Home Đời Sống Gia Đình Cứ 10 người Mỹ thì hết 4 người coi hôn nhân là lỗi thời

Cứ 10 người Mỹ thì hết 4 người coi hôn nhân là lỗi thời PDF Print E-mail
Tác Giả: Phan Tú Khuynh chuyển ngữ   
Thứ Năm, 30 Tháng 12 Năm 2010 20:40

 Những gì phụ nữ nên biết

Trong những dịp gia đình quây quần vào những ngày lễ cuối năm, hễ cứ ba trẻ em Mỹ thì gần như là có một em đang sống với bố hoặc mẹ đã ly dị, ly thân hoặc chưa hề thành hôn bao giờ. Ngày càng có nhiều người Mỹ chấp nhận quan niệm rằng người ta không cần phải thành hôn với nhau mới có thể gầy dựng nên một gia đình.

 
Hình minh họa. (Hình: Barbara Kinney via Getty Images)

 Một cuộc nghiên cứu của trung tâm Pew Research Center, kết hợp với tạp chí Time, làm nổi bật lên những thay đổi mau chóng của người Mỹ về ý niệm gia đình. Và Cơ Quan Kiểm Kê Dân Số đang dự trù áp dụng các định nghĩa rộng rãi hơn về gia đình khi họ tính toán mức độ nghèo khó, một sự thay đổi phần lớn là do hậu quả của mức gia tăng mới đây trong số các cặp nam nữ sống chung với nhau mà không cưới nhau.

Chừng 29% trẻ em dưới 18 tuổi hiện nay sống với bố hoặc mẹ hoặc cha mẹ không kết hôn với nhau hoặc đã ly dị, một mức gia tăng gấp năm lần tính từ năm 1960 tới nay, đó là theo một báo cáo mới đây của Trung Tâm Pewt. Nếu phân tích kỹ, thì khoảng 15% trẻ em có cha mẹ từng ly dị hoặc ly thân và 14% không hề cưới xin nhau. Trong hai nhóm trẻ em này, một số không nhỏ, khoảng 6%, có cha mẹ là những cặp nam nữ sống chung ngoại hôn có ý hướng cùng nhau nuôi nấng con cái mà không cần phải làm đám cưới với nhau.

Thật vậy, chừng 39% người Mỹ bảo rằng hôn nhân đang trở nên lỗi thời. Và cảm nghĩ này cũng biểu hiện trong các số liệu của cuộc kiểm tra dân số tại Hoa Kỳ được công bố vào hồi Tháng Chín cho thấy số lượng các đám cưới đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay, tức là chỉ có 52% các cặp tuổi từ 18 trở lên làm đám cưới mà thôi.

Hồi năm 1978, chỉ có 28% dân chúng tin rằng hôn nhân là chuyện lỗi thời.

Khi được hỏi các thành phần nào tạo nên gia đình thì đại đa số người Mỹ đồng ý rằng một cặp vợ chồng đã cưới nhau, có con hay là không cũng thế, thích hợp với định nghĩa về gia đình. Nhưng trong số năm người được thăm dò ý kiến thì bốn người cùng chỉ tay về phía một cặp nam nữ không cưới nhau và có con với nhau hoặc một người cha hay người mẹ ở độc thân nuôi con. Trong số năm người thì có tới ba người gọi một cặp đồng tính luyến ái có nuôi con chung là một gia đình.

Andrew Cherlin, giáo sư xã hội học tại đại học Johns Hopkins University nhận xét: “Hôn nhân vẫn còn rất quan trọng trên đất nước này, nhưng nó không chi phối gia đình như trước đây nữa. Giờ đây có nhiều cách thế khác để có một đời sống gia đình hạnh phúc, và ngày càng có nhiều người chấp nhận sự thể đó.”

Các quan niệm thay đổi về gia đình đều là của những người thuộc giới trẻ tuổi từ 18 tới 29, là những người so với thế hệ trước đây thì hay có cha hoặc mẹ là người sống độc thân hoặc ly dị rồi hoặc có bạn bè ở trong tình trạng tương tự.

