Home Đời Sống Gia Đình Em có ba, em có má

Em có ba, em có má PDF Print E-mail
Tác Giả: Chu Thập   
Chúa Nhật, 25 Tháng 9 Năm 2011 07:00

 

Những chuẩn mực đạo đức truyền thống lại càng không cho phép tôi chấp nhận những điều mà hiện nay người ta đang tranh đấu để biến thành một thứ “quyền của con người”. Chẳng hạn như quyền được “kết hôn” giữa những người đồng tính.

                Mỗi ngày, mở “meo đàn” tôi thích đọc một chuyện cười. Cầm trong tay tạp chí Reader’s Digest, tôi mở ngay trang “cười là liều thuốc tốt nhứt”. Xem văn nghệ, tôi thích hài kịch hơn ca nhạc. Âm vang của một nụ cười lành mạnh giúp tôi có được một ngày vui, vượt qua được những giây phút căng thẳng trong cuộc sống.

        Vì thích hài kịch cho nên cứ có một cuốn băng Vân Sơn, Asia hay Thúy Nga Paris, tôi đều lướt nhanh qua các mục khác và dừng lại ở mục hài kịch để có được một trận cười trước đã.

        Nhưng không phải hài kịch và danh hài nào tôi cũng thích cả đâu. Tôi mê Hoài Linh giả gái. Và dĩ nhiên, tôi không bỏ qua màn kịch nào của cặp danh hài Quang Minh-Hồng Đào. Họ không chỉ mang lại những nụ cười, mà còn khiến tôi phải suy nghĩ về một số giá trị nền tảng trong cuộc sống như gia đình, sự chung thủy, tình nghĩa xóm giềng...

        Tôi thích cặp danh hài này. Nhưng tôi luôn thấy ái ngại mỗi khi danh hài Quang Minh phải đóng vai một người đồng tính. Mà dường như các bản kịch do chính họ biên soạn hay ai đó là tác giả, lại quá bị ám ảnh về chuyện đồng tính. Quả tình Quang Minh, vì sánh vai người đồng tính quá xuất sắc, đã tạo ra những nụ cười nắc nẻ nơi khán giả. Nhưng cứ mỗi lần anh xuất hiện trong vai này, tôi lại thấy nụ cười của mình méo hẳn đi. Khi ống kính quét một vòng xuống khán giả, tôi tin chắc rằng cũng có nhiều người đồng tính có mặt trong đám đông ấy. Nếu có cười thì hẳn những người đó chỉ có thể cười gượng mà thôi, bởi vì còn gì bị xúc phạm bằng khi người ta đưa mình ra làm trò cười.

        Tôi thích cười. Không biết đười ươi có thật sự biết cười không. Nhưng tôi tin chắc rằng cười là đặc điểm của con người và làm nên con người.  Chỉ có con người mới thực sự biết cười mà thôi. Ngạn ngữ nước nào cũng có những câu về ý nghĩa và giá trị của nụ cười. Ngạn ngữ Latinh nói: “Castigat ridendo mores” (sửa trị tật xấu bằng tiếng cười). Triết gia Pháp Henry Bergson chuyên nghiên cứu về “cái cười” cho rằng “liều thuốc duy nhứt để chữa trị tính khoe mẻ kiêu căng là nụ cười và cái lỗi duy nhứt đáng cười là tính kiêu căng”. Riêng trong nhân loại, thì người Việt nam nổi tiếng là một dân tộc “cái gì cũng cười. Hay cũng cười mà dở cũng cười”. Lạc quan như thế thì còn gì bằng. Chỉ có điều, bởi cái gì cũng cười cho nên người Việt nam xem chuyện cười trên đau khổ của người khác như một điều tự nhiên và còn đáng khuyến khích là khác.

