Home CĐ Việt Du Học Mỹ Đại Học Mỹ Ít lời khuyên cho các bố mẹ có con chuẩn bị lên đại học

Ít lời khuyên cho các bố mẹ có con chuẩn bị lên đại học PDF Print E-mail
Tác Giả: Hạo Vũ   
Thứ Sáu, 08 Tháng 7 Năm 2011 13:55

 Tất cả mọi thiếu niên đến ngày sinh nhật 18 tuổi đều nghĩ mình đã trưởng thành về mọi mặt

Nếu quí vị có con đang chuẩn bị xếp quần áo để lên đại học và có thể sống xa gia đình, quí vị có cảm tưởng là ở hoàn cảnh chuyển một người con đang tùy thuộc vào cha mẹ đủ mọi thứ thành một sinh viên tự lập.

 Tất cả mọi thiếu niên đến ngày sinh nhật 18 tuổi đều nghĩ mình đã trưởng thành về mọi mặt, dù các bậc cha mẹ đều nghĩ hành trình trở nên trưởng thành rất dài. Dù sao, bước chân ra khỏi nhà lên đại học là bước quan trọng đầu tiên của hành trình đó. Các ông bố bà mẹ không ít người băn khoăn làm sao giúp con mình tốt nhất.

 Tài chính

 Chuẩn bị cho con mình vững vàng về mặt tài chính sau này khởi đi từ những bài học đầu tiên về tinh thần trách nhiệm khi sử dụng tiền bạc.

Chuyên viên tư vấn của trường Ðại Học Y Khoa New York khuyên nên giúp con của quí vị mở các trương mục tiết kiệm và vãng lai ở ngân hàng. Sự chi tiêu chỉ nằm trong giới hạn tiền bạc mà mình có mỗi tháng, đồng thời phải biết cân bằng sổ sách chi thu.

Mỗi tháng, nhìn vào bảng chi thu, con của quí vị từ từ học được kỹ thuật giải quyết bài toán tài chính gia đình sao cho hợp lý để đừng xảy ra tình trạng “bóc ngắn cắn dài” với các hệ quả nhiều khi không lường được, sau này khi ra đời.

 Sự ngăn nắp

 Lên đại học là một bước “nhảy vọt.” Tất cả mọi thứ cho chuyến đi này cần được tổ chức một cách gọn ghẽ, hoàn tất từng bước một.

Nên sử dụng một quyển lịch, đánh dấu những ngày cần phải làm xong việc gì. Một danh sách những việc phải làm, những gì cần mua, không thể sót một thứ nào.

Dĩ nhiên, hạn chót phải nạp đơn ở các trường đại học, hồ sơ đòi hỏi những gì, đơn xin học bổng hay trợ giúp tài chính từ chính phủ, các cơ quan hay tổ chức, các trường. Rồi cũng phải xin trường cho ở nội trú và phải biết họ dặn dò những gì qua các tài liệu hướng dẫn cũng như sẽ phải tham dự các buổi hướng dẫn khi vừa bước đến trường chuẩn bị niên học.

Theo các chuyên viên tham vấn giáo dục, cha mẹ chỉ nên hướng dẫn, cho ý kiến chứ đừng làm tất cả những việc đó thay cho con. Bởi con của quí vị cần có các khả năng tự tổ chức lấy đời sống, tự quyết định lấy mọi việc cho mình khi ở một mình trong trường. Không có ai gọi dậy buổi sáng thúc đi học, không có ai gọi ăn cơm, không có ai la rầy khi không học bài, làm bài. Người trẻ tuổi phải có ý chí tự lập để vươn lên cao hơn với kiến thức do nhà trường cung cấp.

 Ðộc lập

 Chắc chắn, các người trẻ tuổi, dù trai hay gái, cảm thấy rất háo hức trước sự độc lập mà mình sắp trải nghiệm khi xách quần áo ra khỏi nhà. Nhưng không phải vì thế mà cha mẹ coi như xong phận sự, nuôi con từ lúc lọt lòng cho tới khi nó lên đại học là hết.

Hãy giữ sự liên lạc thường xuyên. Các lời thăm hỏi sức khỏe, việc học, khuyến khích và các lời tư vấn cho các quyết định hướng về tương lai của con cái, không thể thiếu sót.

Dĩ nhiên, không ít người con phản đối ý kiến của cha mẹ khi nó chỉ muốn học nhạc trong khi cha mẹ chỉ muốn nó trở thành bác sĩ. Các sự khác biệt ý kiến như vậy không hiếm xảy ra trong các gia đình Việt Nam.

Một bản thi trắc nghiệm khả năng và khuynh hướng có thể là một kim chỉ nam tốt để cho người trẻ tuổi lựa chọn ngành học cũng như bậc cha mẹ hiểu khả năng và khuynh hướng của con mình.

Tương tự như vậy, khi con cái muốn theo học ở một tiểu bang xa, thay vì học ở trường gần nhà cho đỡ tốn kém, nên lập một bảng so sánh những lý do nên và không nên giữa các sự lựa chọn rồi đi đến một kết luận.

Nhiều khi, cha mẹ quyết định vì là người chịu trách nhiệm tài chính, nhưng tiến trình lựa chọn phải cho con cái tham dự và có ý kiến.

 Căng thẳng tinh thần

 Có con lên đại học không phải chỉ là sự căng thẳng tinh thần cho cha mẹ, mà cả các cô cậu nhỏ cũng vậy chứ không kém.

Theo một bài viết của FamilyEducation.com, nói cho con cái của quí vị biết là sự căng thẳng tinh thần trong tiến trình lên đại học là điều bình thường vì phải chuẩn bị mọi mặt. Ðừng quá sợ hãi, lo âu khi phải ra khỏi vòng tay cha mẹ.

Về phần cha mẹ, nên theo dõi để xem con quí vị có những dấu hiệu bất thường trong cử chỉ và hành động không. Hãy nói cho chúng biết rằng cần phải bình tĩnh giải quyết mọi thứ và tất cả sẽ êm chứ chẳng có gì phải quá lo âu.

 An toàn

 Cần có các lời khuyên đối với các cô cậu mới lớn, mới có đôi chút tự do, về vấn đề an toàn. Khuyến cáo chúng nên dự các buổi họp về an ninh, an toàn ở trong trường cũng như các khu nội trú. Các biện pháp bảo vệ mình khi trở thành một người độc lập trẻ tuổi là những điều cần phải học hỏi, không thể lơ là.