Home Biến Cố CG SJ Sách Tiếng Lương Tâm Tiếng Lương Tâm (Phần 8)

Tiếng Lương Tâm (Phần 8) PDF Print E-mail
Tác Giả: Đỗ Văn Hiến   
Thứ Năm, 03 Tháng 12 Năm 2009 17:55

 

71-  CẠM BẪY CỘNG SẢN

Trong một cuộc tranh luận, khi một người đuối lý thì thườngdùng cách “cãi cối”, cãi một cách vu vơ, mơ hồ, hoặc nói cạnh nói khoé, vu vạ cho đối phương có những những hành động xấu cho mình khỏi mất mặt, đồng thời làm hại đối phương. Đó là một hành động thấp kém. Tôi muốn nói đến bài “Nhập gia tuỳ tục” đăng trong tờ “Chân Lý” của Cha Dương ngày 4-9-88.

Trong bài này Cha đã nói là Cộng Đồng Công Giáo đang bị bọn cộng sản “kích động”, nhưng Cha không đưa ra một bằng chứng nào cả. Đối với những người hiểu biết thì cách nói vu vơ này của Cha Dương chẳng những không có giá trị mà nó còn làm cho người ta thấy cái mặt trái thiếu đứng đắn của Cha. Tôi nhấn mạnh đến những chữ “thiếu đứng đắn” vì Cha Dương nói mà không đưa ra một bằng chứng nào làm hậu thuẫn cho lời tố cáo của mình. Hành vi này “bất chính” vì nó có thể gây nghi kỵ chia rẽ tai hại trong Cộng Đồng Việt Nam và làm lợi cho cộng sản.

Có lẽ có người nghĩ rằng từ ngữ “bất chính” mà tôi dùng trên đây là quá mạnh. Tôi xin thưa: từ ngữ đó vẫn chưa mạnh đủ vì rằng đối với người Việt quốc gia đã liều mạng rời bỏ quê hương để tránh nạn cộng sản, chạy ra nước ngoài thì không có gì xấu xa, ghê tởm hơn cộng sản, đến nỗi “cả những cột đèn, nếu đi được, cũng muốn đi”. Thế mà Cha Dưong lại vu cho giáo dân là bị cộng sản kích động thì còn điều gì tệ hại, bất chính hơn? Nếu Cha Dưong có bằng chứng về lời tố cáo của Cha  thì Cha phải đưa ra để cảnh giác giáo dân. Đó là một điều tốt. Nhưng nếu Cha không có bằng chứng và vu cáo cho giáo dân như thế vì ghen ghét thì đó là một hành vi hèn hạ, bất chính không xứng đáng với một người thường chứ chưa kể gì đối với một Linh Mục.

Càng ngày Cha Dương càng tỏ ra bất xứng, có thái độ và lời lẽ khiêu khích, càng đào sâu hố chia rẽ giữa Cha và giáo dân. Tôi không hề dám hỗn láo với Bề Trên, nhưng nếu Bề Trên tỏ ra bất xứng, gây thiệt hại cho giáo dân thì tôi buộc lòng phải lên tiếng để bênh vực cho lẽ phải, cho sự thật để giữ tiếng tốt cho các Đấng Bề Trên khác. Một lần nữa tôi xin nhắc lại rằng: Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm về những điều tôi nói, và Cha Dương cũng phải chịu trách nhiệm về những điều Cha nói.

Trước đây, Cha Hà, Cựu Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, giáo phận Orange, California đã dùng tờ Hiệp Thông của Cha vu cáo là giáo dân tranh đấu San Jose đang bị giật dây bởi những “thế lực nghịch với Giáo Hội” (Hiệp Thông 22-2-87). Tôi dùng chữ “vu cáo” vì Cha Hà cũng không hề đưa ra được bằng chứng nào cả. Tôi đã lên tiếng trong bài : “Ai công kích ai?” (CN 35 bộ cũ), nói thẳng với Cha Hà rằng một người thường, có tư cách đàng hoàng, đứng đắn cũng không dùng cách ăn nói vu vơ, đáng khinh này huống chi là một Linh Mục; vì Linh Mục là người rao giảng Lời Chúa, nói lời nào ra, giáo dân coi như Lời Chúa, phải đường đường chính chính, là mẫu mực cho giáo dân nghe theo, không thể vu vơ hại người như vậy được. Bây giờ Cha Dương lại đi vào vết chân cũ của Cha Hà.

Nếu Cha Hà và Cha Dương khuyên răn giáo dân nên cẩn thận kẻo có thể bị giật dây hay kích động bởi cộng sản thì lời khuyên này có thể hiểu được. Đàng này Cha Hà và Cha Dương đã nói một cách khẳng định mà không đưa ra bằng chứng nào cả thì đó là một việc làm vô ý thức, vô trách nhiệm và rất tai hại đối với những người dễ tin.

Trước đây, những tờ Dân Tộc, Dân Việt, Đức Tin, Tín Hữu cũng thường dùng cái trò bỉ ổi chụp mũ nón cối cho Cha Tịnh và giáo dân tranh đấu. Người ta chán ngấy cái trò bịp bợm này vì nó gian dối, ấu trĩ và không xứng đáng với trình độ của người Việt hiện nay. Cũng vì thế mà những tờ này mất cảm tình đối với độc giả. Hậu quả đương nhiên là chúng đã bị bức tử và tự chuốc lấy tiếng xấu cho mình vì đã gây ra hậu quả tai hại là chia rẽ Cộng Đồng. Một số người liên hệ đang bị kiện trước Toà Án. Chúng ta chờ Toà xét xử để nhắc cho mọi người biết rằng tự do ngôn luận không có nghĩa là nói càn, nói bậy gì cũng được. Tự do phải đi song song với trách nhiệm và tự do đòi hỏi mọi người phải chịu trách nhiệm về những hành vi và lời nói của mình.

Lời nói trên đây của Cha Dương đã làm lợi cho cộng sản đúng như chiến dịch “Hoa Hồng Đỏ” của chúng ta đã có lần được nhắc đến trong tuần báo Chính Nghĩa này. Tiện đây tôi xin nhắc qua lại, tưởng cũng không thừa. Ông Hoàng Văn Trác, trong báo Ngày Nay (Houston, Texas) số 81 ngày 15-12-1984 đã cảnh giác chúng ta về 4 giai đoạn của chiến dịch này của cộng sản nhằm vào người quốc gia ở hải ngoại, nhất là ở Mỹ. Cha Dương và phe nhóm của Cha đang rơi vào cạm bẫy cộng sản theo đúng như giai đoạn 3 của chiến dịch này. Đó là “lũng đoạn hàng ngũ quốc gia. Một trong những mục tiêu của việc gây lũng đoạn là gây nghi kỵ, chia rẽ giữa người Việt quốc gia với nhau”.

Người quốc gia chúng ta phải luôn luôn cảnh giác nhau để khỏi rơi vào cạm bẫy của cộng sản. Đó là một điều tốt. Nhưng vu cáo nhau là cộng sản chỉ vì ghen ghét nhau thì đó là rơi vào cạm bẫy của cộng sản, làm lợi cho cộng sản, đáng tội với quốc gia.

Trong thập niên 50, Ông Joseph R. McCarthy ở bang Wisconsin, lợi dụng lòng dân Mỹ lúc đó đang lo về cộng sản bành trướng ở Âu Châu và để lấy tiếng cho mình trong cuộc tranh cử Thượng Nghị Sĩ, ông đã tố cáo nhiều nhân vật trong chính phủ Mỹ là cộng sản. Nhiều người sợ hãi McCarthy. Một số người bị buộc tội oan. Dân Mỹ nghi kỵ, chia rẽ hoang mang không biết đâu là thực, đâu là hư. Tình hình nội bộ ở Mỹ lúc đó thật là rối ren. Rất may là người Mỹ kịp thời cảnh giác. Môt Uỷ Ban Điều Tra được thành lập. Kết cục, McCarthy bị Uỷ Ban  này buộc tội là đã có ác ý vu cáo người khác là cộng sản, bị Quốc Hội khiển trách. Ngày nay, người Mỹ coi thời kỳ đó là một thời kỳ khủng hoảng chính trị trầm trọng của nước Mỹ, và khi nhắc đến McCarthy, người Mỹ nào cũng tỏ vẻ khinh dễ vì tư cách hèn hạ, vị kỷ của ông ta. Ông bị mọi người khiển trách và ba năm sau ông chết trong cảnh cô đơn. Thượng Nghị Sĩ Charles E. Potter, tác giả cuốn sách “Những Ngày Ô Nhục” về McCarthy đã kết thúc cuốn sách này bằng câu: “Tôi nghĩ tới ông ta (McCarthy) là người cô đơn nhất mà tôi đã biết” (I think he was the loneliest man I ever knew – Days of Shame, page 296).

