Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Thần đồng gốc Việt bậc thầy về “ngày thứ trong tuần” lên báo Register

Thần đồng gốc Việt bậc thầy về “ngày thứ trong tuần” lên báo Register PDF Print E-mail
Tác Giả: Bai An Tran   
Thứ Năm, 26 Tháng 11 Năm 2009 23:11

Khoa có thể nói được ngay ngày thứ mấy trong tuần của bất cứ một ngày tháng nào.

 QUẬN CAM (NV) - Trong báo Người Việt số ra ngày 08 Tháng Chín, 2009, phóng viên Ngọc Lan có viết một bài tường thuật về cuộc tiếp xúc với em Ðàm Ðăng Khoa tại tòa soạn. Một em trai 6 tuổi, trông vẫn như mọi em khác cùng lứa nhưng lại có một khả năng vô cùng đặc biệt, là có thể nói được ngay ngày thứ mấy trong tuần của bất cứ một ngày tháng nào thuộc quá khứ hoặc tương lai, bất kể xa đến bao lâu.

Tuần này, báo OC Register số ra ngày 18 Tháng Mười Một, có một bài phóng sự đặc biệt về em Khoa qua tên William Ðàm, dưới tựa đề “Calendar Master”, đi kèm với một số hình ảnh và con số dữ liệu.

Bài viết trên tờ báo Mỹ bắt đầu, “Khi được hỏi về sự quan trọng của ngày 11 Tháng Chín (9/11) thì William Ðàm chẳng biết trả lời mô tê gì cả mà chỉ biết ngớ ngẩn nhìn lại, nhưng khi hỏi ngày đó là ngày thứ mấy thì lập tức em đáp ngay là “Thứ Ba.”

William trả lời được ngay tuồng như không hề suy nghĩ. Em nói được bất cứ ngày dương lịch nào từ quá khứ đến tương lai về sau, với độ chính xác 100%.

Lấy 7 Tháng Mười Hai, 1941, là ngày Nhật bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng, khiến Tổng Thống Franklin D. Roosevelt phải buộc miệng than “nhục nhã.” William lắc đầu khi được hỏi có biết gì không về Thế Chiến Thứ Hai hoặc Pearl Harbor, nhưng khi hỏi 7 Tháng Mười Hai, 1941 rơi vào ngày thứ mấy thì em nói ngay là Chủ Nhật, không chút do dự.

Hỏi em học được ở đâu về khả năng ấy thì William chỉ nói, “Thượng Ðế ban cho.”

William thuộc một trong thiểu số cực kỳ hiếm với khả năng gọi là human calendar calculators. Theo tường thuật của show truyền hình “60 minutes” phát vào năm 2007, trên thế giới chỉ có chừng 50 người có được khả năng đặc biệt đó.

Bác Sĩ Darold A. Treffert, giáo sư lâm sàng về tâm thần học thuộc Wisconsin Medical School, người từng nghiên cứu và có bài viết về hiện tượng này. Ông nói, “Có trường hợp người ta nghiên cứu về trình tự ngày tháng, nhưng nhiều trường hợp có người không hề nghiên cứu nhưng vẫn biết được nhờ bẩm sinh. Cơ chế nào để mà có như vậy được thì vẫn còn là bí ẩn.”

Các chuyên gia tin rằng human calendar calculators thấy được trình tự ngày tháng bằng thị giác. Họ không dựa vào con số hay toán học để tính ra như người bình thường vẫn làm, đa số không “tính ra” câu trả lời mà thấy ngay trong đầu.

Theo bài viết trên báo Người Việt, cha mẹ của bé William Ðàm (tức Ðàm Ðăng Khoa) là anh Ðàm Hữu Ðông và chị Kathleen Lê không nghĩ là William đã từng nghiên cứu về lịch ngày tháng, nhưng thường dùng lịch điện tử trên máy BlackBerry của bố để kiểm lại đáp số trong đầu của mình.

William phải mất nhiều thì giờ khi làm việc kiểm lại ngày tháng trên điện thoại di động, hơn là em tự đưa ra ngay câu trả lời từ trong đầu.

Danh từ chuyên môn trong tâm thần học (psychiatric) gọi calendar calculators là “savants”, để chỉ người có một khả năng đặc biệt. Nhiều người có hội chứng savant syndrome thường mang chứng tự kỷ (autism), hoặc khiếm khuyết tâm linh, không biết cách giải thích suôn sẻ hoặc san sẻ tài năng của mình với người khác.

