Vụ cháy chợ Việt lớn nhất Ba Lan đầy nghi vấn Print
Tác Giả: Nam Nguyên / RFA   
Thứ Sáu, 31 Tháng 8 Năm 2012 06:21

 Chắc chắn những vụ hỏa hoạn như thế này đã gây tiếng không tốt không đẹp cho cộng đồng người Việt.

Các kho hàng bị cháy rụi tại trung tâm thương mại ASG,
ngày 26 tháng 8, 2012

Trung tâm Thương mại ASG ở gần Vác Sa Va (Warsaw) Ba Lan đã bị cháy lớn sáng sớm 26/8.

Vụ hỏa hoạn tại nơi có hàng ngàn người Việt lao động hoặc có gian hàng buôn bán gây thiệt hại lớn về hàng hóa và may mắn không có ai bị thương. Dư luận đặt ra khá nhiều nghi vấn khi chủ chợ và chủ hàng cùng là người Việt. Nam Nguyên trao đổi với thông tín viên Tôn Vân Anh về vụ việc, từ Vác-Sa-Va chị Vân Anh cho biết:

Nhiều nghi vấn sau đám cháy

Tôn Vân Anh: Đã có trên 30 quầy lớn nhỏ bị thiệt hại trực tiếp qua vụ cháy vừa qua và con số hàng hóa thiệt hại mà truyền thông đưa ra là hàng triệu USD. Một con số rất lớn bởi vì đây là một trung tâm buôn bán hàng sỉ với lượng hàng rất là lớn, chưa kể số tiền mặt của người bán hàng trong đó chưa mang về nhà hoặc không chuyển đi. Họ dùng tiền mặt và thường để số tiền tích lũy được trong ngày ở tại quầy và con số tôi đưa ra mang tính tượng trưng mà thôi, bởi vì con số thật sẽ khó mà biết được.

Nam Nguyên: Nguyên nhân vụ cháy, điều tra sơ bộ đến nay có thông tin gì chưa?

Tôn Vân Anh: Người ta đặt ra nhiều sự nghi ngờ khác nhau, thứ nhất người ta nghi đây là một vụ cháy có chủ ý như truyền thông Ba Lan có đề cập tới. Theo đó đây là vụ hỏa hoạn thứ ba trong vòng ba năm nay, tức là cứ mỗi năm hoặc cùng lắm hai năm một lần thì lại có một vụ cháy lớn và thiệt hại rất nhiều.

    ...thứ nhất người ta nghi đây là một vụ cháy có chủ ý như truyền thông Ba Lan có đề cập tới. Theo đó đây là vụ hỏa hoạn thứ ba trong vòng ba năm nay, tức là cứ mỗi năm hoặc cùng lắm hai năm một lần thì lại có một vụ cháy lớn và thiệt hại rất nhiều

    TTV. Tôn Vân Anh

Nói thế nhưng người ta cũng không rõ được động cơ của người gây hỏa hoạn là gì, nhưng luôn ở vào thời điểm mà hàng cũ chưa đi hàng mới đã có, thời điểm mà người buôn bán chủ yếu đã tập hợp hàng mới về để chuẩn bị cho mùa thu đông với các mặt hàng bán chạy và họ cũng chưa giải quyết xong số hàng của vụ xuân hè. Vì thế lượng hàng lúc này rất là lớn. Đặc biệt hai vụ hỏa hoạn trước còn to hơn nữa và cũng xảy ra trong thời gian chuyển vụ như thế này.

Qua việc số tiền bị mất rất là lớn, nên người ta cũng có nghi ngờ là nếu vụ hỏa hoạn không do những chủ hàng ở đó gây ra thì có thể do cạnh tranh, có thể do một lý do nào đó khiến ai đó muốn che dấu vấn đề gì đó liên quan đến hành chính thuế má và gây ra vụ hỏa hoạn để xóa tẩy mọi dấu vết.

Và mọi sự hoài nghi đều có thể xảy ra, rất tiếc là như vậy bởi vì nguyên nhân sâu xa là cộng đồng người Việt ở đây vẫn còn làm việc trong tình
Nhân viên cứu hoả đang dập tắt những ngọn lửa cuối tại trung tâm thương mại ASG. Video trạng bất ổn có thể nói là ngoài vòng pháp luật.

Nam Nguyên: Chúng tôi có câu hỏi là những người Việt Nam buôn bán ở trong chợ có đóng bảo hiểm hay không ?