Trở lại vấn đề Cộng Đồng Công Giáo San Jose. Giáo dân có mục tiêu rõ ràng trong cuộc tranh đấu: xin giáo xứ thể nhân và xin một cha xứ mà giáo dân có thể kính trọng và hợp tác được như Giáo Luật cho phép. Từ khi bắt đầu cuộc tranh đấu đến nay đã hơn hai năm rồi, tuyệt nhiên không thấy một ai chê trách hai thỉnh nguyện này. Vậy thì tại sao giáo dân tranh đấu lại bị một vài Linh Mục Việt Nam và một số giáo dân Việt Nam đố kỵ? Kinh nghiệm trường đời cho ta thấy khi ta làm một điều gì phải mà bị chê trách thì đó là do một trong hai lý do sau đây: một là vì ghen, hai là vì ghét. Vậy, có thể là mấy Linh Mục và số giáo dân đố kỵ thấy rằng chính họ không làm được vì thiếu khả năng hay vì không tha thiết và bây giờ giáo dân tranh đấu San Jose dám làm thì họ chỉ trích, chê bai để bào chữa cho thái độ “không làm” của họ là đúng. Họ không làm, nên họ cũng không muốn ai làm được, vì nếu làm được tức là hơn họ. Đó là thái độ của người tiểu nhân, ích kỷ. Người có lòng tốt thì khi thấy mình không làm được mà người khác làm được thì mừng cho họ mới phải.

Theo tôi, trong trường hợp này, có thể còn một lý do nữa: đó là những người đố kỵ này có thái độ tự ti mặc cảm. Họ sợ sệt, họ tự nghĩ: “mình là người di cư thấp hèn, yên phận cho rồi, còn đòi hỏi gì nữa!” Những người này bị đầu óc lộn xộn không phân biệt phải, trái. Họ cũng không biết rằng việc giáo dân tranh đấu cho hai thỉnh nguyện này là việc nội bộ Công Giáo không liên hệ gì đến người dân Mỹ hay chính phủ Mỹ cả. Chính vì không hiểu hoặc hiểu lầm như vậy mà mấy người này đâm ra sợ sệt, mặc cảm, cam phận cúi đầu. Những người Mỹ mà tôi đã có dịp trình bày biến cố này, khi họ hiểu, họ đều trách cứ Đức Giám Mục và Cha Dương. Không một người nào trách giáo dân cả.

Còn về khía cạnh nội bộ Công Giáo. Giáo dân tranh đấu cho hai thỉnh nguyện vì họ thấy việc đó hợp tình, hợp lý, hợp Giáo Luật, chẳng những không làm thiệt hại cho ai mà còn rất ích lợi cho sự sống đạo của giáo dân, đồng thời bảo vệ được dân tộc tính của mình. Thế mà họ bị một số người đố kỵ, ghen ghét, trách móc, chụp mũ! Họ xin đối thoại với những người chống đối họ thì những kẻ này cứ lẩn tránh! Khi Đức Giám Mục và tay chân của Ngài nói rằng giáo dân tranh đấu là số ít và giáo dân ủng hộ Cha Dương là số đông thì giáo dân xin Đức Giám Mục cho phép mở cuộc trưng cầu dân ý để biết sự thật. Nhưng Bề Trên lại nói rằng bỏ phiếu không phải là cách làm việc của Giáo Hội. Bề Trên cũng tránh sự thật thì bao giờ sự thật mới được sáng tỏ? Những người am hiểu thì thấy là giáo dân bị bất công.
Tình hình bế tắc như vậy là tại Bề Trên chứ đâu phải là là tại giáo dân. Thêm vào đó, Cha Dương và phe nhóm Cha lại đổ dầu vào lửa, tố cáo giáo dân bị cộng sản “kích động” mà không đưa ra được bằng chứng nào cả.

Cha Dương và phe nhóm Cha đang sa vào cạm bẫy cộng sản, làm lợi cho cộng sản và gây chia rẽ trong cộng đồng Việt Nam. Cha Dương và phe nhóm của Cha phải chịu trách nhiệm về hậu quả tai hại này.

Monterey, ngày 29-9-1988

72-  ĐOÀN KẾT CỘNG ĐỒNG

Trong suốt cuộc tranh đấu, tình đoàn kết, lòng hy sinh của giáo dân luôn luôn được thể hiện trong việc lớn cũng như việc nhỏ.

Tôi có dịp đến thăm Trung Tâm vào một ngày cuối tuần và được chứng kiến tận mắt cảnh đoàn kết xum vầy của giáo dân chung góp công sức. Tất cả đều hướng về một mục đích chung là phát triển cộng đồng. Từ các em nhỏ lượm lon lệnh khệnh vác trên vai mang đổ vào mấy cái thùng chứa, các thanh niên tấp nập rửa xe, cuốc đất làm sân, làm mái. Các ông, các cụ hùng hục cắt tường làm cửa sổ đến các bà, các cô cặm cụi trong bếp, nhặt rau, thái thịt, nấu cơm, quét dọn. Tiếng máy ầm ầm xen lẫn tiếng cưa, tiếng búa cũng không làm át được tiếng cười nói bông đùa của đám người đang ra sức lao động đến nỗi quên cả giờ ăn uống, các bà các cô phải nhắc họ nghĩ tay dùng cơm, kẻo mệt. Xa xa, trong góc phòng họp, một bà đang loay hoay cắt tóc kiếm tiền gây quỹ. Cái cảnh xum vầy, biết lo toan đùm bọc lấy nhau là tiêu biểu sự đoàn kết đồng tâm nhất trí của cộng đồng này. Chiều đến, mọi sự đã được thu dọn sạch sẽ ngăn nắp để kịp giờ đón giáo dân đến dự Lễ.
Gần đến giờ Lễ, giáo dân tấp nập kéo đến. Họ gặp nhau, tay bắt mặt mừng, tranh thủ một vài giây phút, chuyện trò trước giờ Thánh Lễ. Giáo dân ngồi kín nhà thờ,tràn ra khắp sân, đông đảo. Thánh Lễ bắt đầu. Từ câu kinh, tiếng hát đến bài đọc, bài giảng nó thấm vào lòng trí, tạo nênmột trạng thái yên vui, thoải mái. Ai cũng cảm thấy lòng mình thanh thản, gầngũi, hoà hợp với Chúa, với đồng hương, đồng đạo. Thật sốt sắng. Lễ xong, giáo dân vẫn chưa muốn về. Họ tụm năm, tụm bẩy, trò chuyện; khác hẳn với khi đi lễ ở các nhà thờ của giáo xứ Mỹ, giờ giấc đã không thuận tiện, lại rất hạn hẹp vì là nhà thờ mượn, dùng xong phải trả lại ngay. Tiền dâng trong Thánh Lễ cũng thuộc về nhà xứ Mỹ, chứ đâu có được như ở Trung Tâm. Nhà thờ là nhà thờ của mình, giờ giấc do mình định, nghi lễ do mình định, tiền dâng trong Thánh Lễ hoàn toàn thuộc về cộng đồng để dùng vào việc tu sửa Đền Thánh và phát triển cộng đồng. Đó mới chỉ là một vài điểm khác biệt giữa Giáo Xứ Thể Nhân và cộng đoàn thuộc giáo xứ Mỹ. Cái điểm căn bản này vậy mà nhiều người vẫn chưa nhận ra.

Một khi đã ý thức được sự khác biệt thì tôi nghĩ không còn ai chống đối giáo dân tranh đấu nữa.

Tôi xin minh định điều này: Tôi không hề có ý chê trách các giáo dân Việt Nam gia nhập các cộng đoàn trong các xứ Mỹ hoặc gia nhập thẳng vào các xứ Mỹ; vì mỗi người, mỗi nơi có một hoàn cảnh hoặc quan niệm khác nhau. Tôi kính trọng quyết định của họ. Tôi chỉ ứoc ao rằng họ cũng kính trọng quyết định của giáo dân tranh đấu, vì giáo dân tranh đấu không làm gì trái Giáo Luật, đúng với lời kêu gọi của Đức Thánh Cha. Giáo dân nhận thấy thỉnh nguyện này cần thiết cho họ giữ đạo sốt sắng hơn, đồng thời bảo vệ được dân tộc tính, xây dựng Giáo Hội Mẹ Việt Nam như Đức Ông Trần Văn Hoài, vị đại diện phụ trách Văn Phòng Phối Kết Mục Vụ Tông Đồ Việt Nam hải ngoại, đã viết trong bức tâm thư gửi các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đề ngày 25-10-87: “Giáo Hội Việt Nam chúng ta, nếu mỗi người chúng ta không hợp tác xây dựng thì ai xây dựng? Dân tộc Việt Nam chúng ta, nếu mỗi người Việt Nam chúng ta không bảo tồn, thì ai bảo tồn?” Chúng ta ghi lòng tạc dạ câu nói bất hủ này.

