Home CĐ Việt Du Học Mỹ Đại Học Mỹ Những vấn đề của sinh viên năm đầu đại học (tiếp theo và hết)

Những vấn đề của sinh viên năm đầu đại học (tiếp theo và hết) PDF Print E-mail
Tác Giả: Vann Phan   
Thứ Năm, 15 Tháng 7 Năm 2010 09:33

13. Dành thì giờ riêng cho bạn: Phải bảo đảm rằng, ngoài chuyện sách đèn và bầu bạn,

 bạn vẫn còn có một ít thì giờ riêng cũng như một số hoạt động riêng tư nhằm giúp mình thư giãn và dẹp bỏ được stress sau một ngày hoặc một tuần lao nhọc. Cho dù đó là một buổi tập yoga, 45 phút xem một chương trình truyền hình mà bạn ưa thích, hoặc 2 tiếng đồng hồ hí hoáy viết một bài báo, hãy dành thì giờ đó cho riêng mình.

Hình minh họa. (Hình: Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt) 

14. Ðừng hối hả chọn môn ngành chính hoặc nghề nghiệp tương lai khi mình đang bị áp lực: Việc học đại học là thời gian để bạn khám phá ra tiềm năng của chính mình, chứ đây không phải là một cuộc chạy đua nước rút với thời gian để cái gì cũng phải vội vội vàng vàng thực hiện cho xong.

 Vì thế, bạn hãy cứ làm việc theo đúng với khả năng và sở thích của mình. Ðừng vì gặp phải pressure này nọ mà hối hả chọn một môn ngành chính trong chương trình học hay một nghề nghiệp cho cả đời mình.

Phải đắn đo suy nghĩ mình sẽ làm gì và đi về đâu là hợp lý nhất trong bối cảnh tương lai lâu dài.

15. Phải biết nhận trách nhiệm với chính mình về những hành động của mình: Ðừng tìm cách đổ lỗi cho người khác về những sai lầm của mình; hãy can đảm nhận lãnh mọi trách nhiệm về những gì mình làm và tiếp tục bước tới. Làm người lớn thì có nghĩa là nhận chịu trách nhiệm về mọi sự do mình gây ra.

16. Bắt liên lạc với các bạn cùng lớp: Một trong các sinh viên giỏi lúc ra trường có tiết lộ rằng chiến thuật của anh ta trong tuần lễ đầu tiên đi dự lớp là gặp gỡ ít nhất là một sinh viên mới tại mỗi một lớp mà mình đã ghi danh học. Làm như thế tức là người sinh viên đã nới rộng mạng lưới bạn bè của mình ra, và đây là một tài nguyên thiết yếu để bạn có thể nhờ vả phòng khi bạn lỡ bỏ mất một buổi học rồi chẳng biết “mô, tê” gì cả.

17. Tìm đến văn phòng hướng nghiệp: Bất kể bạn theo học đại học là để thu thập thêm kiến thức và có thêm chuyên môn hoặc để lo liệu cho tương lai của mình, hãy cố gắng tìm tới các vị cố vấn chuyên môn tài giỏi trong văn phòng hướng nghiệp của trường đại học, và khởi sự hoạch đinh tương lai nghề nghiệp với sự trợ giúp của các vị này, đặng bạn còn có thì giờ chuẩn bị và làm việc hướng về tương lai của bạn.

18. Ðừng chần chừ và hãy tìm ra ưu tiên cho đời bạn: Hồi còn ở trung học, thật là dễ dàng khi bạn cứ chờ cho tới phút chót mới khởi sự hoàn thành bài làm của mình mà vẫn lấy được điểm cao, nhưng hành xử như thế sẽ không hiệu quả gì khi bạn đã lên đại học. Hãy tự hoạch định nên các kỳ hạn cuối (về bài học và bài làm) cho chính mình, và cứ việc bám theo đó mà thực hiện cho tới nơi tới chốn.

19. Giữ sức khỏe/ăn uống điều độ: Nhiều khó khăn của sinh viên năm đầu đại học có thể quy trách cho một lần ngã bệnh khiến người sinh viên không đi dự lớp được trong một thời gian dài và làm cho điểm số của mình bị giảm sút. Phải ngủ cho đủ giờ, dùng thêm sinh tố và ăn uống điều độ nhưng có chất lượng.

