Home CĐ Việt Du Học Mỹ Du học, hay nhập cảnh lậu?

Du học, hay nhập cảnh lậu? PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Tâm (theo SJ Mercury News)   
Thứ Bảy, 23 Tháng 7 Năm 2011 20:18

Những ‘trường’ mà chỉ là nơi xoay visa du học

Với chiếu khán sinh viên du học trong tay, Prasanth Goinaka lên đường sang Mỹ để thực hiện ước mơ: Có được bằng MBA từ một đại học Mỹ ở ngay tại thung lũng điện tử Silicon Valley, tiểu bang California.

  
Sinh viên Ấn Ðộ biểu tình trước cửa văn phòng đại diện Tri-Valley University gần tòa lãnh sự Mỹ ở Hyderabad hồi tháng 1, sau khi có tin “đại học” này bị đóng cửa vì là trường giả, và sinh viên - hầu hết Ấn Ðộ - tại đây sẽ bị trục xuất về nước. (Hình: Noah Seelam/AFP/Getty Images)

Ðó cũng là lý do tại sao cha mẹ của anh ở Ấn Ðộ phải bàng hoàng khi nhận được tin người con trai 28 tuổi của mình bị cướp giết chết trong lúc đứng bán hàng ở Oklahoma City, tiểu bang Oklahoma - cách nơi đáng lẽ ra anh đi học tới 2,400 km.

Một cuộc điều tra của tổ hợp báo chí Bay Area News Group cho thấy Goinaka, cũng như hàng ngàn sinh viên ngoại quốc khác đang ghi danh theo học nhiều trường trong tiểu bang-có lẽ chẳng nên đến nơi này ngay từ đầu. Họ bị dụ dỗ bởi các trường “đại học” tư, không được chứng nhận (không được accredited) với lời hứa hẹn sẽ kiếm cho chiếu khán du học. Nhưng ngay cả vị thế pháp lý của các trường này trong việc giúp sinh viên có chiếu khán cũng là điều không rõ ràng.

Và một khi đã đến Mỹ, thường thì những sinh viên như Goinaka cũng phải rất vất vả để có đủ tiền trả mọi chi phí đời sống.

Nhưng vì sao anh lại mất mạng ở một nơi quá xa ngôi trường mang tên International Technological University (ITU) ở San Jose là một phần của một vấn đề lớn hơn, liên quan đến sự thất bại của chính phủ Mỹ trong việc đối phó với một vấn nạn đang ngày càng trầm trọng trong hệ thống giáo dục đại học ở Mỹ.

Ít người biết và cũng ít bị giám sát, có một số trường, kể cả ITU ở San Jose, Herguan University ở Sunnyvale và cho đến thời gian gần đây trước khi phải đóng cửa là trường Tri-Valley University ở Pleasanton, có dịch vụ làm ăn rất khấm khá là tuyển mộ toàn sinh viên ngoại quốc, vào Mỹ với chiếu khán du học.

Nhưng cuộc điều tra của tờ Mercury News cho thấy không một trường nào đáp ứng đầy đủ điều kiện phải có để giúp cho sinh viên ngoại quốc vào Mỹ: Các trường này không được công nhận và các tín chỉ họ cấp không thể nào chuyển sang các đại học được công nhận khác ở Mỹ.


 
Prasanth Goinaka bị cướp bắn chết lúc đứng bán hàng ở Oklahoma City, tiểu bang Oklahoma. Trên giấy tờ, anh vào Mỹ với visa du học và lẽ ra đang học tại International Technology University ở San Jose, tiểu bang California. (Hình: Facebook)
 

Tri-Valley bị đóng cửa vì bị tố cáo kinh doanh bằng cách làm hồ sơ cho sinh viên lấy visa du học, chứ không hề làm giáo dục. Sau khi Tri-Valley bị đóng cửa, nhiều sinh viên, trong số khá đông đến từ Ấn Ðộ, bị buộc tội nhập cư bất hợp pháp và bị bắt đeo vòng chân theo dõi chờ ngày trục xuất về nước.