Trên đây tôi vừa kể ra cảm nghĩ của tôi về một vài “công việc nhà” của cộng đồng trong một ngày cuối tuần mà những người ở xa như tôi có tới Trung Tâm mới thấy được. Tuy nhiên, có những sinh hoạt khác mà dù ở xa ta cũng có thể nhận thấy. Trong số những sinh hoạt đó, tôi muốn đặc biệt nhắc đến việc các gia đình trong cộng đồng góp tiền chuộc lại Trung Tâm.

Từ khi Toà Giám Mục và đại diện cộng đồng thoả hiệp với nhau về việc chuộc lại Nhà Chúa với số tiền là 400.000 đô la cộng đồng phải trả cho Toà Giám Mục, các gia đình trong cộng đồng đã đón nhận tin này với niềm vui mừng và lo âu lẫn lộn. Vui, vì nếu xong xuôi thì cộng đồng sẽ có ngôi nhà do cộng đồng làm chủ để sinh hoạt. Lo, vì nếu không xong xuôi thì mọi người phải dắt dìu nhau ra khỏi nơi này.

Ngay sau khi án lệnh của Toà được ban hành, giáo dân đã liên tiếp họp bàn. Tinh thần đoàn kết hy sinh cùng với niềm hãnh diện đã đưa giáo dân đến kết luận: bằng mọi cách giáo dân phải giữ ngôi nhà này. Thế là giáo dân cùng nhau đóng góp để chuộc lại cơ sở. Tiêu chuẩn đặt ra cho đợt đầu là không gia đình nào đóng góp trên một ngàn đô là. Bắt đầu từ Chính Nghĩa số 56, ta đọc thấy một cách rõ ràng minh bạch, la liệt tên gia đình hội viên và số tiền đóng góp. Khi tôi thấy tên và số tiền đóng góp này, một cảm giác vui mừng mãnh liệt tràn ngập trong tôi.

Một ngàn, một ngàn, lại một ngàn . . . Cứ thế kéo dài hết hàng này đến hàng kia. Xét theo khả năng tài chánh, ít có một đoàn thể nào mà lại đoàn kết hy sinh đến mức như vậy. Vì tin tưởng mãnh liệt vào mục đích của mình và vì lòng kiên quyết chấp nhận trách nhiệm của những con người có căn bản vững chắc, họ đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cấp bách này. Ngoài số tiền đóng góp, lại còn những vị có tinh thần hy sinh cao độ tặng tiền cho quỹ chuộc Trung Tâm. Số tiền và tên của các vị này cũng được liệt kê trong Chính Nghĩa. Đây là một bằng chứng hùng hồn đập tan những sự nghi ngờ, tưởng tượng của những ai thường có ác ý nói rằng Cộng Đồng Công Giáo được tài trợ bởi những nguồn gốc khác. Đây cũng là dịp cho những kẻ manh tâm đó nhận thấy sự quyết tâm và đoàn kết của khối giáo dân này.

Trong cuộc tranh đấu này đã xảy ra biết bao nhiêu biến cố. Nhưng theo tôi, có ba biến cố cam go nhất, quyết liệt nhất và có tính cách quyết định nhất. Vậy mà giáo dân đều thắng vượt được cả. Đó là:

1. Vụ ĐGM ra vạ tuyệt thông cho hai ông Thiện và Bài. Trước cảnh đe doạ cực điểm này, giáo dân nghìn ngườinhư một, nhất quyết tranh đấu chống lại hình phạt bất công. Họ một lòng đứng gắn liền với hai ông và xin ĐGM cho họ chịu chung số phận với hai ông. Sự đoàn kết keo sơn này đã hoàn toàn thành công. ĐGM đã phải giải vạ vô điều kiện.

2. Vụ ĐGM kiện tại toà đời đòi đuổi giáo dân ra khỏi trung tâm của họ. Giáo dân cũng đã thành công nhờ có lẽ phải và sự phán quyết công bằng của vị quan toà công minh.

3. Vụ chuộc lại chủ quyền Trung Tâm. Tuy chưa đến hạn nộp tiền, nhưng giáo dân cũng cương quyết đoàn kết hy sinh để đem lại thắng lợi toàn vẹn cho cộng đồng tức là nộp đủ số tiền 400.000 cho Toà Giám Mục để được thảnh thơi lo việc phát triển cộng đồng.

Biến cố 1 và 2 trên đây không thuộc quyền quyết định của giáo dân. Vậy mà nhờ có đoàn kết và lẽ phải, giáo dân đã thắng vượt được, huống chi là biến cố thứ ba này, vì biến cố này hoàn toàn thuộc quyền quyết định của giáo dân. Vì vậy, tôi dám quyết đoán là giáo dân cũng sẽ cố gắng lo liệu để đạt được thắng lợi như trong hai biến cố kể trên.

Nhìn lại cuộc tranh đấu từ khi khởi sự, giáo dân đã trải qua bao nhiêu thử thách khó khăn. Nhưng “vàng thật không sợ lửa”. Kết quả ngày nay là nhờ lòng đoàn kết kiên trì và sự yêu thương nhường nhịn của mọi người trong cộng đồn biết hy sinh đùm bọc lấy nhau, từ các em nhỏ, các nh chị em thanh thiếu niên đến các bậc cô bác, các cụ già. Giữ vững và tăng cường sự đồng tâm nhất trí này là các vị phụ trách các đoàn thể và nhất là các vị đại diện cộng đồng có tài khéo léo lo toan, không tiếc công tiếc sức, biết xả kỷ không màng danh lợi, miễn sao đem được lợi ích cho cộng đồng, là sức mạnh tinh thần của cộng đồng, dìu dắt cộng đồng trên đường giữ đạo trong khi cộng đồng bị bỏ rơi, cấm cản.

Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam San Jose đang viết lên những trang sử oai hùng. Gia đình tôi rất hãnh diện được là một phần tử nhỏ của cộng đồng này.

Monterey ngày 8-10-1988

73-  THƯ NGỎ KÍNH GỬI LM. LƯU ĐÌNH DƯƠNG

Thưa Cha,

Đây là lần thứ hai con viết thư gửi Cha, liên quan đến cuộc tranh đấu của giáo dân Việt Nam, San Jose. Lần trước là lúc cuộc tranh đấu vừa bùng nổ. Lần đó con cũng gửi thư cho Đức Giám Mục Du Maine và giáo dân tranh đấu. Tuy thư đó không đem lại kết quả gì cả, nhưng riêng về phần con, con cũng cảm thấy là đã nói ra được những điều con muốn nói để rộng đường ngôn luận.

Lần này con cũng xin gửi đến Cha bức thư ngỏ này, ước mong Cha lên tiếng để giải thích những thắc mắc mà con chắc là hầu hết các giáo dân cũng có như con. Những thắc mắc này liên quan đến bức thư Cha gửi giáo dân để cho họ biết “về việc xây dựng cơ sở Giáo Xứ”. Thư này đã đăng trong Chính Nghĩa số 62 ngày 15-10-1988.

Ai cũng nhận định rằng đây là một tin rất quan trọng cho giáo dân Việt Nam, vì thế ai nấy đều quan tâm rất nhiều. Nhưng càng quan trọng bao nhiêu thì càng phải thận trọng bấy nhiêu, vì thế, càng phải biết rõ những điểm “đại cương” đích thực để tiến hành công việc một cách đàng hoàng, minh bạch và để tránh những hậu quả tai hại về mọi phương diện, nhất là phương diện pháp lý có thể xảy ra sau này.

Những điều con trình bày trong thư này đã được đề cập đến trong bài ‘Nhiều nghi vấn trong việc mua cơ sở mới của LM Lưu Đình Dương’ trong Chính Nghĩa số 62. Tuy nhiên, đối với một công việc to tát và trọng đại như dự án xây cất cơ sở mà kinh phí lên tới năm triệu thì cần có nhiều người nêu ra nhiều ý kiến để thảo luận, mổ xẻ. Những thắc mắc cần được nhắc đi nhắc lại cho đến khi được giải đáp thoả đáng thì dự án xây dựng này mới có thể thi hành được.

Một ví dụ cụ thể liên hệ đến tiền bạc là vụ chuộc lại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, San Jose. Trước khi phát động việc đóng góp tiền bạc để chuộc lại Trung Tâm, Ông Trần An Bài, đại diện cộng đồng, sau nhiều buổi họp sôi nổi, đã lĩnh ý của cộng đồng để thảo và gửi thư đến các thành viên và liên tiếp đăng trong báo Chính Nghĩa bức thư trình bày rõ ràng những chi tiết về mọi mặt để mọi người được am tường. Vì thế,  giáo dân đã hăng hái đóng góp.

Đối với dự án “Xây dựng cơ sở Giáo Xứ” này cũng vậy. Con nghĩ Cha có bổn phận phải nói rõ cho giáo dân biết và giải đáp mọi câu hỏi của họ một cách thoả đáng trước khi Cha kêu gọi họ đóng góp.

Sau đây là một số những thắc mắc mà con thấy Cha cần phải giải đáp;

I. Cơ sở mà Cha nói đến trong thư là cơ sở của Họ Đạo Việt Nam hay là của Giáo Xứ Việt Nam? Sở dĩ con hỏi như thế là vì ở đầu thư Cha nói là “Xây dựng cơ sở Giáo Xứ”, nhưng ngay trong đoạn mở đầu Cha lại nói là “. . . Ngài (ĐGM) đã hứa xúc tiến ngay việc xây dựng cơ sở mới cho Họ Đạo”. Ai cũng biết rằng quy chế của Họ Đạo và của Giáo Xứ khác nhau rất nhiều. Con xin nhắc lại đây để tiện việc phân tích:

1. Họ Đạo chỉ được hưởng quy chế tạm thời, áp dụng cho những nơi mà giáo dân còn ở trong tình trạng chưa ổn định, chưa có đủ điều kiện về dân số và tài chánh để được trở thành Giáo Xứ. Tuỳ theo hoàn cảnh, quy chế Họ Đạo được duyệt xét lại sau mỗi mười năm. Nếu ĐGM thấy không còn cần thiết nữa thì Họ Đạo sẽ được ĐGM tuỳ nghi sử dụng, có nghĩa là Ngài có thể bán đi như Ngài đã định làm như thế đối với Trung Tâm Cộng Đồng Công Giáo ở đường Singleton hiện nay, - vì vậy mới có sự tranh chấp chủ quyền -, hoặc nếu Ngài không bán thì Ngài có thể dùng nó làm cơ sở cho một tổ chức khác như văn phòng USCC chẳng hạn. Lúc đó số tiền đóng góp của giáo dân sẽ đi về đâu?

2. Nếu cơ sở xây cất này này cơ sở của một Giáo Xứ, thì theo Giáo Luật, Giáo Xứ sẽ được hưởng quy chế vĩnh viễn. Nhưng Giáo Xứ này là Giáo Xứ Thể Nhân (đối nhân) cho người Việt Nam thôi, hay là cho cả những sắc dân khác nữa? Vì nếu là Giáo Xứ cho người Việt Nam thôi thì chỉ người Việt Nam được sử dụng, còn các cộng đoàn, các sắc dân khác, nếu muốn sử dụng thì phải được phép của Giáo Xứ Việt Nam, chẳng khác gì các cộng đoàn VN: Đồng Tâm, Thánh Tâm , Mẫu Tâm, Khiết Tâm hiện nay đang thuộc vào các Giáo Xứ Mỹ vậy. Nói thế không có nghĩa là những người ngoài Giáo Xứ không được đến dự các nghi lễ ở nhà thờ VN. Dĩ nhiên họ có quyền nhưng chỉ như là người khách thôi. Vậy nếu Giáo Xứ này không phải chỉ cho giáo dân VN mà còn chung cho các sắc dân khác nữa thì đâu có khác gì các Giáo Xứ Mỹ.

Vậy xin Cha nêu rõ vấn đề này cho giáo dân biết. Có lẽ Cha nói rằng ĐGM Du Maine đã đoan hứa với Cha và như vậy là đủ rồi. Con nghĩ rằng đoan hứa như vậy chưa đủ. Giáo dân còn nhớ rằng trước kia Đức Tổng Giám Mục John Quinn cũng đã hứa với giáo dân VN như vậy và khi đại diện giáo dân nhắc lại điều này với ĐGM Du Maine thì Ngài nói là Ngài không biết gì cả và Ngài không thấy giấy tờ nào để lại về vấn đề này cả. Bài học đắt giá còn đó. Vì vậy, giáo dân biết rằng bất cứ việc gì, đạo hay đời, sổ sách giấy tờ phải cho minh bạch. Vậy Cha nên xin ĐGM ra sắc lệnh thành lập Giáo Xứ cho người Việt Nam rồi mới khởi sự dự án xây cất cơ sở Giáo Xứ. Nếu Cha không xin được ĐGM ra sắc lệnh như con vừa trình bày thì giáo dân có quyền nghi ngờ và nghĩ rằng có nhiều uẩn khúc trong việc này. Do đó, dự án xây cất sẽ thất bại ngay ở giai đoạn này.

II. Vấn đề tài chánh. Ai cũng biết rằng tài chánh do giáo dân đóng góp cho Giáo Xứ và Giáo Xứ đóng góp cho Giáo Phận. Dĩ nhiên, Giáo Xứ cũng như Giáo Phận đều cũng có những nguồn tài chánh khác nữa, nhưng nguồn tài chánh chính vẫn là sự đóng góp của giáo dân.

Gần đây, báo Chính Nghĩa số 61 (Tin N.Y .Times) và đài CBS có loan tin về việc Tổng Giáo Phận Detroit đóng cửa 1/3 số nhà thờ trong giáo phận. Lý do là vì thiếu tiền. Đà CBS, ngày 17-10-88 còn nói rõ thêm rằng vì có nhiều giáo dân khá giả rời đi nơi khác nên phần vì số tiền đóng góp thiếu hụt, phần vì thiếu giáo dân nên phải đóng cửa nhà thờ. Cứ nhìn thấy trên Tivi những nhà thờ cổ kính, đồ sộ, khang trang phải đóng cửa vì thiếu tài chánh mà con cảm thấy lo lắng khi nghĩ đến cơ sở khang trang, kinh phí lên tới năm triệu đô la mà ĐGM dự định xây cho giáo dân Việt Nam.

Vậy xin Cha giải đáp những thắc mắc sau đây:

1. Số tiền năm triệu này do đâu mà ra?
 a. Toà Giám Mục cho vay bao nhiêu?
 b. Số còn lại do giáo dân đóng góp là bao nhiêu?

2. Sổ chi thu hàng tháng như thế nào?
 a. Tiền trả nợ hàng tháng cho Toà Giám Mục là bao nhiêu?
 b. Ước tính chi tiêu hàng tháng cho Giáo Xứ là bao nhiêu?
 c. Ước tính lợi tức hàng tháng của Giáo Xứ (sự đóng góp của giáo dân và những nguồn lợi khác) là bao nhiêu?

Có lẽ Cha nghĩ rằng giáo dân không có quyền hỏi và biết về những điều này. Con xin thưa: giáo dân có quyền, vì kẻ chịu trách nhiệm về tài chánh của Giáo Xứ cũng như của Giáo Phận là chính giáo dân. Hàng năm, các Đức Giám Mục và các Cha xứ phải làm sổ sách kê khai cho giáo dân biết rõ về sự tăng hụt tài chánh như thế nào rồi tuỳ vào đó, các Cha xứ cùng với Hội Đồng Giáo Xứ là đại diện giáo dân sẽ hoạch định ngân sách cho năm sau.
Những điều con viết trên đây không ngoài mục đích đưa ra những ý kiến thiết thực xây dựng. Con không muốn giáo dân nghĩ rằng Toà Giám Mục và Cha đã có những dự tính không thực tế, mộng tưởng và vì vậy không thực hiện được.

Vậy xin Cha lên tiếng cho giáo dân biết những điều mà họ chưa được biết như con vừa trình bày trên đây để trấn an họ. Chỉ khi nào Cha làm cho họ hiểu và tin tưởng nơi Cha thì họ mới hợp tác. Nếu không, họ vẫn có lý do nghĩ rằng Đức Giám Mục và Cha cố ý kéo dài cuộc biến động này chỉ vì tự ái để phạt giáo dân tranh đấu một cách bất công, bằng cách cấm các Thánh Lễ và các Phép Bí Tích, coi thường sự sống đạo của giáo dân và không muốn nhìn nhận sự thật. Tình trạng này làm đau lòng Giáo Hộivà thiệt hại cho sự giữ đạo của giáo dân.

Con mong là vì lợi ích của mọi người, xin Cha lên tiếng càng sớm càng tốt.
Kính thư,


74-  MẠNH ĐƯỢC YẾU THUA

Ai cũng tưởng rằng câu “Mạnh được, yếu thua” chỉ áp dụng cho những xã hội man rợ, trong đó con người còn u mê, vô tổ chức nên không bị ràng buộc bởi những luật lệ của một xã hội văn minh tiến bộ. Nhưng cứ nhìn những việc xảy ra trong thế giới văn minh của cuối thế kỷ hai mươi này, ta thấy là câu này vẫn còn đang được áp dụng ở nhiều nơi trênthế giới. Trong những nước cộng sản và những nước có chế độ độc tài chuyên chế hoặc kỳ thị chủng tộc, dân chúng vẫn còn đang bị đàn áp. Hãy nhìn vào mấy trường hợp điển hình sau đây làm vị dụ.

1. Trong nước Ba-Lan, quê hương của Đức đương kim Giáo Hoàng, hơn tám mươi phần trăm là Công Giáo. Thế mà dân chúng vẫn bị áp bức. Dân chúng Ba-Lan và nghiệp đoàn Đoàn Kết đã nhiều lần vùng dậy đòi quyền lợi cho mình, nhưng vẫn bị đàn áp, dù rằng họ được sự ủng hộ của Đức Giáo Hoàng và nhiều lãnh tụ các quốc gia khác. Tại sao vậy? Vì những kẻ nắm giữ quyền lực trong chính phủ là những tên cộng sản ác nghiệt. Chúng không cần nghĩ đến quyền lợi của người dân. Chúng bất chấp lẽ phải. Chúng là số ít nhưng chúng có quyền lực vì thế chúng mạnh. “Mạnh được, yếu thua” là vì vậy.

