Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Toàn bộ hồ sơ Daniel Phạm: Cảnh sát sợ bị chém, bắn chết thanh niên Việt

Toàn bộ hồ sơ Daniel Phạm: Cảnh sát sợ bị chém, bắn chết thanh niên Việt PDF Print E-mail
Tác Giả: Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt   
Chúa Nhật, 22 Tháng 11 Năm 2009 22:13

 Ông Vinh Phạm tỏ ý uất ức vì con ông bị “xử tử hình” với 12 viên đạn.

SAN JOSE (NV) - Phải đến nửa năm sau khi cảnh sát bắn thiệt mạng thanh niên gốc Việt Daniel Phạm, thành phố San Jose mới công bố hồ sơ trong vụ giết người. Hồ sơ này gồm cả giấy tờ lẫn băng ghi âm các cuộc điện đàm cấp cứu, được đưa lên trang mạng của văn phòng Thư Ký Thành Phố hôm 13 Tháng Mười Một.

Nạn nhân Daniel Phạm. (Hình: CBS 5, Bay Area) 

Một ngày trước khi hồ sơ được đưa ra cho công chúng, thành phố mời gia đình nạn nhân đến xem trước. Ra khỏi sở cảnh sát, ông Vinh Phạm, thân phụ của Daniel (tên tiếng Việt là Sơn), quá xúc động và không nhấc điện thoại của ai cả, theo lời ông nói với báo chí. Trên một tờ báo xuất bản tại quận Cam, báo Viễn Ðông, ông Vinh Phạm tỏ ý uất ức vì con ông bị “xử tử hình” với 12 viên đạn.

Báo Người Việt đã không liên lạc được với ông Vinh. Toàn bộ hồ sơ cho thấy cảnh sát nhiều lần lớn tiếng ra lệnh “buông dao ra” nhưng ngược lại Daniel tiếp tục giơ dao sấn đến gần hai cảnh sát viên có mặt tại hiện trường, khiến họ nổ súng.

Sự việc xảy ra nội trong vòng chỉ hơn 20 phút trưa ngày 10 Tháng Năm, trong nhà của gia đình họ Phạm. Sống trong nhà này có 5 người: Ông bà Vinh Phạm; Brian Phạm là anh của Daniel; cô bạn gái của Brian là Uyên Lâm; Daniel Phạm tức Sơn; và Philip Phạm là em của Daniel.

Buổi sáng sớm, trước 8 giờ, ông bà Vinh Phạm và Philip ra chợ trời nơi ông bà có sạp bán quần áo. Ở nhà chỉ có Uyên, Brian và Daniel. Trong lúc cô Uyên đang chuẩn bị đánh răng, thì Brian ngồi vào bàn computer trong phòng khách.

Bỗng dưng, Daniel đến từ phía sau, kẹp trán Brian bẻ ngược ra sau, cầm dao cắt cổ Brian, theo lời Brian thuật lại với cảnh sát sau này. Không những thế, Daniel trước đó còn cẩn thận chặn đường thoát thân của Brian bằng cách khóa trái cửa nhà - điều mà người nhà không bao giờ làm, cũng theo lời Brian.

Brian hét lên cho Uyên chạy vào phòng ngủ khóa cửa lại và gọi 9-1-1. Rồi sau đó Brian cũng thoát ra được khỏi nhà, chạy vào nhà hàng xóm.

Những cuộc gọi cấp cứu hốt hoảng

Số hồ sơ trong vụ Daniel Phạm mà báo Người Việt đã nghe và đọc toàn bộ gồm có: Hơn 120 trang báo cáo của hơn một chục cảnh sát viên và điều tra viên trong vụ này; biên bản 20 trang ghi chép toàn bộ bằng chứng thu thập trong vụ án; một bản 46 trang in lại toàn bộ những ghi chú và sự kiện trong máy computer của hệ thống cấp cứu; và bốn băng ghi âm điện đàm: Hai băng ghi âm hai cuộc gọi cấp cứu 9-1-1, một băng ghi âm toàn bộ các cuộc gọi qua lại lẫn nhau giữa các cảnh sát viên và với tổng đài; và một băng ghi một cuộc gọi của gia đình Daniel hỏi bao giờ thì về nhà được.