Tôn Vân Anh: Chính vì họ làm việc không đầy đủ thuế má, nên không có thói quen không có nhu cầu bảo hiểm hàng hóa. Cũng để tăng tính cạnh tranh người Việt cố gắng giảm mọi chi phí liên quan đến nhân viên, liên quan đến bảo hiểm. Bảo hiểm là một trong những khoản chi phí mà người Việt tiết kiệm hoặc chưa quen với những cách làm việc đàng hoàng như người Ba Lan. Việc bảo hiểm hoàn toàn không có, vì thế có một số nghi vấn là chỉ riêng chủ nhân xây dựng Trung tâm buôn bán đó là có bảo hiểm, ở đây gọi họ là những chủ quản.

Hình ảnh cộng đồng người Việt bị xấu đi

Nam Nguyên: Vụ tranh đấu hồi tháng 7 vừa qua, chúng tôi nghe nói là đã có thỏa thuận giữa giới chủ nhân ASG và các chủ quầy hàng. Điều này có đúng không?

Tôn Vân Anh: Cuộc biểu tình hồi tháng 7 đã đem lại thành công cho đòi hỏi của những người buôn bán ở đó, là tiền thuê không tăng và tiền đặt cọc được công nhận là vẫn còn giá trị. Hiện nay một số chủ cửa hàng đang trong quá trình ký hợp đồng mới với chủ chợ.

    Chắc chắn những vụ hỏa hoạn như thế này đã gây tiếng không tốt không đẹp cho cộng đồng người Việt. Nó khẳng định lại rằng người Việt sống ở Ba Lan làm ăn không được đàng hoàng và không có khả năng chống đỡ hay dự báo trước những khó khăn có thể đến với mình

    Tôn Vân Anh

Mặc dù không có sự liên kết giữa cuộc tranh đấu hồi tháng 7 và vụ hỏa
hoạn này, nhưng truyền thông Ba Lan lại đặt dấu hỏi. Ví dụ như cuộc biểu tình của năm trước xảy ra ở một trung tâm buôn bán lân cận với một chủ chợ khác và có sự trùng hợp không may là những cuộc hỏa hoạn. Đó cũng là sự không may cho cả cộng đồng và chính các chủ nhân trung tâm vì họ nằm trong tầm ngắm của truyền thông và dư luận Ba Lan, người ta liên hệ các cuộc biểu tình với các vụ hỏa hoạn.

Nam Nguyên: Ba Lan đã đi theo con đường dân chủ và có thể nói là có nhiều thành công, nhưng trong mắt người dân Ba Lan thì hình ảnh cộng đồng người Việt càng ngày càng xấu đi như những gì chị cho biết. Vậy cộng đồng người Việt phải làm những gì để thay đổi cách nhìn đó?

Tôn Vân Anh: Chắc chắn những vụ hỏa hoạn như thế này đã gây tiếng không tốt không đẹp cho cộng đồng người Việt. Nó khẳng định lại rằng người Việt sống ở Ba Lan làm ăn không được đàng hoàng và không có khả năng chống đỡ hay dự báo trước những khó khăn có thể đến với mình. Chắc chắn đây là một việc không có lợi cho cộng đồng người Việt tại Ba Lan, để thay đổi tình hình này thì đang có một số kêu gọi những người trí thức trong cộng đồng người Việt tại Ba Lan phải suy nghĩ về sự đóng góp của mình cho cộng đồng, hầu hết những người Việt mới sang Ba Lan hồi gần đây thì rất hạn chế về ngôn ngữ hoặc sự hiểu biết về pháp lý.

Được biết trong cộng đồng người Việt tại Ba Lan cũng có nhiều người có nhiều điều kiện tốt hơn, được ăn học tốt hơn hiểu biết nhiều hơn nhưng họ chưa tích cực tham gia vào việc hỗ trợ cộng đồng người Việt mặc dù nhu cầu rất lớn. Hy vọng đây là một hồi chuông cảnh tỉnh cuối cùng để thúc đẩy trí thức người Việt tại Ba Lan ra tay hỗ trợ cộng đồng đồng hương của mình trong công việc về pháp lý về cuộc sống và có lẽ thúc bách nhất là thay đổi diện mạo người Việt trong mắt người Ba Lan.

Nam Nguyên: Cảm ơn chị Tôn Vân Anh về cuộc trao đổi này.