Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Ysa Lê: 12 năm ‘vác ngà voi’ cho VAALA

Ysa Lê: 12 năm ‘vác ngà voi’ cho VAALA PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngọc Lan/Người Việt   
Thứ Năm, 22 Tháng 3 Năm 2012 06:26

“Tôi nghĩ thế hệ thân phụ tôi là cây mắm, thế hệ 1.5 của tôi là cây tràm, thế hệ sau này mới là xoài, mít, ổi ngon lành, nếu mình chịu khó vun trồng.”

Ysa Lê, và ‘Service Award 2012’ của USC

WESTMINSTER (NV) -Lê Ðình Ysa là một trong bốn người Châu Á được Ðại Học University of Southern California (USC) chọn trao giải thưởng “USC Asian Pacific Alumni Association 2012” vào ngày Thứ Năm 22 tháng 3, 2012.

Cô Ysa Lê, Giám Ðốc Ðiều Hành VAALA, một trong bốn người Châu Á được
Ðại Học USC trao giải thưởng “USC Asian Pacific Alumni Association 2012.”
(Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Trong khi 3 người kia được nhận giải thưởng vì những đóng góp xuất sắc theo chuyên môn, cô Ysa, tốt nghiệp ngành Dược tại đây năm 1994, được nhận phần thưởng “Service Award” cho những đóng góp trong lãnh vực văn học nghệ thuật, qua các hoạt động tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt - Mỹ (Vietnamese American Arts and Letters Association - VAALA).

Từ nhiều năm qua, hình ảnh cô gái nhỏ nhắn, có giọng nói nhẹ nhàng, nhưng đủ sức “buộc chặt” người nghe, xuất hiện thường xuyên qua các hoạt động của Hội VAALA tại California.

Cô có mặt tại mọi hoạt động văn hóa, từ tổ chức ra mắt sách, đến tổ chức cho thiếu nhi thi vẽ Trung Thu. Cô có mặt tại cả ở các lớp dạy cải lương, hát bội, cho đến các hoạt động lớn hơn, như Ðại Hội Ðiện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (ViFF), triển lãm F.O.B (Fresh Off the Boat), triển lãm Ẩn Dụ Nhiệm Màu (Marvelous Metaphors) hay Ðời Sống Tuần Hoàn (Cycles of Life)...

Gần như là vậy, nhắc đến VAALA, người ta nhắc đến Ysa, như thể tên cô và tổ chức bất vụ lợi này là một, gắn bó, không rời!

VAALA

“Tôi bắt đầu đến làm việc cho VAALA từ năm 2000, một năm sau khi bố tôi mất, như một cách tưởng nhớ đến bố tôi, muốn đi tìm hiểu những điều bố tôi đã làm.” Ysa bắt đầu câu chuyện.

Thân phụ Ysa, nhà báo Lê Ðình Ðiểu, là một trong những người sáng lập tổ chức VAALA.

“Làm cho VAALA” tức là làm thiện nguyện, tuy nhiên, trong suốt cuộc trò chuyện, chưa một lần Ysa nhắc đến điều này. Người nghe chỉ thấy cô nói về VAALA, về những dự án, những ước mơ, như một công việc thực thụ của một người đam mê và hết lòng với nó.

Ban đầu chỉ là “làm thử hai năm,” thoắt cái, nhìn lại đã 12 năm!

Bước chân vào VAALA, Ysa khi đó là người trẻ nhất, và cũng là một trong số hiếm hoi những phụ nữ có mặt trong ban điều hành Hội. Cũng chập chững đi từ kinh nghiệm của những lần ra mắt sách, cùng tổ chức các cuộc thi Vẽ Thiếu Nhi Trung Thu, đến năm 2001, Ysa làm được “cú ngoạn mục đầu tiên” khi tổ chức thành công buổi biểu diễn của nghệ sĩ piano nổi tiếng thế giới, Ðặng Thái Sơn, tại miền Nam California.

Hết tổ chức biểu diễn văn nghệ, Ysa, được sự tiếp sức người bạn tên Trâm Lê, bắt tay vào thực hiện cuộc triển lãm mang tên F.O.B I., năm 2002, nhằm để “thế hệ 1.5 và thế hệ thứ 2 sinh ra tại đây nói lên được “căn cước, cá tính” của thế hệ mình.”

Cuộc triển lãm qui tụ được nhiều nghệ sĩ tuổi dưới 40 ở nhiều lãnh vực khác nhau như phim ảnh, điêu khắc, hội họa, trình diễn.

“Cứ vậy, hết dự án này đến dự án khác, mình quen thêm người này, biết thêm người kia, để làm thêm nhiều điều cho cộng đồng.” Ysa cho biết.

Tham dự và thích thú trước những gì VAALA làm được, hội Văn Hóa và Ngôn Ngữ Việt Nam (VNLC) của đại học UCLA cùng hợp tác với VAALA thực hiện những cuộc Hội Luận Ðiện Ảnh, và khai sinh ra Ðại Hội Ðiện Ảnh Phim Việt Nam Quốc Tế (ViFF) mà đến nay, tầm vóc không còn giới hạn trong đất nước Hoa Kỳ.