Cú điện thoại cấp cứu đầu tiên đến từ người hàng xóm. Gần như ngay sau đó, cô bạn gái của anh trai Daniel cũng gọi cấp cứu từ trong phòng ngủ khóa cửa. Hai cú điện thoại liên tiếp cách nhau chỉ trên một phút.

Lúc 11:33:33, người hàng xóm gọi và nói hốt hoảng, “Hàng xóm tôi mới xông vào nhà tôi. Anh ấy bị chém. Anh ấy bảo tôi là em của anh ấy tấn công anh.”

Người này nói hàng xóm ông bị chém bằng dao, và người chém là “em ảnh, trong nhà. Nó ở trong nhà. Cô bạn gái ở trong đó, cô ấy cần cứu.” Người hàng xóm còn nói, người em cầm dao “is high” - đang say ma túy.

Ðài cấp cứu 9-1-1 chưa kịp hỏi thêm chi tiết, người hàng xóm đã cúp máy. Khi đó, nhân viên cấp cứu ghi vào hồ sơ: “bro is high on unk” - “Người em đang say một chất nào đó không rõ.”

Lúc 11:34:52, cô Uyên, bạn gái của Brian, gọi 9-1-1. Cô hốt hoảng kêu, “cứu tôi, cứu tôi, nhanh lên, nhanh lên.”

Người anh bị chém

Trong một cuộc thẩm vấn với cảnh sát vào buổi chiều, tại sở cảnh sát, có thu hình và thu âm, Brian kể về việc bị em mình chém:

Khi Brian đang ngồi vào computer, thì Daniel đến lấy tay giật trán Brian bẻ ngược đầu về phía sau và cắt cổ Brian. Brian vùng vẫy thoát ra, cùng lúc đó bị chém thêm ở cổ, ở tay, và 7-8 nhát ở bàn tay.

Brian thú nhận anh biết mình yếu sức, nên anh hét lên cho Uyên vào phòng khóa cửa lại, còn anh thì tẩu thoát qua nhà hàng xóm. Chính Brian nói với hàng xóm, gọi 9-1-1 cấp cứu vì em anh “crazy on drugs” (lên cơn điên vì ma túy).

Brian khi đó tìm được một cây đội xe (jack). Anh rút cán ra và, đi đường garage, anh lẻn vào nhà vì sợ Daniel giết mất Uyên. Vào trong nhà, anh thấy Daniel trong hành lang, nhưng không nhìn rõ vì mắt kém. Brian bèn quay trở ra, vừa khua cán cây đội vào hàng rào để Daniel ra ngoài, vừa hét lớn bảo Brian buông dao ra vì anh sợ rằng nếu cảnh sát thấy Brian cầm dao cảnh sát sẽ bắn chết Brian.

Khi cảnh sát đến, Brian chạy ra vẫy tay cho cảnh sát vào. Theo hồ sơ điện đàm giữa cảnh sát và tổng đài, lúc đó là 11:40 sáng.

Cô bạn gái trốn trong phòng

Trong lúc Brian đang tìm cách dụ Daniel ra ngoài, cô Uyên bạn gái của Brian trốn vào phòng ngủ khóa cửa lại. Trong khi nói chuyện với tổng đài 9-1-1, có lúc cô phải nói thầm vì nghe thấy tiếng Daniel đi lại trong hành lang gần cửa vào phòng. Có lúc cô ngưng quay sang dùng điện thoại của bạn trai để nói chuyện với ông Vinh Phạm.

Tổng đài hỏi, “Anh ấy (người cầm dao) có đang say ma túy không?” cô trả lời, “Tôi không biết.”

Tổng đài hỏi, “Anh ấy có dùng ma túy hay rượu không?” cô trả lời, “Tôi không biết, bạn trai tôi bảo tôi gọi 9-1-1.”

Tổng đài hỏi tên của người cầm dao, cô trả lời tên Sơn, và trong lúc đang nói chuyện thì người bố của Daniel gọi về, cô quay qua điện thoại kia nói bằng tiếng Việt, “Bác trai ơi, bác trai, a-lô” - “Con không biết Sơn đang ở đâu nữa, con đang khóa cửa ở trong phòng.”

