Vài khó khăn sinh viên thường gặp phải Print
Tác Giả: Lê Tâm   
Thứ Ba, 15 Tháng 3 Năm 2011 19:47

Ðời sống đại học cũng nhiều ngăn trở và đủ mọi vấn đề.

Thời gian ở đại học, nhất là trong bốn năm đầu tiên, nhiều phần sẽ lưu lại cho bạn những kỷ niệm đáng nhớ cho cả cuộc đời. Nhưng điều đó không có nghĩa là lúc nào bạn cũng có thể vui tươi, thoải mái. Ðời sống đại học cũng nhiều ngăn trở và đủ mọi vấn đề.

  Và tuy không phải hoàn cảnh ai cũng giống ai, có một số điều mà hầu như tất cả mọi sinh viên sẽ có lúc phải đối diện trong thời gian đi học.

 Nỗ lực học hành

Hình Minh họa

 Học đại học chẳng phải là điều dễ dàng. Nhiều học sinh rất giỏi giang khi còn ở trung học nhưng lại vấp ngã khi lên đại học, cũng do nhiều lý do, nhưng một phần cũng vì không biết cách học.

 Ðiều đầu tiên là đại học đòi hỏi sự cố gắng nhiều hơn là khi còn ở trung học, và tùy theo trường, sự tranh đua cũng tăng nhiều hơn gấp bội. Nhiều sinh viên lấy trọn 15 tín chỉ (credits) mỗi khóa học. Nhưng cũng có những sinh viên lấy 18 hay 21 tín chỉ, để rồi phải hối hận vì không biết tự lượng sức mình.

Nói chung, các bạn sinh viên cần phải biết đâu là giới hạn của mình.

 Nếu không thể học 18 tín chỉ mỗi khóa, thì hãy từ từ lấy 12, 15 tín chỉ mà thôi, bạn sẽ thấy thoải mái và dễ dàng có điểm cao hơn. Hơn nữa, tuy mục đích chính của việc đi học đại học là... học hành và gia tăng trình độ giáo dục của một cá nhân, điều này không có nghĩa là bạn phải cắm đầu cắm cổ học hành vào mọi lúc.

Bạn cũng phải biết cho mình chút thời giờ để tìm niềm vui bên ngoài lớp học và nghỉ ngơi để có đầu óc sáng suốt, minh mẫn.

 Tài chánh

 Ðây là một vấn đề có thể nói hầu hết sinh viên đều có lúc phải đối diện, kể cả những bạn có học bổng toàn phần chăng nữa.

Tiền học có thể tăng bất ngờ, cho dù bạn đi học trường công. Những gì nhìn thấy ở California hay các tiểu bang khác năm qua cho thấy rõ điều này.

Bên cạnh đó là tiền sách vở, ăn, ở, xe cộ, xăng nhớt, đi ăn tiệm, đi chơi với bạn, mua những món đồ cần thiết cho cá nhân... rồi thêm vào đó là những món tiền lớn và cũng rất bất ngờ như tiền sửa xe, hay tiền... bị phạt khi lái xe, có thể lên đến $500, $600 một cách dễ dàng.

 Nhiều sinh viên phải bỏ học giữa chừng mỗi năm vì không có khả năng tài chánh để tiếp tục học hành. Những người khác phải kiếm việc làm thêm và việc tốt nghiệp đại học mà không phải thiếu nợ tiền học là điều coi như rất hiếm thấy ngày nay.

Cách đối phó hữu hiệu nhất cho vấn đề này là phải chuẩn bị từ đầu. Hãy dành thời giờ tìm hiểu về các nguồn trợ giúp tài chánh, và biết đến phòng Financial Aid trong trường để họ giúp đỡ, cố vấn.

 Bạn phải có sự kỷ luật cho chính mình trong vấn đề chi tiêu, một điều khó khăn với mọi người chứ không chỉ riêng với các bạn trẻ. Và nên nhớ, có những chi phí đến một cách gián tiếp, như bị phạt khi lái xe chẳng hạn, để bạn phải biết cẩn thận trong mọi lúc.

 Kiếm việc làm thêm

 Ðể có thêm tài chánh hầu tiếp tục việc học, nhiều sinh viên phải kiếm việc làm thêm. Và chuyện vừa đi học mấy lớp vừa phải đi làm, lại có khi tham gia bộ môn thể thao hay sinh hoạt hội đoàn nữa, là điều không phải dễ dàng.