2. Nước Nam Phi chỉ có độ bốn triệu người da trắng và độ hai mươi lăm triệu người da đen. Thế mà số người đen vẫn bị thiểu số da trắng áp bức. Người đen đã nhiều lần vùng dậy đòi quyền làm người cho mình, nhưng vẫn bị đàn áp, dù rằng họ được sự ủng hộ của các quốc gia, các dân tộc trên thế giới. Tại sao vậy? Vì những kẻ nắm giữ quyền lực trong chính phủ là người da trắng có óc kỳ thị; họ coi người da đen và người da màu khác là thấp kém. Ngay cả những quyền căn bản nhất của con người cũng bị người da trắng tướt đoạt. Chúng bất chấp lẽ phải. Chúng là số ít, nhưng chúng có quyền lực; vì thế chúng mạnh.  “Mạnh được, yếu thua” là vì vậy.

Câu “Mạnh được, yếu thua” đang được áp dụng trong những nước cộng sản, độc tài hoặc kỳ thị. Không lẽ câu này cũng được áp dụng ở nước Mỹ văn minh này nữa sao? Ta thử xét xem nó có thể áp dụng trong biến cố San Jose không?

Giáo dân Việt Nam, San Jose bị bất công, nên họ đệ trình lên Đức Giám Mục Du Maine hai thỉnh nguyện chính đáng hợp tình, hợp lý, hợp Giáo Luật để họ được sống đạo lợi ích hơn. Nhưng Đức Giám Mục đã làm ngơ và ép buộc họ phải theo những quyết định bất công của Ngài; vì vậy họ đã đứng lên tranh đấu cho quyền lợi căn bản của họ. Họ bị Đức Giám Mục dùng quyền lực đàn áp. Đại Diện của họ bị Đức Giám Mục phạt vạ một cách bất công. Họ bị cấm Lễ, cấm các phép Bí Tích một cách ác nghiệt. Sau hơn hai năm bị khó khăn cùng cực, họ vẫn còn bị đàn áp. Nhưng họ vẫn một mực kiên trì chịu đựng. Tình hình vẫn bế tắc và còn trở nên phức tạp hơn. Ta thử lượt qua nội vụ để xem nó bế tắc ở chỗ nào.

 a. Thỉnh nguyện lập Giáo Xứ Thể Nhân.

Kể từ khi lên cai quản giáo phận San Jose, chính sách mục vụ của Đức Giám Mục Du Maine đã rõ ràng là Ngài muốn đồng hoá giáo dân Việt Nam vào các giáo xứ Mỹ. Quy chế Họ Đạo mà Đức Tổng Giám Mục Quinn ban cho giáo dân Việt Nam bị Ngài hạ xuống làm Trung Tâm Mục Vụ. Giáo dân đốt nến cầu nguyện cuối Nhà Thờ Chánh Toà xin Ngài rút lại quyết định đó thì Ngài lại cho trở lại quy chế Họ Đạo. Nhưng trong bức thư đề ngày 31-5-84 gửi các Linh Mục Việt Nam trong giáo phận San Jose, Ngài hoạch định chính sách từ từ đồng hoá của Ngài. Chính sách này được Linh Mục Dương và một số Linh Mục Việt Nam khác ủng hộ triệt để.

Từ khi bắt đầu cuộc tranh đấu đến nay, ta thấy Đức Giám Mục từ từ thay đổi chính sách của Ngài. Gần đây, trong thư gửi giáo dân, Cha Dương nói rằng Đức Giám Mục đoan hứa thành lập giáo xứ cho giáo dân Việt Nam, San Jose. Chúng ta hãy vui mừng đón nhận và coi đó là thành quả của cuộc tranh đấu gian lao, đau khổ của ta; vì thỉnh nguyện của ta chính đáng, hợp Giáo Luật và theo đúng sự khuyến khích của Đức Thánh Cha.

Về điều 518 Giáo Luật lập Giáo Xứ Thể Nhân thì ai cũng biết rồi, nhưng về lời tuyên bố của Đức Thánh Cha thì tôi nghĩ là có người chưa biết. Vậy tôi xin tóm lược ý của Người như sau: Đức Thánh Cha kêu gọi và khuyến khích các giáo hữu di dân hay tỵ nạn hãy cố gắng bảo vệ truyền thống quý giá của dân tộc mình. Gần đây, trong cuộc hội nghị do Uỷ Ban Giáo Hoàng về Di Dân và Du Lịch tại thủ đô Giáo Hội, Vatican, ngày 25-10-88, Người tuyên bố rằng các giáo phận nên gửi các Linh Mục đi theo người di dân để giúp họ trong việc sống đạo. Ngài còn xác quyết rằng cách hữu ích nhất để giúp giáo dân là lập Giáo Xứ Thể Nhân cho họ (Tin Vatican City, NC). Như vậy có nghĩa thể yên trí rằng thỉnh nguyện Giáo Xứ Thể Nhân của ta đã có căn bản vững chắc để thành hình.

 b. Thỉnh nguyện thứ hai của giáo dân là xin Đức Giám Mục thay đổi lệnh bổ nhiệm Cha Dương trong chức vụ Chánh Xứ Họ Đạo.

Nếu lúc ban đầu, khi nhận được thỉnh nguyện này của giáo dân, Đức Giám Mục cho phép họ được gặp Ngài để trình bày ý kiến của họ về Cha Dương thì tôi chắc là sự chống đối Cha Dương sẽ không còn hoặc nếu còn thì cũng yếu ớt. Nhưng Đức Giám Mục đã làm ngơ thỉnh nguyện của giáo dân và Ngài nhất quyết dùng quyền lực, một mực thi hành việc “tấn phong” Cha Dương dùng chó săn và cảnh sát trong ngoài nhà thờ như ta đã biết. Vì vậy, sự chống đối Cha mới mãnh liệt như hiện nay, vì càng bị đàn áp thì quyết tâm của giáo dân càng cao.

Chuyện Cha Dương thì chẳng còn ai xa lạ gì nữa. Trước đây, đối với giáo dân, Cha đã có thái độ xa cách và không hợp tác. Cha chống lại Giáo Xứ Thể Nhân. Cha là tác giả những thư nặc danh nói xấu Cha Tịnh. Cha vu cáo cho giáo dân là cộng sản. Giáo dân có nhân chứng và bằng chứng về những điều này và họ sẵn sàng đối chứng với Cha Dương. Vì thái độ, lời nói, và hành động như vậy, Cha đã gây ra nhiều hiềm khích giữa Cha và giáo dân. Giáo dân mất kính trọng, mất tín nhiệm nơi Cha. Vì thế, việc mục vụ của Cha đối với họ không thể nào có hiệu quả được. Làm sao giáo dân có thể bình an trong tâm hồn khi dự lễ của Cha? Làm sao những lời giảng dạy của Cha còn có thể cảm hoá được lòng họ? Làm sao giáo dân có thể đến xưng tội với Cha? Làm sao giáo dân dám bàn việc linh hồn với Cha? . . . Giáo dân đã gửi thư trình bày với Đức Giám Mục về Cha, nhưng Đức Giám Mục vẫn dùng quyền lực của Ngài bắt giáo dân phải nhận Cha làm chánh xứ của họ? Thế có lạ không? Điều đó trái với mọi luật lệ, mọi cách thức làm việc trong bất cứ một tổ chức nào, huống chi là trong Giáo Hội vì Giáo Hội lấy sự hoà hợp làm căn bản. Một điền hiển nhiên và giản dị như vậy làm sao mà Đức Giám Mục và Cha Dương không muốn nhìn nhận.

Có người nói rằng, “ Hãy để cho Cha Dương một cơ hội xem Cha Dương có làm việc được không?” Làm sao Cha có thể làm việc được vì lý do tôi vừa nói trên đây. Nếu Cha muốn làm việc với họ thì cần phải có sự làm hoà giữa Cha với họ trước. Vì vậy, nhiều lần giáo dân đề nghị xin Cha gặp giáo dân để nói chuyện tìm xem phải trái thế nào rồi cố gắng làm hoà với nhau. Nhưng Cha một mực làm ngơ! Không nói chuyện, làm sao làm hoà được? Không làm hoà thì làm sao làm việc được với nhau? Cha thì dựa thế Đức Giám Mục. Còn Đức Giám Mục thì lại quá ỷy vào quyền lực để giữ thể diện và tự ái hơn là quan tâm đến nguyện vọng của giáo dân. Trong hoàn cảnh khó khăn, bị cấm cản này, giáo dân phải tự liệu cho mình, không lẽ cứ chịu khoanh tay để cho sự giữ đạo của mình bị thiệt thòi sao? Như vậy, sự bế tắc này là do Đức Giám Mục và Cha Dương gây ra chứ đâu phải do giáo dân.
Những người ở xa không biết chuyện đầu đuôi ra sao thì cứ cho là giáo dân sai, vì “chống Cha là chống Chúa”. Vấn đề đâu có giản dị như vậy, như tôi vừa trình bày trên đây. Giáo dân chỉ nói lên lẽ phải để bênh vực cho sự giữ đạo của mình. Còn một số người khác cũng cho là giáo dân sai, vì họ có tự ti mặc cảm, họ sợ “Mỹ nó cười!”. Tôi thấy tội nghiệp cho những người này vì họ thà chịu nhục nhã, bất công chứ không dám há miệng. Họ đâu có biết rằng thái độ tự bỉ của họ chỉ làm cho người khác, nhất là người Mỹ khinh dễ họ mà thôi.

Vậy xin Cha Dương hãy làm hoà với giáo dân để cộng đồng được yên lành. Bao lâu Cha còn núp sau chiếc áo của Đức Giám Mục thì bấy lâu còn biến động trong cộng đồng và Cha phải  chịu trách nhiệm về những hậu quả này.
Để kết luận, tôi tin rằng câu “Mạnh được, yếu thua” chỉ có thể áp dụng trong các nước cộng sản và độc tài, kỳ thị chứ không thể nào áp dụng được ở nước Mỹ này và nhất là trong Giáo Hội Công Giáo. Chúng ta cứ kiên tâm và cầu nguyện.

Monterey, ngày 11-12-1988


75-  Góp ý kiến với Ô. Nguyễn Khắc Rinh
VỀ CUỘC TRANH ĐẤU CỦA GIÁO DÂN VN,  SAN JOSE

(Trích Văn Nghệ Tiền Phong)

LTS: - Trong mục này, VNTP số 309, chúng tôi đã đăng tải ý kiến của ông Nguyễn Khắc Rinh, một người Công Giáo Willow Grove PA, về cuộc tranh chấp nội bộ trong cộng đồng Công Giáo Việt Nam ở San Jose.

 Kỳ này, chúng tôi rất hân hạnh được giới thiệu ý kiến của ông Đỗ Văn Hiến, một người Công Giáo ở Monterey CA, trả lời lập luận của ông Nguyễn Khắc Rinh. Toà soạn VNTP nhận được bài này từ đầu tháng 12, nhưng mãi nay mới đăng được vì kẹt hai số báo Tết và Tân Xuân, phải dành chỗ cho những bài khác tương đối cần đi kịp với thời gian hơn. Chúng tôi mong được sự thông cảm của ông Đỗ Văn Hiến và sẽ đều đặn, liên tục các ý kiến khác, nếu có.

 Tự do ngôn luận, tự do tư tưởng là một ưu điểm tuyệt đối của xã hội dân chủ mà hiện nay chúng ta đang sống. Quyền tự do ấy không những chỉ dành cho đa số mà dành cho cả thiểu số, khác với xã hội độc tài, độc đoán chủ trương bóp miệng kẻ yếu và thiểu số.

 Ý kiến của ông Nguyễn Khắc Rinh và của ông Đỗ Văn Hiến trái ngược nhau nhưng đều không nhằm công kích cá nhân mà chỉ nêu lên các bất đồng tư tưởng, nhận định. Đây thật là một dấu hiệu đáng mừng, nó chứng tỏ chúng ta không còn coi những người có ý kiến đối nghịch là kẻ thù, cần phải tiêu diệt ngay tức khắc và đã nhận thức được rằng việc “đốt sách, chôn học trò” chẳng những đã quá lỗi thời mà cũng sẽ chẳng cứu được cơ đồ của những bạo chúa như Tần Thuỷ Hoàng. Sự thật, chân lý như ánh sáng mặt trời, không có bàn tay khổng lồ nào có thể che khuất ánh sáng ấy. Tuy nhiên, muốn thấy ánh sáng mặt trời, không thể núp dưới hầm tối. Vì thế, tời rơi, truyền đơn nặc danh, tất cả sẽ đều vô hiệu. Toà soạn VNTP, một lần nữa, xin nhắc lại, rất hoan nghênh mọi đóng góp ý kiến, với điều kiệnduy nhất: người viết ký tên thật và có địa chỉ rõ ràng để tiện việc liên lạc. Diễn Đàn Tự Do là đất chung của những người đường đường chính chính, dám chịu trách nhiệm những điều mình nói, mình viết, không phải là nơi địa ngục tối om để ma quỷ làm trò ném đá giấu tay.

 Trong VNTP số 309, trang 14 có đăng bài của ông Nguyễn Khắc Rinh dưới nhan đề “Ông Phạm Kinh Vinh và tác phẩm Cuộc Tự Vệ Văn Hoá Việt Nam tại San Jose”. Tôi viết bài này, không có mục đích trả lời ông Rinh thay ông Phạm Kim Vinh. Nếu ông Vinh muốn, ông sẽ trả lời ông Rinh.

 Mục đích của bài này là tóm lược những điểm chính trong biến cố này để độc giả xa gần có một ý niệm về cuộc tranh đấu của giáo dân VN San Jose (tôi đoán có nhiều người biết rất ít hoặc ngộ nhận về cuộc tranh đấu này) và vạch ra những nhận định sai lầm của ông Rinh về cuộc tranh đấu này. Để khỏi mất thời giờ của độc giả, tôi xin vào đề ngay.

 A. Những điểm chính trong cuộc tranh đấu.

 I. Trước khi cuộc tranh đấu bắt đầu.

 1. Ngày 2-9-79, trong Thánh Lễ mừng các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục John Quinn, Tổng giáo phận San Francisco (lúc đó San Jose còn thuộc Tổng giáo phận San Francisco) đã long trọng tuyên bố việc thành lập Họ Đạo cho người Công Giáo VN tại vùng San Jose do Cha Giuse Nguyễn Văn Tịnh làm chánh xứ với dự định sẽ trở thành giáo xứ thể nhân như điều 518 trong giáo luật cho phép.

 2. Năm 1981, giáo dân đóng góp tiền mua được ngôi nhà thờ của Hội Thánh Tin Lành với giá $340.000. Tiền trả trước là $75.000. Số còn lại, giáo dân vay của Toà Giám Mục với lãi suất 5,5%. Mỗi tháng trả $2.575. Đây là cơ sở của Họ Đạo Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, cũng gọi là Trung Tâm Công Giáo VN, San Jose, đã được ĐGM Du Maine làm phép và khánh thành với sự hiện diện của nhiều quan khách và hàng ngàn giáo dân tham dự, ngày 27-2-83.

 3. Năm 1982, San Jose được tách rời khỏi tổng giáo phận S.F thành một giáo phận riêng do Đức Giám Mục Pierre Du Maine cai quản.

 4. Ngày 31-5-84 ĐGM Du Maine gửi các Linh Mục VN trong giáo phận một bức thư hoạch định chính sách đồng hoá giáo dân VN vào các xứ Mỹ, ngược lại với chính sách của ĐTGM Quinn.

 5. Ngày 20-7-86 ĐGM Du Maine thuyên chuyển Cha Tịnh (người ủng hộ giáo xứ thể nhân) và bổ nhiệm Cha Phaolô Lưu Đình Dương (người ủng hộ chính sách đồng hoá của ĐGM) về thay Cha Tịnh.

 6. Trước nguy cơ đồng hoá, giáo dân họp nhau làm đơn đệ lên ĐGM xin phép hai thỉnh nguyện.

 a/ Xin ĐGM cho phép lập giáo xứ thể nhân như giáo luật cho phép.

 b/ Xin ĐGM tạm đình lệnh bổ nhiệm Cha Dương và cho phép giáo dân được gặp Ngài để bày tỏ ý kiến của họ.

ĐGM Du Maine làm ngơ, không xét đơn của giáo dân. Bị khinh thường, chèn ép, lo sợ bị đồng hoá, giáo dân khởi sự cuộc tranh đấu.

II. Những điểm chính sau khi cuộc tranh đấu bắt đầu.

1. Sau khi được lệnh bổ nhiệm, ngày 21-7-86 Cha Dương hai lần về Trung Tâm Họ Đạo để nhận nhiệm sở , có viên chức của Toà Giám Mục và cảnh sát hộ tống; nhưng bị giáo dân ngăn chận, không vào được. Trước khi ra về, Cha Terrence Sullivan, Tổng Quản giáo phận, bắt luôn hai cha phó về Toà Giám Mục.

2. Ngày 9-8-86, Cha Dương dùng quyền “Chánh Xứ” để cấm các Thánh Lễ tại các nhà thờ để giáo dân phải dồn về nhà thờ chánh toà dự lễ của Cha. Cha Dương định dùng lễ này để tỏ cho nhiều giáo dân ủng hộ. Giáo dân phản đối mãnh liệt mưu mô này.