Có lúc cô trả lời thì thầm, tổng đài hỏi, “Tại sao cô phải nói thầm?” - “Cô cần bảo đảm cô an toàn, nếu cô thấy không an toàn để nói chuyện, tôi sẽ chờ.” Tổng đài hỏi tiếp, “Có phải anh ấy ở gần phòng ngủ” và cô trả lời thì thầm, “phải.”

Tổng đài, “Có phải anh ấy ngay ngoài cửa phòng?”

Cô gái, “Phải.”

Tổng đài, “OK, có phải anh ấy đang cố gắng vào trong phòng?”

Cô gái, “Không.”

Khi cảnh sát đến, qua cuộc gọi của Uyên, cảnh sát được biết là người cầm dao tên Sơn, khoảng xấp xỉ 25 tuổi (tuổi thật của Daniel là 27), tóc đen, cao. Cảnh sát cũng biết là trong nhà có người bị tâm thần, tên Daniel Phạm, nhưng tổng đài “không rõ có phải người gọi cấp cứu (RP - reporting party) không.”

Cảnh sát đến

Hai cảnh sát đầu tiên có mặt là cảnh sát viên Jeffrey và cảnh sát viên Blackerby. Brian ngoắc cảnh sát vào, la hét, “Em ấy ở trong sân sau,” đồng thời tiếp tục la hét bảo Daniel bỏ dao ra. Từ trong phòng, cô Uyên cũng thuật lại với tổng đài: “Bạn trai tôi đang bảo anh ấy buông dao ra.”

Theo lời Brian kể lại trong biên bản có thu âm và thu hình, khi đó Brian vất cái cán của cây đội đi. Anh bảo với cảnh sát là người em của anh (tức Daniel) “đang say ma túy và có cầm dao.” Báo cáo của hai cảnh sát viên không ghi điều gì về việc Brian bảo Daniel đang say ma túy.

Brian nói là thực ra anh cũng không biết Daniel có say ma túy thật không, nhưng anh nghĩ nếu anh nói thế thì là tốt nhất cho Daniel, để Daniel không bị bắn chết.

Chuyện Daniel có say ma túy không là một vấn đề chưa rõ. Trong số hồ sơ do thành phố công bố, không có kết quả giảo nghiệm thi thể Daniel. Theo lời ông Vinh Phạm thuật lại với báo chí, kết quả giảo nghiệm cho thấy trong thi thể Daniel không có chất ma túy nào ngoài nicotin của thuốc lá.

Tuy nhiên, chuyện Daniel là người dùng ma túy là điều không phải chỉ một mình Brian nói, mà Philip cũng nói. Philip nói với cảnh sát anh bắt gặp các loại ống điếu dùng cho ma túy trong phòng Daniel. Còn Brian nói anh từng chứng kiến Daniel hút crack cocaine bằng ống điếu thủy tinh.

Cảnh sát chạm trán Daniel

Sau khi cảnh sát đến, Brian thấy choáng váng mặt mày, nên anh bỏ qua nhà hàng xóm. Lúc anh gần xỉu thì xe cứu thương đến. Brian vừa kịp nhìn thấy một cảnh sát viên nhảy qua hàng rào. Một lúc sau, Brian nghe thấy khoảng 4 tiếng súng.

Bản báo cáo của cảnh sát viên Jeffrey và cảnh sát viên Blackerby lấp vào chỗ trống cho những điều Brian không chứng kiến tận mắt. Tuy nhiên, qua phỏng vấn với báo chí, ông Vinh Phạm tỏ vẻ không tin những báo cáo này và đòi hỏi hai cảnh sát viên “phải bị tử hình mới xứng đáng.”

Theo báo cáo của hai cảnh sát viên này, họ nhìn qua hàng rào bên cạnh nhà, và thấy một thanh niên Á Châu đứng phía sân sau nhà, cách hai viên cảnh sát khoảng 50 feet (15m). Trong tay người thanh niên Á Châu này là một con dao dài 12 inch (30cm), lưỡi dài 8 inch (20cm). Trong tay kia, anh ta cầm thuốc lá hút.

Không những con dao này nhuốm máu, mà theo cả hai viên cảnh sát, người thanh niên này - Daniel Phạm - cũng nhuốm đầy máu, và trên cổ anh ta có một vết cắt dài.