Nhiều bạn sinh viên phạm lỗi lầm là tìm cách nhồi nhét những điều này vào chương trình hàng ngày của mình, dẫn đến việc không đủ thời gian ngủ, nghỉ ngơi. Và nếu không nghỉ ngơi đúng mức, bạn dễ gặp đủ các vấn đề sức khỏe. Bạn phải biết đặt ra ưu tiên cho mình và sau đó sắp xếp thời khóa biểu việc học, việc làm, nghỉ ngơi, giải trí... sao cho hợp lý.

Nếu phải kiếm việc làm, tốt nhất là hãy nhắm vào những công việc gần, trong khuôn viên nhà trường hay tốt nhất là làm cho trường.

Số tiền kiếm được có thể không nhiều như những việc khác ở xa, nhưng bù lại bạn không mất thời giờ di chuyển và không phải quá lo lắng. Nên nhớ, mục tiêu của bạn là kiếm ‘đủ’ tiền để đi học, chứ không phải kiếm tiền cho những điều mong muốn khác.

 Cô đơn/nhớ nhà

 Ðây là điều cũng thấy ở nhiều sinh viên, cả nam lẫn nữ. Người sinh viên nào cũng sẽ có lúc cảm thấy cô đơn hoặc nhớ nhà.

Ðiều này thấy nhiều hơn ở các sinh viên đi học cách nhà đến mấy giờ đồng hồ hoặc có khi cách cả một đại dương. Nỗi nhớ nhà cũng ảnh hưởng nhiều đến sinh viên năm đầu vì đây là thời gian đầu tiên xa nhà mà thường không có phương tiện di chuyển riêng của mình.

Tham dự vào các sinh hoạt trong trường, với các nhóm bạn, với cộng đồng nơi mình đang theo học... là những cách hiệu quả để giúp bạn bớt nhớ nhà hoặc không cảm thấy cô đơn. Dĩ nhiên là gửi email, gọi điện thoại, viết thư hay về thăm nhà vài tuần một lần (nếu không ở quá xa) là điều bạn có thể làm. Và việc thăm hỏi liên lạc tốt nhất là nên đến từ hai phía chứ không chỉ ở phía gia đình hoặc từ người sinh viên mà thôi.

 Trầm cảm

Ðôi khi sự lo lắng, các khó khăn ở trường khiến người sinh viên đi đến tình trạng buồn rầu quá mức và biến thành trầm cảm (depression). Có người giải quyết bằng cách tham dự sinh hoạt nhóm bạn, tiệc tùng, hay dùng rượu, ma túy-những cách thức thường không giúp gì mà còn tạo thêm vấn đề về sức khỏe và tinh thần.

Nếu áp lực đời sống ở trường quá nặng nề, bạn hãy mạnh dạn tìm kiếm sự giúp đỡ. Hầu như trường đại học nào cũng có những chương trình tư vấn giúp sinh viên có trở ngại về tinh thần.

Ðầu tiên là bạn phải tự mình nhận ra rằng mình có vấn đề phải được giải quyết và đi tìm sự trợ giúp mà không có gì phải xấu hổ, giấu giếm. Ðiều này cũng áp dụng với các vấn đề khác trong đời sống bạn như mê say cờ bạc, nghiện rượu, ma túy.

 Bè bạn

 Bạn học hay bạn cùng phòng ở đại học thường là những người sẽ trở thành bạn lâu năm trong suốt đời bạn sau này vì cùng chia sẻ những thời gian đẹp nhất của thời tuổi trẻ. Nhưng cũng có trường hợp bạn gặp phải những người “chịu không nổi”, nhất là khi người đó lại là bạn cùng phòng với mình.

Khi gặp hoàn cảnh đó, bạn nên bình tĩnh giải quyết. Trước hết là nhẹ nhàng nói với nhau để có sự giải quyết yêm thắm. Nếu không được, bạn nên có giải pháp thay đổi rốt ráo như dời sang phòng khác hay yêu cầu đổi một bạn roomate khác. Dĩ nhiên là điều này sẽ liên hệ đến người có trách nhiệm trong dorm bạn sống (nếu ở trong trường) hay chủ nhà. Bạn nên trình bày rõ ràng vấn đề để tránh các phiền phức khác có thể xảy ra sau này.

Nên nhớ, bạn đến trường là để đi học, do đó chớ để những lo ngại, bực bội liên quan đến người khác cản trở việc học hành của bạn. Thái độ này cũng có thể áp dụng với các mối quan hệ tình cảm của thời sinh viên.

Bạn phải tự mình nhận định đâu là ưu tiên chính của đời sống trong giai đoạn này mà có cách hành xử đúng.