        Tôi thực sự biết ơn nền văn hóa Tây phương. Nhờ tiếp xúc với nền văn hóa này mà tôi mới nhận thức được rằng cười trên đau khổ của người khác là hành vi xúc phạm nặng nề nhứt. Chính vì thế mà kể từ khi ra khỏi Việt nam, ngoài những người khuyết tật, còn có một hạng người khác mà tôi thấy phải tỏ ra tôn trọng và cư xử tế nhị hơn cả là những người đồng tính. Chẳng ai chọn cha mẹ để sinh ra. Cũng chẳng ai chọn phái tính để sinh ra. Ông Trời cho người này làm đàn ông, người khác làm đàn bà. Có người lại sinh ra với một khuynh hướng tính dục chẳng phải nam mà cũng chẳng phải nữ. Và có người lại có một khuynh hướng tính dục hoàn toàn ngược lại với hình thức bên ngoài.

        Thật ra, cũng phải ra khỏi nước, tôi mới mở mắt ra để hiểu biết thêm về cái cộng đồng này. Mãi cho đến năm 1981, lúc còn trong nước, thỉnh thoảng tôi chỉ thấy một vài người mà chúng tôi gọi là “lại cái”. Còn đàn bà giống đàn ông hay muốn làm đàn ông thì tôi chưa từng thấy. Những người “lại cái” này, mặc dù bị mọi người chế diễu, vẫn sống hiên ngang, vui vẻ và nhứt là cũng có vợ có con như mọi người.

        Mãi cho đến khi đến Pháp, tôi mới nhận thấy thế giới đồng tính phức tạp hơn nhiều. Có những người “chuyển giống”, tức không muốn chấp nhận phái tính của mình. Có những người, bề ngoài trông giống mọi người, nhưng lại chỉ có thể bị hấp dẫn hay chỉ thích người cùng phái. Có những người có gia đình hẳn hoi, nhưng vẫn thích nhảy rào để quan hệ tính dục với người cùng phái.

        Đến đây thì thú thật, dù vẫn biết phải tôn trọng và cư xử tế nhị với cộng đồng đồng tính, tôi vẫn không thể hiểu được tại sao ông Trời lại tạo nên một giống người nam không ra nam, nữ không ra nữ để họ chỉ có thể cảm thấy hấp dẫn bởi những người cùng phái mà thôi. Một “tai nạn” thiên nhiên không chỉ xảy ra cho con người mà cả các loài vật. Lần đầu tiên, tôi bị một cú sốc nặng là khoảng cuối thập niên 80. Tôi vẫn nhớ mãi cái hình ảnh mà tôi cho là “kỳ quái” không thể hiểu được. Số là trên một chuyến bay từ Cincinnati, Ohio về San Francisco, California, tôi ngồi bên cạnh một thanh niên da trắng mà tôi nghĩ chưa quá 30 tuổi. Phải nói đây là một thanh niên đẹp trai. Ngồi bên cạnh nhau đến cả 5 tiếng đồng hồ, chúng tôi không thể không trao đổi với nhau cho qua giờ. Anh tỏ ra là một người lịch lãm, có thể góp ý về đủ mọi vấn đề. Nhưng đến khi tôi hỏi chuyện gia đình, vợ con thì anh ta nói thẳng rằng anh là “gay” (đồng tính); anh không thích đàn bà con gái. Kể từ lúc đó, tôi thấy mình phải dè dặt hơn. Đến lúc về đến phi trường San Francisco, trong lúc chờ người thân đến rước về nhà, tôi chứng kiến một cảnh tượng mà vào thời điểm đó tôi cho là “khủng khiếp”: vừa ra khỏi phi trường, người bạn đồng hành của tôi đã chạy ùa tới một bậc “mày râu” khác theo đúng nghĩa, nghĩa là râu ria, vạm vỡ và họ đã trao cho nhau một cái hôn dài và sâu theo kiểu Tây (French kiss). Tôi cảm thấy choáng váng, muốn bật ngửa ra sau. Bấy giờ tôi mới biết San Francisco là thủ đô của những người đồng tính. Chuyện họ sống chung với nhau như hai người phối ngẩu, công khai hôn hít nhau hay quan hệ tính dục với nhau chẳng còn làm cho ai phải ngạc nhiên cả.

