Home Đời Sống Dinh Dưỡng Tản Mạn về Trà

Tản Mạn về Trà PDF Print E-mail
Tác Giả: Bảo Như © DCVOnline   
Thứ Tư, 09 Tháng 6 Năm 2010 16:50

Chúng ta có thể ngược trở về Trung Hoa cổ 5000 năm về trước để tìm gốc tích của trà.

 Theo truyền thuyết, vua Thần Nông, một hoàng đế rất anh minh, một nhà khoa học sáng tạo, và một vị mạnh thường quân về nghệ thuật, đã truyền dạy phép vệ sinh: nước uống là một trong nhiều thức khác nữa cần được đun sôi trước khi dùng.

Vào một ngày hè trong khi dừng chân nghỉ tại một làng nhỏ trên đường du ngoạn, các cận vệ của vua như lệ đun nước cho đoàn giải khát. Khi nước đang sôi thì một số lá khô từ bụi cây gần đó bay rơi vào và biến màu nước thành màu nâu nhạt thoảng mùi. Vốn là một nhà khoa học, vua Thần nông rất tò mò, lý thú với loại nước lạ, ngài uống thử, cảm thấy rất khoan khoái. Và thế là, trà được chế biến từ đó.

Trà có mặt trong văn hóa ẩm thực khắp các mọi miền của Trung Quốc. Vào năm 800 A. D. Lữ Dự [Lu Yu, 陸羽 (729-804)], một cựu tu sĩ Phật giáo đã viết cuốn sách đầu tiên về nghệ thuật trồng và pha trà, bắt nguồn từ kinh nghiệm bản thân đã quan sát từ một thiền viện rất cao quý và nghiêm ngặt của Trung Hoa thời đó, nơi ông vốn là một trẻ mồ côi, được nuôi dưỡng suốt thời niên thiếu. Nghiễm nhiên trong cuốn sách của ông cũng lồng vào triết lý thiền học Zen đã ảnh hưởng ông từ thơ ấu. Tựa đề cuốn sách là “Kinh Trà” (Cha Ching), và chính nhờ công trình khảo cứu này mà trà đã được truyền bá qua các thiền viện thuộc phái Zen đến Nhật.

Những hạt trà đầu tiên được một tu sĩ phật giáo tên Yeisei, người thấy được sự hiện hữu quý giá của trà trong thiền đạo của Trung Hoa, đem vào Nhật, nơi ông được mệnh danh là “cha đẻ của trà”. Cũng từ nguyên nhân này, tại Nhật, trà luôn được gắn liền với thiền phái Zen. Nó lập tức được hoàng gia đón nhận. Và từ hoàng cung và các thiền viện, trà đã đi vào đời sống của mọi tầng lớp trong xã hội Nhật. Một kiểu kiến trúc đặc biệt đã phát triển (chaseki) cho “trà thất”, dựa trên kiểu mẫu đơn giản của những ngôi nhà sàn trong rừng. Các kiều nữ Nhật, Geisha, bắt đầu được đào luyện cách chiêu đãi trà. Tuy nhiên, khi trà ngày trở nên phổ biến, phong cách trang nghiêm tao nhã theo khái niệm Zen của trà đạo dần dần mất mát.

Trong khi trà phổ biến vô cùng rộng rãi tại Trung Hoa và Nhật, nó vẫn hoàn toàn xa lạ tại châu Âu. Một số thương buôn có nhắc đến nó, nhưng không rõ cách chế biến và tiêu thụ dưới dạng nào. (Có nguồn miêu tả rằng lá được nấu chin, ướp muối, bơ rồi ăn).

