Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt VAALA triển lãm ‘Ðời Sống Tuần Hoàn’

VAALA triển lãm ‘Ðời Sống Tuần Hoàn’ PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngọc Lan/Người Việt   
Thứ Bảy, 24 Tháng 3 Năm 2012 06:44

"Nhiếp ảnh đưa chúng ta thấy được sự thật của hôm qua và hôm nay. Còn ngày mai ra sao thì mình chưa biết.”

‘Có thay đổi, tức có sự sống’

SANTA ANA (NV) - “Ở đây có những bức tranh thể hiện rõ sự đột phá. Người Mỹ rất thích khai phá những sự mới mẻ, không cần biết đó là cái gì, nhưng khi có sự khai phá, có sự thay đổi, tức là có đời sống, có sự biến đổi.”

Các họa sĩ có tác phẩm tham gia triển lãm “Ðời Sống Tuần Hoàn” (Cycles
of Life) trong buổi khai mạc. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ông Thân Nguyễn, một khách tham quan có mặt tại buổi khai mạc triển lãm “Ðời Sống Tuần Hoàn” (Cycles of Life) hôm chiều Thứ Bảy, nêu nhận xét.

“Ðời Sống Tuần Hoàn” là cuộc triển lãm tranh do Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt-Mỹ (VAALA) tổ chức nhằm đưa đến giới thưởng ngoạn tác phẩm của 24 họa sĩ và nhiếp ảnh gia thuộc nhiều thế hệ, bắt đầu mở cửa từ chiều Thứ Bảy, 17 tháng 3 đến hết ngày Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012.

Bước vào phòng triển lãm, ấn tượng đầu tiên có thể nhận ngay ra được đó là một không gian thoáng đãng và sang trọng. Ðể từ đó, người xem có được cảm giác ung dung và thư thái bước vào chiêm nghiệm thế giới của “Ðời Sống Tuần Hoàn” qua cách nhìn, cách cảm, cách thể hiện của nhiều thế hệ nghệ sĩ.

Nói như họa sĩ Ann Phong, một trong ba giám tuyển của cuộc triển lãm: “Nhìn về cuộc triển lãm hôm nay, quý vị sẽ thấy có nhiều tác giả cũng như nhiều cách thể hiện chủ đề. Chủ đề chỉ có một là sự sống. Nhưng mỗi người nhìn sự sống rất khác nhau. Có người nhìn bằng mắt để thưởng thức cảnh trời đẹp. Có người nhìn bằng sự suy nghĩ. Có người nhìn bằng cách cảm. Từ đó, mỗi người thể hiện một cách khác nhau điều mình hiểu về sự sống. Có người tả thực. Có người chỉ lấy ý để tạo nên những bức tranh trừu tượng. Thành ra mỗi bức tranh mang một sự sống khác nhau. Ðiều đó tạo thành cái đẹp của tranh.”

Ðến với triển lãm, người xem có thể nhìn thấy những bức tranh đi theo “kiểu cổ điển” của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp. Hình ảnh trong tranh Nguyễn Thị Hợp luôn là hình ảnh người phụ nữ nông thôn của thế kỷ 19 với tóc vấn, yếm đào, váy đụp.

“Nhưng điều mới là họa sĩ Nguyễn Thị Hợp phá đi những nét cổ điển bằng cách cho những cô gái trong tranh mặc đồ theo cách tự do, có vẻ như trễ nãi, không che hết các bộ phận 'nhạy cảm' trên người. Và đó là cách người họa sĩ muốn thể hiện sự sống.” Họa sĩ Ann Phong nhận xét.

Một góc phòng triển lãm “Ðời Sống Tuần Hoàn” (Cycles of Life) do Hội Văn
Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) tổ chức. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Có những tác phẩm mà người xem thấy được người họa sĩ cảm nhận sự sống đi ra từ cảnh vật xung quanh như bức “Ánh Trăng” của họa sĩ Nguyên Khai. Có vẻ như người họa sĩ này nhìn thấy ánh trăng lung linh trên mặt nước và ông chỉ bắt ngay tâm trạng lúc đó để đưa vào tác phẩm của mình và người xem sẽ chỉ thấy sự lung linh của bức tranh. Việc bắt gặp được những cảm xúc, những tâm trạng đó chính là cuộc sống.

Từ 120 tác phẩm nghệ thuật được gửi đến từ khắp nơi, như từ Pennsylvania, Virginia, Boston, San Jose, Seattle, và thậm chí ở Vũng Tàu, Việt Nam, ban giám tuyển chọn ra 40 tranh triển lãm. Trong số đó, có những họa sĩ vẽ bằng màu dầu, có họa sĩ vẽ bằng acrylic, có họa sĩ dùng nghệ thuật đan thêu, có người làm tượng, có người làm video, có người chụp hình photography.

Họa sĩ Mike Ðỗ đến từ San Jose, từng là kỹ sư điện tử, mới bắt đầu cầm cọ từ 2 năm qua, chia sẻ, “Ðây là lần đầu tiên tôi tham gia triển lãm tranh, trước giờ chỉ vẽ ở nhà thôi. Nhân dịp VAALA tổ chức, tôi thử gửi xuống 5 tấm tranh, thì được chọn 1 tấm.”