Cảnh sát viên Jeffrey hét, “Buông dao ra.” Cảnh sát viên Blackerby cũng hét, “Buông dao ra.” Trong nhà, qua điện thoại của cô Uyên, băng ghi âm cũng thu lại nhiều tiếng hét “Buông dao ra” từ bên ngoài lọt vào.

Theo cảnh sát viên Jeffrey, Daniel không buông dao mà tiếp tục đứng yên hút thuốc. Khi đó, cảnh sát viên Blackerby có ý kiến đi ngang hông nhà để dùng súng điện Taser bắn Daniel.

Trong khi Blackerby chạy bên ngoài bờ rào phía hông nhà, Jeffrey leo qua rào phía trước nhà. Ðúng lúc đó, Daniel Phạm “nắm chặt tay lại, cầm chặt dao, và bước nhanh về phía tôi,” Jeffrey viết. Jeffrey bèn tụt ngược lại bên kia rào, rút súng ra và hét “Stop.”

Blackerby đang chạy cũng thấy Daniel lăm le nắm dao bước nhanh về phía Jeffrey, trong lúc ông này đang kẹt trên hàng rào, nên ông rút súng điện Taser ra và hét, “Stop. Ngưng lại không tôi bắn taser.”

Nghe thấy tiếng Blackerby, Daniel ngưng lại và quay về hướng Blackerby, tay cầm dao chĩa ra trước ngang tầm ngực, với khuôn mặt mà Blackerby miêu tả là “strange, emotionless express” - “vô hồn, kỳ lạ.”

Nhìn Blackerby một lúc, Daniel quay trở lại, bước nhanh về hướng Jeffrey. Lo sợ cho tính mạng Jeffrey, Blackerby bắn súng điện trúng Daniel. (Trong hồ sơ có biên bản kiểm tra súng điện Taser. Biên bản này cho thấy súng Taser có bắn một phát và phát điện kéo dài 4 giây.)

Cảnh sát bắn Daniel

Cú bắn súng điện chỉ làm Daniel ngạc nhiên trong giây lát chứ không ảnh hưởng gì. Anh rút dây súng điện vất đi. (Sau khi, khám nghiệm hiện trường, cảnh sát tìm thấy còn một sợi dây Taser còn dính vào quần đùi của Daniel.) Cảnh sát viên Blackerby nhảy qua hàng rào và rút súng ra.

Jeffrey, không trông thấy Blackerby vì bị vướng một cây to trong vườn, sợ rằng Blackerby đã vào trong và có thể bị Daniel giết, nên cũng nhảy qua rào vào bên trong.

Ðến lúc đó, Daniel lại quay ngược và bước nhanh về hướng Jeffrey, tay cầm dao giơ lên cao như sắp sửa đâm xuống. Hoảng sợ, Jeffrey rút súng ra, hét lên ra lệnh cho Daniel đứng lại, buông dao ra và nằm xuống đất.

Daniel không những không buông, mà tiếp tục giương dao như muốn chém Jeffrey. Jeffrey tránh né và chạy về hướng Blackerby. Trong bản báo cáo của mình, cảnh sát viên Jeffrey giải thích ông làm vậy để tránh tình trạng hai người bắn ngược hướng và đạn lạc trúng lẫn nhau.

Jeffrey chạy tới đâu, Daniel chạy theo tới đó, tay vẫn giương cao con dao. Cả Jeffrey lẫn Blackerby đều chạy lui tránh né, cho tới cuối vườn thì hết chỗ chạy.

Khi Daniel còn cách hai cảnh sát viên khoảng 8 feet (2m4), tay vẫn giương cao con dao như sắp chém, hai viên cảnh sát không còn lui được đi đâu và cả hai cùng bắn.

Khi đó là 11:42. Mọi chuyện từ lúc cảnh sát tới cho đến lúc Daniel bị bắn, diễn ra trong vòng chưa tới 3 phút.

Bên trong nhà, qua điện thoại của Uyên, băng ghi âm của 9-1-1 cũng nghe thấy tiếng súng nổ. Tuy nhiên, lúc đó Uyên chưa biết đó là tiếng súng.

