Bốn quan niệm sai lầm thường thấy về Financial Aid Print
Tác Giả: Lê Tâm   
Thứ Ba, 21 Tháng 12 Năm 2010 10:12

Mùa nộp đơn vào đại học cũng là thời gian phải điền các đơn xin trợ giúp tài chánh (financial aid).

 Sự hiểu biết rõ ràng về quyền lợi của mình sẽ giúp cho người học sinh và bậc phụ huynh dễ dàng hơn trong việc chọn lựa trường và giảm thiểu chi phí.

 Dưới đây là bốn quan niệm sai lầm thường thấy nhất về Financial Aid.

 Sai lầm 1: Cha mẹ có quá nhiều tiền, con không đủ điều kiện financial aid

Bạn chớ nên tự động loại mình ra khỏi sự trợ giúp dành cho những người có nhu cầu. Lợi tức của gia đình chỉ là một phần của sự tính toán số tiền được trợ giúp.

Ðiều khác cũng quan trọng là chi phí của trường bạn sẽ vào học. Thí dụ, một số gia đình có thể không đủ tiêu chuẩn để nhận financial aid tại các trường đại học của tiểu bang có chi phí tối thiểu, nhưng nếu ghi danh đi học ở một trường danh tiếng khác thì tình hình sẽ khác hơn.

Một thí dụ điển hình là tại Princeton University, gia đình có lợi tức từ $160,000 đến $180,000 vẫn có thể được hưởng sự trợ giúp financial aid trung bình vào khoảng $26,450 cho niên khóa này.

Ở một số trang web như College Board hay TuitionCoach, bạn có thể dùng “financial aid calculator” để tính xem gia đình mình phải đóng góp bao nhiêu vào chi phí học hành.

Sai lầm 2: Cha mẹ có nhà, con không được cấp financial aid

Phần lớn các đại học không cần biết là cha mẹ sinh viên có làm chủ căn nhà hay không và nếu có cũng sẽ không kể tiền có từ căn nhà (equity) vào việc tính số financial aid. Ðó là vì hầu như mọi trường đều căn cứ vào hồ sơ liên bang, có tên Free Application for Federal Student Aid (FAFSA), vốn không hỏi là cha mẹ có làm chủ căn nhà hay không.

Các đại học dùng thêm mẫu đơn phụ thuộc khác, mẫu CSS/Financial Aid PROFILE, sẽ hỏi về equity của căn nhà. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, các trường đó cũng thường giới hạn số tiền equity khi ước lượng khả năng đóng góp của gia đình.

Sai lầm 3: Cha mẹ để dành quá nhiều tiền cho con học đại học

Nhiều bậc cha mẹ lo lắng chắt chiu để dành tiền khi các đứa con còn nhỏ để lớn lên chúng có tiền vào đại học. Nhưng khi chúng đến tuổi vào đại học lại lo lắng cho rằng mình sẽ bị “trừng phạt” vì để dành quá nhiều tiền và những gia đình không để dành đồng nào lại hưởng hết tất cả sự trợ giúp.

Các gia đình để dành tiền cho con đi học đại học rất hiếm khi bị thiệt thòi trong việc xin financial aid. Theo các ước tính, có chưa tới 4% các gia đình làm đơn bị phạt vì có quá nhiều tiền trong trương mục tiết kiệm.

Có hai lý do chính cho việc này. Ðó là các đại học không cần biết bạn để dành bao nhiêu cho việc nghỉ hưu. Ðơn Free Application for Federal Student Aid (FAFSA) không hỏi gì về quỹ hưu của bạn. Các đại học tư, dùng loại đơn CSS/Financial Aid PROFILE cũng không phạt các bậc cha mẹ vì số tiền họ có trong quỹ tiết kiệm hưu trí.

Ngoài ra, công thức tính toán số tiền phụ huynh phải đóng góp vào chi phí học của mẫu FAFSA cũng loại ra ngoài một số lớn tiền không nằm trong trương mục hưu trí, tùy theo hạn tuổi của phụ huynh. Thí dụ, ở tuổi 45, số tiền gọi là ‘parent asset allowance’ có thể lên tới $46,600 và ở tuổi 65 trở lên, số tiền này là $80,300.

Sai lầm 4: Làm đơn financial aid không có lợi gì

Trừ phi bạn coi mình là ‘quá giàu’ đại đa số các gia đình sẽ cần phải hoàn tất hồ sơ financial aid. Nếu không có hồ sơ này, người sinh viên sẽ không có hy vọng gì nhận được sự trợ giúp tài chánh theo nhu cầu (need-based aid).

Hồ sơ FAFSA sẽ có bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 cho niên khóa 2011-2012. Việc hoàn tất đơn này không tốn nhiều thời giờ nếu bạn thu thập mọi giấy tờ cần thiết trước khi khởi sự.

Ðơn FAFSA miễn phí nhưng cho đơn PROFILE bạn sẽ phải trả $25 cho hồ sơ đầu tiên và các hồ sơ cho mỗi trường sau đó sẽ là $16. Một số gia đình có lợi tức thấp có thể được miễn trả lệ phí này.

(Theo 'The College Solution')