Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Nhóm Tân Cổ Nhạc Quê Hương Giỗ Tổ

Nhóm Tân Cổ Nhạc Quê Hương Giỗ Tổ PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyên Huy   
Thứ Sáu, 28 Tháng 9 Năm 2012 06:05

Nghề nào cũng phải có Tổ như cây có gốc, nước có nguồn.

Vào hôm Chủ Nhật, 30 Tháng Chín cuối tuần này, nhóm Tân Cổ Nhạc Quê Hương sẽ làm lễ Giỗ Tổ và trình diễn một chương trình văn nghệ từ 11 giờ sáng đến 7 giờ tối tại Thư Viện Việt Nam, trong khu thương mại chợ Người Việt, góc Westminster và Euclid.

  Poster của Nhóm Tân Cổ Nhạc Quê Hương trong lần Giỗ Tổ năm nay.

Nhóm Tân Cổ Nhạc Quê Hương là một nhóm anh chị em nghệ sĩ say mê sân khấu, kết tụ với nhau để được sống trong không khí văn nghệ giữa lòng cộng đồng người Việt hải ngoại.

Nhóm đã được thành lập từ hơn một năm nay, gồm có các nghệ sĩ tân cổ nhạc sân khấu là Ái Liên, Tấn Tài, Thành Nhân, Ngọc Hà, Ðình Hiếu, Cathy, Trường Giang, Thiên Thanh. Kể từ khi thành lập, nhóm đã tổ chức được hai lần trình diễn trước bà con đồng hương tại Thư Viện VN trong năm qua.

Cho Người Việt biết về nội dung ngày Giỗ Tổ lần này, nghệ sĩ trưởng nhóm Ái Liên nói:

“Nghề nào cũng phải có Tổ như cây có gốc, nước có nguồn. Nghệ thuật cải lương cũng vậy, chúng em theo nghề là phải biết đến Tổ là những người đã có công sáng lập ra ngành nghệ thuật sân khấu này. Tuy chưa có xác định được ai, nghệ sĩ nào là Tổ chính thức của ngành nhưng theo các tài liệu và sự hiểu biết của các nghệ sĩ lão thành cải lương thì Tổ có thể là nhiều người đã lập nên nền ca hát dân gian này. Và ngày Giỗ Tổ thường là trong khoảng từ 12 tháng 8 đến 30 tháng 8 Âm lịch. Do đó buổi cúng Tổ của Nhóm Quê Hương chúng em cũng sẽ chỉ có một bàn thờ vọng Tổ trên đó có một bài vị. Lễ cúng theo truyền thống là một con heo quay và một con gà quay, tại sao lại như vậy thì em cũng không biết nữa. Sau khi thụ lễ xong thì tất cả anh chị em trong nhóm sẽ trình diễn một chương trình ca nhạc có tân nhạc xen kẽ với cổ nhạc và các trích đoạn cải lương nổi tiếng nữa. Ðó là tuồng cải lương ‘Ðời Cô Lựu,’ ‘Vầng trăng ước nguyện’ và ‘Ông Cò Quận 9.’ Ðồng thời cũng còn những sáng tác cải lương mới như ‘Hè Về Nhớ Bạn’ và ‘Ðá Vàng Tổ Nghiệp’ của nghệ sĩ Văn Phú sáng tác đặc biệt cho ngày Giỗ Tổ năm nay.”

Nhóm trưởng Ái Liên cũng cho biết là lần trình diễn này cũng như hai lần trước đều không bán vé và khán giả đến coi không phải chi phí bất cứ một khoản nào. Ái Liên tiếp: “Mục đích của chúng em trước là để tạ ơn Tổ, sau là được mang lời ca tiếng hát làm vui cho cộng đồng, cũng là niềm vui của chính chúng em nữa. Ðời nghệ sĩ mà, nó như con tằm, nó phải nhả tơ. Nó mà không nhả tơ thì nó sẽ chết.”

“Thế thì lấy tiền đâu để tổ chức?”, chúng tôi thắc mắc hỏi thì Ái Liên mỉm cười vắn tắt cho biết: “Tiền túi của tất cả anh chị em trong nhóm.” Hỏi tiếp nữa: “Tại sao không bán vé, lấy thật rẻ thôi.” Ái Liên lắc đầu trả lời: “Không, nó sẽ làm mất ý nghĩa mà chúng em theo đuổi.”

Ý nghĩa đó là gì, tuy Ái Liên không nói tới nhưng chúng tôi cũng hiểu là sau năm 1975, ngành cải lương đã phai lạt dần, mất đi vị thế một ngành giải trí đã từng chiếm địa vị độc tôn trong mọi giới người dân miền Nam suốt từ Ðệ I Cộng Hòa cho đến Ðệ II Cộng Hòa, gần 20 năm trời. Những nghệ sĩ cải lương thuộc nhiều thế hệ rất buồn khi thấy một ngành nghệ thuật đã đi vào tâm khảm của nhiều giới, đã trở thành món ăn tinh thần nay bỗng nhiên cứ phai lạt dần đi thì thật là uổng phí cho văn học nghệ thuật cổ truyền VN quá.