Người châu Âu đầu tiên thật sự biết và viết về trà là vị giáo sĩ Bồ Đào Nha (Portugal - DCVOnline) Jasper de Cruz vào năm 1560. Bồ Đào Nha với kỹ nghệ hang hải tân tiến nhất thời bấy giờ đã giành được quyền giao thương sớm nhất với Trung Hoa. Trong sứ mệnh thương mãi này mà linh mục Cruz đã nếm trà từ bốn năm trước đó. Người Bồ Đào Nha đã phát triển một đường trao đổi bằng cách vận chuyển trà tới Lisbon, từ đó những con tàu Hòa Lan (Netherland – DCVOnline) sẽ phân phối trà tới Pháp, Hòa Lan và các nước thuộc vùng Baltic (vào thời điểm đó Hòa Lan và Bồ Đào Nha là một liên minh).

Ban đầu, trà hiếm và mắc (giá $100 một pound) trở thành một trào lưu giải khát chỉ cho giới thượng lưu của châu Âu. Dần dần lượng trà nhập cảng tăng đưa giá trà giảm xuống, số tiêu thụ lên. Bắt đầu xuất hiện trên thị trường cùng với các gia vị mới, hiếm như gừng, đường, và đến năm 1675, trà có thể mua tại các cửa hàng thực phẩm thường khắp lãnh thổ Hòa Lan. Nói chung, vào giai đoạn mở đầu đó Hòa Lan và Pháp là hai nước chuộng trà nhất tại châu Âu, và nhất là tại Pháp trà đã được yêu thích suốt nửa thế kỷ, trước khi được thay bằng những thức uống mạnh hơn như rượu, sô cô la, cà phê.

Từ trước năm 1650, người Hòa Lan làm chủ phần lớn các thương vụ trong thế giới phương tây. Peter Stuyvesant đã mang đợt trà đầu tiên tới Mỹ cho những người mới định cư trong khu vực của di dân từ Hòa Lan tại New Amsterdam (sau này người Anh đã đổi lại là New York). Những di dân này là dân uống trà thực thụ. Đến nỗi, khi tiếp thu thuộc địa, người Anh nhận ra rằng số nhỏ di dân này lúc đó tiêu thụ trà bằng cả nước Anh gộp lại.

Anh quốc, kẹt với cuộc nội chiến tranh vương giữa dòng họ Stuart và phe nhóm Cromwell, là đảo quốc lớn sau cùng nhập cuộc vào con đường giao thương với Trung Hoa và Ấn Độ. Những mẫu trà đầu tiên tới được Anh quốc vào khoảng 1653, và đã nhanh chóng được dân Anh chuộng đến nỗi thay thế cho bia lúa mạch, vốn là thứ giải khát chính của họ.

Cùng một thời gian, vương quốc Nga cũng dự cuộc vào việc giao thương với Trung Hoa, Nhật. Hiệp ước thương mại Newchinsk năm 1689 thiết lập một ranh giới chung giữa Nga và Trung Hoa, cho phép các đoàn thương buôn qua lại tự do. Dù vậy, đường đi không dễ dàng gì, cần tới 16 tháng mới đi hết khoảng cách 11 ngàn dặm Anh. Trung bình một đoàn lái buôn gồm khoảng 300 lạc đà. Đó là lý do khởi thủy giá trà gần như hàng quốc cấm và chỉ dành cho giới giầu sang. Mãi cả thế kỷ sau (1796) giá trà mới giảm dần và lan tràn khắp xã hội Nga. Trà lý tưởng cho đời sống Nga: đậm đà, ấm và giúp tỉnh táo. Một gia đình Nga thường có một bình trà nóng dùng suốt ngày. Họ thích loại trà đậm, cho nhiều đường, mật ong hay mứt trái cây. Ngày nay trà (cùng với vodka) là thức uống quốc túy của Nga.

