Home CĐ Việt Du Học Mỹ Đại Học Mỹ Tệ nạn uống rượu say xỉn tại đại học

Tệ nạn uống rượu say xỉn tại đại học PDF Print E-mail
Tác Giả: Vann Phan   
Thứ Ba, 18 Tháng 1 Năm 2011 12:54

Tại Hoa Kỳ, những người nào dưới 21 tuổi mà uống rượu là bất hợp pháp

Uống rượu say xỉn tại đại học nằm trong bản danh sách dài những rủi ro và hiểm nguy mà các bạn trẻ, dù ít, dù nhiều, phải trải qua trong cuộc đời sinh viên, nhất là những ai trót mang tính ham vui giữa khi cuộc đời còn đang nhuốm toàn màu hồng dưới những tàng cây râm mát nơi khuôn viên đại học êm đềm.

 Hình minh họa. (Hình: Miguel Villagran/Getty Images)

  Thế nào là uống rượu say xỉn tại đại học?

Tại Hoa Kỳ, những người nào dưới 21 tuổi mà uống rượu là bất hợp pháp.

Trên khía cạnh sức khỏe, đây cũng là chuyện không nên làm, bởi vì bộ não của con người vào thời điểm này trong cuộc đời vẫn còn đang trên đà hình thành và phát triển.

Một khi bạn đã được 21 tuổi, chuyện uống một vài chung rượu với bạn bè là chuyện hợp pháp và không ai cấm đoán cả. Uống rượu xã giao, trong hầu hết mọi trường hợp, là một chọn lựa thích hợp cho các sinh viên đại học mà phần lớn đều đạt đến tuổi 21 lúc vẫn còn chưa ra trường.

Về mặt kỹ thuật, uống rượu say xỉn được định nghĩa là uống vào một nồng độ rượu trên mức 0.08 trong cơ thể. Ðây được coi là tương đương với 4 cốc (cỡ 14 gam) rượu cho phụ nữ và 5 cốc rượu cho đàn ông trong khoảng thời gian hai tiếng đồng hồ.

 Nói rộng ra, uống rượu say xỉn là uống vào một số lượng rượu quá độ trong một khoảng thời gian ngắn dẫn tới những hậu quả tai hại cho sức khỏe và giao tế xã hội.

Những tác hại của uống rượu say xỉn

Có hai loại tác hại liên quan tới chuyện uống rượu say xỉn tại đại học. Nếu gộp chung lại, hai loại tác hại này thật đang phải giật mình.

Hậu quả thể chất:

- Dễ gặp tai nạn gây thương tích:

Sau khi uống rượu nhiều quá, con người bị mất đi sự thăng bằng trong cơ thể và khả năng phán đoán. Té ngã, bị phỏng hoặc chết đuối có thể xảy ra sau khi uống quá nhiều rượu. Nếu đã say rồi mà bạn còn lái xe thì tai nạn xe cộ rất dễ xảy tới. Các con số thống kê tại Mỹ cho thấy những rủi ro này và các thương tích liên quan tới tình trạng say xỉn đã sát hại chừng 1,7000 sinh viên đại học mỗi năm.

- Hứng chịu các tổn hại khác:

Vì chất rượu đã làm hư hại khả năng phán đoán, tình trạng say xỉn cũng dẫn tới cảm giác chán nản hoặc có khuynh hướng muốn tự tử. Uống rượu say xỉn có thể làm gia tăng các vụ tấn công tình dục hoặc bạo hành đối với cả những người thân quen.

Trên thực tế, cứ bốn nữ sinh đại học bị tấn công tình dục thì có ba nữ sinh vào lúc đó đã ở trong tình huống “chất ngất cơn say.”

- Bị nhiễm độc vì rượu:

Rõ ràng là uống rượu nhiều quá thì không tốt cho cơ thể. Uống vào nhiều rượu quá có thể dẫn tới hậu quả tai hại cho cơ thể, có khi chết người. Chất rượu có thể làm cho não mất hết ốc-xy khiến cho bộ phận có nhiệm vụ điều khiển nhịp thở ngưng hoạt động, dẫn tới tử vong. Mỗi năm, có tới 30,000 sinh viên đại học phải nằm nhà thương vì hậu quả của tình trạng uống quá nhiều rượu.

- Ói mửa hoặc đau dạ dày và đường ruột:

Ói mửa nhiều làm mệt người. Ðau dạ dày và đường ruột dần dà có thể biến thành loét bao tử và ung thư ruột già.

- Nhiễm bệnh tình dục hoặc thụ thai ngoài ý muốn:

Theo kết quả Cuộc Thăm Dò Của Trường Y Tế Công Cộng Ðại Học Harvard Năm 1999, khoảng 100,000 sinh viên trong lứa tuổi từ 18 tới 24 đã làm tình trong lúc đang say xỉn nên không biết lúc đó mình có thuận tình với người ta hay không nữa.

Ngoài ra, khi bị say xỉn, thật khó mà nghĩ tới chuyện thực hành phương pháp làm tình an toàn, tức là còn đủ trí nhớ mà dùng tới bọc cao su.

- Lãnh hậu quả tai hại cho tim mạch: Bị trụy tim hoặc bị cao máu.

- Mắc bệnh về gan: Như bệnh xơ gan, có mỡ trong gan hoặc ung thư gan.

- Bị rối loạn hệ thần kinh: Như loạn trí, học không vào, hoặc không tập trung chú ý được.

Hậu quả xã hội và tình cảm:

Những hậu quả xã hội và tình cảm do tình trạng say xỉn tại đại học gây ra có thể cũng tác hại như hậu quả về thể chất vậy.

Tỷ dụ, một tai nạn xe cộ xảy ra vì say rượu sẽ dẫn tới những rắc rối về luật pháp. Nếu có ai đó bị thương tật trong tai nạn, người gây ra tai nạn sẽ mang mặc cảm tội lỗi và xấu hổ vì việc đó. Hậu quả tình cảm của một vụ tấn công tình dục có thể đeo đuổi con người suốt đời, cho dù có kẻ bảo rằng lúc đó thì “rượu làm chứ cơ thể đâu có làm.”

 Những kẻ bị tấn công tình dục sẽ phải chịu đựng một chuỗi dài những vấn đề liên quan tới tâm sự thầm kín, niềm tự ti mặc cảm và nỗi thất vọng, chán chường. Một hậu quả ít trầm trọng hơn nhưng vẫn tai hại là việc học hành có thể bị gián đoạn vì những hậu quả rắc rối do rượu gây ra.

 Một cơn say dai dẳng (hangover) có thể kéo dài tới hai ba ngày sau cuộc rượu, nhưng những vết thương lòng do rượu gây ra cho con người thì biết đến bao giờ mới nhạt phai đây?

Những người thân quen của kẻ uống rượu say xỉn cũng cảm nhận hậu quả không tốt của cơn say.

Tại những trường có tỉ lệ người say xỉn cao, sinh viên ít khi cảm thấy hãnh diện khi đọc các số thống kê về “thành tích” này, bởi vì kèm theo đó là con số những kẻ bị sỉ nhục, bị chửi bới, bị xô đẩy, đấm đá, hoặc bị sách nhiễu, tấn công tình dục.

Những hành động như thế chẳng đóng góp gì vào việc xây dựng sinh hoạt lành mạnh cho học đường mà, ngược lại, còn gây trở ngại cho tiến trình hòa hợp giữa sinh viên thuộc mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc và mọi bối cảnh gia đình, mà nhờ một cơ duyên nào đó lại có dịp cùng nhau quần tụ dưới một mái trường.

(Theo suite101.com và teenhealth.about.com)