Home Đời Sống Gia Đình Có nên áp dụng chính sách 'một con'?

Có nên áp dụng chính sách 'một con'? PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Chúa Nhật, 06 Tháng 11 Năm 2011 20:54

Có rất nhiều báo cáo về những vụ phá thai và triệt sản cưỡng bách

(LiveScience.com) - Dân số thế giới đã lên tới một con số choáng váng là 7 tỉ người, và các nhà nghiên cứu cho rằng dân số có thể đạt tới 10 tỉ trong vòng thế kỷ tới.

 Một mặt, điều này có nghĩa loài người đang thành công lớn - xét cho cùng, mục tiêu của bất cứ chủng loại nào là phát triển và chinh phục.

Nhưng mặt khác, sự mở rộng đó có nghĩa có nhiều miệng ăn hơn, sẽ đòi hỏi thêm không gian và năng lượng, và sẽ gia tăng nhu cầu về tài nguyên và môi trường, có thể là một nhu cầu quá lớn để Trái Ðất có thể chống đỡ.
  

 Một phụ nữ đi ngang qua đồng hồ đếm dân số tại Mumbai, Ấn Ðộ, hôm 31 Tháng Mười, cho thấy dân số nước này lên đến hơn 1.2 tỉ người, chỉ sau Trung Quốc. (Hình: Indranil Mukherjee/AFP/Getty Images)

Do đó một câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào chúng ta có thể kềm hãm sự phát triển này? Liệu có nên áp dụng chính sách “một con” trên toàn thế giới, như chính sách đã được thực thi ở Trung Quốc hay không?
 
Chính sách mỗi gia đình một con
 
Vào năm 1979, để đáp lại hai thập niên phát triển dân số nhanh chóng, chính phủ Trung Quốc đã loan báo một chính sách nhằm giới hạn mỗi gia đình chỉ có một con (tuy có những ngoại lệ). Sự lo ngại là nếu dân số tiếp tục phát triển ở một nhịp độ như vậy, nó sẽ là một gánh nặng không chịu đựng nổi cho cả xã hội lẫn nền kinh tế.
 
Xét về phương diện giới hạn sự gia tăng dân số, chính sách trên đã thành công, khi giảm dân số của Trung Quốc một con số được ước lượng từ 250 triệu đến 300 triệu, theo nhà chức trách Trung Quốc.

Nhưng sự thành công này phải trả một giá đắt. Có rất nhiều báo cáo về những vụ phá thai và triệt sản cưỡng bách. Và, bởi vì truyền thống chuộng trẻ em trai ở Trung Quốc, những vụ phá thai có lọc lựa giới tính đã làm sai lệch sinh suất nam so với nữ trong nước, từ một tỉ số sinh học tự nhiên là 105 trẻ em trai so với 100 trẻ em gái, đưa tới tình trạng đàn ông trẻ tuổi nhiều hơn phụ nữ hàng triệu người.

Về mặt xã hội, tình trạng đó phát sinh nhiều hậu quả, từ các vấn nạn sức khỏe tâm thần cho đến nạn bắt cóc và buôn bán phụ nữ để làm vợ.
 
Ðặt qua một bên các vấn đề liên quan đến xã hội, có nên áp dụng chính sách một con trên toàn cầu hay không?
 
Ông John Bongaarts, phó chủ tịch của Hội Ðồng Dân Số, một tổ chức phi chính phủ và bất vụ lợi, tuyên bố:

“Thẳng thắn mà nói, tôi không nghĩ đó là một ý kiến tốt. Ðã có phản đối lớn lao về chính sách một con ở Trung Quốc như có tính cách cưỡng ép, và không có một người nào mà tôi biết ủng hộ chính sách đó. Ngoài ra, trên thực tế không nên để cho tỉ lệ sinh sản giảm còn một đứa trẻ đối với mỗi phụ nữ, bởi vì cuối cùng người ta sẽ gặp những vấn nạn như ở Nhật hiện nay.”
 
Dân số đang già đi
 
Dân số của thế giới có thể đang phát triển, với một sinh suất tổng quát là 2.5 vụ sinh sản cho mỗi phụ nữ, nhưng nó không gia tăng với nhịp độ đồng đều trên toàn thế giới. Tỉ lệ sinh sản tại Nhật và trên khắp Âu Châu, chẳng hạn, rất thấp, chỉ lên tới 1.4 tại Nhật và 1.6 tại Âu Châu.

Tại những vùng khác, tỉ lệ cao hơn, kể cả Phi Châu (4.7) và nhiều nơi tại Á Châu và Nam Mỹ. Hoa Kỳ đứng ở khoảng giữa (2.1).
 
Vấn nạn tại các nước có sinh suất thấp - đến độ chúng không thể thay thế dân số hiện nay - là người già nhiều hơn người trẻ rất xa, điều đó có nghĩa có một gánh nặng lớn hơn đặt lên những người trẻ đó để yểm trợ về mặt tài chánh và xã hội cho những người lớn tuổi hơn của họ.

Nhật hiện đang gặp khó khăn với vấn nạn này, và có thể Trung Quốc một thập niên nữa sẽ đứng trước một tình trạng tương tự, theo ông Bongaarts.

Nếu tỉ lệ sinh sản toàn thế giới giảm chỉ còn một vụ sinh sản đối với mỗi phụ nữ, nó có thể làm mất cân bằng xã hội và nền kinh tế toàn cầu.
 
Và, một khi khuôn mẫu sinh sản thấp khởi đầu, sẽ khó đảo ngược.
 
Giáo dục và kiểm soát sinh sản
 
Thay vì chính sách một con, ông Bongaarts chủ trương một đường lối ba mũi dùi để giảm bớt sinh xuất hiện ở một mức không thể chịu đựng nổi, và đề nghị các chính phủ nên áp dụng các chính sách để yểm trợ đường lối đó.

 Ðiều trước tiên và quan trọng hơn cả, ông nói, là phổ biến các biện pháp ngừa thai và giáo dục phụ nữ về bản chất và hiệu quả của chúng.
 
Kế tiếp là giáo dục: xây dựng các trường học và đưa ra các khích lệ để giữ trẻ em gái ở trường là điểm then chốt, vì phụ nữ với mức học vấn cao hơn có khuynh hướng có ít con hơn.
 
Và, cuối cùng, ông Bongaarts đề nghị một sự trì hoãn trong việc mang thai, điều mà ông nói có thể giới hạn những lựa chọn của một người mẹ nếu nó xảy ra ở tuổi trẻ hơn. (n.n.)