3. Ngày 16-8-88, ĐGM chẳng những không xét đơn thỉnh nguyện của giáo dân, Ngài một mực tiến hành lễ “tấn phong” Cha Dương tại nhà thờ Maria Goretti, có cảnh sát và chó săn gác trong ngoài nhà thờ. Độ 200 người ủng hộ Cha Dương đã được ngồi trong nhà thờ từ trước. Các giáo dân chống Ngài quá sức đông, bị cảnh sát và ma sơ khám xét trước khi cho vào nhà thờ, nhưng chỉ vào được độ 300 người, những người không vào được nhà thờ la ó ầm ĩ, phản đối mãnh liệt.

4. Ngày 16-8-88, ĐGM ra vạ tuyệt thông cho ông Trần Công Thiện, Chủ Tịch Uỷ Ban Chấp Hành Họ Đạo và Ông Trần An Bài, phát ngôn viên của giáo dân. Khi ra vạ, ĐGM đưa ra ba lý do:

a/ Không chấp nhận Cha Dương do ĐGM bổ nhiệm.
b/ Phá rối Thánh Lễ.
c/ Xách động giáo dân chống đối ĐGM.
ĐGM còn nói là chỉ khi nào hai ông từ bỏ ba điều trên đây thì Ngài mới giải vạ cho.

5. Ngay sau khi bị vạ tuyệt thông, hai ông đã chống án lên Toà Thánh Vatican. Chiếu điều luật 1353, hình phạt này bị đình chỉ ngay cho đến khi Toà Thánh Vatican quyết định.

Hơn 3.000 giáo dân cũng làm đơn đệ lên ĐGM nói là hai ông này chỉ là đại diện cho họ. Vậy xin ĐGM phạt vạ họ nữa.

6. Ngày 15-9-86, Luật sư của Toà Giám Mục gửi thư ra lệnh cho Ban Chấp Hành Họ Đạo phải rời khỏi cơ sở Họ Đạo. Ngày 22-9-86 Cha Boyle, phát ngôn viên của Toà Giám Mục, tuyên bố với các cơ quan truyền thông là Toà Giám Mục đang lập thủ tục truy tố để trục xuất giáo dân ra khỏi Trung Tâm Họ Đạo.

Cộng Đồng Công Giáo phải nhờ Luật Sư để tranh luận về quyền sở hữu Trung Tâm với chủ đích là ngăn ngừa biện pháp kiện trục xuất của Toà Giám Mục. Đây hoàn toàn chỉ là một phương pháp tự vệ của giáo dân.

7. Tháng 9086, do sự yêu cầu của ĐGM DuMaine, Đức Khâm sứ Toà Thánh tại Mỹ, Pio Laghi, đã cử Cha Barnabas Nguyễn Đức Thiệp, Bề Trên tỉnh dòng Đồng Công tại Mỹ, đến San Jose để hoà giải. Sau hơn một tháng làm việc, ngày 21-10-86 Cha Thiệp đệ lên ĐGM tờ báo cáo sơ khởi và đề nghị là hai thỉnh nguyện của giáo dân đáng được chấp thuận. Nhưng ĐGM không đồng ý với đề nghị của Cha Thiệp. Cha Thiệp bỏ San Jose, trở về nhà Dòng. Toà Giám Mục làm áp lực Cha Thiệp. Cha Thiệp thay đổi ý kiến, và ngày 20-11-86, Ngài viết “Tờ Tường Trình Vắn Tắt” Cha Thiệp không hề đề cập đến hai thỉnh nguyện của giáo dân, nguyên nhâncủa cuộc tranh đấu. Giáo dân yêu cầu Cha Thiệp giải thích cho họ biết họ phải hiểu như thế nào cho đúng ý của ĐGM. Nhưng Cha Thiệp làm ngơ, không hề trả lời giáo dân.

8. Vị Tổng Quản giáo phận là Cha Terrence Sullivan giải tán Ban Chấp Hành Họ Đạo và dùng người phe Cha Dương giúp việc trong các Thánh Lễ tiếng Việt. Ban Chấp Hành Họ Đạo chống đối nên hai bên gây ra xô xát trong nhà thờ. ĐGM dùng lý do đó để cấm các Thánh Lễ tiếng Việt. Đây là kế hoạch của Toà Giám Mục: ĐGM cấm các Thánh Lễ tiếng Việt, hy vọng là giáo dân sẽ bực tức và làm áp lực với hai ông Thiện, Bài phải bỏ cuộc tranh đấu. Chính viên chức của Toà Giám Mục đã nói như thế với  báo Asian Week ngày 14-12-86 (A diocesan official said he hoped the Vietnamese catholics, deprived of services in their own language, would put pressure onTran and other leaders to end the demonstrations). Còn báo Dân Tộc số 249 thì viết: “Nguồn tin thân cận cho biết, “các giáo dân trong phong trào Bảo Vệ Đức Tin (phe Cha Dương) đã sẵn sàng hành động nếu ĐGM có những quyết định cứng rắn với phe tranh đấu.” Như vậy, ta thấy rõ là mọi xô xát trong nhà thờ đưa đến việc cấm Thánh Lễ xảy ra theo đúng kế hoạch của Toà Giám Mục. Ai trách giáo dân phá Thánh Lễ là sai vì không hiểu rõ các sự việc.

9. Sau khi cấm Thánh Lễ tiếng Việt, Cha Tổng Quản Terrence Sullivan viết thư cấm tất cả Linh Mục VN ngoài giáo phận San Jose, trong bang California, không được phép đến làm bất cứ nghi lễ Công Giáo nào cho giáo dân VN tại San Jose.

10. Dịp Giáng Sinh 86, giáo dân tổ chức lễ cầu nguyện xin hoà giải. Ban tổ chức mời ĐGM, các Linh Mục, các tu sĩ VN đến dự. Nhưng ĐGM chẳng những từ chối mà còn không cho phép các Linh Mục, các tu sĩ đến dự. Cả ba đài truyền hình ABC, CBS, NBC đều đến thu hình, bình luận ủng hộ nguyện vọng của giáo dân. Ví dụ: Phóng viên đài CBS đã bình luận: “Trong khi đời sống tâm linh của người Công Giáo Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn và đang đi xuống, thì có một nhóm người thiểu số, người tỵ nạn VN với trên 7000 người Công Giáo tại San Jose đã xin thành lập một giáo xứ thể nhân để phát huy đời sống đạo đức mà không hiểu tại sao ĐGM DuMaine lại làm lơ trước nguyện vọng của họ.” (Việt Nam Nhật Báo dịch đăng số ra ngày 27-12-86).

11. Theo đơn kiện ngày 15-9-86 của Toà Giám Mục đòi trục xuất giáo dân ra khỏi Trung Tâm Họ Đạo, trong phiên toà ngày 3-4-87, Chánh Án Foley đã bác đơn của Toà Giám Mục và cho phép giáo dântiếp tục sinh hoạt tại Trung Tâm Họ Đạo mà họ đã bỏ tiền ra mua.

12. Sau khi nhận được chỉ thị của Toà Thánh Vatican, ngày 10-5-87, ĐGM và hai ông Thiện, Bài, sau nhiều buổi họp kín, đã có cuộc họp báo chung tại Toà Giám Mục. ĐGM tuyên bố giải vạ tuyệt thông cho hai ông mà không có thành kiến gì cả (không gây thiệt hại gì cho hai ông cả). Chính Cha Boyle, phát ngôn viên của Toà Giám Mục đã tuyên bố trong báo The Catholic Voice, ngày 25-5-87 rằng: “ĐGM DuMaine đã nhận được chỉ thị của Bộ Thánh Vụ về giáo sĩ và tu sĩ là Ngài phải đích thân gặp hai ông Thiện, Bài để cố gắng thương lượng đi đến một sự thoả thuận (Bishop DuMaine had received a directive from the Vatican’s Sacred Congregation for clergy to meet with Thien and Bai personally to attempt to negotiate an agreement, Father Boyle said).

13. Sau cuộc họp báo này ĐGM lập Uỷ Ban Hoà Giải gồm có người của cả hai bên. Uỷ Ban này họp được bốn năm lần nhưng chưa đi đến một sự thoả thuận nào cả thì ĐGM ngưng họp mà không tuyên bố lý do.

14. Ngày 29-7-88, trước Toà Án quận hạt Santa Clara, Toà Giám Mục và đại diện cộng đồng Công Giáo VN, San Jose đã thoả thuận rằng cộng đồng sẽ trả cho Toà Giám Mục số tiền $400.000 (bốn trăm ngàn) Mỹ Kim (tức là $160.000 hơn số tiền vay của Toà Giám Mục) và Toà Giám Mục sẽ sang tên lại cho cộng đồng làm chủ cơ sở của Họ Đạo.

