Home CĐ Việt Du Học Mỹ Đại Học Mỹ Không cần lấy bằng, chỉ cần chứng chỉ: Một cách học nhanh kiếm việc, tiến thân

Không cần lấy bằng, chỉ cần chứng chỉ: Một cách học nhanh kiếm việc, tiến thân PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Tâm (theo NYT)   
Thứ Hai, 11 Tháng 6 Năm 2012 20:47

Các chứng chỉ đặc biệt hữu dụng cho những người không có khả năng hay thời giờ để theo học chương trình đại học

Hiện đang có cuộc tranh luận sôi nổi là liệu mảnh bằng đại học có đáng với công sức và tiền bạc bỏ ra hay không, nhưng có một hướng đi khác cho người trẻ - hay nói chung ở tất cả mọi lứa tuổi - muốn tiến thân hay nhanh chóng kiếm việc là các chương trình đào tạo theo chứng chỉ (certificate programs), theo đó dạy cho học viên những khả năng nghề nghiệp cao hơn bậc trung học nhưng sẽ không dẫn đến bằng cán sự (associate degree) hay mảnh bằng cử nhân.

 

Sinh viên Evergreen Community College ở San Jose tập leo cột điện, trong chương trình huấn luyện của Pacific Gas & Electric. Một cách học nhanh để kiếm việc làm, thay vì lấy bằng 2 năm hay 4 năm, thì học lấy chứng chỉ của đúng ngành mình cần. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

 

Trong vài năm trở lại đây, những lớp học dạy theo chứng chỉ này đã phát triển mạnh mẽ, ở mọi ngành nghề, từ y tế và điện toán, cho đến thẩm mỹ, trang trí trong nhà và phụ tá pháp lý (paralegaling).

Một bản báo cáo vừa được Trung Tâm Giáo Dục và Lao Ðộng (Ceter on Education and the Workforce) tại đại học Georgetown University đưa ra về sự hữu dụng của các chứng chỉ này trong việc trợ giúp người học sinh trong thị trường lao động.

Cho một số người, các chứng chỉ này là sự lựa chọn tốt đẹp thay vì đi học đại học, gia tăng khả năng kiếm tiền hơn hẳn những người chỉ có bằng trung học. Mức lợi tức trung bình của những người này thường cao hơn khoảng 20% so với những người học hết bậc trung học rồi ngưng.

Nếu họ có được chứng chỉ trong những lãnh vực họ đang làm việc, mức lương trung bình của họ chỉ kém khoảng 4% so với lương trung bình của những người có bằng cán sự.

“Chúng ta đang hình thành một khuôn mẫu kiểu Mỹ dựa theo hệ thống Âu Châu” trong lãnh vực huấn nghệ, theo lời ông Anthony P. Carnevale, giám đốc Trung Tâm Center on Education and the Workforce. Ông Carnevale nói rằng các chứng chỉ này cũng giống như chứng chỉ tập sự (apprenticeships) ở Ðức.

Các chứng chỉ đặc biệt hữu dụng cho những người không có khả năng hay thời giờ để theo học chương trình đại học.

Bản báo cáo, dựa trên các dữ kiện của Thống Kê Bộ Lao Ðộng và cuộc thăm dò về lợi tức, do Cơ Quan Kiểm Kê Dân Số điều hành, cho thấy những người có chứng chỉ cũng có được số lương trung bình như những người từng lấy qua một số lớp ở đại học.

 Tuy nhiên, khả năng đọc hiểu của những người này, dựa trên cuộc thi khảo sát toàn quốc National Assessment of Adult Literacy, lại thấp hơn mức trung bình của người đi học đại học chừng vài điểm.

Ông Carnevale cho rằng các chương trình cấp chứng chỉ cho người học có được sự chú trọng vào huấn nghệ theo đó giúp những người bị đuối khi theo đuổi chương trình đại học “có được khả năng để kiếm được việc với mức lương trên mức mà bình thường ra họ sẽ có dựa trên thành quả học vấn.”

Tuy nhiên, chương trình học chứng chỉ lại chỉ cho các kết quả trung trung trong một số lãnh vực nghề nghiệp và phái nữ thường ít hưởng lợi lộc từ cách học này.

Phái nam với chứng chỉ thường có được mức lương trung bình cao hơn khoảng 27% so với mức trung bình của người chỉ có bằng trung học. Nhưng phái nữ chỉ hơn được khoảng 16%.

“Lời khuyên của chúng tôi cho phái nữ là ráng lấy cao hơn trình độ chứng chỉ,” theo lời ông Carnevale.

Một trong những lý do có thể giải thích hiện tượng này là phái nữ thường theo học chứng chỉ cho những ngành nghề trả lương thấp. Họ thường chọn các ngành như y tế và trang điểm, thẩm mỹ và không khác hơn gì những phụ nữ chỉ có bằng trung học.

Có lẽ điều đáng chú ý hơn cả là dữ kiện có tới 77% các chứng chỉ ngành y tế và thẩm mỹ (như hớt tóc) thường do các trường tư thục cấp phát, với phí tổn trung bình lên tới khoảng $20,000.

Ông Carnevale nói rằng dữ kiện này cho thấy luật lệ buộc các trường tư thục dạy kiếm lời (for-profit schools) phải chuẩn bị cho người học viên khi tốt nghiệp có được việc làm “trả lương xứng đáng” (gainful employment) để có thể trả nợ tiền học là “điều cần thiết chứ không chỉ là ý kiến hay.”