Home CĐ Singleton

Chương 8 - Cuộc Chiến Đã Kết Thúc PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Kim Vinh   
Thứ Ba, 06 Tháng 10 Năm 2009 13:57

 

Là người Việt theo một tôn giáo khác, chúng tôi sững sờ và nghẹn ngào khi đọc một bản tin viết về cuộc hành khất Thánh lễ của giáo dân VN tại San Jose. San Jose là một giáo phận, có nhiều nhà thờ, có nhiều linh mục, có giám mục, thế mà phải bồng bế nhau đi từ San Jose đến tận San Francisco để xin một buổi lễ rửa tội! Các chi tiết của buổi lễ rửa tội này đã được báo Chính Nghĩa và Việt Nam nhật báo tường thuật khá đầy đủ. Chúng tôi chỉ bàn ở đây về những chi tiết có ý nghĩa đặc biệt đối với người ngoài cuộc.

Thứ nhất là hình ảnh gợi lên cảnh chạy giặc ở quê hương ta ngày trước. Khi còn ở quê nhà, đọc lịch sử VN thời nhà Nguyễn, chúng tôi đã kinh ngạc về sự sùng đạo của giáo dân thời ấy. Mặc dầu bị một vài vị vua nhà Nguyễn cấm đóan và hành hạ tàn tệ, nhưng các giáo dân ấy đã lựa chọn thà chết chứ không bỏ đạo. Câu chuyện ấy tuy nghe rất thương tâm, nhưng đã là chuyện quá khứ. Không ngờ tại quốc gia thường tự hào dẫn đầu thế giới về tự do dân chủ, người Công giáo tỵ nạn VN lại phải chịu cảnh tuẫn đạo một lần nữa. Lần này không có vua chúa VN để hành hạ họ và để cấm đạo. Hình ảnh cấm đạo ở đây quái đản hơn nhiều. Kẻ ngăn cấm việc làm lễ cho họ lại chính là “Bề Trên” của họ theo hệ thống trong tôn giáo của họ và đáng buồn hơn nữa, cái thứ Bề Trên ấy lại mang nặng tác phong thực dân.

Thứ hai là ý nghĩa, cử chỉ đón tiếp niềm nở của cha Bề Trên Floyd Lotito. Vị này chào mừng giáo dân VN từ San Jose tới như sau: “Nhân danh Nhà Dòng, chúng tôi xin chào mừng Cộng Đồng Công Giáo VN tại San Jose, và xin quý vị cứ coi nhà thờ này như nhà thờ của quý vị...”

Người ta sẽ không cần phải nói rằng giáo phận San Francisco đã biết rõ cuộc đàn áp văn hóa tại San Jose. Một dấu vết còn hùng hồn hơn nữa: Nếu ĐGM John Quinn còn cai quản luôn cả giáo phận San Jose như trứơc thì chắc chắn cuộc chiến đấu tự vệ văn hóa này không bùng nổ ra. Biết rõ như thế rồi, hàng giáo phẩm tại San Francisco đã hành động đúng với tinh thần bác ái và công bằng là hai điều mà người thường nghe thầy Công giáo nói tới nhiều nhất. Khi đón tiếp khối giáo dân từ San Jose tới để xin lễ rửa tội, thánh đừơng Boniface tại San Francisco mặc nhiên thay mặt cho Tòa Thành La Mã để an ủi những người Công giáo tỵ nạn VN đã chỉ vì quá sùng đạo mà chịu biết bao điều khổ cực và nhục nhã. Việc gọi khối giáo dân ấy bằng danh xưng chính thức (CĐCGVN tại San Jose) mang ý nghĩa một thông điệp, tuy nhẹ nhàng kín đáo, nhưng không kém phần nghiêm khắc để gửi cho phe đàn áp tại San Jose: chỉ những người có chính nghĩa mới được gọi bằng danh xưng chính thức như vậy.

Một thông điệp nghiêm khắc khác đã được cha Bề Trên Floyd Lotito gửi phe đàn áp tại San Jose: cha Lotito muốn khối giáo dân từ San Jose tới hãy coi nhà thờ Boniface như nhà thờ của họ... Phải chăng lời mời đầy ưu ái, bác ái và vị tha này là một lời lên án phe đàn áp tại San Jose về tội đã dùng mọi thủ đoạn tàn ác để chặn không cho giáo dân VN vào dự Thánh lễ, và đã dám ngạo mạn coi thánh đường như của riêng, mặc dầu thánh đừơng ở San Jose lại do chính các giáo dân VN chung sức đóng góp!