William lại không mang tính tự kỷ, bác sĩ nhi khoa của em là Tram Nguyen Mok, ở Fountain Valley cho biết em vẫn phát triển và giao tế một cách bình thường. Cha mẹ của William nói rằng điều hơi bất thường trong thời kỳ phát triển của em là đến 3 tuổi rưỡi em mới biết nói. Em phải theo học những lớp speech therapy lúc còn mẫu giáo và nay là một học sinh lớp một bình thường như mọi em khác.

Bác Sĩ Treffert nói rằng nếu William không là một “savant” thì lớn lên em sẽ là một kẻ phi thường - một thiên tài phát triển thành những năng khiếu khác.

Ông tiếp lời, “Khi năng khiếu tỏ lộ nơi một trẻ với chức năng thần kinh bình thường (neurotypical child), hay nơi một savant, hay một người phi thường, tôi khuyên quí vị nên cho trẻ có cơ hội được tôi luyện về năng khiếu.”

Cha của William khám phá khả năng đặc biệt của con hồi Tháng Tám. Trong xe hơi, William hỏi bố hôm nào em mới đến bác sĩ để chích ngừa. Anh Ðông biết ngày hẹn nhưng không nhớ ngày nào và là ngày thứ mấy trong tuần. Nhưng William thì nhớ rõ và nói được cả ngày thứ mấy nữa.

Anh Ðông hồi tưởng, “Tôi thắc mắc làm sao mà William có thể biết như vậy?”

Calendar calculators thường có khả năng nhớ ngày tháng một cách kỳ diệu, họ còn nhớ được hôm đó thời tiết như thế nào nữa. William nhớ một số chi tiết nhưng chưa đến độ quá thâm hậu như thế. Khả năng về toán của William có thể sánh với các em hạng giỏi thuộc lớp một cùng lứa.

Khi được hỏi về ngày tháng, William lắng nghe chăm chú rồi lập lại thành lời con số ấy, mắt nhìn ngước lên, và đưa ra câu trả lời trong hai, ba giây. Trong giọng nói của em không có vẻ gì do dự, ngay những ngày tháng được hỏi cả hằng tỉ năm trong tương lai.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với báo OC Register, William được hỏi để thử về năng khiếu của em, bắt đầu với ngày 9 Tháng Giêng, năm 900,000. William khẽ mỉm cười rồi xoa tay đáp “Chủ Nhật.”

Ngày 19 Tháng Mười Hai, năm 110,000,000,000; William trả lời là Thứ Ba trong ba giây. Cả hai câu đều được kiểm lại đúng chính xác trên máy điện toán.

William tuồng như không hiểu tầm quan trọng về điều em có khả năng làm được, và giữ im lặng khi yêu cầu em giải thích vì sao em làm được như thế như kia.

Em tránh né mọi câu hỏi và tránh nhìn thẳng vào mắt. Ví dụ hỏi em định nghĩa năm nhuận là gì em không nói được dù rằng bản năng cho em biết năm nào là năm nhuận.

Cha mẹ William chưa muốn ép con mình nhiều, em chưa hề thử qua về trí thông minh bằng IQ test, hoặc qua chương trình của tiểu bang gọi là Gifted and Talented Education.

William rất kén chọn điều em thích. Em thích trò chơi chữ ở trên mạng mà nhà trường đề nghị, cũng như thích nghe tiếng điện thoại reo trên máy BlackBerry của bố, có khi em cứ nghe đi nghe lại mãi.

Anh Ðông nói, “Tôi cố bắt cháu học về con số nhưng cháu không thích. Nếu cứ ép đến một mức nào đó cháu sẽ quay đi chỗ khác.”

William cũng thích xem phim hoạt hình trên truyền hình, nhưng khi cha mẹ em mua cho em một máy Nintendo DS video game player thì em không chịu chơi máy đó.

Anh Ðông kết luận, “Nếu cháu nó có năng khiếu thì tốt cho cháu. Tôi chẳng có gì bận tâm cả. Miễn là cháu thấy được an toàn và sung sướng là tôi cũng vui cho cháu.” (TP)

 

 

 

 Ðàm Ðăng Khoa, 6 tuổi, có khả năng đặc biệt về ngày tháng mà khoa học chưa giải thích hết được. (Hình: Jebb Harris/OC Register)