Cuộc thăm dò còn cho thấy rằng những người lớn thuộc thế hệ trẻ dễ có khuynh hướng phóng khoáng khi đề cập tới vai trò của vợ chồng và chuyện sống chung với nhau trước khi cưới nhau.

Nhưng yếu tố kinh tế hiện nay xem ra cũng giữ một vai trò trong ý niệm mới mẻ về hôn nhân tại Hoa Kỳ. Cơ Quan Kiểm Kê Dân Số mới đây báo cáo rằng số lượng những cặp nam nữ không cưới nhau mà vẫn chung sống với nhau đã tăng 13% trong năm nay, lên tới mức 7 triệu rưỡi cặp như vậy. Ðây là mức gia tăng đáng kể trong vòng một năm từng được các nhà phân tích quy trách cho những người không muốn cam kết hôn nhân lâu dài giữa lúc tình trạng thất nghiệp cứ tiếp diễn.

Kể từ năm tới, Cơ Quan Kiểm Kê Dân Số sẽ công bố các con số mới ấn định mức nghèo khó tách biệt với ý niệm truyền thống về một gia đình của một cặp vợ chồng có hai người con. Cơ quan này sẽ nới rộng định nghĩa về gia đình để bao gồm những cặp nam nữ không cưới nhau, tỷ dụ như những cặp đồng tính luyến ái cũng như những người con nuôi do nhìn nhận chứ không có liên hệ máu mủ.

Trong hiện tại, một cặp nam nữ sống chung không có hôn thú mà có con và cả hai cùng đi làm thì không được coi là một đơn vị gia đình có lợi tức chung ở mức cao nhưng mà lại được chính thức coi như hai đơn vị gia đình không cùng chia sẻ quyền lợi với nhau.

Giáo Sư Cherlin nói: “Người ta đang suy nghĩ lại gia đình nghĩa là cái gì. Trước tình hình thực tế, tôi nghĩ chúng ta phải chấp nhận mối quan hệ giữa hai người cùng sống chung ngoại hôn, coi đó là căn bản để từ đó các gia đình này có thể nhận được những quyền lợi như bảo hiểm sức khỏe, y như một gia đình theo đúng quy định của pháp luật hiện nay vậy.”

Tuy nhiên, cuộc nghiên cứu nói trên cho thấy nền tảng của gia đình tại Mỹ sẽ không sớm mất đi. Mặc dù ngày càng có thêm người quan niệm rằng có thể hôn nhân sẽ không là chuyện cần thiết, 67% người Mỹ đều lấy làm lạc quan về tương lai của hôn nhân và gia đình. Niềm lạc quan này xem ra còn cao hơn so vơi niềm lạc quan về hệ thống giáo dục của đất nước (50%), về nền kinh tế (46%) hoặc về vấn đề luân lý và đạo đức của dân Mỹ (41%).

Và có phân nửa trong số những người lớn ở vậy mà không lấy ai cả -đâu chừng 46%- nói rằng họ muốn cưới hỏi nhau đàng hoàng. Rồi trong số những người không cưới hỏi nhau mà đang sống với một bạn tình thì số người muốn kết hôn lại lên tới 64%.

Cuộc nghiên cứu của Trung Tâm Pew được căn cứ vào những cuộc phỏng vấn bằng điện thoại với 2,691 người lớn từ ngày 1 tới ngày 21 Tháng Mười. Tỉ lệ sai biệt của các số liệu được đưa ra nằm trong khoảng từ trừ 2.6 tới cộng 2.6%, với xác suất sai lệch nhiều hơn đối với các nhóm người ít ỏi trong cuộc thăm dò. Trung Tâm Pewt cũng còn đem phân tích các số liệu kiểm tra dân số của năm 2008 và sử dụng các cuộc thăm dò do tạp chí Time thực hiện để xác định các khuynh hướng xã hội của những thập niên trước.

Hope Yen, Associated Press