Chi tiết thứ ba còn quan trọng hơn nhiều. Đó là tai mắt của Tòa Thánh La Mã tại xứ này. Cái tai mắt ấy đã tường trình như thế nào về Vatican? Bản tường trình ấy chắc chắn không thuộc loại được phổ biến rộng rãi ra bên ngoài, nhưng người ta có quyền nhận xét về biến chuyển “hành khất Thánh lễ”. Có thể nói chưa có một tôn giáo nào trên thế giới lại để cho xẩy ra hiện tượng tương tự, nghĩa là chưa hề thấy giáo phẩm dùng danh nghĩa tôn giáo để xua đuổi tín đồ ra khỏi thánh đường, rồi còn dùng các hình thức bạo lực đối với các tín đồ ấy nữa.

Đại diện Tòa Thánh đã tường thuật những gì về vụ đàn áp văn hóa tại San Jose? Có điều đã rõ là phía Chính Nghĩa đã khôn ngoan gửi thẳng bản tường trình của họ đến tận La Mã. Họ bắt buộc phải làm như thế để đề phòng trường hợp sự thật về cuộc chiến đấu đầy chính nghĩa của họ bị bóp méo, và đề phòng luôn cả trường hợp “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện” nữa. Nhưng dầu cho đại diện Tòa Thánh tại Mỹ có vô tư và công bằng để tường trình sự thật hay không thì La Mã cũng đã thấy và biết hình ảnh cuộc chiến đấu dũng cảm ấy rồi.

Thế kẹt của La Mã càng ngày càng hiện rõ. Cuộc chiến đấu tự vệ thiêng liêng của giáo dân VN tại San Jose đã hết năm thứ hai mà Tòa Thánh La Mã vẫn chưa tìm được lối thóat. Điều này dễ hiểu khi người ta có can đảm và bình tĩnh nhìn cuộc chiến đấu ấy theo cách nhìn không mê muội cuồng tín, không sợ sệt phi lý.

Đây không phải là một vài cá nhân lẻ tẻ đòi hỏi vu vơ. Đây là một khối 4000 giáo dân VN nhất trí có chung một nguyện vọng là muốn được thờ phượng theo nghi lễ truyền thống dân tộc của họ. Con số 4000 tự nó đã nói lên tầm quan trọng của vấn đề liên hệ, nhưng tầm mức ảnh hưởng của thỉnh cầu ấy không còn bị giới hạn vào giáo phận San Jose, không còn giới hạn vào lãnh thổ Hoa Kỳ, và không còn giới hạn vào Công Giáo tại Hoa Kỳ nữa. Nếu không phải là cuộc chiến có đầy đủ chính nghĩa thì khối giáo dân VN tại San Jose đã bỏ cuộc từ lâu. Phe đàn áp muốn xuyên tạc đến đâu, đàn áp man rợ đến đâu, bưng bít sự thật đến đâu cũng không thể phủ nhận một sự thật vô cùng hiển nhiên: khối giáo dân ấy không còn muốn nghe mệnh lệnh của hàng giáo phẩm cao cấp nằm trong phe đàn áp nữa. Trái lại, họ đã tuyệt đối và vui vẻ nghe theo sự hứơng dẫn của một thiểu số người điều khiển cuộc chiến đấu, và một trong những người điều khiển này đã không giữ một chức vụ nào trong tôn giáo liên hệ.

Cuộc tự vệ văn hóa của giáo dân VN tại San Jose đã làm cho hai chữ VIỆT NAM được kính nể. Nếu có những người lãnh đạo tinh thần ở các giáo phận khác trên nứơc Mỹ mà cũng có đầu óc thực dân thì những người ấy nhất định là sẽ phải suy nghĩ rất nhiều trước khi giở trò cưỡng bách đồng hóa. Dĩ nhiên, đó mới chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Khía cạnh kia quan trong hơn nhiều, chính là khí phách của những người Công giáo VN đang tỵ nạn tại nhiều tiểu bang của nứơc Mỹ. Những người Công giáo này đang có trước mặt họ hai khuôn mẫu sống. Nếu muốn tiếp tục được sống trong sự hiên ngang, để người bản xứ phải kính trọng thì đã có gương can đảm và bất khuất của phía Chính Nghĩa tại San Jose. Trái lai, nếu chỉ múôn cúi mặt, được dân bản xứ bố thí cho một chút “thông cảm nhỏ giọt” nào đó thì họ đã có bọn Việt gian tại San Jose làm kiểu mẫu.

