Home CĐ Việt Du Học Mỹ Đại Học Mỹ Hết rồi cái thời ra trường Luật là hái job thơm

Hết rồi cái thời ra trường Luật là hái job thơm PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Tâm (theo US News)   
Thứ Hai, 12 Tháng 12 Năm 2011 14:30

Có việc làm hay không vẫn tùy thuộc ở người sinh viên

Nhiều trường Luật ở Mỹ, trong hoàn cảnh kinh tế ngày nay, đã phải nói rõ với các sinh viên ngành này rằng nhà trường không có nhiệm vụ kiếm việc làm cho họ, nhưng phía sinh viên lại có vẻ không đồng ý với điều đó.

 
Hình minh họa. (Hình: Valerie Mosley/Columbia Missourian/University of Missouri)

 
Một email từ giới chức văn phòng trợ giúp tìm việc làm ở trường Luật thuộc đại học University of Mississippi gửi ra mới đây, liên quan đến việc đòi các sinh viên Luật phải cung cấp dữ kiện làm việc mùa Hè của họ, đã tạo câu hỏi rằng liệu sinh viên các trường Luật có trông đợi quá nhiều vào sự giúp đỡ của văn phòng cố vấn việc làm hay không.
 
Trong email này, được trang blog “Above The Law” trích lại, cho thấy giới chức nhà trường than phiền rằng một số sinh viên đang cùng nhau không cung cấp các tin tức về công việc Hè của họ cho nhà trường và có sự suy nghĩ sai lầm về nhiệm vụ của văn phòng cố vấn việc làm là “để tìm công việc cho sinh viên.”
 
Staci Zaretsky, phụ tá chủ biên ở trang Above The Law, nói rằng sinh viên Luật tại trường đại học University of Mississippi cũng như các trường khác đều có quan niệm khác hẳn với viên chức nêu trên.
 
“Tôi nghĩ trong thời điểm hiện nay, nhất là vì thị trường việc làm cho sinh viên Luật mới ra trường đang yếu kém, các sinh viên thực sự trông đợi giới chức văn phòng cố vấn việc làm kiếm được việc cho họ,” theo cô Staci. “Nếu không được như vậy thì họ cũng mong là ít ra các văn phòng này cũng cho biết được là tổ hợp luật nào đang cần người để đến nộp đơn.”
 
Một sinh viên ở đại học University of Mississippi, còn được gọi là Ole Miss, có vẻ bênh vực nhà trường khi nói rằng: “Tôi nghĩ một số sinh viên chờ đợi là tự nhiên sẽ có một email từ văn phòng cố vấn việc làm gửi đến nói rằng, 'Hãy đến tổ hợp XYX ngày Thứ Hai này. Chúng tôi vừa kiếm được việc cho bạn.'”
 
Brian Hoffman, sinh viên Luật năm thứ ba tại trường Luật Carey School of Law thuộc đại học University of Maryland, công nhận rằng khi với vào học anh vẫn có ý nghĩ rằng Văn Phòng Phát Triển Việc Làm của trường sẽ giúp anh kiếm được việc. Nay, anh cho biết đã nhận ra rằng công việc làm không phải tự nó đến với các sinh viên Luật.
 
Giới chức ở các trường Luật đồng ý rằng chính người sinh viên phải tích cực đi kiếm việc. “Không một trường Luật hay văn phòng cố vấn nào có thể bảo đảm với người sinh viên là sẽ có việc ở một nhóm nào hay ở mức lương nào,” theo lời Markeisha Miner, phó khoa trưởng ở trường Luật Mercy School of Law thuộc University of Detroit.
 
Bà Miner cho hay vai trò của bà là giúp sinh viên nhận ra mục tiêu của họ, biết về tình trạng thực sự của thị trường việc làm, và giúp họ đi xin việc. “Thành công không chỉ đo lường bằng con số kiếm được việc làm sau khi ra trường, mà còn ở chỗ sinh viên kiếm được loại việc làm trong ngành nghề mà họ thực sự ưa thích,” bà cho hay.
 
Theo lời Kasey Phillips, giám đốc đặc trách thu nhận sinh viên tại trường Luật St. Francis School of Law, một trường online ở khu vực San Francisco, nói rằng nhiều sinh viên có suy nghĩ sai lầm rằng nhiệm vụ của văn phòng tư vấn việc làm nhà trường là phải kiếm được việc cho họ ngay khi ra trường.
 
“Nhiệm vụ lớn nhất của văn phòng này là giúp cho sinh viên có được một sự nghiệp, không chỉ là một công việc nhất thời,” bà nói.
 
“Các sinh viên cần phải nhận ra rằng các nhân viên văn phòng cố vấn ở trường Luật không phải là các ảo thuật gia,” bà cho hay.
 
Adam Ribock, chủ tịch hội sinh viên trường Luật ở Ole Miss, lại cho rằng phần lớn sinh viên hiểu rõ nhiệm vụ của văn phòng cố vấn.
 
“Tôi nghĩ những sinh viên than phiền về văn phòng cố vấn với các cơ quan truyền thông như Above The Law có sự trông đợi khác với phần lớn các sinh viên trường Luật,” anh cho hay.

“Phần lớn sinh viên Luật hiểu rằng văn phòng sẽ hỗ trợ và giúp họ đi kiếm việc, nhưng có việc làm hay không vẫn tùy thuộc ở người sinh viên.”