Biên bản của cảnh sát phỏng vấn nhân chứng trong những căn nhà chung quanh cho thấy rất nhiều người nghe tiếng súng bắn, nhưng đạn bắn nhanh tới mức hầu hết người nghe tưởng là chỉ có 4-5 phát súng.

Ngay cảnh sát viên Blackerby cũng tưởng ông chỉ bắn 4 phát, nhưng phải đến khi soát lại băng đạn mới biết ông đã bắn tới 7 lần. Nhân viên điều tra cũng tìm thấy 7 vỏ đạn 9mm của cảnh sát viên Jeffrey và 7 vỏ đạn cự ly .40 của cảnh sát viên Blackerby.

Daniel thiệt mạng

Bị bắn, Daniel còn bước được vài bước nữa, rồi ngã xuống, nhưng vẫn chưa buông dao. Cảnh sát viên Blackerby viết trong báo cáo là Daniel còn cầm dao, mũi chĩa lên trời, và còn gượng đứng dậy tiếp trước khi gục xuống. Khi đó, một cảnh sát viên nữa, cảnh sát viên Bannister vừa tới. Ông hét lên bảo Daniel buông dao ra.

Trong phòng, Uyên nghe thấy tiếng cảnh sát viên và lập lại với tổng đài, “Anh ấy vẫn còn cầm dao, anh ấy vẫn còn cầm dao.”

Bannister tìm được một cái xẻng, dùng xẻng đánh bật dao ra khỏi tay Daniel. Jeffrey còng tay Daniel lại, lúc đó cảnh sát mới lật ngửa người Daniel lên và Bannister và Jeffrey hô hấp nhân tạo toan cứu sống Daniel.

Từ trong phòng, Uyên nhìn ra ngoài và miêu tả với tổng đài là cô thấy cảnh sát đang cấp cứu cho Daniel, và cũng tới lúc đó cô mới thấy là Daniel đã bị bắn.

Người em của Daniel, người anh cả của Daniel (cư ngụ ở nhà khác) và ông Vinh Phạm mãi sau đó mới có mặt tại hiện trường.

Một bệnh nhân tâm thần

Qua lời kể của gia đình, Daniel Phạm bị bệnh tâm thần, mà theo Brian là có thể do dùng ma túy. Tuy Daniel đã bỏ ma túy được nhiều năm nay, nhưng bệnh tâm thần vẫn chưa chữa được.

Nhiều lần, gia đình gọi 9-1-1 để cảnh sát đưa Daniel đi bệnh viện, và đó là lý do gia đình cho rằng lẽ ra cảnh sát phải biết Daniel bị tâm thần. Ngược lại, cảnh sát cho rằng họ chỉ biết kẻ cầm dao tên Sơn chứ không biết là Daniel.

Theo lời Philip, nhiều lần, Daniel lên cơn bạo lực nhưng gia đình không muốn gọi cảnh sát hoài hoài, nên có khi tự giải quyết bằng cách trói Daniel lại.

Khi Uyên dọn đến ở trong nhà, cô được dặn là nếu ở nhà thì nhớ khóa cửa phòng. Không ai bảo cô Daniel bị tâm thần, mà gia đình giải thích là để đề phòng Daniel ăn cắp. Trong bốn phòng ngủ trong nhà, trừ phòng của Daniel ra, phòng nào cũng có két sắt.

Khi khám nhà, cảnh sát tìm thấy rất nhiều máu me, kể cả vết máu chạy từ phòng khách ra ngoài và qua tới nhà hàng xóm.

Trong nhà, cảnh sát cũng tìm thấy nhiều thuốc của Daniel. Theo những lọ thuốc này, Daniel đang uống thuốc Benztropine/Cogentine, một loại thuốc chữa bệnh bipolar disorder. Người bị bệnh này có tâm thần thay đổi giữa hai thái cực, có lúc thật kích động, hứng khởi, có lúc thật depressed, buồn bã, rầu rĩ.

Hồ sơ trong vụ án này được cộng đồng Việt Nam đòi hỏi phải công bố ngay từ đầu, nhưng phải tới nửa năm sau, thành phố mới chịu đưa ra công chúng.

Vào Tháng Mười, đại bồi thẩm đoàn quận hạt Santa Clara nhóm họp và quyết định không truy tố ai trong vụ này.