Home Đời Sống Gia Đình Chia sẻ việc nhà để giữ hạnh phúc gia đình

Chia sẻ việc nhà để giữ hạnh phúc gia đình PDF Print E-mail
Tác Giả: Phương Anh, phóng viên RFA   
Thứ Tư, 22 Tháng 9 Năm 2010 12:56

Vào thời buổi kinh tế thị trường, đa số các phụ nữ ở Việt Nam ngày nay đều không chỉ ở nhà lo việc nội trợ và chăm sóc con cái, mà đều ra ngoài mưu sinh như cánh đàn ông.


Phụ nữ Hà Nội ngày nay-RFA photo/Tyler-Chapman

Điều này dần dà đã biến vai trò của người phụ nữ trong gia đình trở nên nặng hơn khi vừa phải đi làm kiếm tiền, vừa phải gánh trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, chu toàn việc nhà.

Theo các chuyên gia tâm lý về gia đình, chính điều này đã ảnh hưởng nhiều đến hôn nhân và hạnh phúc của hai vợ chồng.

Có khi, lại còn dẫn đến chuyện ly hôn đáng tiếc. Vậy làm thế nào để tránh khỏi sự mâu thuẫn và xung đột mà nguyên nhân chỉ là những việc liên quan đến sinh hoạt trong gia đình?

Bình đẳng trong gia đình
Hầu hết các chị em phụ nữ đều cho rằng trách nhiệm chính của người phụ nữ là phải lo toan mọi chuyện trong nhà, còn người đàn ông thì ra ngoài mưu sinh lo cho gia đình. Thế nên, việc nội trợ dĩ nhhiên là của các bà vợ. Nhưng, vào khi hoàn cảnh thay đổi, nếu cả hai đều phải ra ngoài xã hội bươn chải kiếm sống thì lại là chuyện khác. Chị Trâm, năm nay ngoài 40, cư ngụ ở TPHCM phát biểu rằng:         

"Nếu người vợ ở nhà không đi làm, lo cho con cái, cơm nước thì người chồng lúc bấy giờ phải lo đi làm kiếm tiền, nên ít khi nào tham gia vào công việc gia đình, nội trợ. Còn nếu khi nào cả hai vợ chồng cùng đi làm thì phải chia việc cho cả hai, em nghĩ như vậy mà như thế thì hay hơn và bây giờ thì em thấy trường hợp đó nhiều lắm.

Khoảng cỡ sinh năm 80, 85 lập gia đình thì cả hai vợ chồng cùng đi làm nên việc nhà thì phải chia ra, chứ không để cho người vợ làm hết, người chồng cũng tham gia vào việc bếp núc, coi con cái hay đi chợ búa."

Theo lời chị Hoàng Thị Thanh, là chuyên gia tâm lý về hôn nhân và gia đình của đường dây tư vấn Tâm Linh tại Hà Nội, thì vào khi hoàn cảnh xã hội thay đổi thì mối quan hệ vợ chồng cũng thay đổi theo. Chính vì thế, bây giờ đa số người chồng cũng không còn coi chuyện nội trợ là của riêng vợ mình. Chị nói:

"Thực sự bây giờ cũng có sự biến đổi mối quan hệ giới khác so với ngày xưa, các ông chồng bây giờ cũng chịu khó vào bếp hơn, làm việc nhà nhiều hơn. Nhưng ở vào lứa tuổi 50 hay ngoài 50 thì cái định kiến đã ăn sâu vào máu thịt của họ nên họ vẫn nghĩ là đàn ông chỉ làm những việc to tát, những việc trụ cột. Cho nên, khi buộc phải làm những việc nội trợ thì không thoải mái hay là tình nguyện 100%  như là các bà vợ mong muốn.


 Một phụ nữ bán hàng rong ở chợ Phan Thiết. RFA photo

Thực sự trong thời buổi hiện đại này cũng có rất nhiều vấn đề, thí dụ phải lao động, phải kiếm sống, các thách thức ngoài xã hội bây giờ khác rất nhiều so với ngày xưa, phải bươn chải, phải kiếm sống, nhưng công việc gia đình nội trợ thì vẫn phải làm."

Chị cũng cho biết rằng, hầu hết, với những cặp vợ chồng trẻ ngày nay thì đều đồng ý cách san sẻ việc nhà. Nhưng, đó chỉ là khi có điều kiện ở riêng, chị cho biết:

"Quan sát các đôi vợ chồng trẻ thì công việc ấy dễ dàng hơn. Chị thấy là các đôi vợ chồng trẻ đa số ở một mình thì việc san sẻ việc nhà dễ hơn gia đình nhà chồng. Gia đình nhà chồng thì bao giờ việc nhà cũng là “hơi phụ nữ”. Thí dụ, em chồng, chị chồng, mẹ chồng và vợ, tất cả là phụ nữ thì làm việc nội trợ, còn đàn ông thì chỉ việc cơm nước xong thì ra uống nước, ngồi bàn chuyện tình hình thế giới, này nọ, chứ còn để rửa bát trong trường hợp này cũng hiếm lắm. Vợ ngồi đấy để chồng đi rửa bát thì hiếm lắm."

