Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Kịch “Số Ðỏ” trên sân khấu Little Saigon

Kịch “Số Ðỏ” trên sân khấu Little Saigon PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngọc Lan/Người Việt   
Thứ Sáu, 20 Tháng 4 Năm 2012 08:08

Tiểu thuyết trào phúng Số Ðỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng không xa lạ với nhiều khán giả Việt Nam.

Tiếng cười trào phúng và bước ngoạn mục của những người lần đầu đóng kịch

FOUNTAIN VALLEY (NV) - Những tiếng cười sảng khoái. Những tràng vỗ tay liên tục. Những bất ngờ thú vị theo từng lớp diễn. Và hơn hết, sự ngỡ ngàng trước diễn xuất tuyệt vời của những người lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu kịch nghệ như xướng ngôn viên Linh Nga, Thúy Anh của đài Việt Face, vũ sư Trung Thành, nhạc sĩ Vũ Quang Trung, ca sĩ Ngọc Anh, bên cạnh diễn viên kịch gạo cội Hồng Vân cùng Thúy Nga, Bằng Kiều, Anh Dũng, Bé Tí. Là những điều đọng lại trong tôi, sau khi vở kịch Số Ðỏ trên sân khấu Thúy Nga chấm dứt, lúc đêm đã bước sang ngày mới của Chủ Nhật, 8 tháng 4, tại rạp Saigon Performing Arts Center.

***

Từ trái: Hồng Vân vai bà Phó Ðoan, Vũ Quang Trung vai thầy bói mù, và
Bằng Kiều vai Xuân Tóc Ðỏ trong vở kịch Số Ðỏ do Trung Tâm Thúy Nga
thực hiện. (Hình: TT Thúy Nga cung cấp)

  
 


Tiểu thuyết trào phúng Số Ðỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng không xa lạ với nhiều khán giả Việt Nam.

Tiểu thuyết dài 20 chương này xoay quanh cuộc đời của Xuân 'Tóc Ðỏ', từ một kẻ mồ côi cha mẹ, phải lưu manh kiếm sống bằng đủ thứ nghề “mạt hạng” trong xã hội lúc bấy giờ như trèo me, trèo sấu, thổi kèn, quảng cáo thuốc lậu, nhặt banh ở sân quần vợt, nhưng gặp thời mà “vô tình” Xuân leo được tới vị trí cao nhất trong giới thượng lưu của xã hội ở buổi giao thời “cải cách Âu hóa”.

Nói đến “Số Ðỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng, là phải nói đến chuỗi cười dài về một thế giới “vô nghĩa lý,” không có cơ sở thực tế, đi ngược lại với luân lý và đạo đức, không thể hiểu được và không thể chấp nhận được.

Cũng chính vì Số Ðỏ là tiểu thuyết trào phúng, nên khi được chuyển thể thành phim, thành kịch thì dù kịch bản có thay đổi ra sao thì tiếng cười châm biếm mỉa mai cũng phải được bật lên trước hết.

Với tiêu chí này, “Số Ðỏ” trên sân khấu kịch Thúy Nga ở Little Saigon đã xuất sắc trong việc mang lại tiếng cười nghiêng ngả cho khán giả trong suốt 4 tiếng diễn ra vở kịch.

Dù muốn dù không, vẫn phải thừa nhận một điều: Tất cả diễn viên tham gia vở diễn, dù là vai chính hay phụ, dù là người từng trải có 30 năm đứng trên sân khấu kịch nói như nữ diễn viên Hồng Vân (vai bà Phó Ðoan), nổi tiếng như Thúy Nga (vai vợ cụ cố Hồng), Anh Dũng (vai Văn Minh), Bằng Kiều (Xuân Tóc Ðỏ), Bé Tí (cô bán bưởi), Kiều Linh (cụ cố Hồng) hay người lần đầu tiên xuất hiện trên kịch trường như Vũ Quang Trung (thầy bói), Linh Nga (vợ ông TYPN), Trung Thành (ông TYPN), Ngọc Anh (vợ Văn Minh), Thúy Anh (bà vú), Minh Hoàng (thầy đội)... thì ai cũng làm tròn vai diễn của mình ở mức cao nhất.

***

Tâm sự cùng phóng viên Người Việt về cảm xúc lần đầu tham gia làm đạo diễn lẫn diễn xuất trong kịch dài “Số Ðỏ” tại Hoa Kỳ, nữ diễn viên Hồng Vân (vai bà Phó Ðoan), cho biết:

“Thực sự, hôm đó, lúc trong hậu trường hóa trang chuẩn bị ra diễn, tôi có nói với các bạn diễn là cả 30 năm đi diễn, chưa có bữa nào tôi run như bữa nay, giống như hồi mình mới vô nghề vậy, rất là run.”

Cảm giác “run” của người đạo diễn vở kịch này xuất phát từ lý do: “Thứ nhất, Số Ðỏ là một tác phẩm văn học nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng, hầu như ai ở vào lứa tuổi 30, 40 trở lên cũng biết. Thứ hai, bộ phim Số Ðỏ, nhiều khán giả cũng đã xem rồi, và thấy thích.”