Người ta có thể hiểu được thế kẹt của Tòa Thánh La Mã trứơc cuộc chiến đấu tự vệ của giáo dân VN tại San Jose. Ngay cả người ngoại cuộc cũng có thể hiểu một cách đại khái rằng nếu Đức Giáo Hoàng ra lệnh cho giáo dân VN tại San Jose thì cuộc chiến đấu sẽ chấm dứt ngay, căn cứ vào sự kính nể mà giáo dân VN từ trước tới nay luôn luôn bầy tỏ với người lãnh đạo tinh thần tối cao của họ. Sự việc Đức Giáo Hòang không hề ban một mệnh lệnh quyết liệt như thế chỉ có thể được hiểu là Ngài không thể ra một lệnh võ đóan như vậy, vì cuộc chiến đấu kia có chính nghĩa càng ngày càng sáng tỏ. Chỉ riêng việc trên tám trăm giáo dân VN từ San Jose đổ về San Francisco để dự buổi lễ rửa tội cho mấy chục giáo dân cũng từ San Jose tới cũng đủ để Ngài thấy rằng quả thật tòa giám mục San Jose đã hòan toàn hành động ngược hẳn với tinh thần công bằng và bác ái của Công giáo rồi. Còn một lý do khác nữa, quan trọng hơn nhiều, khiến cho Tòa Thánh La Mã không thể ban một lệnh quyết liệt áp đặt lên phía Chính Nghĩa. Đó là tinh thần tương nhượng và hòa giải của đương kim Giáo Hòang. Cụôc viếng thăm nứơc Mỹ của Ngài hồi tháng 9 năm 1987 chỉ được báo chí và truyền hình tường thuật những nét đại cương. Ít người ngoài cuộc biết đến những cuộc mặc cả, thương thuyết kín đáo ỡ hậu trường giữa bộ tham mưu của ngài với những lực lượng muốn chống đối Tòa Thánh La Mã. Sự tương nhượng lớn nhất là sự tương nhượng giữa Ngài và chủ nghĩa cộng sản. Rồi đến những sự tương nhượng khác, tuy không lớn bằng sự mặc cả với cộng sản, nhưng cũng có tầm mức ảnh hưởng rất đáng kể, thí dụ cách đối phó của Ngài đối với những đòi hỏi cởi mở của khối 53 triệu giáo dân Mỹ, - thí dụ sự mặc cả của bộ tham mưu của Ngài đối với bọn đồng tình luyến ái tại vùng San Francisco -... Nếu đối với những phía ấy mà Ngài còn tỏ ra mềm dẻo khi lựa cách đối phó, thì làm sao, Ngài có thể quyết liệt với phía Chính Nghĩa? Người lãnh đạo tối cao của Công giáo thế giới làm sao có thể ra lệnh tàn nhẫn với một khối giáo dân VN khi khối ấy tỏ ra mến mộ đạo đến nỗi lăn xả vào thánh đường để xin lễ, mặc dầu bị chó trận, cảnh sát và nhiều hình thức bạo lực khác ngăn cản và hành hạ? Làm sao có thể kết tội những giáo dân ấy khi họ lặn lội đi cả trăm cây số chỉ để xin một buổi lễ rửa tội? Trong khi đó, vì sự tế nhị của nội vụ, Ngài lại không thể công khai lên án chính sách mục vụ sai lầm của tòa giám mục San Jose!

Tòa Thánh La Mã đành giữ sự im lặng đối với thế giới bên ngoài trong vụ này, và đành để cho vụ ấy kéo dài vô hạn định. Sự im lặng ấy còn cho thầy rằng ngay cả đến Tòa Thánh còn chưa tìm được phương thế giải quyết mau lẹ thì những cá nhân, những tổ chức khác tại Mỹ làm sao dám hy vọng khôn ngoan hơn, sáng súôt hơn Đức Giáo Hòang để đòi gấp rút giải quyết cuộc tranh chấp lịch sử này?

Nhưng nhiều địa phương của nứơc Mỹ đã thẳng thăng hơn và phục thiện hơn Tòa Thánh La Mã khi lên tiếng đối với vụ đàn áp văn hóa tại San Jose. Sự lên tiếng của các địa phương này gián tiếp xác nhận sự chính đáng trong cuộc chếin đấu tự vệ của giáo dân VN tại San Jose. Sự xác nhận ấy còn có một tác dụng sâu rộng hơn nữa là sự kín đáo nhắc nhở và thúc giục đương kim Giáo Hòang hãy nên có một quyết định dứt khóat để giải quyết vụ lạm dụng tôn giáo xấu xa này.

Khuyến cáo gián tiếp này làm cho người ta nhớ lại phép cai trị của cổ nhân. Làm sao quên được chuyện Tào Tháo “mượn cái đầu của tên thuộc hạ phụ trách nấu ăn cho binh lính” để làm dịu nỗi căm hờn thiếu thực phẩm của ba quân? Huống chi đây là vụ bắt chẹt tôn giáo quá trắng trợn.

Đáng tiếc là Tòa Thánh La Mã đã tự trói mình vào một thế bất động ‘BA PHẢI’, và thế bất động này tổn thương rất nhiều cho uy tín của La Mã.