“Những trường đại học như Tri-Valley đang thu hút việc ghi danh của đông đảo sinh viên ngoại quốc,” theo lời Mohan Nanapaneni, thư ký hiệp hội Telugu Association of North America. Ðây là tổ chức thiện nguyện Ấn Ðộ từng vận động gây quỹ được $5,465 để giúp chở xác của anh Goinaka về lại quê hương và trợ giúp pháp lý cho khoảng 155 sinh viên.

 Ai chịu trách nhiệm?

 Một thập niên sau khi xảy ra cuộc tấn công của bọn khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, Bộ Nội An, cơ quan có nhiệm vụ điều hành một hệ thống cấp visa kỹ càng hơn, lại cho phép các trường mà đáng lý ra không đủ tư cách để cấp giấy chứng nhận cần thiết cho các sinh viên ngoại quốc xin visa F1, thực hiện điều này. Tệ hại hơn nữa, Bộ Nội An còn đưa các trường này vào một danh sách đề nghị các sinh viên ngoại quốc nên tham khảo trước khi nộp đơn xin sang Mỹ học.

Tên của đại học Tri-Valley University nằm trong danh sách này ngay cả khi trường bị nhân viên điều tra liên bang vào lục soát hồi đầu năm nay vì các cáo buộc có sự gian lận trầm trọng về visa và chứa chấp người nhập cảnh bất hợp pháp.

Có khoảng 1,500 sinh viên ngoại quốc lâm vào tình trạng khóc dở mếu dở, không thể chuyển sang trường khác vì không đủ điều kiện nhập học và các tín chỉ đã có hoàn toàn vô giá trị. Vụ này làm chấn động cộng đồng người Ấn ở Mỹ và gây ra các cuộc biểu tình phản đối tại Ấn Ðộ.

“Trường này có được sự chấp thuận của chính phủ khiến tôi nghĩ đây là đại học đứng đắn,” theo lời một cựu sinh viên ngành điện toán ở Tri-Valley, anh Harsha Sri, 25 tuổi, cho hay qua email. Anh phải trả khoảng $2,700 để theo học một tháng trời và nay về lại Ấn Ðộ.

 Dịch vụ làm ăn béo bở

 Trường Tri-Valley là thí dụ điển hình cho thấy rất dễ làm giàu khi biến một trường đại học thành lò cấp visa.

 Khi nhân viên an ninh liên bang Mỹ vào bố ráp trường, họ khám phá ra rằng ngôi trường không hề được chứng nhận này đã nhận hàng triệu dollars từ các người ngoại quốc muốn xin được chiếu khán du học, giúp họ ở lại Mỹ. Và công việc làm ăn này lại càng phát đạt hơn nữa khi trường bày ra việc cắt giảm 20% học phí cho những ai giới thiệu người khác ở nước ngoài đến học, theo hồ sơ tòa.

Giới hữu trách cũng tìm thấy một điều đáng nghi ngờ là có hơn 550 sinh viên ghi danh nhập học trường này đều khai ở cùng một địa chỉ là một căn chung cư hai phòng tại El Camino Real ở thành phố Sunnyvale.

Làm thế nào các trường chỉ tồn tại với mục đích cấp (bán) visa cho sinh viên ngoại quốc có thể tiếp tục hoạt động mà không bị chính quyền để ý tới?

Nghị sĩ tiểu bang California, bà Dianne Feinstein và một số nhà lập pháp khác đang tìm hiểu và đòi hỏi phải có câu trả lời.

“Các trường đại học giả dối này... hoạt động chỉ với mục đích lạm dụng luật di trú để nhận người ngoại quốc vào quốc gia này,” bà Feinstein và ba nghị sĩ khác viết trong bức thư gửi hồi tháng 3 đến Cơ Quan Di Trú và Công Dân của Bộ Nội An.

Cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra về trường ITU và Herguan nhưng hai trường này chưa bị truy tố phạm tội hình sự và cũng chưa bị cáo buộc về cùng vấn đề như trường Tri-Valley.

Trong trường hợp của hai ngôi trường có trụ sở đặt trong vùng thung lũng điện tử Silicon Valley này, các quảng cáo của họ về việc cho người ngoại quốc ghi danh để có chiếu khán du học có vẻ là đã không nói đúng sự thật.

Cả hai trường nói rằng các tín chỉ của họ được các trường khác công nhận, nhưng lại không thể chứng minh được khi hỏi tới. Tuy vậy, các đơn xin chiếu khán đều được chính phủ Mỹ chấp nhận và cả hai trường được phép cung cấp các chứng nhận cần thiết để sinh viên của họ được cấp visa.

Hồ sơ của trường Herguan nộp tại Bộ Nội An để xin được phép cấp giấy chứng nhận cho sinh viên nói rằng trường được công nhận bởi một cơ quan mang tên là California Bureau for Private Postsecondary Education- nhưng cơ quan này không hề có thẩm quyền công nhận giá trị tín chỉ, bằng cấp.

 

 Trong một lớp học của Herguan University tại Sunnyvale, miền Bắc California, một trường bị cho là lập ra chỉ để lấy tiền sinh viên để cấp visa du học. (Hình: Herguan Univeristy/Picasa)

Hồ sơ của ITU công nhận rằng trường này không được công nhận nhưng lại cho rằng đáp ứng được các tiêu chuẩn của chính quyền liên bang vì “tín chỉ được các đại học khác chấp nhận”-nhưng lại không cung cấp chứng cớ nào.

Giới chức nhà trường nói với báo chí rằng tín chỉ của họ được các trường như San Jose State, Santa Clara, Stanford và hệ thống đại học California (University of California) công nhận-một điều mà tất cả các trường được nêu tên đều phủ nhận.

 Sinh viên ngoại quốc ào ạt ghi danh vào học

 Dù vậy, sinh viên ngoại quốc vẫn ào ạt đổ về các trường này. Khoảng 900 sinh viên đang theo học khóa Mùa Hè ở ITU và khi việc tân trang phòng ốc được hoàn tất, trường dự trù sẽ thu nhận tới 5,000 sinh viên. Trường không đòi hỏi số điểm thi tối thiểu nào và chỉ có một nhân viên trong văn phòng lượng định ở Hyderabad, Ấn Ðộ để lựa lọc sinh viên.

 
Trong cuộc phỏng vấn, trường ITU nói rằng các sinh viên của họ khi tốt nghiệp ra đi làm cho các công ty kỹ thuật lớn như Brocade và Intel. Công ty Brocade cho biết không có hồ sơ nhân viên nào tốt nghiệp từ ITU; Intel cho hay họ có 1 người.

Các sinh viên ngoại quốc đến những trường này cũng vì một lý do quan trọng khác là kiếm việc làm hợp lệ.

  Ðược sự chấp thuận của chính phủ có nghĩa là các trường này được phép cung cấp các chương trình “huấn nghệ thực tế”, được coi là một phần thực tập trong ngành học của người sinh viên để có thể dễ dàng ứng dụng khi ra trường. Chính quyền liên bang để mặc cho các trường đại học này tự ý chọn các công việc làm, nói rằng không muốn can dự vào chương trình học.

Nhưng tại trường Tri-Valley, giới chức Sở Di Trú thấy rằng việc “huấn luyện nghề nghiệp” cho các sinh viên nơi đây chỉ giúp họ kiếm những việc bán hàng, lương thấp, không đòi hỏi nhiều kiến thức như ở các tiệm bán lẻ Dollar Store, tiệm 7-Eleven và tiệm bán thuốc lá, ở New Jersey, Virginia, Texas và các tiểu bang khác.