Home Đời Sống Gia Đình Đời vé số, trên từng cây số

Đời vé số, trên từng cây số PDF Print E-mail
Tác Giả: Cát Tường   
Thứ Tư, 11 Tháng 8 Năm 2010 09:54

Ngày nào cũng vậy, cứ đúng 4 giờ sáng, khi mặt trời chưa mọc, thì đôi chân bà bắt đầu “mọc” dài trên Quốc lộ 91 với xấp vé số trong túi vải. Gặp quán xá nào đông khách, bà đều tấp vào mời mọc với gương mặt đẫm u buồn.

 
 Bà Ðẹp lo âu với xấp vé số trên tay khi trời đã sang trưa lại đang có cơn
mưa ở đâu đó! Phía sau 2 xe gạch là chiếc xe đạp cà tàng của bà.

Không buồn sao được khi một ngày bà phải rong ruổi suốt chặng đường dài gần hai chục cây số những mong kiếm chén cơm sống qua ngày, chớ không bao dám mơ màng tới manh áo lành tốt như bao người khác. Ðể qua quốc lộ, mỗi ngày bà đều phải tốn một khoản tiền đò ngang từ nhà ở bên kia sông sang. Ði riết rồi quen, chủ đò trắc ẩn “làm lơ” chẳng lấy tiền một kẻ nghèo “táng tận” như vậy làm gì cho mang tội.

Người đàn bà tội nghiệp đó là Lê Thị Ðẹp (59 tuổi, ở ấp Bình Quý, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang). Tên “Ðẹp” nhưng cuộc đời là một cực “thái quá” đối với bà!

Ðời công cấy

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bình Thủy, nên cái tuổi mà người ta gọi là thanh xuân đối với bà chỉ có một may mắn là được cha mẹ cho đi học tới lớp 8. Sau đó bà bước vào kiếp ‘trâu cày’ với công việc làm lúa mùa. Hết mảnh ruộng này sang mảnh ruộng khác trên khắp dải cù lao Bình Mỹ, bước chân bà đều đã giẫm qua và đôi tay bà hết cắm cúi nhổ mạ, cấy mạ thì thoăn thoắt cắt từng bó lúa vàng hươm. Ðó là màu vàng no ấm của ai kia chớ thân phận bà vẫn hẩm hiu với kiếp đời nhọc nhằn, lam lũ. Hết mùa lúa, bà lăn thân vào bất cứ công việc gì, miễn có đồng tiền trong sạch cho gia đình khốn khó của mình.

Hai mươi bốn tuổi, người thanh niên cùng xóm để ý thương bà, rồi họ “tấp” vào nhau mà sống. Cũng như trước đó, bà tiếp tục công việc “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” trong những mùa lúa cho người. Còn ông chồng Lê Văn Chuẩn (sinh năm 1940) thì làm mướn độ nhật. Cả hai cố gắng hết sức vẫn không sao ‘xoay chuyển’ được cuộc đời, trái lại còn đeo mang thêm gánh nặng là ba cô con gái lần lượt ra đời. Cố gắng nuôi con, hai vợ chồng bà nhiều lúc muốn ‘đứt hơi.’ Ðáng quý là họ đã nuôi ba cô con gái đến trộng trộng thì cho đi làm góp tiền cho gia đình xoay xỏa. Rồi, từng cô con gái một lập gia đình, theo chồng.

 

Lu nước bên đường là nét đẹp của vùng Châu Ðốc, giúp bà Ðẹp cũng
như khách bộ hành giải được cơn khát.
 

Ba cô con gái ở xa, làm mướn lo thân chưa xong dám đâu ‘ngó ngàng’ tới cha mẹ. Còn chồng bà, từ 6-7 năm nay là cái gánh nặng mà bà phải mang vác. Ông bị bịnh đau bao tử và thấp khớp. Bịnh tật như vậy mà ông nào được chữa trị tới nơi tới chốn. Ði nhà thương công ư? Phải có tiền. Dù có tiền cũng chỉ được mấy vị bác sĩ thăm khám qua loa, cho toa thuốc “lớt lớt” về uống chẳng ăn nhằm gì. Còn đi khám bác sĩ tư thì tiền khám mấy chục ngàn đồng, chưa kể cái toa thuốc ‘rồng rắn’ toàn thuốc ngoại giá tới cả trăm ngàn đồng làm sao ông dám đặt chân tới!

Vậy là ông đành chịu chứng thấp khớp và bao tử hành hạ những khi chúng “lên cơn”! Ðể ngăn chặn những cơn đau dai dẳng ấy, mỗi ngày ông uống thuốc Tây, “trị giá” từ 5,000-6,000 đồng cầm chừng kéo dài cuộc sống. Bữa nào không có thuốc, ông rên nghe nhức xương, bà phải dùng thuốc rượu xin chùa thuốc Nam Phước Thiện xoa bóp cho ông. Bịnh tật như vậy nên ông phải nằm nhà.

