Phụ nữ học cao Print
Tác Giả: Việt Hà, phóng viên RFA   
Thứ Tư, 08 Tháng 12 Năm 2010 09:49

Báo cáo mới nhất của Hội đồng Cao học Mỹ cho thấy tỷ lệ nữ giới lấy bằng tiến sĩ tại Mỹ trong niên khóa 2008 – 2009 cao hơn nam giới.

 
Hội trưởng Hội thanh niên Pháp Jeannette Bougrab (P) và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên Luc Chatel đến cung điện Elysee tại Paris hôm 17 tháng 11 năm 2010  / AFP photo

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, số nữ đậu tiến sĩ đông hơn nam giới.

Trong khi đó vai trò của phụ nữ bất kể tại Mỹ hay quốc gia nào trên thế giới cũng vẫn luôn được gắn liền với gia đình nhiều hơn là việc học hành cao và công việc xã hội.

Vậy hiện tượng vừa xảy ra tại Mỹ đó nói lên điều gì? Những người phụ nữ theo đuổi việc học hành lên cao như vậy có mong muốn gì? Tạp chí Phụ nữ tuần này sẽ đề cập đến những vấn đề này.

Xu hướng mới

Báo cáo trong năm nay của Hội đồng Cao học Mỹ về tỷ lệ nữ giới nhận bằng tiến sĩ trong niên khóa 2008 – 2009 đã thu hút được sự chú ý của báo giới khắp nước Mỹ và dư luận.
 Lý do thật dễ hiểu bởi vì lần đầu tiên trong lịch sử, số nữ nhận bằng tiến sĩ cao hơn nam giới, chiếm đến 50,4%. Trong khi đó, tỷ lệ nữ giới nhận bằng cử nhân và cao học cũng chiếm thế áp đảo.

Báo cáo tổng kết khảo sát của 800 trường đại học Mỹ. Các ngành mà phụ nữ nhận bằng tiến sĩ cao nhất là y tế, chiếm 70%, quản lý công chiếm 61%, khoa học về hành vi và xã hội là 60%.

Ông Nathan Bell, Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phân tích chính sách của Hội đồng Cao học Mỹ cho biết:

"Chắc chắn đây là một xu hướng mà chúng tôi đã nhìn thấy từ trước, trong một vài năm trước đã có nhiều phụ nữ có được các bằng tiến sĩ và đến năm 2009, lần đầu tiên chúng ta thấy phần nhiều các bằng tiến sĩ tại các ngành là do phụ nữ nắm giữ.

Cho nên có thể nói là dựa vào các số liệu của chúng tôi và ở các nguồn khác, chúng ta có thể thấy được xu hướng này và kết quả là như vậy vào năm 2009, và sẽ tiếp tục vào năm 2010."

Ông Nathan BellTheo ông Nathan Bell, nguyên nhân một phần là do số phụ nữ có bằng thạc sĩ cao, trong khi đó nam giới bỏ học nhiều hơn nữ giới. Thậm chí suy thoái kinh tế cũng được coi là một trong các nguyên nhân khiến phụ nữ học cao hơn để có thể dễ dàng kiếm việc hơn và đóng góp thu nhập cho gia đình. Ông Nathan Bell tiếp:

"Một trong những lý do là vì số đông phụ nữ đã có bằng cử nhân và cao học. Để có được bằng tiến sĩ thì bạn cần phải có các bằng đó trước đã. Phụ nữ thường dễ dàng lấy được bằng cử nhân.

Tôi không phải là nhà xã hội học để phân tích và còn cần rất nhiều nghiên cứu để tìm hiểu thêm vấn đề này, nhưng nếu nhìn vào con số đăng ký vào học cao học và hơn nữa thì có thể thấy lý do cho xu hướng này.

Ví dụ như những người đàn ông thì thường phục vụ cho quân đội, rồi còn vấn đề về suy thoái kinh tế, và có nhiều nhân tố khác dẫn đến xu hướng này mà trước kia không có."

Điểm đáng chú ý trong báo cáo lần này là tỷ lệ nữ giới tốt nghiệp đại học nếu tính theo chủng tộc cũng cao hơn hẳn so với nam giới. Ông Nathan Bell nói tiếp:

 "Số liệu mà chúng tôi có trong báo cáo là đối với công dân Mỹ và những thường trú nhân dài hạn. Ví dụ, nhìn chung vào khoảng 59% học sinh tốt nghiệp đại học là phụ nữ. Nhưng nếu nhìn vào chủng tộc thì sẽ thấy có những điểm đáng chú ý, vì có đến 55% trong số họ là phụ nữ, 45% là nam giới."