Lý do không phải vì cải lương đã mất sức hút quần chúng, không còn là một ngành nghệ thuật được ưa chuộng mà vì hoàn cảnh đổi thay, xã hội mới sau 30 tháng 4, 1975 đã không còn tạo cơ hội cho cải lương phát triển. Trong khi đó thì thực tế lại cho biết, cải lương vẫn sống trong lòng mọi người dân miền Nam. Ðiều đó được cụ thể hóa là lớp trẻ lớn lên, ở trong nước cũng như hải ngoại rất say mê lời ca tiếng hát mùi mẫn qua 6 câu vọng cổ. Nhiều tài năng mới đã xuất hiện và đã chỉ được phát triển khi ra tới hải ngoại. Tuy ở hải ngoại ngành cải lương vẫn chưa có được các đại ban như trước năm 1975, nhưng qua các chương trình trên các đài phát thanh, truyền hình tư nhân, ngành cải lương đang được phục hồi. Nếu như không trau chuốt cho nó trở thành một ngành nghệ thuật thích hợp với đời sống của người Việt hải ngoại thì cải lương không mấy chốc sẽ trở thành một ngành nghệ thuật chỉ còn trong trí tưởng những người lớn tuổi hay trong sách vở mà thôi.

Cải lương như chúng ta thường cho rằng nó phát xuất từ những bài ca cổ như “Dạ Cổ Hoài Lang” do các ban “đờn ca tài tử” trong dân gian ca hát giải trí phụ diễn trong sinh hoạt cưới hỏi, đình đám của người dân quê miền Nam. Nhưng theo các học giả Vương Hồng Sển và Trần Văn Khê thì “có thể nó đã manh nha từ những năm 1916 cho đến 1918 khi tuồng Gia Long Tẩu Quốc được công diễn ở Nhà Hát Tây Sài Gòn. Cách hát mới lạ này sau đó đã bành trướng không thôi mở đầu cho một nghề mới lấy đờn ca và ca ra bộ ra chỉnh đốn, thêm thắt mãi, vừa canh tân vừa cải cách nên cải lương thành hình lúc nào cũng không ai biết rõ.”

Thời gian cải lương lên dần cao điểm là thập niên 60 tại miền Nam, lấn át cả tân nhạc. Các sân khấu lớn ngày nào cũng có trình diễn những tuồng tích mới. Thêm vào đó chính phủ cũng hỗ trợ qua đài phát thanh Quốc Gia Sài Gòn mở những buổi trực tiếp truyền thanh từ các rạp lớn ở Sai Gon, nên vào những tối Thứ Bẩy tuần nào cũng vậy trong nhiều năm trời, khắp hang cùng ngõ hẻm nơi các đường phố Sài Gòn đều dậy lên tiếng hát cải lương. Lúc ấy ở Sài Gòn và Gia Ðịnh có đến 39 rạp hát lớn nhỏ chuyên hát các tuồng tích cải lương, ngoài ra còn có 20 nơi luyện cổ nhạc, gọi là “Lò.”

Bộ Thông Tin của chính phủ đã hỗ trợ cho những tư nhân tổ chức ra những giải thưởng lớn có uy tín như Giải Thanh Tâm cho những nghệ sĩ sáng tác và trình diễn. Những nghệ sĩ trình diễn nổi tiếng như Thanh Nga, Hùng Cường, Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Ðược, Tấn Tài, Dũng Thanh Lâm, Minh Cảnh, Minh Vương, Út bạch Lan, Ngọc Giầu, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ, Thanh Thanh Hoa,... đều đều xuất hiện trên các báo chí hàng ngày. Cả đến những nghệ sĩ sáng tác cũng được nhắc nhở đến luôn như Năm Châu, Hà Triều, Hoa Phượng, Bẩy Cao, Viễn Châu... Cả những “bầu gánh” cũng được nhắc nhở ghi công như Sáu Lầu, Hai Nhiều, Năm Phỉ, Phùng Há, Tư Sang, Trần Hữu Trang, Tư Chơi, Năm Châu, Ba Vân, Bẩy Nam... tất cả những nghệ sĩ này đã góp phần phát triển loại hình nghệ thuật cải lương.

Trong niềm hy vọng tha thiết của Nhóm Tân Cổ Nhạc Quê Hương, anh chị em nghệ sĩ cũng đang mơ ước có những bầu gánh, những Mạnh Thường Quân lớn ở hải ngoại cùng bắt tay vào phục hồi sức sống cho nghệ thuật sân khấu cải lương mà sự mến chuộng vẫn còn được đồng bào trong và ngoài nước lưu giữ.

Mọi chi tiết, quí độc giả cần biết thêm về Nhóm Tân Cổ Nhạc Quê Hương xin liên lạc với nữ nghệ sĩ Ái Liên (714) 276-3994.