Ði làm Wal-Mart cũng được tín chỉ đại học? Print
Tác Giả: X.N (theo NYT)   
Thứ Ba, 20 Tháng 7 Năm 2010 11:25

Hàng trăm ngàn nhân viên đại công ty bán lẻ Wal-Mart nay có thêm lý do để theo đuổi đại học.

Qua sự hợp tác với trường đại học mạng American Public University (APU), họ có thể được hưởng các tín chỉ qua sự hiểu biết và khả năng thu được khi làm việc trong một số lãnh vực ở Wal-Mart. Sang đến năm 2012, khoảng 70% các nhân viên ở Mỹ của công ty này sẽ có làm những việc cho phép họ được hưởng tín chỉ mà không phải trả tiền.

Walmart đang là một tiệm mua sắm, sắp trở thành chỗ để nhận tín chỉ đại học? (Hình: Robyn Beck/AFP/Getty Images)

Sự hợp tác này là một biểu hiện rõ ràng của sự thay đổi trong môi trường đại học. Nhiều người lớn nay muốn trở lại trường để tạo thêm lợi thế cho cơ hội thăng tiến của mình - điều cần thiết trong thị trường công việc nhiều khó khăn hiện nay. Chính Tổng Thống Barack Obama cũng từng tuyên bố rằng đến năm 2020, Hoa Kỳ phải nên đứng đầu thế giới về tỷ lệ người có bằng đại học.

Nhưng làm việc, thí dụ như đứng thu tiền trong tiệm hay chiên hamburger, có thật sự xứng đáng để được hưởng tín chỉ hay không?

Nếu một sinh viên có thể cho thấy là kinh nghiệm làm việc giúp có sự hiểu biết và khả năng chuyên môn nào đó mà đáng lý ra phải học ở trường, thì tại sao không, theo các chuyên gia về đại học.

“Ðiều quan trọng không phải là bạn làm gì, nhưng là bạn biết gì,” theo lời Pamela Tate, chủ tịch Council for Adult & Experiential Learning (CAEL) có trụ sở đặt tại Chicago, chuyên giúp các đại học lượng định giá trị tương đương với chứng chỉ đại học của các loại công việc làm cũng như các kinh nghiệm đời sống.

Khoảng 80 phần trăm các đại học hiện nay cho chứng chỉ về những gì mà người sinh viên từng học trước đó khi đi lính hay cho thấy có sự hiểu biết qua các kỳ thi trong một số lãnh vực, theo một cuộc thăm dò của CAEL.

Tuy nhiên, mỗi trường đưa ra những tiêu chuẩn khác nhau về các chứng chỉ này. Do đó, liệu các “chứng chỉ Wal-Mart” có được sự chấp nhận từ các trường khác hay không, vẫn còn là điều chưa thể trả lời.

Ðiều này cũng còn tùy cách Wal-Mart thực hiện chương trình của mình, nhưng theo bà Janet Poley, chủ tịch American Distance Eduction Consortium ở Lincoln, tiểu bang Nebraska, thì “nhiều phần sẽ không được đánh giá cao.”

Những sinh viên đại học khởi sự bằng các tín chỉ làm việc như trong trường hợp Wal-Mart thường để hoàn tất bằng cao đẳng hay bằng cử nhân bốn năm hơn là học cao lên, theo sự nghiên cứu của CAEL tại 48 trường đại học.

Ông Brian Gentile, người từng theo học một số lớp đại học trong 20 năm qua mà không có thời giờ để hoàn tất chương trình để có bằng cử nhân, một chương trình của trường Mary-land University College, chú trọng vào sinh viên lớn tuổi, giúp ông có cơ hội đạt được điều mong muốn. Với kinh nghiệm có được trong công việc IT, ông được lượng giá cho hưởng 15 tín chỉ, tương đương với năm lớp hay một năm học, với những lớp như “Windows Network Infrastructure”, lãnh vực mà ông phải đối diện trong công việc hàng ngày.

Từ thập niên 70, các công ty tư nhân trả tiền cho American Council on Education, một hiệp hội đại học ở Washington để lượng giá các lớp huấn luyện của các công ty này xem có thể hưởng tín chỉ từ các đại học hay không. Sau lời loan báo của công ty Wal-Mart hồi tháng 6, có thêm nhiều công ty liên lạc với ACE để tìm hiểu về việc này, theo lời ông Jim Selbe, phó tổng giám đốc ACE đặc trách vấn đề học hỏi trọn đời (lifelong learning).