 Một nhân viên của NXB Tri thức đọc sách tại văn phòng của họ tại Hà Nội hôm 31/8/2010. AFP photo

Với quan niệm từ lâu nay trên thế giới về vai trò quan trọng của người phụ nữ trong gia đình, việc số lượng nữ giới có học vị ngày một cũng đặt một câu hỏi về sự thay đổi trong quan điểm của những người phụ nữ về vai trò của họ trong gia đình và xã hội.

Chị Lê Thị Ngọc Hương, 27 tuổi, một nghiên cứu sinh học vị tiến sĩ hóa tại đại học Minnesota, Hoa Kỳ cho biết:

"Em cũng nghĩ, đấy là quan điểm về gia đình truyền thống ở Việt Nam, đó là người đàn ông mong mỏi rất nhiều ở người phụ nữ, gia đình này nọ, nhưng ở đây quan niệm gia đình rất thoải mái. Bạn bè của em học ở đây đã lập gia đình rồi mà vẫn có nhiều thời gian cho phòng thí nghiệm.
Đó là do quan điểm của họ hoặc là vợ chồng cùng chia sẻ công việc. Có thể không phải là 50/ 50 nhưng người chồng rất tự giác, chứ người ta không chỉ về nhà vắt chân xem tv, chờ vợ nấu ăn, nên em nghĩ quan niệm của người chồng rất quan trọng."

Bình đẳng giới

Chị Hương cho rằng, nếu xét về quan điểm truyền thống gia đình, việc chị học lên cao như vậy không phải là một lợi thế, nhưng nếu xét về tính tự lập, thì rõ ràng việc học lên cao có thể đảm bảo cho người phụ nữ sự độc lập cao hơn trong cuộc sống.

"Cũng tùy chị xem xét lợi thế của phụ nữ ở lĩnh vực nào. Nếu là một gia đình truyền thống thì đó là một nhược điểm chứ không phải là lợi thế. Còn nếu nói về tự lập thì đó là một lợi thế rất lớn vì một khi mình đã ra một môi trường lớn thế này thì tiếp cận nền khoa học này thì mình rất tự tin.

Sau này mình làm gì, ở đâu thì mình có thể tự lập được và không phải lệ thuộc một ai hết. Đó là điều lớn nhất mà em có được khi đi học thế này."

Theo ông Nathan Bell, việc học lên tiến sĩ đối với nữ giới có một số những khó khăn nhất định. Đó là để có được bằng tiến sĩ, thường mất khoảng từ 5 đến 7 năm và quyết định theo đuổi sự nghiệp này lại thường rơi vào giai đoạn lập gia đình và có con của người phụ nữ:

"Quyết định theo đuổi sự nghiệp này lại thường rơi vào giai đoạn người phụ nữ bắt đầu kết hôn, lo lập gia đình, và có rất nhiều sức ép lên họ."

Đó là chưa kể có một giai đoạn khá dài, người phụ nữ phải chịu các sức ép khá lớn từ các trường để có thể được nhận vào biên chế giảng dạy tại đại đại học.

Mặt khác hiện vẫn còn tồn tại chênh lệch lương giữa các giáo sư nữ và nam giới tại các trường đại học Mỹ. Theo Hiệp hội Giáo sư các trường đại học Mỹ, niên học 2009 – 2010, các giảng viên nam giới có mức lương trung bình là khoảng 87,000 đô la một năm. Trong khi đó, mức lương này ở nữ giới là khoảng 70,000 đô la một năm.

Cũng bởi những hạn chế như vừa nói, mà số nữ giới lấy bằng tiến sĩ ở các ngành khoa học kỹ thuật vẫn thấp hơn rất nhiều so với nam giới, mặc dù đã có những gia gia tăng đáng kể trong hơn một thập kỷ qua. Ông Nathan Bell nói:

"Nếu nhìn vào bức tranh rộng hơn thì mặc dù phụ nữ ngày nay đã nhận được bằng tiến sĩ ở khá nhiều ngành, nhưng nếu nhìn vào lĩnh vực công nghệ mới chỉ có 22% phụ nữ nhận bằng tiến sĩ. Ngược lại nếu nhìn vào lĩnh vực sức khỏe, họ chiếm đến 70%, cho nên rõ ràng là có sự khác biệt giữa các lĩnh vực.

  Các tân Thạc sĩ kinh tế 2010 trong buổi nhận bằng tốt nghiệp. Photo courtesy of ctct.ueh.edu.vn

Thực tế trong lĩnh vực công nghệ, mặc dù phụ nữ chỉ chiếm được 22% nhưng con số đó thực sự đã gấp đôi so với trước đây 20 năm. Con số đang tăng lên mặc dù phải mất một khoảng thời gian dài để thay đổi."

Chị Hương cho biết những học viên theo học lấy bằng tiến sĩ hóa như chị tại đại học Minnesota chủ yếu là nam giới mà thôi.

Tuy nhiên, theo chị vấn đề khó khăn không nằm ở chuyện gia đình, con cái hay sự kém năng lực của nữ giới mà nằm ở quan niệm xã hội. Chị giải thích:

"Em không nghĩ là nó khó, vì tụi em cũng ngang hàng với bạn nam, vấn đề là do nhìn nhận của xã hội vì phụ nữ trước đến giờ ít tự do hơn và cái đó cần phải thay đổi. Còn một khi đã học đến mức này thì không có gì khác biệt giữa nam và nữ hết."

Ông Nathan Bell cũng cho rằng hiện các rào cản ngăn trở người phụ nữ học lên tiến sĩ tại Mỹ cũng đang ngày một giảm bớt:

"Các trường đại học ngày nay đang đưa ra các chính sách để khuyến khích phụ nữ tham gia làm việc giảng dạy nghiên cứu trong trường hơn.
Ví dụ như chính sách đặt ra rằng bạn cần phải qua 10 năm liên tục thì mới được vào ngạch biên chế, thì bây giờ bạn có thể có con trong giai đoạn đó và sau đó tiếp tục cho nên điều này dễ phù hợp hơn.

Theo tôi thì những thay đổi trong các chính sách là hoàn toàn tích cực, tôi không thấy có những thay đổi tiêu cực trong đó cản trở người phụ nữ trong việc học tập cũng như làm việc trong môi trường nghiên cứu cao, sân chơi đã được san bằng cho cả nam lẫn nữ và vì vậy không có thách thức quá lớn nào trước mắt cho phụ nữ trong việc theo đuổi học hành lên cao hơn nữa."

Những tiến bộ về khoa học và kỹ thuật tại Mỹ cũng là một trong các nguyên nhân và lợi thế khuyến khích phụ nữ không chỉ riêng trong nước Mỹ mà còn từ nhiều nước khác đến đây theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy đại học.

Tiến sĩ giáo dục Đào Thị Hợi, một trong số ít những phụ nữ Việt Nam nhận bằng tiến sĩ giáo dục từ rất sớm tại Mỹ hồi thập niên 1960 cho rằng việc học lên tiến sĩ nghe thì có vẻ lớn nhưng không phải là không thể đối với ngay chính những phụ nữ mới di cư đến Mỹ, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, điều quan trọng là ý chí:

"Tôi thấy là không có chí thì thôi chứ có chí thì vẫn có thể làm được. Dù kinh tế khó khăn, vì mình sang đến đây là chủ chuyện khó khăn chứ không phải kinh tế khó khăn bây giờ. Mới sang thì người mới cũng khó khăn hơn những người ở đây rồi. Tôi không nghĩ đó là cái cản trở mà cái cản trở là cái ý chí của mình."

“Một khi đã học đến mức này thì không có gì khác biệt giữa nam và nữ hết. / Chị Hương, ĐH Minnesota

Nhưng theo bà, việc học lên tiến sĩ, hay thạc sĩ không phải là quan trọng nhất, mà quan trọng nhất là ngành nghề nào mà mình thích và những gì có thể cống hiến được cho xã hội. Bà Hợi nói:

"Có nhiều chị đâu cần phải học lên tiến sĩ mà vẫn làm được những việc giỏi giang và đáng khen như bà Dương Nguyệt Ánh hay bà Lê Duy Loan. Đâu cần phải học tiến sĩ, tùy ngành chuyên môn của mình."

Trước dự đoán xu hướng tiến sĩ nữ tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng cao trong các năm sắp tới, Tiến sĩ Đào Thị Hợi cũng bày tỏ tin tưởng rằng số lượng những phụ nữ Việt tại Mỹ tiếp tục học lên cao để lấy bằng thạc sĩ, hay tiến sĩ sẽ ngày một nhiều vì đó cũng là ý chí phấn đấu và tinh thần hiếu học từ lâu đời của người Việt bất kể dù ở đâu.