Những hành động công bằng, sáng suốt và phục thiện của nhiều địa phương Mỹ còn có tác dụng RỬA MẶT cho nước Mỹ trước mắt thế giới nữa. Thử nghĩ xen, công sản quốc tế sẽ hăm hở và triệt để khai thác để tuyên truyền khắp thế giới hầu hạ nhục nước Mỹ nếu có thêm những vụ đàn áp văn hóa khác tại Mỹ mà thủ phạm là một số kẻ đội lốt giáo phẩm để hành hạ những khối giáo dân thuộc các chủng tộc thiểu số đang nương thân trên đất Mỹ!

Ở phía Tây nước Mỹ, giáo phận San Francisco đã rửa mặt cho Công giáo Mỹ khi hân hoan đón mừng các giáo dân VN của phía Chính Nghĩa. Ở phía Đông nứơc Mỹ, hành động rửa mặt ấy còn rầm rộ hơn nữa, còn công khai nhiều hơn nữa, qua buổi lễ làm phép tại Trung Tâm Công Giáo VN và Thánh Lễ Tạ Ơn tại địa phận Thủ Đô Hoa-Thịnh-Đốn mà tuần báo Chính Nghĩa đã tường thuật trong số 17. Đức TGM James A. Hickey đã chỉ chấp thuận cho xây ngôi thánh đường của Giáo Xứ VN nếu theo kiến trúc VN để đóng góp vào giáo phận Thủ Đô những nét độc đáo của văn hóa và văn minh Việt Nam. Đức TGM Hickey tuyên bố: “Anh chị em đã tìm được tự do tại xứ tự do này, nhưng nếu anh chị em đánh mất nền văn hóa và truyền thống của dân tộc mình thì thật là một thảm kịch”. Không phải chỉ có nhắn nhủ như vậy mà Ngài còn có những hành động cụ thể để khuyến khích giáo dân VN hiên ngang bảo vệ di sản văn hóa của mình tại xứ người nữa, - thí dụ Xứ Nữ Vương VN tại thủ đô liên bang Mỹ mới chỉ là một Đặc Xứ nhưng lúc nào, Ngài cũng gọi là Giáo Xứ (Parish) VN, dành cho Giáo Xứ ấy mọi quyền hành và chức chưởng của một Giáo Xứ. Chính Ngài đã ký chi phiếu năm chục ngàn Mỹ kim để tặng Giáo Xứ ấy. Đáng khích lệ hơn nữa là cả bốn vị TGM và GM tham dự buổi lễ trong hai ngày 17 và 18-10-1987 nói trên đều nhấn mạnh rằng “người Việt Nam phải bảo vệ và phát triển văn hóa và truyền thống của dân tộc mình trong một xứ tự do như nước Mỹ”.

Nếu không có tờ Chính Nghĩa phổ biến tin tức về cử chỉ cao quý của giáo phận thủ đô liên bang Mỹ thì làm sao, giáo dân VN tại Mỹ và nhiều xứ khác trên thế giới biết được? Người ta sẽ hối hận nếu còn muốn cố gắng đặt câu hỏi là những kẻ đang ồn ào một cách tuyệt vọng để vớt vát chút thể diện của một vài tên thực dân da trắng thiển cận, hống hách và ngu dại có dám cho đăng tải các tin tức làm vẻ vang cho người Việt tại Mỹ không. Nếu còn đặt câu hỏi như thế là vẫn còn hy vọng rằng những kẻ ấy còn giữ được một chút liêm sỉ, một chút Việt tính. Bây giờ, người ta có thể khẳng định để kết luận rằng đối với những kẻ ấy, mọi tin tức làm cho người Việt tại xứ người cảm thấy hãnh diện đều bị chúng cố tình loại bỏ. Sự cố tình ấy xác nhận rằng chúng đã đương nhiên tự nhận một lý lịch mới, một căn cước mới: đó là căn cước của Việt gian.

Cuộc chiến đấu cho danh dự hai chữ VN của 4000 giáo dân Việt tại San Jose đã kết thúc bằng chiến thắng của các giáo dân hiên ngang ấy. Cuộc chiến ấy đã kết thúc từ lúc Tòa Thánh La Mã tự trói mình vào thế bất động: không thể kết án 4000 giáo dân VN vì họ có chính nghĩa sáng ngời không thể chối cãi, nhưng lại không dám loại trừ kẻ đội lốt tu hành phạm tội độc ác văn hóa trắng trợn và tàn bạo đến nỗi làm cho những chữ Công Bằng và Bác Ái của Thiên Chúa Giáo thành một trò hề.

Trở về  MỤC LỤC   *   Chương 9

LAST_UPDATED2