“Chính vì vậy nên khi đưa Số Ðỏ vào kịch thì sự chuyển tải, độ hấp dẫn của kịch là điều khiến tôi băn khoăn không biết khán giả sẽ chấp nhận nó như thế nào, không biết khán giả ở Mỹ có tiếp nhận tôi trong một vở diễn dài như vậy hay không. Thêm vào đó, mình lại diễn với một ê kíp diễn viên mà lần đầu tiên mình làm việc chung, ngoại trừ Thúy Nga và Bằng Kiều. Thành ra run và hồi hộp nhiều thứ là vậy.” Hồng Vân, gần như là “linh hồn của vở kịch,” nói một cách chân tình.

Thế nhưng, như Hồng Vân nhận xét, “Khi bắt đầu ra cảnh một, từ trong nhìn thấy Bằng Kiều, Bé Tí và Vũ Quang Trung vào vai và nghe sự phản hồi từ phía khán giả với sự diễn xuất của các bạn đó là tôi thấy yên tâm rồi. Tức là mình thấy ngay sự đón nhận một cách đồng điệu của khán giả như vở Số Ðỏ tôi từng diễn ở Việt Nam .”

Việc có mặt của Hồng Vân trong vở kịch vào giờ cuối “không nằm trong dự tính,” bởi các diễn viên đã tập dợt cả tháng trước đó, Hồng Vân sang trước 4 ngày “chỉ để xem có góp ý gì thì góp ý thêm, cũng như để 'chuốt' lại, và coi Xí Ngầu (vai Tuyết), con gái tôi, diễn làm sao thôi.”

Thế nhưng, 3 ngày trước khi vở diễn xuất hiện trước khán giả Little Saigon, cấu trúc lẫn lời thoại của “Số Ðỏ” gần như thay đổi rất nhiều, qua bàn tay của “bà phó Ðoan” Hồng Vân.

Trong vai trò người đạo diễn, Hồng Vân cho biết:

“Trong quá trình xem vở diễn, tôi thấy có một số vấn đề như có một số anh chị em lần đầu tiên đóng kịch. Vì không phải là diễn viên kịch nói chuyên nghiệp nên đài từ của anh chị hơi yếu, nói nhỏ, nói không nghe hay nhấn nhá đài từ không đúng. Trong khi bên cạnh đó, thì họ lại có nhiều thế mạnh khác như Linh Nga và Trung Thành là vũ công nhảy rất đẹp, Quang Trung thì đàn rất hay, còn Bằng Kiều và Ngọc Anh thì hát rất hay.”

Thế là “điểm nào yếu thì cần gọt bớt đi, điểm nào mạnh thì cần phải đẩy lên” để diễn viên tạo được ấn tượng với khán giả, “thành ra đường dây kịch mới có sự thay đổi là như vậy”. Và Hồng Vân vào vai bà Phó Ðoan “bất chấp sĩ diện” từ dư luận để cùng Bằng Kiều (Xuân Tóc Ðỏ” và Thúy Nga (vợ cụ cố Hồng) tạo thành “kiềng ba chân” một cách vững chãi cho vở tuồng được diễn ra một cách hoàn hảo.

Chính từ sự “gọt” và “đẩy” này, mà khán giả đã cảm thấy vô cùng thích thú trước màn diễn độc đáo “vừa dancing vừa chửi lộn” của cặp vợ chồng ông TYPN, tức “tôi yêu phụ nữ”, hay ngạc nhiên ngỡ ngàng trước sự hóm hỉnh một cách “tỉnh như ruồi” của nhân vật ông thầy bói, hay sự kết hợp diễn và hát một cách mượt mà của Ngọc Anh và Bằng Kiều.

Bước ngoạn mục của những người lần đầu đóng kịch

 Nói chuyện với phóng viên Người Việt khi vở kịch đã kết thúc tự lúc nào, nhưng cả Linh Nga (vợ ông TYPN), Trung Thành (ông TYPN) và Vũ Quang Trung đều cho rằng “cần phải có thêm một khoảng thời gian nữa thì mới tìm lại được cảm giác bình thường, không hụt hẫng hoặc đến nhắm mắt ngủ cũng thấy lời thoại”.

Ðều là những người làm việc liên quan đến nghệ thuật, như xướng ngôn viên Linh Nga từng qua 8 năm học múa Ba lê ở trường múa quốc gia Việt Nam, Trung Thành là vũ sư lớn lên ở Ðức, và Vũ Quang Trung là một nhạc sĩ được khá nhiều người biết đến. Nhưng cả 3 người đều giống nhau ở một điểm: Lần đầu tiên đóng kịch.

Nhạc sĩ Trung kể về vai diễn ông thầy bói của mình:

“Trong phim thì thầy bói là người nghiêm chỉnh, không có cái hài hước, mà chỉ là người nói lên định mệnh của Xuân Tóc Ðỏ về sau thôi. Nhưng trong kịch thì hình ảnh ông thầy bói lại khác hẳn đi, nên mình cũng hứng thú, thấy có gì đó thử thách mình trong vai diễn này.”

