Home Đời Sống Gia Đình Ký ức ngóng Tết những ngày thơ ấu

Ký ức ngóng Tết những ngày thơ ấu PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Bảy, 01 Tháng 1 Năm 2011 11:02

Bây giờ đã đến lúc tuổi tác đã nhiều. Gần tới ngày Tết đến, nghe các con cháu nôn nóng, chộn rộn, mình thấy nao nao, thậm chí hơi bực bội vì nhiều lý do.

Nhưng nghĩ lại thời mình còn nhỏ, mới thấy cảm thông với con, với cháu.

Ngày còn nhỏ, dù còn cách Tết cả tháng nhưng bọn trẻ trong xóm tôi đứa nào cũng đã ngong ngóng sao cho Tết đến thật nhanh để được nghỉ học, được mặc quần áo mới, được đi chơi và nhất là được người lớn lì xì.

 Gia đình tôi hồi ấy rất nghèo, ba mẹ và các chị tôi bươn chải quanh năm. Tết đến, trong nhà tôi chỉ có bánh tét, một nồi thịt heo và mấy đĩa đậu hũ kho do mẹ nấu lấy. Ngay cả mâm ngũ quả và gói mứt Tết đơn sơ để cúng ông bà cũng không... to bằng nhà hàng xóm. Tất cả khiến tâm hồn trẻ con như tôi cứ chạnh lòng với chúng bạn nhà bên. Có lần thấy Tết nhà tôi "bé tí", thằng bạn nhà bên chê: "Tết nhà mày nhỏ quá, còn lâu mới bằng nhà tao! Nhà tao có nhiều mứt, bánh kẹo nè, phông pháo to nè rồi bao nhiêu là bong bóng bay nữa...". Tôi đem chuyện thằng bạn hàng xóm "chê" Tết nhà mình mách mẹ, mẹ tôi cười an ủi: "Nhà mình nghèo nên Tết thế này là cũng to rồi con ạ! Nay mai ba mẹ giàu, sẽ làm Tết to hơn nhà họ...".

Nhưng từ thời bé tí ấy cho đến khi tôi đã là học sinh trung học đệ nhị cấp, nhà tôi vẫn chẳng thể nào có được một cái Tết "to" theo cảm nhận của tôi! Dẫu Tết nghèo, Tết "bé tí", nhưng niềm háo hức chờ ngóng Tết trong tôi chẳng khi nào vơi. Có năm, mới chỉ đầu tháng Chạp, mẹ đã động viên: "Con ạ, cố siêng năng đi, mẹ cho đi chợ sắm Tết và sẽ may cho một bộ quần áo mới!" Thấy mẹ hứa vậy tôi mừng quýnh, và càng mong Tết đến thật nhanh. Những ngày sau đấy, bất cứ công việc nào mẹ giao phó tôi đều làm rất hăng, chẳng bao giờ dám trái lời vì sợ mẹ "phạt" không cho đi chợ Tết, không may cho quần áo mới... Tết năm đó rồi cũng tới và mẹ cũng giữ đúng lời hứa! Tôi và mấy anh em được mẹ mua cho mấy sấp vải "patich" rồi tự mẹ đo cắt và may bằng kim may tay cho mấy anh em tôi. Vì quần quật suốt ngày, tối thức cầm kim may bên ngọn đèn dầu nên mẹ có lúc ngủ gật. Bọn chúng tôi gắng thức đêm vây quanh mẹ để thúc giục mẹ may cho mình trước. Mẹ không là thợ may nên may không khéo, nhưng với chúng tôi, những bộ đồ pyrama mẹ may đón Tết là cả một gia tài!. Tôi còn nhớ như in, năm đó mẹ còn lì xì cho năm hào để đi chơi Tết cùng chúng bạn...

 Không khí Tết đến với làng quê sớm hơn nơi thị tứ, dù nhiều gia đình đến tận chiều 30 vẫn ra đồng làm việc. Nhà nào cũng gói bánh tét sớm mà cứ có mùi vị bánh tét là  xem như có Tết. Nhà tôi thường gói bánh vào ngày 27 hoặc 28 để kịp có bánh cúng tất. Tôi và thằng em Út rất thích bánh "ít" nhỏ nên bao giờ cũng ngồi chầu chực bảo mẹ bớt lại chút gạo, đỗ để gói cho hai chị em mỗi đứa một cặp bánh bằng bàn tay. Bánh chín, chưa kịp chờ nguội, hai đứa đã bóc ăn một cách ngon lành...

Tết đến với bao lo toan của người lớn, nhưng với trẻ con ngóng Tết luôn mãi là những kỷ niệm để đời.