Tiễn Biệt Ông Mai Công Hiệt Print
Tác Giả: Tiến Sĩ Trần An Bài   
Thứ Hai, 10 Tháng 5 Năm 2010 20:22

Hôm nay, tôi vinh dự được anh Đoàn Trưởng Đoàn Liên Minh Thánh Tâm đề cử lên đây để nói đôi lời về ông Mai Công Hiệt, người anh trong Cộng Đồng của chúng tôi vừa được Chúa gọi về.

 

 Ông MAI CÔNG HIỆT (15/8/1934 - 3-5-2010)

Tôi nhớ lại ngày xưa, ông Mai Công Hiệt thường chọc tôi: "Tôi thích nghe ông nói lắm. Ông mà nói thì kiến ở trong lỗ cũng phải bò ra".

Tôi hỏi ông: "Cái gì mà kỳ lạ vậy?" thì ông Mai Công Hiệt trả lời: "Vì kiến có lỗ tai nhỏ li ti, nên nó thích những người ít nói và nói ngắn thôi".

Ông biết tôi có trách nhiệm hay phải nói và bài học ông muốn dạy tôi là: Muốn nói hay thì phải nói ngắn gọn. Do đó, tôi cũng sẽ không dám nói dài dòng về ông tối nay.

Kính thưa Cộng Đồng Dân Chúa,

Tất cả chúng ta ai cũng biết rằng ông  Mai Công Hiệt là người rất vui tính. Ông có tài pha trò, nói chuyện vui cho mọi người cười, còn ông thì không hề cười. Đó là cái biệt tài của người kể chuyện vui.

Sáng thứ Hai tuần này, tức ngày 3-5-2010, trong lúc tôi đang đọc bản tin về Đức Thánh Cha Bênêdictô 16 đến dự đám tang của một vị hồng y cao niên nhất vừa qua đời ở tuổi 99 thì anh Đoàn Trưởng Đoàn Liên Minh Thành Tâm gọi điện thoại báo tin ông Mai Công Hiệt vừa qua đời.

Tôi nghĩ không gì đúng hơn là xin mời Cộng Đồng lắng nghe những lời chia sẻ của Đức Thánh Cha nói về sự chết. Đức Thánh Cha nói:

”Mỗi lễ an táng của chúng ta đều được đặt dưới dấu chỉ hy vọng: trong hơi thở cuối cùng của Chúa Giêsu trên Thánh Giá (Xc Lc 23,46; Ga 19,30), Thiên Chúa hoàn toàn tận hiến cho nhân loại, lấp đầy khoảng trống do tội lỗi tạo ra và tái lập chiến thắng của sự sống trên sự chết. Vì thế, mỗi người chết trong Chúa đều ... trút hơi thở cùng với Chúa Kitô, trong niềm hy vọng chắc chắn rằng: bàn tay của Chúa Cha sẽ làm cho họ được sống lại từ cõi chết và dẫn đưa họ vào Nước Sự Sống”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng trong thời đại chúng ta, sự sợ hãi cái chết làm cho nhiều người lâm vào tình trạng tuyệt vọng.

Nhưng ông Mai Công Hiệt đã biết trước ngày giờ chết mà ông không tuyệt vọng, vì đúng như lời Đức Thánh Cha nói: "Người tín hữu Kitô hoàn toàn tin tưởng sẽ chiến thắng sự chết, nên không có gì sợ hãi."

Mỗi người trong Cộng Đồng này đã để cho tôi một bài học. Riêng ông Mai Công Hiệt, ông đã cho tôi một bài học sống động mà không bao giờ tôi có thể quên được mỗi khi nhắc đến ông.

Ông Mai Công Hiệt  có bà mẹ già ở VN, nên ông về VN rất thường. Ông kể cho tôi nghe rằng mỗi chuyến về VN, lúc đi thì ông bồn chồn thao thức, không sao ngủ được, nhưng chuyến về thì thanh thản, nằm trên máy bay ngủ thoải mái, ngáy ro ro.

Tôi góp ý: "Thì cũng đúng thôi, chuyến đi ông thao thức vì muốn sớm gặp mẹ. Sau khi gặp mẹ rồi thì chuyến về ông cảm thấy thoải mái."