Vòng quanh thế giới về trà, xin ngừng lại trạm cuối là Việt Nam. Những cây trà tìm thấy tại vùng ranh giới phía Bắc với Trung Hoa có nguồn gốc cấu trúc thực vật cổ nhất còn hiện hữu. Điều này chứng tỏ những cư dân của vùng đất được gọi là Việt Nam ngày nay có thể là giống người đầu tiên đã từng nếm loại thức uống phổ biến nhất thế giới này. Việt Nam ít được biết đến như là một trong các nước sản xuất trà nhiều và kỳ cựu nhất thế giới vì lịch sử trà Việt Nam không được ghi chép lại rõ ràng như Trung Hoa và Nhật, dù trà được trồng tại Việt Nam ít nhất đã từ 2000 năm về trước. Người Việt thường uống trà xanh, là loại trà Việt Nam được nổi tiếng là chế biến ngon nhất so với trà xanh được sản xuất từ các nước khác. Từ 1995 đến nay, lượng sản xuất trà của Việt Nam đã tăng gần 300%. Đài Loan và Nhật là khách hàng lớn nhất của Việt Nam, các nước phương tây như Mỹ, Pháp và Úc cũng là các nguồn nhập cảng chính.

Trà là một phần văn hóa Việt. Từ giầu đến nghèo, trong mọi giao tiếp, đình đám, mọi nơi, mọi lúc, người Việt đều có thể mời khách dùng trà để mở đầu câu chuyện. Không rõ về truyền thống này, nhiều người rất ngạc nhiên khi biết Việt Nam được liệt là nước sản xuất trà ngon của thế giới.

 Trà Việt Nam
Nguồn: agnet.org
 
Nghệ thuật uống trà được các cụ ta xếp theo trình tự rõ ràng như sau: Nhất thủy, nhị trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh. Đối với các cụ, yếu tố trước nhất cho một tách trà ngon là nước pha trà. Nước phải lấy từ nguồn thiên nhiên như nước mưa, nước giếng trong sạch, đun sôi mức sủi tăm rồi mới tới trà. Tiếp đến là chén uống và bình chuyên trà, nên được làm từ loại gốm đẹp, nghệ thuật cao; bình chuyên tuỳ thuộc vào số khách, song ẩm, tứ ẩm hay quần ẩm …Cuối cùng là ngũ quần anh: người cùng đàm đạo. Tuy, theo thiển nghĩ người viết, “ngũ quần anh” mới chính là yếu tố quan trọng nhất, trà ngon thiếu vắng bạn hiền, nốc chai nước suối đở phiền phức hơn.

Ở xã hội bận rộn hiện tại, tìm bạn để cùng trà đạo chắc hơi châm. Nhưng may quá, chúng ta có DCVOnline với diễn đàn đủ mặt quần anh … hùng, thế thì yếu tố quan trọng nhất “ngũ quần anh” đã được giải quyết. Vậy trước khi ... nhập cuộc (click vào diễn đàn Chim Việt), các bạn nhớ sắm cho mình một ly trà xanh, buổi sớm mặt trời còn đang lên, hay vào buổi chiều tối sau khi tạm ổn việc nhà. Với ly trà xanh, đối ẩm cùng quần hùng qua monitor mỗi ngày, cuộc đời bạn sẽ sảng khoái hơn được chút.

Tại sao lại trà xanh? Mời các bạn đọc … nghiền tiếp.

Trà xanh có những dược tính được biết đến từ thời Trung Hoa cổ, nó được dùng trị nhức đầu cho đến xoa dịu cơn trầm cảm.

 Trong tác phẩm “Green Tea: The Natural Secret for a Healthy Life”, Nadine Taylor đã viết rằng trà xanh đã được dùng như thuốc tại Trung Hoa từ ít nhất là 4000 năm. Ngày nay, các nghiên cứu khoa học cả Đông lẫn Tây đều đưa ra những chỉ dấu vững chắc về sức khỏe tốt liên quan với trà xanh. Journal of the National Cancer Institute vào năm 1994 đã đăng kết quả của một nghiên cứu sâu rộng chỉ ra rằng uống trà xanh làm giảm tỉ lệ bệnh ung thư thực quản nơi người Trung Hoa tới 60%.

