Làm giàu tư vấn du học cho Trung Quốc Print
Tác Giả: Lê Tâm (theo NYT)   
Thứ Hai, 13 Tháng 6 Năm 2011 09:48

Trung Quốc hiện gửi nhiều sinh viên đến Mỹ du học hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới

 Vào tháng 12 năm 2009, một lá thư từ chối của đại học Columbia University gửi đến nhà cô Lu Jingyu, một học sinh trung học giỏi giang hàng đầu ở thành phố Shenzhen.


Học sinh Trung Quốc ở Tây An làm bài thi đại học. Chuyện du học là ước mơ của biết bao học sinh Trung Quốc và nhiều công ty tư vấn Mỹ nhảy vô để kinh doanh. (Hình: China Photos/Getty Images)
 

 Trong khi buồn bực đọc những hàng chữ từ chối khéo của trường, cô Lu luôn tự hỏi “mình làm điều gì sai?” và “làm sao để thay đổi chuyện này?”

Ðể được trợ giúp, cô Lu quay sang nhờ ThinkTank Learning, một công ty cố vấn ở California chuyên giúp các học sinh trung học được thâu nhận vào các trường đại học ở Mỹ và vừa mở một văn phòng chi nhánh tại Shenzhen, nằm ngay cạnh Hồng Kông.

“Tôi muốn các chuyên gia người Mỹ đọc hồ sơ xin học của tôi và giúp tôi cách để làm tốt hơn,” cô Lu nói.

Giá cả để có sự giúp đỡ này thật sự không rẻ chút nào: Vào khoảng 100,000 nhân dân tệ, tương đương $15,000. Nhưng với số tiền này là sự bảo đảm sẽ hoàn lại 100% nếu cô Lu bị từ chối không nhận vào 9 trường đại học ở Mỹ mà cô lựa chọn.

Cô Lu có các cuộc thảo luận với một nhân viên tư vấn của ThinkTank về cách viết lại bài luận văn xin học của mình, vốn nguyên thủy chỉ nói về đánh vũ cầu (badminton). Bài luận văn được sửa lại sau đó chuyển sang đề tài liên quan đến hội nghị đối thoại qua eo biển Ðài Loan, điều mà cô Lu từng đứng ra tổ chức với các học sinh trung học khác ở Ðài Loan.

Và kết cục rất vui cho cô Lu, cũng như ThinkTank, là đã đạt được ý nguyện. Cô vừa hoàn tất năm đầu tiên tại đại học University of Pennsylvania.

Với con số kỷ lục các học sinh bên ngoài nước Mỹ giành nhau một số chỗ học giới hạn trong các trường đại học danh tiếng nhất ở Mỹ, các công ty như ThinkTank đang có những nguồn lợi béo bở từ các gia đình muốn con cái đạt được ước mơ của mình.

Tại Mỹ, các học sinh từ lâu nay vẫn trông cậy vào các nhà cố vấn tư nhân để xin vào đại học, nhưng trong những năm gần đây, đã thấy có nhiều công ty đi vào thị trường này, cung cấp nguyên cả một chương trình từ danh sách các lớp học cần phải lấy trước, các hoạt động phụ trội bên ngoài lớp học và giúp điền đơn sao cho dễ tạo sự chú ý của giới chức tuyển lựa tân sinh viên. Và những dịch vụ này nay lan sang thị trường phát triển mạnh và béo bở ở Trung Quốc.

Trung Quốc hiện gửi nhiều sinh viên đến Mỹ du học hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới, và sự cạnh tranh để được nhận vào các trường danh tiếng hàng đầu ở Mỹ cũng tăng cao.

Trong niên khóa 2009-2010, có 39,947 sinh viên bậc cử nhân từ Trung Quốc theo học ở Mỹ, tăng 52% so với năm trước đó và cao gấp 5 lần so với năm năm trước đó, theo tài liệu của tổ chức Mỹ Institute of International Education.

Nhưng các sinh viên Trung Quốc thường không chuẩn bị cho tiến trình xin học ở các đại học Mỹ. Hệ thống giáo dục Trung Quốc thường chú trọng vào việc buộc các học sinh phải học hành siêng năng cần mẫn để chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học mà không có các hoạt động nào bên ngoài lớp học.

Hiện có khoảng 400 công ty giáo dục ngoại quốc, kể cả các trường liên doanh giữa Trung Quốc và ngoại quốc, các trung tâm dạy sinh ngữ và các trung tâm tư vấn nộp đơn vào đại học-được sự chứng nhận của Bộ Giáo Dục Trung Quốc. Bộ này đang liên kết với hai công ty tư vấn lớn nhất trong lãnh vực này là China Center for International Education và Chivast Education International.

Một số các công ty này đề nghị giúp khách hàng của họ viết bài luận văn ngay từ đầu chứ không chỉ sửa chữa, huấn luyện họ cách ứng xử trong các cuộc phỏng vấn và ngay cả sửa đổi học bạ.

ThinkTank Learning đã nhìn ra thị trường giáo dục ở cả tại Mỹ và Trung Quốc để khai thác nhu cầu toàn thế giới này.

Người sáng lập công ty, Steven Ma, 32 tuổi, là cựu phân tích gia tài chánh tại Wall Street. Lúc đầu mục đích của công ty chỉ là chuẩn bị cho học sinh có điểm cao trong các kỳ thi khảo sát để vào đại học như SAT và sau đó mới tiến sang lãnh vực tư vấn làm đơn vào năm 2006, khởi sự với 7 học sinh.

 Năm 2010, con số này tăng lên 300, kể cả 75 học sinh từ Trung Quốc. Công ty cho hay có lợi nhuận vào khoảng $7 triệu năm vừa qua, với 50% đến từ việc giúp làm đơn.

Ông Ma nói rằng các trường đại học danh tiếng ở Mỹ có cả một hệ thống để lọc lựa những ngôi sao sáng tương lai và “chúng tôi tìm ra cách để xuyên thủng hệ thống này”.

Sự thành công của ThinkTank trong cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu ở California, chiếm khoảng 90% thân chủ ở Mỹ, đã gây sự chú ý từ các bậc cha mẹ giàu có ở Trung Quốc. Ông Ma mở một chi nhánh ở Shenzhen năm 2009 và một chi nhánh khác ở Bắc Kinh năm ngoái.

ThinkTank vào thị trường Trung Quốc vào lúc kỹ nghệ tư vấn xin học đại học đang phát triển mạnh và nhiều công ty có lối làm ăn có vẻ không minh bạch cho lắm.

Một công ty, Best Education, có văn phòng khắp Trung Quốc và với lệ phí khoảng 500,000 renmibi, sẽ giúp viết bài luận văn, giúp huấn luyện trong việc đi phỏng vấn xin visa tại Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Bắc Kinh và tư vấn về nghề nghiệp tương lai.

Công ty này hứa hẹn sẽ trả lại 50% tiền lệ phí nếu người học sinh bị các trường đã chọn từ chối.