Một cảnh trên sân quần trong kịch Số Ðỏ. (Hình: TT Thúy Nga cung cấp)

Lần đầu bước ra sân khấu, “thầy bói” Quang Trung “cũng có một chút hồi hộp, vì lần đầu tiên đóng kịch, phải nhớ lời thoại quá trời luôn”. Nhưng “diễn xong rồi thì ai cũng thấy vui. Vì thấy khán giả cũng vui, cũng cười, khiến ai cũng happy”.

Ðến giờ này, điều người nhạc sĩ này nhớ nhất là “tất cả anh chị em trong khi đóng kịch ai cũng cứ lẩm bẩm lời thoại như người bị tâm thần vậy đó. Mình thì cứ phải tập làm sao cho ra được câu rao hàng ‘Bói đây! Bói đây!’ sao cho giống như đang ngồi ngoài đường vậy. Tập cho đến khi đi ngủ mà câu thoại vẫn còn vang trong đầu “bói đây, bói đây”.

“Sợ là sau này mọi người không còn nhờ mình đi hòa âm nữa mà nhờ đi coi bói mới chết chứ!” Thầy bói Vũ Quang Trung cười vang khi nhớ lại vai diễn.

Với Linh Nga thì trở lại sân khấu sau một thời gian dài loay hoay với nhiều công việc khác, cũng khiến cô có nhiều cảm xúc.

“Về diễn xuất thì em đã cố gắng hết sức cho buổi hôm đó nhưng vẫn không tránh khỏi một điều là cũng quá lâu rồi mới quay trở lại sân khấu nên có những hồi hộp, lo lắng, không biết mình làm có tốt hay không, có được khán giả đánh giá tốt hay không.” Một trong những xướng ngôn viên được xem là sáng giá nhất hiện nay, chia sẻ.

Linh Nga nói thêm, “Trên sân khấu, em bị chi phối những lúc khán giả vỗ tay rất là lớn, vì điều này thức tỉnh mình, làm cho mình biết rằng mình đang ở trên sân khấu, và như vậy mình lại bị hồi hộp.”

Quả là khán giả cảm thấy khá bất ngờ trước hình ảnh người xướng ngôn viên mảnh dẻ, có gương mặt thanh tú, lại tỏ ra điêu luyện, nhuần nhuyễn trong các vũ điệu dancing lẫn diễn xuất vai vợ của ông TYPN, người chuyên thiết kế những bộ trang phục gợi cảm, hở hang cho “phụ nữ tân thời” nhưng cứ ép vợ mình phải mặc “áo dài the quần nái đen”.

Dù vở kịch kết thúc đã vài ngày nhưng Linh Nga vẫn còn “cảm thấy hơi hẫng vì hình như nghệ sĩ nào cũng giống như vậy. Tức sau một buổi biểu diễn lớn, khi ngừng lại thì mình bị hụt hẫng, trống vắng vì mình vừa bỏ ra cả một thời gian để sống với vở diễn”.

Người cũng góp phần tạo nên nhiều tiếng cười “tung sân khấu” cho Số Ðỏ là vũ sư Trung Thành.

Trung Thành lớn lên ở Ðức, vừa định cư tại California được 5 tháng, và lần đầu tiên tham gia vào trong cộng đồng người Việt Nam.

Trung Thành cho biết là “tiếng Việt cũng không được rành như nhiều người Việt khác, nên cũng phải tập rất là nhiều, nhưng cuối cùng thì Trung Thành cũng đã theo được đoàn kịch với vai diễn đó”.

Nói về vai diễn ông TYPN của mình, Trung Thành cho rằng “mình không tự nhìn được vai diễn của mình nhưng để đóng vai đó thì mình phải tập luyện rất nhiều, nhưng cái nhảy thì là ông TYPN nhảy chứ không phải Trung Thành nhảy. Thành ra phải làm sao là nhân vật không chỉ nhảy thôi mà còn phải đóng nữa”.

Cũng như Linh Nga và Vũ Quang Trung, “ông TYPN” Trung Thành cũng “tập nhiều đến mức mà lời thoại cũng đi vào giấc ngủ luôn, để khi lên sân khấu, khán giả thấy là Trung Thành và Linh Nga diễn vừa chửi nhau, vừa nhảy chachacha luôn ấy. Rất là vui.”

“Sau này để kể lại với mọi người kỷ niệm đóng Số Ðỏ, mình sẽ kể lại chuyện làm như thế nào để vừa nhảy lại vừa vào được cái vai hâm đó. Thường thì khi mình nhảy mình cool lắm, còn đằng này làm sao vừa nhảy lại vừa có thể đóng một vai hâm như thế, feelings rất khác, rồi làm sao nhớ câu nói, cách đối xử với người phụ nữ, mình không quen như vậy nên phải tập nhiều lắm. Ðể đầu mình làm sao lúc nào cũng như vào vai diễn, thấy người là vợ mình là mình hét ầm lên.” Trung Thành lại cười sung sướng.