Các khảo cứu viên thuộc University of Purdue mới đây kết luận là một hợp chất trong trà xanh có khả năng ngăn chận sự phát triển của tế bào ung thư. Cũng có khảo cứu chỉ ra trà xanh giảm cholesterol, giúp ích cho tỉ lệ tương quan giữa cholesterol tốt (HDL) và cholesterol xấu (LDL), ngăn chặn hiện tượng máu đóng cục bất thường (the formation of abnormal blood clots), một nguyên nhân dẫn đến suy tim (heart attack) và đột quỵ (stroke). Tóm lại, trà xanh có thể giúp ích cho một số bệnh trạng sau: ung thư, nhiễm trùng, cao mỡ, bệnh tim mạch, thương tổn hệ thống miễn dịch, phong thấp…

Tại sao trà xanh lại đặc biệt đến vậy? Điều bí mật nằm ở chỗ trà xanh giầu chất catechin polyphenols, đặc biệt là epigallocatechin gallate (EGCG). EGCG là chất chống lão hóa; ngoài khả năng chống tế bào ung thư phát triển, còn giết tế bào ung thư mà không tổn thương đến các mô lành mạnh.

 Bộ trà Bát Tràng
Nguồn: hoangmaitea.com.vn
 
Mắt xích của trà xanh và “Nghịch lý về người Pháp” (French Paradox). Từ lâu, các nhà nghiên cứu không hiểu được sự việc – dù lượng chất béo trong thực phẩm Pháp cao, tỉ lệ người Pháp bị bệnh tim mạch thấp hơn người Mỹ. Giải đáp nằm trong rượu đỏ, chất hàm chứa resveratrol, một hợp chất tẩy uế (polyphenol) có thể giới hạn những ảnh hưởng xấu từ thuốc lá và chất béo.

 Một cuộc nghiên cứu năm 1997 tại University of Kansas đã xác định EGCG trong trà xanh chứa gấp đôi lượng resveratrol của rượu đỏ. Điều này giải thích tại sao tỉ lệ bệnh tim của đàn ông Nhật rất thấp mặc dù có tới 75% hút thuốc. Những nghiên cứu sau này còn cho thấy trà xanh giúp cho việc tiêu hoá (University of Geneva, 1999). Những người được cho vừa caffeine và tinh chất trà xanh tiêu thu nhiều calories hơn chỉ dùng caffeine. Trà xanh thậm chí chống sâu răng. Khả năng giết vi trùng của nó ngăn thức ăn nhiễm độc, cùng diệt các vi khuẩn bợn răng. Các mỹ phẩm cho da có chứa tinh chất trà xanh cũng được tận dụng để giới thiệu trên thị trường.

Tại sao các loại trà khác không có cùng công hiệu cho sức khỏe như trà xanh? Trà xanh, ô long, trà đen đều chế biến từ lá cây trà. Nhưng quá trình chế biến đã đặt trà xanh vào vị trí riêng. Lá trà xanh được hấp, nhờ vậy hợp chất EGCG không bị oxy hoá. Trái lại, trà đen và ô long được chế biến từ những lá ủ lên men, chất EGCG bị biến hoá thành hợp chất khác, gần như không còn hữu hiệu trong việc ngừa và chống bệnh.

Nhiều điểm tốt vậy, còn điểm xấu thì sao? Cho đến nay, người ta chỉ có thể cho trà xanh một điểm xấu là gây chứng mất ngủ vì nó chứa chất caffeine. Tuy nhiên, lượng caffeine trong trà chỉ bằng phân nửa trong café.

Vậy nếu các bạn đọc DCVOnline ai chưa ghiền café thì hãy thử … trà xanh. Một thức uống tốt cho sức khỏe, bớt bệnh tật, sống lâu để còn chờ ngày nhìn bọn độc tài CS sụp đổ trên quê hương yêu dấu.