Bộ Luật Hồng Ðức |
Tác Giả: Luật Sư Nguyễn Quốc Lân | |||
Thứ Tư, 31 Tháng 3 Năm 2010 12:00 | |||
So sánh đối chiếu luật Hồng Đức với luật Tây phương và Hoa Kỳ Bộ Luật Hồng Ðức (BLHÐ) là một di sản quí giá trong nền văn hóa Việt Nam. Ban hành vào khoảng thế kỷ 15 dưới thời Nhà Hậu Lê, bộ luật đã được áp dụng hơn 300 năm dưới triều đại Nhà Lê và ngay cả sau đó một cách bán chính thức dưới thời Nhà Nguyễn. Bộ Luật Hồng Ðức đã phản ảnh những tinh túy rất đặc sắc của nền pháp lý cổ truyền tại Việt Nam từ giữa thế kỷ thứ 15 trong Triều Ðại Nhà Lê theo sau cuộc khởi nghĩa thành công của Lê Lợi. Chính học giả và chiến lược gia Nguyễn Trãi đã góp phần quan trọng vào việc biên soạn bộ luật này ngay sau khi Lê Lợi lên ngôi và lập ra Nhà Lê và bắt đầu một thời kỳ cực thịnh trong lịch sử Việt Nam. Những khái niệm pháp lý tiến bộ so với Tây Phương Bộ luật này có ghi lại một số những khái niệm pháp lý rất tiến bộ và tương đương với những khái niệm tiến bộ trong nền pháp lý Tây phương. Những khái niệm này bao gồm những điều luật như buộc tội cưỡng dâm nếu người nữ còn trong tuổi vị thành niên (statutory rape), quyền đặc miễn hôn phối (spousal immunity), giới hạn thời gian truy tố (statute of limitations) hay bất khả giao kèo của thiếu niên (incapacity of minors). Trong lãnh vực hình luật, BLHÐ còn có một số khái niệm mà người Mỹ vẫn thường tự hào là “quyền tự do căn bản” (fundamental civil liberties) xuất xứ từ Bản Tuyên Ngôn Dân Quyền (Bill of Rights) được ban hành cùng thời với Hiến Pháp Hoa Kỳ. Những khái niệm tương tự này đã có trong BLHÐ như trát câu lưu (arrest warrant), tại ngoại hầu tra (release on bail), quyền được xét xử nhanh chóng và trước công chúng (speedy and public trial) và quyền được trực diện với nhân chứng (right to confront witnesses). Những khái niệm này tuy không phức tạp như những điều luật hiện nay tại Hoa Kỳ nhưng cũng đã chứng tỏ rằng những ý tưởng đó đã có trong xã hội Việt Nam từ trước thế kỷ 15 nhưng không được mấy ai biết đến. Phương thức so sánh song song những điều luật cổ xưa của Việt Nam từ thế kỷ 15 với những điều luật tương tự đang được thi hành hiện nay trong xã hội Hoa Kỳ cũng nhằm làm nổi bật những nét tinh túy và văn minh của cổ luật Việt Nam so với tiêu chuẩn thời đại. Phương pháp so sánh này nhằm đưa người đọc đi đến một sự suy nghĩ là nguồn gốc của những tinh túy này là ở đâu? Việt Nam, Hoa Kỳ hay một nơi nào khác? Một điểm quan trọng khác là bộ luật này đã đặt lại vấn đề nguồn gốc và xuất xứ của nhiều khái niệm pháp lý quan trọng mà các luật gia của Hoa Kỳ hay Tây phương vẫn thường tự hào là sản phẩm của Tây phương. Khi vấn đề được đưa ra, người ta sẽ thấy ngay mức độ văn minh của nền pháp lý cổ truyền Việt Nam. Một cách thông thường, chỉ có người am tường về văn hóa Việt Nam cùng với sự hiểu biết căn bản về nền pháp lý Tây phương mới có thể cảm nhận được tầm quan trọng của một di sản mà ít ai lưu tâm đến. Nếu chúng ta không làm việc này một cách đúng mức, một điểm son của một di sản quý giá của Việt Nam có thể cũng sẽ bị lạc mất vào trong dĩ vãng như bao điểm son quý giá khác. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu một số khái niệm đặc biệt có trong BLHÐ. Muốn tìm hiểu thêm về chi tiết, xin tìm đọc bài luận án mang tựa đề “Traditional Vietnamese Law - The Lê Code - and Modern United States Law: A Comparative Analysis” có đăng trong trong Hastings Intnernational and Comparative Law Review, Vol. 13, Page 141 (1989). Hiếp Dâm Ðịnh Chế (Statutory Rape) Hiếp dâm (rape) thông thường được định nghĩa là xâm phạm tình dục của người nữ mà không được sự ưng thuận. Tuy nhiên, khi người nữ còn dưới một mức tuổi ấn định, pháp luật coi hành động tình dục này tương tự như hiếp dâm cho dầu người nữ thỏa thuận trong hành động này. Do đó tội danh này được coi là hiếp dâm theo định chế để phân biệt với tội danh hiếp dâm thông thường khi người nữ bị cưỡng hiếp. Ðiều Luật 404 của BLHÐ qui định rằng, “Bất cứ hành động tình dục nào với người con gái dưới 12 tuổi, cho dầu là có sự thỏa thuận, được coi như là hiếp dâm.” Ðiều luật này phản ảnh nhiều đặc điểm chính được ghi nhận trong luật Hoa Kỳ thời đại. Thứ nhất, luật qui định một mức tuổi thật nhỏ, thường là thấp hơn tuổi vị thành niên hay 18 tuổi. Thứ hai, sự thỏa thuận hay thông đồng của người con gái không ảnh hưởng đến việc kết tội. Thứ ba, luật qui định tội danh này nhằm mục đích bảo vệ các trẻ em còn quá nhỏ tuổi và thường không đủ trí khôn để quyết định thỏa thuận tình dục hay không. Những đặc điểm này đã phản ảnh những sự cân nhắc rất quan trọng của các nhà soạn luật dưới thời Nhà Lê. Quyền Ðặc Miễn Hôn Phối (Spousal Immunity) Quyền đặc miễn hôn phối là quyền của vợ hay chồng có quyền từ chối không bị bắt buộc ra làm chứng trước tòa chống lại nhau. Ðiều khoản 39 của BLHÐ cho phép vợ hay chồng không tiết lộ việc làm phạm pháp của nhau và luật pháp không coi đó là một việc làm phạm pháp. Quyền đặc miễn này được công nhận nhằm mục đích bảo vệ sự an hòa trong quan hệ gia đình, cho dầu là phải chấp nhận sự thiệt thòi cho xã hội trong việc thực thi pháp luật. Ðiều đó có nghĩa là việc thực thi công lý không nhất thiết phải được thực hiện bằng bất cứ giá nào. Quyền đặc miễn này được ghi lại đầu tiên trong xã hội Tây phương vào khoảng năm 1580 tại Anh Quốc trong vụ án Bent v. Allot, 21 Eng. Rep. 50 (1580). Ðến năm 1839, Tối Cao Pháp Viện của Hoa Kỳ mới nhìn nhận quyền đặc miễn này trong vụ án Stein v. Bowman, 38 U.S. 209 (1839). Mãi đến năm 1958, Tối Cao Pháp Viện mới ra án lệ về quyền đặc miễn này khi phiên tòa này phán quyết rằng, “lý do căn bản mà luật pháp từ chối dùng lời khai của người vợ chống lại chồng trong một phiên tòa mà quyền tự do có thể bị đe dọa là vì chính sách này cần thiết để nuôi dưỡng sự bình an trong gia đình, không hẳn là vì quyền lợi của người chồng, người vợ hay con cái, nhưng cũng là vì lợi ích của xã hội. (Hawkins vs. U.S., 358 U.S. 74 (1958)). Vào thế kỷ thứ 15, BLHÐ đã qui định là vợ chồng không bắt buộc phải khai báo chống lại nhau cho dầu là xã hội phải chấp nhận thiệt thòi là những việc làm phạm pháp có thể không được đưa ra trước pháp luật. Trát Câu Lưu (Arrest Warrant) Trát câu lưu thường là lệnh bắt giữ một người nào đó được cho phép và ký nhận bởi một viên chức tòa án. Ðiều Luật 704 của BLHÐ quy định rằng muốn bắt giữ một người nào, chính phủ cần phải có một trát của tòa có mang dấu ấn của viên chức liên hệ. Một điều luật khác của BLHÐ còn quy định rằng trước khi ký trát câu lưu, viên quan tòa phải đích thân xem xét sự việc và ký tên vào trát tòa. Những quy định này phản ảnh nhiều đặc điểm quan trọng có trong luật Hoa Kỳ hiện nay. Thứ nhất, có sự phân định về quyền hạn và trách nhiệm giữa người được quyền ký lệnh câu lưu và người thi hành lệnh câu lưu này. Thứ hai, chỉ có những viên chức được qui định rõ ràng mới được quyền ký lệnh câu lưu này. Thứ ba, những quy định này nhằm mục đích ngăn cản việc bắt người một cách bừa bãi. Ðiều luật về trát câu lưu đã đưa ra một điểm đặc biệt khác hẳn với quan niệm chung về quyền uy không giới hạn của chế độ quân chủ độc tài trong suốt lịch sử Việt Nam. Tại Ngoại Hậu Tra (Release on Bail) Tiền đóng để được tại ngoại hậu tra (bail) là một số tiền đóng cho tòa án để làm vật thế chân ngõ hầu cho phép người bị kết tội được tạm thả tự do nhưng phải ra hầu tòa để được xét xử sau này. Vấn đề này được đặt ra là vì một người bị bắt chưa hẳn là đã có tội. Nhưng nếu họ cứ tiếp tục bị giam giữ không được thả tự do cho tới khi được xét xử thì coi như họ đã phải lãnh nhận hình phạt trước khi được xét xử. Ngược lại nếu họ được thả tự do để chờ ngày xét xử thì có thể họ sẽ bỏ trốn và không ra hầu tòa sau này. Ðể quân bình sự cân nhắc này, điều luật 663 của BLHÐ qui định rằng trong trường hợp tội nhẹ, người phạm tội nên được đóng tiền thế chân để được tại ngoại hậu tra. Quyền được đóng tiền thế chân này cũng được công nhận trong Tu Chính án Thứ Tám của Hiến Pháp Hoa Kỳ và Ðạo Luật Tư Pháp ban hành từ năm 1789. Khái niệm tại ngoại hậu tra này trong cả hai cổ luật Việt Nam và luật Hoa Kỳ hiện đại đều phản ảnh nhiều sự cân nhắc rất là đặc biệt. Thứ nhất, quyền lợi này được áp dụng trong trường hợp tội nhẹ hơn là tội nặng. Thứ hai, điều luật này cân nhắc quyền lợi của người phạm tội và của nhà nước. Thứ ba, điều luật từ hai nền pháp lý đều nhìn nhận rằng mục đích của quyền được tại ngoại hầu tra là để bảo đảm người phạm tội sẽ ra hầu tòa chứ không phải là truy phạt họ. Do đó, khi có được một thể thức khác nhẹ nhàng hơn nhưng cùng đạt đến một mục đích, thể thức đó cần phải được thực thi. Quyền được xét xử một cách nhanh chóng (speedy trial) Quyền được xét xử một cách nhanh chóng cũng là một quyền lợi đặc biệt được công nhận trong cả hai nền pháp lý trong BLHÐ và luật Hoa Kỳ hiện nay. Ðiều luật 671 trong BLHÐ buộc các quan tòa không được đình trệ trong việc xét xử phạm nhân. Quyền lợi này cũng được ghi rõ trong Tu Chính Án Thứ 6 của Hiến Pháp Hoa Kỳ và được coi là một trong những quyền quan trọng nhất đối với phạm nhân đang được xét xử trước tòa. Những điều luật này nhắm vào nhiều mục đích giống nhau. Thứ nhất, phạm nhân không phải bị giam giữ lâu hơn là cần thiết nếu phạm nhân không có tội và không được tại ngoại hầu tra. Thứ hai, phạm nhân tránh được những phiền nhiễu gây ra bởi vì không được xét xử một cách kịp thời. Thứ ba, khả năng biện hộ của phạm nhân có thể mất đi vì nhân chứng hay bằng chứng không còn nữa vì thời gian đã kéo dài quá lâu. Quyền được xét xử trước nơi công cộng (public trial) Giống như luật pháp Hoa Kỳ hiện nay, Triều đình nhà Lê rất quan tâm đến vấn đề xét xử phạm nhân trong phòng kín và không được sự chứng giám của quần chúng. Ðiều Luật 720 của BLHÐ buộc rằng các phiên xử phải được tổ chức giữa nơi công trường để quần chúng có thể chứng giám. Nhiều điều luật khác trong BLHÐ còn buộc rằng án lệnh cần phải được niêm yết giữa đình làng để mọi người có thể sao chép hay đọc qua. Mục đích của những quy luật này là để tạo sự tin tưởng của quần chúng vào công lý nơi pháp đình. Sự tin tưởng vào công lý của quần chúng cũng là một vấn đề hết sức quan trọng trong nền tư pháp Hoa Kỳ. Tu Chính Án Thứ Sáu của Hiếp Pháp Hoa Kỳ quy định rằng tất cả các phạm nhân phải được quyền xét xử trước quần chúng. Quyền lợi này được đặc biệt lưu ý đến ngay cả thời kỳ khai quốc của Hoa Kỳ là vì nhiều chế độ độc tài trước đó đã sử dụng tòa án như một công cụ để uy hiếp người dân thấp cổ bé miệng và quần chúng không được có tiếng nói trong thể thức xét xử người phạm tội. Không phải là một sự tình cờ, cả hai nền pháp lý trong cổ luật Việt Nam và luật pháp Hoa Kỳ hiện đại đã cùng nhìn nhận rằng một phương thức để tạo sự tin tưởng vào hệ thống pháp đình là để quần chúng được chứng kiến thể thức xét xử người phạm tội. Thể thức này hiện nay vẫn không được thực hiện tại nhiều nơi trên thế giới, ngay cả trong xã hội Việt Nam. Quyền được trực diện với nhân chứng buộc tội (Right to confront witnesses) Quyền được trực diện nhân chứng là một quyền hạn tối quan trọng đối với phạm nhân trong tòa án. Nếu không, chính phủ có thể kết tội người dân dựa vào lời khai báo của một người nào đó mà bị can không hề có cơ hội chất vấn họ. Ðiều 671 của BLHÐ buộc quan tòa phải cho phép bị can được quyền chất vấn đối mặt với nhân chứng buộc tội họ. Quyền lợi này cũng được ban hành trong Tu Chính Án Thứ 6 của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Quyền hiến định được bắt buộc áp dụng đối với các phiên xử thuộc các hệ thống tòa án tại tiểu bang bắt đầu từ năm 1965 vì tầm quan trọng của quyền lợi này. Quyền lợi này cũng là căn bản của nguyên tắc cấm sử dụng bằng chứng của một câu nói của một người nào đó mà đích thân người đó không được buột ra làm chứng trước tòa, đó là luật “hearsay.” Mặc dầu phương thức thực thi nguyên tắc này có phần khác biệt giữa hai nền pháp lý, cả hai cùng công nhận một nguyên tắc là phạm nhân phải được trực diện với người kết tội. Giới hạn thời gian kiện tụng (Statutes of Limitation) Thông thường một người nếu có quyền kiện người khác thì phải tiến hành thủ tục này trong một thời hạn nhất định, ví dụ như một năm nếu đòi bồi thường thương tích, hai năm để đòi bồi thường bội ước giao kèo miệng hay bốn năm để đòi bồi thường bội ước giao kèo có giấy tờ. Quá thời hạn này, nguyên đơn coi như đã mất tất cả những quyền lợi của mình và không được tiến hành thủ tục kiện cáo nữa. Bộ Luật Hồng Ðức cũng có điều khoản nói rõ rằng, nếu người cho vay nợ không đòi tiền lại sau thời hạn đã quy định thì coi như mất luôn số tiền đó trừ khi đôi bên làm thỏa thuận mới (Ð.L. 588). Tại Tây phương, nguyên tắc này không được áp dụng trong pháp luật cho tới năm 1623 tại Anh Quốc. Theo mô thức này, các bộ luật tại Hoa Kỳ đều ban hành những điều khoản tương tự về việc giới hạn thời gian được quyền kiện cáo. Việc thi hành những quy luật này chứng tỏ rằng các nhà soạn luật đã ghi nhận một thực tế rất quan trọng trong thế giới thương mại, đó là tránh việc tranh tụng vì những tranh chấp đã xảy ra quá lâu. Nhưng nếu cấm người chủ nợ đòi tiền nợ nếu đã đợi quá lâu, điều đó có thể coi như là luật pháp đã hợp thức hóa việc lấy tiền của chủ nợ. Ðể quân bình tình trạng này, luật pháp của cả hai xã hội đã quyết định rằng thà là để chủ nợ mất tiền vì đã đợi quá lâu, còn hơn là buộc mọi người trong thương trường sống trong lo sợ vì không biết khi nào con nợ hàng trăm năm về trước trở về để đòi nợ. Cái hay của Bộ Luật Hồng Ðức là sự cân nhắc và suy nghĩ sâu xa đó từ ở thế kỷ thứ 15 trong xã hội Việt Nam. Bất khả giao kèo của thiếu niên (Incapacity of minors to