 Vì không có cha mẹ kế bên để lo cho bạn miếng ăn thức uống, bạn có thể bị cám dỗ để ăn thêm mấy miếng sườn nướng hoặc vài chiếc bánh ngọt dù bụng đã no rồi. Phải giữ cho mình được mạnh khỏe, và tránh sao cho khỏi lên cân thêm trong năm đầu đại học bằng cách cứ việc bám theo một chế độ ăn uống đã vạch ra cho riêng mình.

20. Phải biết đương đầu với nỗi nhớ nhà: Thật là một điều tự nhiên khi có những lúc bạn cảm thấy nhớ nhung những người thân yêu trong gia đình, cho dẫu trước đây bạn là một trong số các cô, cậu học sinh trung học mới tốt nghiệp mà đã nôn nao muốn được sống xa nhà ngay cho dễ bề bay nhảy. Phải tìm một phương thế nào đó để đối phó với nỗi nhớ nhà này, tỷ dụ như gọi điện thoại hoặc email về nhà thường xuyên hơn.

21. Cố lưu lại trường đại học càng lâu càng tốt: Dù đó là nỗi nhớ nhà, chuyện phải đi làm để kiếm sống hoặc là tiếng réo gọi của người tình trong cái thuở ban đầu lưu luyến ấy nơi quê cũ, phải cố gắng đừng thôi học quá sớm hoặc lâu lâu lại bỏ trường mà đi. Khi bạn càng dành nhiều thì giờ nơi trường đại học cùng với các bạn học mới tại trường thì bạn lại càng cảm thấy mái trường thân yêu cũng chính là quê nhà của mình đó thôi. Vậy thì, tại sao bạn lại không nhân cơ hội này mà tham gia và tận hưởng mọi lễ lạc và cuộc vui mang tính văn hóa và xã hội vẫn hay được tổ chức trong khuôn viên đại học?

22. Tìm sự giúp đỡ chuyên nghiệp khi cần: Trong hầu hết những khuôn viên đại học đều có các trung tâm y tế và tư vấn tâm lý. Nếu bạn bị bệnh hoặc cảm thấy như mình đang bị cô lập giữa đám đông hoặc mang tâm trạng buồn rầu, chán nản, hãy tận dụng các dịch vụ vừa kể lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ sinh viên tại trường. Bạn đâu có bị ai ép buộc phải một mình lặng lẽ nhận chịu những khó khăn đó!

23. Kiểm soát tiền bạc và ngân sách của mình: Nếu trước đây bạn chưa hề phải lập ra một ngân sách riêng cho mọi cuộc tiêu pha, thì đây là cơ hội để hoạch định một ngân sách riêng cho bạn vào lúc đã lên đại học. Tìm cách tiêu pha chừng mực thôi, và tránh xa những cám dỗ, mời mọc của các loại thẻ tín dụng được ào ạt gởi tới cho các sinh viên đại học như bạn. Tính chung, số tiền nợ thẻ tín dụng của sinh viên đại học khắp nơi trên đất Mỹ trước lúc ra trường hiện đang ở mức khá cao.

24. Ðừng đi ngang về tắt: Sinh viên bước chân đến trường đại học là để học hỏi. Nếu bạn cứ nhởn nha, nhởn nhơ hoặc học hành theo kiểu dồn nhét bài vở vào giờ chót, bạn cũng có thể làm bài khá, nhưng dứt khoát là bạn không thể thu nhận được nhiều kiến thức chuyên môn bổ ích. Và tệ hơn nữa, bạn chớ nên gian lận trong thi cử, dù đó là trong kỳ thi cuối khóa hay trong các lần thi trắc nghiệm hằng tuần.

25. Chuẩn bị tinh thần để đối phó với bài vở tràn ngập: Ngay bây giờ, đang có nhiều chuyện dồn dập kéo đến trong cuộc sống sách đèn của bạn. Bạn phải sẵn sàng đối phó với những lúc bạn bỗng dưng cảm thấy sao mọi chuyện lại thi nhau kéo đến cùng một lúc như thế.

Có một sinh viên tốt nghiệp từng nói rằng đã là sinh viên thì phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với giây phút con người của mình hoàn bị tàn tràn ngập vì đủ thứ trên đời. Ðiều quan trọng là bạn phải biết rằng mình không phải là người duy nhất trong khuôn viên đại học cảm thấy như thế đâu.

(Nguồn: quintcareers.com)