“Tôi rất là vui khi có tranh được chọn triển lãm. Niềm vui thứ hai là có cơ hội được gặp nhiều họa sĩ khác trong lần cuộc triển lãm này, cũng như có cơ hội tham dự một số sinh hoạt văn nghệ của cộng đồng Nam Cali.” Ông Mike Ðỗ nói thêm.

Có mặt từ đầu buổi khai mạc triển lãm “Ðời Sống Tuần Hoàn,” một khách thưởng lãm không muốn nêu tên, chỉ vào bức tường, trên đó có hai bức tranh nhỏ mang tên “The Outsite... When Younger” của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, bức “Vũ Trụ” của họa sĩ Cao Bá Minh, và bức “Trắng Một Màu” của họa sĩ Huỳnh Thủy Châu, ông nói: “Bức tường này, theo tôi, nói lên được tất cả ý nghĩa của chủ đề cuộc triển lãm này.”

“Hai bức tranh đầu là 'nothing,' giống như mình mới đẻ ra, vô nghĩa, không có giá trị gì hết. Bức thứ nhì ‘Vũ Trụ’ cho thấy sự sung sướng, sự tự do của một con người như có cả vũ trụ. Và bức cuối cùng ‘Trắng Một Màu’ thì rõ ràng chứa đựng sự đau khổ rồi. Nhìn là thấy khổ. Vậy thôi. Ðó là cuộc đời. Tôi thích bức tường này.” Vị khách nêu cảm nhận.

Bức tranh đan thêu dưới hình thức một tấm mền - quilt - có tên “Trắng Một Màu” của họa sĩ Huỳnh Thủy Châu, hiện đang sống tại Seattle, là một trong những tác phẩm đặc biệt tại triển lãm “Ðời Sống Tuần Hoàn.”

Hoàn cảnh ra đời của “bức tranh” này, theo họa sĩ Huỳnh Thủy Châu, là “Sau 49 ngày Má mất, tôi cắt vải thừa của miếng khăn tang, may vào tấm quilt như một cái khăn tôi để tang Má tôi với tư cách họa sĩ. Ngày khâu xong mũi may cuối cùng. Cuối Tháng Tám. Là cái ngày tôi sụp xuống. Kiệt sức. Không phải vì mệt. Mà vì. Thế là xong. Tôi không biết phải bước tiếp như thế nào nữa. Ðó là một ngày mà tôi cảm thấy thấm thía cái đau mất mẹ, mồ côi và hụt hẫng nhất. Xong rồi. Mình bước tiếp làm sao đây. Chẳng có ai dạy chúng ta phải cư xử làm sao khi mồ côi. Chả trường chả lớp hay văn bằng cấp cho chúng ta cái chứng chỉ mồ côi.”

Nhìn từ phải, bức “The Outsite... When Younger” của họa sĩ Nguyễn Trọng
Khôi, bức “Vũ Trụ” của họa sĩ Cao Bá Minh, và bức “Trắng Một Màu” của
họa sĩ Huỳnh Thủy Châu. Một khách thưởng lãm nói: “Bức tường này, theo
tôi, nói lên được tất cả ý nghĩa của chủ đề cuộc triển lãm này.”
(Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Trong khi đó, nhận xét về tác phẩm này, họa sĩ Ann Phong cho rằng: “Thêu là thể loại có từ thế kỷ 18, 19 của Mỹ, khi người da đen vượt từ miền Nam lên miền Bắc để sống để thoát ra khỏi thời nô lệ thì những bức tranh đan thêu chính là những bức tranh chỉ đường cho họ đi, từ miền Nam lên miền Bắc... Chúng tôi thấy được nét đặc biệt của Huỳnh Thủy Châu tức cô lấy được nét truyền thống của Mỹ nhưng lại diễn đạt theo kiểu người họa sĩ Việt Nam...”

Là một nhiếp ảnh gia có những bức hình được chọn triển lãm lần này, anh Benjamin Vũ tâm sự, “Tôi cảm thấy có vẻ lạc loài chút xíu vì ở đây toàn là tranh, họa canvas, oil painting, nhưng lại có một số tranh photography trong đây. Tôi nghĩ tôi được góp mặt trong triển lãm này là bởi cái duyên, trên đời này cái gì cũng từ duyên mà ra.”

Nói về chủ đề triển lãm “Ðời Sống Tuần Hoàn,” anh Benjamin cho rằng “đây là một đề tài hay.”

“Nếu không có cũ thì làm sao có mới. Với tôi, nhiếp ảnh trung thực hơn ở chỗ tôi nhìn thấy được sự thật cuộc sống qua ống kính. Nhiếp ảnh đưa chúng ta thấy được sự thật của hôm qua và hôm nay. Còn ngày mai ra sao thì mình chưa biết.” Nhà nhiếp ảnh này nói.

Triển lãm “Ðời Sống Tuần Hoàn” tại Trung Tâm Văn Hóa VAALA, 1600 N. Broadway (góc đường Seventeenth), Santa Ana, CA 92706 kéo dài đến ngày 1 tháng 4. Cuộc triển lãm mở cửa mỗi cuối tuần, Thứ Bảy và Chủ Nhật, từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều.