Home CĐ Việt Du Học Mỹ Đại Học Mỹ Thuê sách giáo khoa: Không dễ

Thuê sách giáo khoa: Không dễ PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Tâm   
Thứ Hai, 08 Tháng 11 Năm 2010 11:46

Trong mấy năm trở lại đây ở các trường đại học Hoa Kỳ, sinh viên bắt đầu có khuynh hướng thuê sách hơn là mua,

 với một lý do thật rõ ràng là không ai muốn phải bỏ tiền ra mua một món đồ chỉ cần trong mấy tháng rồi không bao giờ có nhu cầu dùng đến nữa.

Nhưng nay các cuộc thăm dò cho thấy điều này thật ra không phải dễ thực hiện vì nhiều lý do như giới hạn bởi loại sách có thể cho thuê, các nhà xuất bản thường xuyên cập nhật sách và các giáo sư muốn họ có toàn quyền lựa chọn sách để dạy trong lớp.

Có chừng một nửa các trường đại học lớn ở Hoa Kỳ nay có chương trình cho sinh viên thuê sách thay vì mua, theo con số của Hiệp Hội Tiệm Sách Ðại Học (National Association of College Book Stores NACS), tăng gấp lần so với con số khoảng 300 tiệm sách chỉ một năm trước đây. Mục tiêu của nỗ lực này là tìm cách giảm thiểu số tiền sinh viên phải chi ra để mua sách mỗi năm là từ $600 đến $900.

Các trường đại học cho hay chương trình cho thuê sách là điều tốn kém mà cũng không dễ làm. Thêm vào đó, ngay cả khi cho thuê, giá cả cũng không phải rẻ, dù rằng có khi chỉ bằng một nửa tiền mua.

Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ năm nay, theo yêu cầu của Quốc Hội chọn ra 12 trường thí điểm để cấp ngân khoản $1 triệu mỗi trường, giúp họ khởi sự chương trình cho sinh viên thuê sách, đặc biệt nhắm vào các sinh viên nghèo hay những sinh viên từ các gia đình di dân, lần đầu tiên có người vào đại học.

Bên cạnh đó, một luật liên bang bắt đầu có hiệu lực năm nay đòi hỏi các nhà xuất bản phải cho giáo sư bảng giá của các sách giáo khoa và liệt kê rõ các cuốn sách được cập nhật hóa. Ðạo luật cũng yêu cầu các trường sớm đưa ra danh sách các cuốn sách cần phải có để sinh viên có thể tìm kiếm những nơi mua rẻ trước khi lớp học khai giảng.

Và trong thời đại hiện nay, sinh viên có rất nhiều phương thức để có sách.

Họ có thể mua cuốn sách mới tinh từ tiệm sách trong trường. Họ có thể tìm trên mạng để mua lại sách cũ. Họ có thể download xuống máy điện toán của mình hay thuê sách điện tử.

Hai công ty sách lớn ở Hoa Kỳ là Barnes & Noble cùng Follett Higher Education Group đã chi ra rất nhiều tiền để xây dựng hệ thống cho thuê sách điện tử, với rất nhiều đề tài khác nhau.

Nhưng dù với những tiến bộ về kỹ thuật này, điểm quan trọng nhất vẫn là giá cả, và giá là do các nhà xuất bản ấn định, rồi sau đó thuyết phục các giáo sư mua sách của họ. Giáo sư, với sự đòi hỏi phải có toàn quyền quyết định, chọn sách muốn sinh viên dùng, đôi khi chẳng nghĩ đến vấn đề giá cả tạo khó khăn cho sinh viên ra sao.

Sinh viên cuối cùng vẫn tiếp tục lãnh đủ với việc phải chi hàng trăm dollars mỗi khóa cho sách học.

NACS cho hay có chừng một nửa trong tổng số khoảng 3,000 thành viên của họ hiện có các chương trình cho thuê sách năm nay, nhưng đây không phải là điều dễ dàng. Ðầu tiên là cần có vốn để mua sách trữ sẵn, để thuê người làm việc, để đầu tư vào hệ thống kiểm soát bằng điện toán. Rồi sau đó là phải cho thuê được tới ba lần thì mới có thể lấy lại vốn.

Nhưng nếu nhà xuất bản thuyết phục được giáo sư thay sách mới, mô hình làm ăn này coi như bỏ đi.

Các phân tích gia cho rằng để mô hình cho thuê sách có thể tồn tại, sách giáo khoa dùng trong đại học phải được tiêu chuẩn hóa, một điều chắc chắn sẽ gặp phản ứng gay gắt từ giới giáo sư vì muốn bảo vệ quyền tự do giảng dạy của mình.

Vậy thì phải làm sao để sinh viên có sách rẻ để dùng?

Nhiều người cho rằng đây là lúc các tiệm sách như Barnes & Noble và Follett phải tạo áp lực với các nhà xuất bản để tiến đến việc mua sách điện tử, dựa trên lợi thế liên hệ trực tiếp với khách hàng là các sinh viên của mình.

Nhưng giới xuất bản sách cho rằng không phải sinh viên nào cũng muốn dùng sách qua hình thức này.

Một cuộc thăm dò mới đây của NACS cho thấy có tới 75 phần trăm sinh viên thích mua sách in, có bìa, giấy láng có màu, thay vì là mua sách điện tử. Ðó là chưa kể giá sách điện tử cũng không rẻ và bị giới hạn về số trang có thể in ra mà không mất tiền.