Vài năm sau khi Ysa góp mặt, những bậc cha chú trong hội đồng quản trị VAALA bắt đầu rút lui, nhường lại cho thế hệ trẻ. Và tự lúc nào, “Ysa Lê trở thành đầu tàu cho những người trẻ,” như lời họa sĩ Ann Phong, một trong những người có mặt ở VAALA từ thời kỳ đầu, nhận xét.

 Những tâm tình

 Thừa nhận có những lúc “rất oải,” và phải “dùng cả vacation để làm việc tại VAALA,” Ysa lại khẳng định “ngay cả lúc sóng gió nhất của VAALA, lúc xảy ra cuộc tranh cãi trong cộng đồng về triển lãm F.O.B II, mình cũng chưa hề muốn bỏ cuộc.”

Sự căng thẳng của người đứng đầu VAALA lại là những công việc có tính hành chánh, như “khi phải đi tìm trụ sở cho VAALA, theo đuổi một số công việc phải làm để những dự án sinh động, vui hơn, hấp dẫn hơn được tiến hành.”

Mười hai năm gắn bó với VAALA, cô xem thành công lớn nhất là “lôi cuốn được giới trẻ tham gia vào công việc,” sự tham gia mà, nếu không có nó, “tôi không thể đi tiếp được.”

Sự lôi cuốn của Ysa, theo nhận xét của nữ họa sĩ Ann Phong, nằm ở “tấm lòng, nhiệt huyết mà cô mang ra để làm một điều gì đó cho cộng đồng.”

“Khi Ysa bước chân vào sinh hoạt cộng đồng, cô ấy còn trẻ lắm. Gặp nhiều khó khăn, cô vẫn không lùi bước, vẫn làm, những điều đó khiến tôi cảm động.”

Nhiều người cảm được điều ấy, và họ “sẵn sàng giúp cho VAALA đến ngày hôm nay.”

“Làm không công,” nhưng Ysa cho rằng cô “nhận được rất nhiều từ VAALA.”

“Tôi học hỏi rất nhiều từ những nghệ sĩ mà tôi có dịp làm việc chung. Sự đam mê, tài năng, và niềm khao khát hoàn thành tác phẩm của họ luôn là động lực thúc đẩy tôi hoạt động. Tôi cũng học hỏi được rất nhiều từ khán giả. Cuộc sống của tôi, một dược sĩ đi làm 8 tiếng một ngày, trở nên phong phú hơn rất nhiều với những sinh hoạt nghệ thuật!”

“Và trên hết,” cô nói tiếp, “Tôi có được tình bạn qua những sinh hoạt tại VAALA. Ðó là điều tôi được nhiều nhất.”

 Ước mơ

 Nói về giải thưởng “Service Award” do USC trao tặng, Ysa, hiện làm dược sĩ cho St. Joseph Home Care Pharmacy, liên tưởng ngay đến sự ủng hộ của “gia đình, bạn bè và những người tin tưởng vào đường hướng hoạt động của VAALA trong suốt nhiều năm qua.”

“Tôi xin tri ân tất cả những người này.”

Dường như VAALA không bao giờ tách rời khỏi suy nghĩ của cô dược sĩ trẻ. Những ước mơ cô cũng dành cả cho hội. “Tôi ước có một VAALA Village. Nơi đó có rạp chiếu phim, có nơi triển lãm tranh, có một thư viện, có quán cà phê nho nhỏ, có nơi diễn kịch...”

Ysa Lê (phải) tại Ðại hội Ðiện ảnh Việt Nam Quốc tế lần 5 (ViFF 5) do
VAALA tổ chức năm 2011. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Sau khi 'VAALA Village' thành hình, tôi hy vọng được làm một khán giả 'thường trực”, đến xem phim, xem kịch, triển lãm... Và có thể xin một chân thiện nguyện viên soát vé.”

Chưa hết, Ysa còn ước, “sau này VAALA xin được grant đủ để thuê một Giám Ðốc Ðiều Hành toàn thời gian, để điều hành VAALA. Người này phải biết cách gây quỹ, có kinh nghiệm điều hành một hội bất vụ lợi chuyên về nghệ thuật...”

“Và về phần mình, vẫn gắn bó với VAALA, trong bất cứ nhiệm vụ nào.”

Lời tâm sự cuối câu chuyện, Ysa liên tưởng đến một truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc: “Tôi nghĩ thế hệ thân phụ tôi là cây mắm, thế hệ 1.5 của tôi là cây tràm, thế hệ sau này mới là xoài, mít, ổi ngon lành, nếu mình chịu khó vun trồng.”

Và cô đã là một “cây tràm” như thế, trong suốt 12 năm “vác ngà voi” tại VAALA, với tất cả ước mơ và nguyện vọng, chỉ dành cho VAALA.