contract) Mức độ tiến bộ của một điều luật thường tùy thuộc và sự uyển chuyển, cân nhắc hay trao đổi để phục vụ một quyền lợi hay mục đích cao hơn của xã hội. Sự cân nhắc này có khi đòi hỏi các nhà làm luật phải chấp nhận ban hành những điều luật mâu thuẫn nhau - nhưng trong trường hợp có lý do chính đáng. Lấy trường hợp luật bảo vệ thi hành giao kèo làm thí dụ. Xã hội luôn luôn muốn mọi người phải tuân theo giao kèo đã ký kết. Tuy nhiên giao kèo nếu được ký kết với một người trong tuổi vị thành niên thì giao kèo đó có thể không được thi hành để bảo vệ quyền lợi của các thiếu niên. Sự cân nhắc này được thể hiện rất rõ cả trong Bộ Luật Hồng Ðức và luật Hoa Kỳ hiện đại. Ðiều Luật 313 của BLHÐ quy định rằng giao kèo được ký kết với một người còn tuổi vị thành niên coi như không có giá trị. Ðiều khoản này tương tự với luật tổng quát tại Hoa Kỳ là các trẻ em dưới 18 tuổi không có quyền ký vào giao kèo trừ khi có bố mẹ hay người bảo hộ ký thay. Khi ban hành những quy luật này, các nhà soạn luật đã cân nhắc giữa quyền lợi của thương trường và quyền lợi của trẻ em trong việc thi hành giao kèo. Việc vô hiệu hóa giao kèo đối với trẻ em có thể gây bất công đối với những người làm ăn ngay thẳng, nhưng xã hội cũng có trách nhiệm đề phòng sự bất công hay lợi dụng đối với các trẻ em trong thế giới thương mại. Những điều khoản này, do đó đã uyển chuyển và cân nhắc đủ để phục vụ một mục đích cao cả hơn của xã hội, đó là bảo vệ sự non nớt và thiếu kinh nghiệm của thiếu niên. Chúng ta đang nói đến sự uyển chuyển và những cân nhắc sâu xa của xã hội Việt Nam từ thế kỷ thứ 15. Ðó chính là nét đặc sắc của Bộ Luật Hồng Ðức. Kết luận Nếu xét kỹ những khái niệm có trong cả hai nền pháp lý Việt Nam và Hoa Kỳ, người ta có thể tìm thấy được nhiều tiêu đề chung. Cả hai nền pháp lý đều tìm cách uyển chuyển các điều luật sao cho phù hợp với nhu cầu đặc biệt của xã hội, ví dụ như bảo vệ quyền căn bản của phạm nhân trong thủ tục pháp lý, duy trì sự công minh và tin tưởng trong thủ tục pháp lý và sự cân nhắc, đắn đo giữa nhiều quyền lợi khác nhau trong xã hội. Mặc dầu xã hội Việt Nam vào thế kỷ thứ 15 và xã hội Hoa Kỳ hiện nay khác nhau một trời một vực, Bộ Luật Hồng Ðức đã thể hiện rất nhiều đặc tính tiến bộ như trong luật lệ Hoa Kỳ hiện nay. Những sự trùng hợp này không phải là một sự ngẫu nhiên. Ngược lại, nó phản ảnh một nỗ lực rất chân thật và sáng suốt của các nhà soạn thảo. Bộ Luật Hồng Ðức để khai thông ý nghĩa cao cả của luật pháp. Ðiều đó đã được thể hiện qua sự tiến bộ, tinh vi và trưởng thành của truyền thống cổ luật Việt Nam, đặc biệt là Bộ Luật Hồng Ðức. Người Việt Nam, nhất là các bạn trẻ, tại hải ngoại thường hay có mặc cảm là văn hóa và lịch sử Việt Nam không có gì để hãnh diện hay được nhiều người biết đến như Shakespear, The Hamlet, Napoleon hay Waterloo. Thực ra, nhiều điểm son trong văn hóa và lịch sử Việt Nam không mấy ai biết đến là vì chính người Việt Nam đã không trình bày đúng mức những cái hay của mình trên diễn đàn quốc tế. Chúng ta hãy nhìn lại nét vĩ đại của Nguyễn Du, truyện Kiều, Nguyễn Trãi, Trận Bạch Ðằng hay Ba Lần Ðại Thắng Quân Minh dưới đời Nhà Trần. (* Bài tham khảo này được trình bày tại Viện Việt Học vào ngày 14 tháng 3 năm 2010. Bài viết được sao chép và viết lại từ Vẻ Vang Dân Việt The Pride of The Vietnamese - Tuyển Tập IV - của Trọng Minh với sự cho phép của tác giả Trọng Minh.)
|