Ra trường với mảnh bằng vô dụng? Print
Tác Giả: Lê Tâm   
Thứ Ba, 27 Tháng 7 Năm 2010 02:03

Các trường dạy nghề ‘for profit’ nay bị kiểm soát gắt gao hơn

 Hinh minh hoa

Một điều vẫn thường thấy trong các chu kỳ lên xuống của kinh tế Hoa Kỳ, là trong những năm suy thoái số người trở lại trường hoặc đi học một ngành nghề mới tăng vọt lên.

Trong những năm gần đây, với tình trạng thất nghiệp tăng dần lên cao, nhiều công việc bị mất đi, người dân Mỹ nhờ những hỗ trợ của chính phủ đã đổ xô đi học, đủ mọi ngành nghề, đủ mọi trình độ.

Có nhiều trường tư loại “for-profit” - hoạt động để kiếm lời - khác với trường tư nhưng non-profit - được thành lập để đáp ứng nhu cầu này, và cũng để thu tiền của những người nhẹ dạ, trong khi không cho họ một kiến thức hay mảnh bằng có giá trị hầu có thể kiếm việc sau đó.

Một thống kê mới đây cho thấy các trường loại “for profit” chỉ có khoảng 10 phần trăm trong tổng số sinh viên đi học nhưng lại chiếm đến 25 phần trăm số tiền mượn để đi học trên toàn quốc. Và con số người “xù nợ” tiền học trong số này cũng lên rất cao.

Tuần qua, Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ đưa ra luật mới, theo đó sẽ trừng phạt các đại học “for profit” khiến cho sinh viên mắc nợ quá nhiều mà không có cách gì trả nổi qua công việc làm của họ.

Luật này chú trọng vào vấn đề “kiếm việc làm ra tiền” (gainful employment), theo đó sẽ cắt các trợ cấp của chính phủ liên bang cho các trường có tỉ số sinh viên nợ nần cao nhất mà lại có mức trả nợ thấp nhất, đồng thời cũng giới hạn con số sinh viên mà hàng trăm trường khác được thu nhận. Bộ Giáo Dục Mỹ cho hay họ phải làm điều này “để bảo vệ cả người sinh viên lẫn người trả thuế ở Mỹ.”

Bộ Giáo Dục ước tính rằng có khoảng 5% các trường hay chương trình học sẽ bị cắt các trợ giúp về student loan trong khi vào khoảng 55 phần trăm khác bị giới hạn số sinh viên thu nhận đồng thời cũng buộc phải nói rõ với những người vào học về sự nguy hiểm khi ký giấy mượn nợ học quá nhiều.

Các thống kê gần đây cho thấy sau khi trả tiền nợ được chừng hai năm, có đến 12 phần trăm sinh viên tốt nghiệp từ các trường “for-profit” xù nợ tiền học, trong khi chỉ có 6 phần trăm những người học trường đại học công lập và 4 phần trăm học đại học tư “non-profit” là lâm vào tình trạng này.

Và khi chính phủ không thu lại được tiền cho mượn thì chính những người dân trả thuế mới là những người bị thiệt hại.

Tuy luật liên bang từ trước đến nay vẫn có điều khoản buộc các trường “for-profit” phải chứng tỏ được rằng họ tạo điều kiện cho người sinh viên ra đường có việc làm xứng đáng “gainful employment”, điều nay chưa bao giờ được định nghĩa rõ ràng.

Nay, các trường có sinh viên mắc nợ với tỉ số tiền nợ chiếm hơn 30 phần trăm tiền tiêu tùy nghi (discretionary income - tiền còn lại sau khi chi trả các món cần thiết như nhà cửa, ăn uống) và 12 phần trăm tiền thu nhập tổng cộng, và có ít hơn 35 phần trăm cựu sinh viên trả lại tiền mượn nợ, sẽ không được sự trợ giúp của liên bang.

Các nhóm đại diện cho sinh viên và người tiêu thụ hoan nghênh luật này, nói rằng sẽ giúp bảo vệ cả sinh viên và người trả thuế để khỏi rơi vào các chương trình học được hứa hẹn rất nhiều mà thực tế chẳng có giá trị bao nhiêu.