        Nhưng  phải thú thật là sau 30 năm cố gắng hội nhập vào xã hội Tây phương, tập nhìn đời với con mắt khoan nhượng,  tôi vẫn chưa hiểu được chuyện hai người đồng phái lại có thể quan hệ tính dục với nhau. Có lần xem cuốn phim có tựa đề “Priest” (linh mục), khi chứng kiến cảnh hai người đàn ông trong y phục Adam, quấn quít lấy nhau, làm những động tác của vợ chồng, tôi đã nhắm mắt lại vì muốn “nôn mửa”. Tôi biết rằng mình vẫn không thể nào “xỏ chân vào giày của họ” được.

        Quả thật, có những điều tôi không hiểu nỗi. Những chuẩn mực đạo đức truyền thống lại càng không cho phép tôi chấp nhận những điều mà hiện nay người ta đang tranh đấu để biến thành một thứ “quyền của con người”. Chẳng hạn như quyền được “kết hôn” giữa những người đồng tính.

        Mới đây, báo chí Úc đã đăng tải hình của bà Penny Wong, tổng trưởng tài chính, chụp chung với người phụ nữ bạn tình của bà. Kèm theo bức hình là bản tin cho biết họ đang chờ đợi một đứa con mà người phụ nữ sống chung với bà Wong đang cưu mang. Có tin còn cho biết các chính trị gia Úc đã lần lượt gởi lời chúc mừng đến cặp đồng tính này.

        Năm 2001, Hòa lan đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới nhìn nhận hôn phối của những người đồng tính. Kể từ đó, nhiều nước khác như Argentina, Bỉ, Canada, Băng Đảo, Na uy, Bồ đào nha, Tây ban nha, Nam Phi và Thụy điển đều chính thức cho phép những người đồng tính được kết hôn với nhau. Tại Hoa kỳ đã có tới 6 tiểu bang cũng đã định nghĩa lại hôn nhân và nhìn nhận hôn phối của những người đồng tính. Một số quốc gia, tuy chưa chính thức ban hành luật nhìn nhận hôn phối đồng tính, vẫn công nhận giá trị của hôn phối đồng tính được cử hành tại một số nơi khác.

        Những người ủng hộ hôn phối đồng tính lập luận rằng chối bỏ quyền của những người đồng tính được kết hôn và hưởng mọi quyền lợi xuất phát từ hôn phối là một hành động kỳ thị dựa trên khuynh hướng tính dục. Một số khác cho rằng hôn phối mang lại những phúc lợi về tài chính, tâm lý và thể lý cũng như bảo đảm cho con cái được những cặp đồng tính nuôi dạy được hưởng những dịch vụ của các tổ chức xã hội.

        Cho tới nay, tại Úc đại lợi, hôn phối đồng tính vẫn chưa được luật pháp liên bang nhìn nhận. Luật hôn nhân năm 1961 đã được tu chính và chính thức tuyên bố rằng hôn phối đồng tính được cử hành tại các nước khác vẫn không được nhìn nhận như hôn phối tại Úc đại lợi.

        Dù vậy, tại tất cả mọi tiểu bang và lãnh thổ Úc, việc sống chung của những cặp đồng tính vẫn được thừa nhận như mọi cặp phối ngẫu (de facto couples) và họ cũng được hưởng mọi quyền lợi như những cặp bạn tình khác phái đang sống chung với nhau.

        Năm 2004, Luật giám sát về hưu bổng trong kỹ nghệ đã được tu chính để cho phép các cặp đồng tính cũng được hưởng những quyền lợi như những người khác phái chung sống với nhau.

        Tháng 11 năm 2008, chính phủ Lao động đã thông qua luật nhìn nhận các cặp đồng tính và cho họ được hưởng những quyền lợi như các cặp bạn tình khác phái chung sống với nhau về thuế, bảo hiểm xã hội và y tế, tuổi già và công ăn việc làm. Điều này có nghĩa là những cặp đồng tính nào có thể chứng minh được rằng họ đang chung sống với nhau như vợ chồng đều hưởng được hầu hết các quyền lợi của các cặp vợ chồng.