Với giáo sư Tuấn Anh, hiện đang giảng dậy môn tâm lý của trường đại học Huế thì lại cho rằng:  

"Tùy theo người phụ nữ đó ở đô thị hay ở nông thôn, một số phụ nữ ở  đô thị hiện đại ngày nay thì muốn chồng chia sẻ nhiều hơn về công việc như là vợ rửa bát thì chồng quét nhà, v…v..có nghĩa là chỉ cần chồng chia sẻ một chút trong công việc mình đề nghị. Ở đô thị Việt Nam thì người phụ nữ phải đi làm, sáng đi làm, cả hai vợ chồng cùng đi làm, nhưng khi về thì người phụ nữ bận rất nhiều, phải nấu cơm rồi lại còn phải giặt giũ v..v…

Cho nên, người chồng chỉ cần chia sẻ một chút gì đó thì họ hài lòng hơn. Nhưng người phụ nữ nông thôn thì lại khác, những người thuần Bắc hay cách đây khoảng 20, 30 năm thì cho rằng: người chồng làm toàn việc nặng nên về nhà thì nghỉ ngơi và nếu đỡ đần thì cũng chỉ một chút thôi. Thí dụ ngườ phụ nữ băm rau cho heo thì người chồng có thể vác cây chuối về, thế là được rồi. Đôi khi họ lại cho rằng người đàn ông vào bếp thì không ra dáng đàn ông."

Thiên chức của phụ nữ?
Ông cũng nhấn mạnh rằng, một trong những điểm mà các bà vợ rất khó chịu với các đấng lang quân của mình và đôi khi trở nên mâu thuẫn trong gia đình là:

"Một số những người phụ nữ rất ghét những người đàn ông khi về đến nhà là nằm xem ti vi, đọc báo trong khi đó mặc kệ vợ, vợ dọn dẹp, lau nhà ngay cả dưới chân mình cũng mặc kệ."  

 Một người đàn ông phụ vợ dọn hàng buổi sáng ở SG tháng 6/2010. RFA photo

Cũng theo lời giáo sư Tuấn Anh, vấn đề tâm lý cá nhân cũng ảnh hưởng không kém đến quan niệm và lối hành xử của cả hai vợ chồng khi phải giải quyết chuyện việc nhà. Anh nói:

"Với những người đàn ông ảnh hưởng từ gia đình lớn, tức gia đình của bố mẹ, mà mẹ của người đàn ông đó rất chăm chỉ, thương con và chiều con trai thì khi người con trai này lập gia đình với một cô gái mà cô gái này rất hay nói như “anh không làm cái gì cả, anh không giúp đỡ” thì người đàn ông đó sẽ bị tổn thương.

 Còn người đàn ông sinh ra ở nông thôn, người ta cũng đi làm thì việc nhà không thành vấn đề."

Nhân đây, anh cũng cho hay rằng, không phải lúc nào người chồng vào bếp sẽ làm cho các bà vợ hài lòng:   

"Một số người đàn ông vụng về thì cái việc vào bếp cũng gây sự rất  khó chịu cho người phụ nữ. Đặc biệt, khi họ đi công tác xa vài ba ngày, khi vào nhà mà thấy cái nhà bừa bộn thì không nói gì, nhưng khi vào bếp mà thấy cái bếp bừa bộn thì họ rất khó chịu."

Nếu thế, thì phải chăng trách nhiệm chính của phụ nữ là phải chu toàn việc nhà sau một ngày làm việc bên ngoài? Giáo sư Tuấn cho rằng: 

"Nói rằng đổ hết việc lên người phụ nữ thì không phải. Với tư cách là một người đàn ông và cũng sắp lấy vợ thì em thấy rằng chồng có thể chia sẻ công việc nhà với vợ. Đó là hướng tới của phụ nữ đòi bình quyền, nói chung trên thế giới và nói riêng ở Việt Nam.

 Thế nhưng trong điều kiện nhất định thì người đàn ông can thiệp một phần vào trường hợp nhất định nào đó vào công việc nhà mà thôi, còn nếu can thiệp toàn bộ vào công việc nhà thì đôi khi lại trở thành rào cản đối với người phụ nữ." 

Có thể nói rằng ngày nay, quan niệm việc nội trợ là của các bà hầu như đã lỗi thời. Bây giờ, cánh đàn ông vào bếp hay đi chợ cũng không còn vẻ ngại ngần như xưa. Tuy nhiên, vấn đề này cũng không phải dễ dàng được chấp nhận ngay trong các gia đình vì định kiến của xã hội Việt Nam bao giờ cũng cho rằng việc nhà là của phụ nữ.

Cho nên, để có thể có được mái ấm gia đình, tránh sự xung đột, mâu thuẫn phát sinh từ những chuyện lặt vặt, cả hai vợ chồng đều phải chia xẻ cho nhau việc nội trợ như câu “ Đồng vợ đồng chồng, tát bể Đông cũng cạn”.