Nhưng ông Mai Công Hiệt đã cải chính rất dí dỏm:

- Ấy chết, ông nói vậy sao được. Chuyến đi tôi thao thức nhớ mẹ. Đúng vậy. Nhưng chuyến về tôi lại thao thức nhớ vợ, nhớ con, thương cháu nội, cháu ngoại chứ!

Rồi ông giải thích cho tôi thế này:

- Chuyến đi VN, dĩ nhiên tôi phải đem quà, đem bánh, tiền bạc, giầy đép, quần áo tốt về. Cho nên Chúa bảo: Của cải ngươi ở đâu thì lòng ngươi ở đó. Tôi lo lắng, ăn ngủ không được vì phải canh chừng của cải. Ngộ mất thì sao? Đôi giầy cũng không dám cởi ra, sợ lạc mất. Tiền bạc thì bỏ túi trong túi ngoài, cài kim băng cho thật kỹ. Thế mà hai tay vẫn phải cầm chặt lấy cái túi đó. Sợ bị kẻ gian rạch túi.

Nhưng chuyến về thì chẳng còn gì. Quần áo, dày dép, để lại cho bà con hết. Mình chỉ mua quần áo rẻ tiền, đi đôi dép chừng vài chục xu. Trời ơi, cuộc sống nghèo sao mà nó thanh thản thế! Nghèo thì còn gì để mất nữa đâu.

Ngày xưa, có một tên trộm lẻn vào nhà một anh văn sĩ nghèo. Tên trộm cố tìm chỗ cất tiền bạc, nữ trang, nhưng tìm hoài không thấy. Bất chợt anh văn sĩ nghèo tình dậy. Anh mắng tên trộm:

- Sao mày ngu quá vậy. Đêm hôm tối lửa tắt đèn mày cố tìm những thứ mà ban ngày trời sáng trưng tao còn tìm không có nữa là!

Một con khỉ tham ăn, xỏ tay vào bẫy để lấy trái táo. Nhưng rút tay ra không được nữa. Nó kêu la thảm thiết. Nó không biết rằng nếu nó bỏ trái táo ra thì tay nó rút ra khỏi bẫy dễ dàng. Đàng này nó ham lấy trái táo, tay cứ cầm chặt trái táo, nên rút ra không được và nó bị bắt.

Vì ham mê của cải, nên con người thường lọt vào bẫy là vậy! Và đó là bài học của ông Mai Công Hiệt để lại cho chúng ta: SỐNG NGHÈO SẼ ĐƯỢC THANH THẢN.

Kính thưa quý Cộng Đồng Dân Chúa,

Từ nay, chúng ta không còn được gặp ông Mai Công Hiệt nữa, nhưng hy vọng những bài học, những gương sáng ông để lại cho Cộng Đồng chúng ta sẽ còn mãi mãi trong tâm khảm mỗi người.

Thay mặt cho các Hội Đoàn thuộc Giáo xứ Thánh Maria Goretti, chúng tôi xin chia buồn với bà Mai Công Hiệt cùng toàn thể tang quyến. Cầu mong chuyến về Quê của ông lần này cũng nhẹ nhàng, êm ái, thanh thản như các chuyến trở về HK ngày xưa của ông. Ông Bà Mai Công Hiệt có tất cả 8 người con: 5 trai, 3 gái. Tên của họ được gói trọn trong lời tóm tắt cuộc đời của ông như sau:

Trong cuộc sống ở trần gian này, ông Mai Công Hiệt  đã tạo biết bao nhiêu CÔNG ĐỨC để xây dựng một gia đình THANH BÌNH. Các con cái ông THÀNH CÔNG, CÔNG THÀNH. Những lo âu, thao thức trong cuộc chiến nơi thế gian của ông nay đã đi vào giai đoạn ĐÌNH CHIẾN, hôm nay, ông thanh thản về với Chúa nơi chốn THANH HẰNG, ngập tràn hoa ANH ĐÀO, đựng trong chiếc bình ANH NGỌC quý giá, giữa tháng Hoa kính Đức Mẹ.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho ông được thượng lộ bình an.

Xin cám ơn quý Cộng Đồng.