (4) giàu có nhờ dầu hoả.

Gần gủi với Việt Nam chúng ta có Trung Hoa phía Bắc. Trên Trung Hoa có Đại Hàn. Việt Nam bị Trung Hoa đô hộ ngàn năm. Đại Hàn (5) cũng nhiều lần bị ngoại bang nhất là Mông Cổ đánh phá nhưng xứ nầy chỉ bị Nhật đô hộ 35 năm và bị Hoa-Kỳ và Nga chiếm đóng 3 năm sau đệ nhị thế chiến. Đại Hàn cũng nhỏ bé như Việt Nam nhưng trong lịch sử cũng đã nhiều lần tiến quân xuống đánh phá hay hà hiếp Trung Hoa. Ngay trong hiện đại, dù bị chia cắt nhưng Nam Hàn vẫn là nước giàu có về mặt kinh-tế theo Qủy Tiền Tệ Quốc Tế. Tính trên tổng sản phẩm quốc nội trung bình cho mỗi người dân, về mãi lực, người Nam Hàn đứng hạng 25 trên 183 quốc gia trong năm 2010 (6). Bắc Hàn tuy đói rách vì theo chủ thuyết kinh-tế chỉ huy của Cộng Sản nhưng vẫn là môt quốc gia có vũ khí hạt nhân (7) và không dễ bị hà hiếp.

Nói tóm lại, miền Bắc vẫn là nơi tập trung quyền lực chính-trị, kinh-tế, và văn hoá. Mỗi lần nghe “Mong sao nước Việt đời đời, anh dũng oai hùng chen chân thế giới” của Nguyễn văn Đông, người Việt nào cũng thầm mơ ước được như vậy. Nhưng nếu nhìn quá khứ và hiện tại của đất nước và con người đề đoán tương lai, chắc ít có ai lạc quan mà chỉ mong vào bốn chử “hồn thiêng sông núi” nhất là khi nghĩ đến bọn giặc Tàu tham lam phương Bắc.

Người Nam
9/9/2011