Ðể có “đồng vô đồng ra”, 6 năm trước, bà vay tiền diện chính sách xã hội (của nhà nước) 10 triệu đồng nuôi heo. Không biết chút gì về công việc này, như người ta nói là “không có tay nuôi”, nên mấy con heo của bà ngày càng èo uột, phần nữa vì thiếu ăn, thành ra đứt vốn. Ba năm sau, bà “liều mạng” vay 2 triệu đồng (tiền lời 10 phân) của tư nhân, mua tương chao mắm muối cho ông bán kiếm chút lời đến giờ. Tiền lời từ “quán” hàng xén chẳng được bao nhiêu nhưng tiền lời từ tiền vay nhà nước và tư nhân bà phải hết sức cắc ca cắc củm mới có trên 30,000 đồng đóng mỗi tháng. Bà chỉ đóng tiền lời thôi, còn món nợ 10 triệu đồng nhà nước và 2 triệu đồng tư nhân không biết đời kiếp nào bà mới xóa nổi!

Ðời vé số dạo

Lúa mùa bây giờ không còn nữa. Vùng đất cù lao An Giang vốn được mệnh danh là “nửa năm đạp đất đồng khô, nửa năm dầm chân trong sóng nước” đã được người ta làm đê bao chặn dòng mùa nước nổi để làm lúa (cũng như các loại hoa màu khác) tăng vụ. Tối thiểu, mỗi năm họ bắt đất phải sản sinh ra ba lần lúa để làm giàu. Tưởng rằng công việc làm lúa mướn của bà gần như có quanh năm, cuộc sống sẽ khá hơn. Nhưng không. Bi kịch là bây giờ người ta cày, bừa bằng máy và sạ thẳng chứ không còn gieo mạ và cấy mạ theo phương pháp cổ truyền.

Cũng từ nhiều năm nay, ngoài việc ít dùng công cấy, công gặt, thay vào đó họ dùng máy gặt, “hiện đại” hơn, dùng máy gặt đập liên hợp để từ thu hoạch lúa tốt, rẻ hơn và ít hao hụt hơn. Bà Ðẹp “bơ vơ” trong chốn ruộng nương quen thuộc của mình với một vài công việc lặt vặt nên tiền kiếm được không có là bao. Tiền công càng thêm rẻ mạt khi tuổi đời bà ngày thêm chồng chất. Sức yếu, làm không được việc mấy, vậy là bà bị chủ chê. Từ 6 tháng nay, tủi thân, bà chấm dứt đời làm lúa, làm mướn, chuyển qua bán vé số dạo.

Với số tiền ít ỏi trong tay, lần đầu tiên tới đại lý vé số mua, bà càng thêm buồn. Người ta lấy một lần hàng trăm tấm, còn bà chỉ “lẹt quẹt” mấy chục vé mà thôi. Ðã vậy còn nơm nớp lo bán không hết, chủ không nhận vé số trả lại dù trước giờ xổ số. May mắn sao, từ ngày “chuyển nghề” tới giờ, ngày nào bà cũng bán hết 40 vé (10,000 đồng/vé). Còn từ vào mùa mưa tới giờ, nếu buổi trưa, trời xáng một trận thì coi như khổ, năn nỉ khách mua rát cổ họng mới hết; chỉ có một lần “ôm” 5-6 tấm, rất tiếc, chẳng có tờ nào trúng!

Sáng tinh sương, bà bắt đầu “lội” dài theo đường. Nói “lội” chớ thật ra bà trầm trầm đạp chiếc xe đạp không vè không thắng, thấy quán nào đông khách thì ghé vô, mời mọc. Suốt ngày ở ngoài đường, khát nước bà uống nước lu người ta đặt sẵn bên đường, đói quá thì “làm bậy” tô bánh canh. Khi nào “nghe cái đầu xà quần” (rối loạn tuần hoàn não) thì bà xin nằm nhờ chiếc võng của một quán cà phê bên đường...

Cứ vậy mà bà lần hồi đảo về, cũng là lúc giải quyết xong xấp vé số trong chiếc túi may từ bao đựng thức ăn gia súc, ghé đại lý lấy tiếp xấp vé số cho ngày mai trước khi về nhà. Ðêm nằm trong căn nhà lá xập xệ của gia đình chồng cho đến giờ càng thêm “tang thương”, sắp sập. Muốn sửa nhà mà “lực bất tòng tâm”. Quạnh hiu hai vợ chồng già, bà chạnh lòng nghĩ cuộc đời mình sao giống như tờ vé số trật!