        Tháng 8 năm 2009, một thành viên của Đảng Xanh đã đệ trình một dự luật kêu gọi nhìn nhận hôn phối đồng tính. Luật đã bị thượng viện bác bỏ. Đảng Xanh mà lãnh tụ là Bob Brown hiện đang công khai sống với một người bạn tình đồng phái, vẫn cương quyết tranh đấu cho hôn phối đồng tính được luật pháp liên bang Úc đại lợi nhìn nhận. Nhưng cho tới nay, thủ tướng Gillard đã nhiều lần tuyên bố rằng bà chống lại hôn phối này. Tuy nhiên, trong một xã hội mà “hợp pháp” hay “hợp thức về phương diện chính trị” (politically correct) được xem là chuẩn mực bắt người dân phải tuân thủ, thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nếu phá thai, tức sát hại một con người vô phương tự vệ còn trong lòng mẹ, được xem là “hợp pháp”, thì có chuyện gì mà các nhà làm luật và các chính trị gia không làm được. Trong trường hợp nào, lý của kẻ mạnh vẫn luôn thắng.

        Tôi không phải là một nhà thông luật, lại càng không phải là một chính trị gia để tranh luận về luật pháp. Trong mọi sự, lương tâm lúc nào cũng mách bảo tôi về khía cạnh đạo đức. Đúng hơn, là con người, tôi vẫn luôn bị lương tâm chất vấn về trách nhiệm, nhứt là trách nhiệm đối với người khác. Tự do chọn cách sống là chuyện của mỗi người nhưng một khi điều đó ảnh hưởng đến “người khác” thì vấn đề cần được đặt lại. “Người khác” mà tôi muốn nói ở đây là những “đứa con”.

                Penny Wong

        Khi tôi nhìn tấm ảnh chụp chung của bà Penny Wong với người phụ nữ bạn tình, kèm với “tin vui” có con được họ công bố, tôi không thể không nghĩ đến tương lai của đứa bé. Chưa ra đời, nó đã bị kết án phải làm một đứa trẻ mồ côi, bởi lẽ, dù phải có một người đàn ông hiến tặng tinh trùng để nó được hình thành, nó vẫn không được người cha “đẻ” nhìn nhận. Không nhìn nhận đứa con của mình là một hành động chỉ có thể gọi là “vô trách nhiệm” mà thôi. Lại càng vô trách nhiệm hơn nữa khi người ta cố tình tước đọat quyền được có cha của đứa bé.  Nó sẽ sinh ra và lớn lên trong một gia đình có đến hai bà mẹ, nhưng lại không có lấy một người cha hoặc ngược lại. Con không cha như nhà không nóc. Đối với một đứa con trai, điều ấy lại càng hiển nhiên hơn: thiếu một đàn ông “mẫu mực” trong gia đình, trưởng thành nhân cách là điều không phải dễ dàng đối với một đứa trẻ. Con không mẹ thì lại càng thê thảm hơn.

        Thời đại này, người ta nói đến đủ mọi thứ quyền, kể cả quyền của thú vật. Nhưng một trong những quyền cơ bản nhứt là quyền được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cha và có mẹ lại bị chối bỏ. Tranh đấu cho đủ mọi thứ quyền nhưng lại chối bỏ quyền này là một thái độ vô trách nhiệm và giả nhân giả nghĩa.

        Tôi nhớ: trước năm 1975, trong các buổi sinh hoạt đoàn thể, các em thiếu nhi thường vỗ tay hát: “Em có ba, em có má...” Hãy thử tưởng tượng: còn niềm vui nào lớn hơn đối với một đứa trẻ khi được sinh ra, lớn lên trong một gia đình có một người cha và một người mẹ.

        Tôi tin rằng chỉ trong một gia đình như thế, đứa trẻ mới cảm nhận được tình yêu thương thực sự, học được những bài học vỡ lòng về làm người và lớn lên trong tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội.