Home Đời Sống Pháp Luật Nhận Xét Của Giáo Sư Nguyễn Văn Bông Về Hiến Pháp Đệ Nhất Cộng Hòa

Nhận Xét Của Giáo Sư Nguyễn Văn Bông Về Hiến Pháp Đệ Nhất Cộng Hòa PDF Print E-mail
Tác Giả: Giáo Sư Nguyễn Văn Bông   
Thứ Ba, 09 Tháng 8 Năm 2011 08:38

Sau một thời-gian thảo-luận, dự-án Hiến-pháp được Quốc-hội lập-hiến chung-quyết ngày 20-10-1956 và ngày 26-10-1956 Tổng-thống Ngô Đình Diệm ban-hành Hiến-pháp Việt-Nam Cộng-Hoà, đánh dấu một giai-đoạn lịch-sử chính-trị Việt-Nam.

Trích từ: LUẬT HIẾN-PHÁP VÀ CHÍNH TRỊ HỌC
(Lý thuyết đại cương thế giới chính trị hiện đại)
Năm thứ Nhất Cử nhân Luật khoa – 1966 -  Trang 327
MỤC II
CHẾ-ĐỘ NGÔ-ĐÌNH-DIỆM (1955 – 1963)
 

     Sau khi truất phế Bảo Đại và tập trung quyền lực trong tay, Ngô Đình Diệm phát động chiến dịch loại trừ các đoàn thể độc lập và đồng thời tạo một tổ-chức chính-trị bán chánh thức mệnh danh là “Phong-trào Cách-Mạng Quốc-Gia”. Và ngày 4-3-1956 một cuộc tổng-tuyển-cử bầu Quốc-Hội Lập-Hiến. Sau một thời-gian thảo-luận, dự-án Hiến-pháp được Quốc-hội lập-hiến chung-quyết ngày 20-10-1956 và ngày 26-10-1956 Tổng-thống Ngô Đình Diệm ban-hành Hiến-pháp Việt-Nam Cộng-Hoà, đánh dấu một giai-đoạn lịch-sử chính-trị Việt-Nam. Chúng ta sẽ lần lượt phân-tích và nhận xét Hiến-pháp nầy.

     Đoạn 1: PHÂN-TÍCH HIẾN-PHÁP 26-10-1956
          …. 
     Đoạn 2: NHẬN-XÉT

     Hiến-pháp 1956 - thoạt tiên – có thể xem là một bản văn qui định rõ rệt thẩm quyền các cơ-quan quốc-gia và đồng thời ấn định những mối tương quan thực tế hầu đáp ứng với nhu cầu của thời cuộc. Tuy nhiên nhìn kỹ lại những điều kiện cấu tạo bản Hiến-pháp cùng một số điều khoản đặc biệt, chúng ta có thể quả quyết rằng chế độ qui định bởi Hiến pháp 1956 là một chế-độ quyền uy, khung cảnh của một sự chớm nở độc-tài cá-nhân trong thực-tế.

     A) Trước nhất người ta có thể tự hỏi vì lý do gì mà nhà Lập-hiến ưng thuận cho “đương kim Tổng-Thống” (tức là Ngô đình Diệm) sẽ là Tổng-Thống đầu tiên theo Hiến-Pháp Việt-Nam Cộng-Hoà? Khi mà tổ chức được một cuộc trưng cầu dân ý và một cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc-hội lập-hiến thì người ta không hiểu vì sao lại không tổ-chức được một cuộc bầu cử Tổng-Thống chiếu theo Bản Hiến-Pháp mới. Sự kiện nầy chứng tỏ sự thiếu tinh-thần dân-chủ của đương kim Tổng-Thống.

     B) Nhận xét thứ hai liên quan đến điều 98: “Trong nhiệm kỳ lập-pháp đầu tiên (tức từ 1956 đến 1959) Tổng-Thống có thể tạm đình chỉ sự sử-dụng những quyền tự-do đi lại và cư ngụ, tự-do ngôn luận và báo chí, tự do hội-họp và lập hội, tự do nghiệp-đoàn và đình-công để thỏa-mãn những đòi hỏi đích đáng của an toàn chung, trật-tự công-cộng và Quốc-Phòng.”

     Một câu như thế xoá bỏ hết Thiên thứ ba (từ điều 30 đến điều 47) của bản Hiến-pháp! Và chính vì những quyền rộng như vậy mà chế-độ Ngô-Đình-Diệm có phương-tiện loại trừ các đoàn thể quốc-gia độc-lập, phát động phong-trào suy-tôn mở đường cho một chế-độ độc-tài cá-nhân.

     C) Nhận xét thứ ba liên quan đến chế độ Tổng-Thống. Một số bình-luận gia, khi phê-bình Hiến-pháp 1956, kết-luận rằng Hiến-pháp nầy thiết-lập Tổng-Thống-chế theo kiểu Hoa-Kỳ. Đây là một khuynh-hướng tối quan-trọng cần phải xét lại vì sự thất bại của chế-độ Ngô đình Diệm làm nhiều người tưởng rằng chế-độ độc-tài là hậu qủa tất nhiên của chế-độ Tổng-Thống. Thật ra Tổng-Thống chế Việt-Nam năm 1956 không phải là Tổng-Thống-chế Hoa-Kỳ. Trong lúc Hiến-pháp Hoa-Kỳ cố giữ thế quân bình giữa các quyền được thiết-lập, đặc điểm của hệ-thống tổ-chức chính-quyền theo Hiến-pháp 1956 là ưu-thế quá mức của Tổng-Thống. Và ưu-thế nầy được thể hiện qua những quyền hành của Tổng-Thống và nhất là sự can thiệp tích cực của Hành-pháp vào lãnh vực lập-pháp.

     Thật vậy, ngay ở điều khoản thứ ba chúng ta nhìn thấy “Tổng thống lãnh-đạo quốc-gia”. Tổng-Thống bổ-nhiệm và cách chức các sứ thần cùng công chức cao cấp không cần ý kiến của Quốc-hội. Trái với nguyên-tắc phân-nhiệm mà điều 3 ghi rõ là “Nguyên tắc phân-nhiệm giữa hành-pháp và lập-pháp phải rõ rệt”. Hiến-pháp 1956 dành cho Tổng Thống quyền ký sắc luật giữa hai khóa họp Quốc-hội, quyền ký sắc-lệnh tuyên-bố tình-trạng khẩn-cấp, báo-động hoặc giới-nghiêm.

     Một sự tập trung quá mức quyền hành cùng sự thủ-tiêu đối-lập và sự hiện-diện của một chính đảng duy-nhất đã đưa chế-độ Ngô-đình-Diệm lần lần đi đến một chế-độ quyền-hành cá-nhân áp-dụng những phương-tiện chuyên-chế mà tiếng súng ngày 1-11-1963 đã đưa vào dĩ-vãng.

NGUYỄN VĂN BÔNG
Thạc sĩ Công Pháp
Giáo sư thực thụ Luật khoa Đại học Sàigon
Viện trưởng Học-Viện Quốc-gia Hành-chánh
--xXx—