15. Ngày 23-11-88, cộng đồng trả đủ số tiền $400.000 cho Toà Giám Mục theo đúng hạn định. Số tiền $400.000 này là do giáo dân trong cộng đồng đóng góp. Tên và số tiền đóng góp của mỗi hội viên đều được ghi rõ ràng trên báo Chính Nghĩa.

16. Ngày 34-11-88, cộng đồng cung nghinh hài cốt của 24 Vị Thánh Tử Đạo VN từ Vatican về Trung Tâm cộng đồng với giấy chứng nhận và ấn tín của Linh Mục Innocentius Venchi, Bề Trên Cả Dòng Đa Minh.

17. Hiện nay cộng đồng đang lo thủ tục giấy tờ xin phép Bề Trên cho San Jose trở thành một trung tâm hành hương quốc tế để mọi người đến cầu khấn các Thánh Tử Đạo VN.

B. Góp ý với Ông Nguyễn Khắc Rinh Về Phương Diện Pháp Luật Và Giáo Luật

Tôi nhận thấy trong bài của ông Rinh, ông Rinh thích nói về pháp luật và giáo luật để bênh vực cho những hành động của ĐGM về việc dùng chó săn và cảnh sát trong ngoài nhà thờ ngày lễ “tấn phong” Cha Dương, việc bổ nhiệm Cha Dương và việc nhờ toà án đời trục xuất giáo dân khỏi Trung Tâm Họ Đạo.

1. Ông Rinh nói là vì sợ giáo dân biểu tình mang chất nổ vào nhà thờ nên phải dùng cảnh sát và chó săn trong ngoài nhà thờ. Theo tôi, một người lãnh đạo như thế tỏ ra bất tài. Vì nếu là người lãnh đạo có tài, nhất là lãnh đạo tôn giáo – vì tôn giáo dùng tình thương mà cảm hoá - thì không thể nào để cho một việc như thế này xảy ra, và nếu không thu xếp ổn thoả được thì nên dời Thánh Lễ “tấn phong” vào ngày khác. Những vị lãnh đạo qốc iga, lực lượng hộ vệ vũ trang oai hùng đến như thế nào mà nhiều khi vì an ninh cũng còn phải đình những cuộc đi kinh lý hay công du lại. Có sao đâu. Tại sao chủ chiên mà phải dùng cảnh sát và chó săn chống lại con chiên? Tôi chưa hề thấy một Thánh Lễ nào mà bị tục hoá như vây. Cái cảnh chó săn và cảnh sát gầm gừ nhìn giáo dân trừng trừng trong và ngoài nhà thờ nó bẩn thỉu làm sao! Không một lý lẽ nào có thể bênh vực được hành động vô lý này. Thế mà Ông Rinh không nhận thấy à?

2. Việc Toà Giám Mục nhờ luật pháp phần đời trục xuất giáo dân ra khỏi Trung Tâm.

Vị quan toà đã bác đơn của Toà Giám Mục và cho giáo dân được sử dụng Trung Tâm. Ông Rinh nghĩ sao? ĐGM đúng hay sai? Hay ông Rinh cũng nghĩ là quan toà đã nhận “thù lao” của giáo dân nên mới thiên vị giáo dân và bác đơn của Toà Giám Mục?

3. Về Giáo Luật.

a/ Giáo Luật điều 518 cho giáo dân di dân, tỵ nạn được có giáo xứ thể nhân để thờ phượng bằng ngôn ngữ và theo truyền thống của họ. Đức đương kim Giáo Hoàng luôn luôn khuyến khích điều này. Trong dịp công du tại Mỹ, Đức Thánh Cha đã nói trước hàng trăm ngàn người tỵ nạn Cu-Ba tại Miami ngày 11-9-87: “Là người tỵ nạn, chúng con hãy cố gắng gìn giữ những phong tục, tập quan cổ truyền, những lễ nghi đạo giáo đáng yêu của quê hương  và coi đó như là những di sản đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban thưởng cho mỗi dân tộc.” (AP, Miami, Sept, 11-87). Ở nước Mỹ này, các ĐGM đã cho phép và khuyến khích thành lập ít nhất là 20 giáo xứ thể nhân VN rồi. Chính ngay ở San Jose này cũng có mấy giáo xứ thể nhân dành cho những người Ý, Mễ Tây Cơ, Bồ Đào Nha v.v . . . Nhiều  nơi giáo dân VN chưa hội đủ điều kiện như giáo dân VN San Jose mà cũng được giáo xứ thể nhân. Giáo dân VN San Jose dâng thỉnh nguyện xin giáo xứ thể nhân là đúng luật, theo đúng lời kêu gọi khuyên nhủ của Đức Thánh Cha, có lợi cho sự sống đạo của mình. Như vậy thì sai ở chỗ nào? Gần đây nhất, ngày 25-10-88 Đức Thánh Cha đã tuyên bố: “Để tôn trọng tính cách đa dạng về phong tục và truyền thống của người di dân, các ĐGM địa phương nên thiết lập các cơ sở mục vụ thích ứng cho họ. Cơ sở mục vụ có ích nhất cho họ là giáo xứ thể nhân.” (Trích báo The Observer của giáo phận Monterey ngày 10-11-88 theo tin Vatican City – NC).

b/ Giáo luật điều 524 quy định rằng ĐGM cần hỏi ý kiến Hội Đồng giáo dân khi thuyên chuyển hay bổ nhiệm Cha sở mới cho họ. ĐGM Du Maine vẫn làm như thế đối với giáo dân Mỹ. Nhưng đối với giáo dân VN, chẳng những Ngài không làm như thế mà khi giáo dân xin Ngài tạm đình việc bổ nhiệm Cha Dương Ngài cũng không thèm xét đơn của họ. Như vậy, có phải Ngài khinh thường, kỳ thị giáo dân VN không?

c/ Giáo luật điều 1740, 1741 quy định rằng khi một Linh Mục Chánh Xứ đã mất tiếng tốt đối với giáo dân hoặc việc mục vụ của Ngài không có hiệu quả đối  với giáo dân nữa, thì dù đó không phải lỗi của Ngài, Ngài cũng cần được ĐGM thuyên chuyển vì lợi ích cho các linh hồn. Cha Dương bị chống đối như vậy mà ĐGM vẫn bắt giáo dân phải chịu nhận Ngài làm chủ chiên của họ. Thế có lạ không? Ai theo giáo luật? Ai không theo giáo luật?

Ngay từ đầu, khi cuộc tranh đấu của giáo dân bộc phát giáo dân đã cam kết với Toà Thánh rằng nếu Toà Thánh phán bảo là giáo dân sai và phải vâng phục ĐGM thì giáo dân sẵn sàng dẹp bỏ ngay và vâng phục ĐGM như Toà Thánh dạy bảo. Nhưng cho đến nay đã hơn hai năm rồi Toà Thánh vẫn không nói gì là giáo dân sai cả mà Toà Thánh còn ra chỉ thị cho ĐGM phải liệu dàn xếp cho ổn thoả. Chính Cha Boyle, phát ngôn viên của Toà Giám Mục, đã tuyên bố như thế với báo The Catholic Voice ngày 5-5-87 mà tôi đã trích dẫn trên đây (II, 12). Như vậy ta có thể kết luận được rằng giáo dân đã làm đúng, vì nếu giáo dân làm sai thì thật dễ dàng cho Toà Thánh ra phán quyết , vì giáo dân là hàng con cái, thấp nhất trong gia đình Giáo Hội. Còn ĐGM thì Toà Thánh phải giữ thể diện cho Ngài nên Toà Thánh không muốn ra phán quyết mà chỉ khuyến cáo ĐGM liệu thu xếp cho ổn thoả.

C. Thái độ của Ông Nguyễn Khắc Rinh

Ông Rinh viết: “Tuy là người Công Giáo, kẻ viết bài này cũng coi vụ này như ‘việc tầm phào của mấy kẻ vô công rỗi nghề’. Giữ đạo và hành đạo đâu cần cái danh xưng ‘Giáo Xứ Thể Nhân’ hay ‘Vương Cung Thánh Đường’ . . .” Đó là ý kiến của Ông Rinh, và tôi kính trọng ý kiến của ông vì mỗi người đều có quyền có ý kiến riêng của mình. Nhưng Ông Rinh muốn đưa ý kiến của mình ra làm mẫu mực cho giáo dân khác thì tôi phản đối và thấy ông quá tự kiêu. Giáo dân VN San Jose muốn sống đạo như giáo luật cho phép và Đức Thánh Cha khuyến khích. Họ thấy như vậy có ích lợi hơn thì đó là quyền của họ. Tại sao ông lại coi đó là “việc tầm phào của mấy kẻ vô công rỗi nghề”? Giáo dân VN San Jose muốn có Giáo Xứ Thể Nhân là hình ảnh Giáo Hội Mẹ VN và bảo vệ dân tộc tính của mình như Đức Ông Trần Văn Hoài, vị Phụ Trách Văn Phòng Phối Kết Mục Vụ Tông Đồ Việt Nam hải ngoại, đã viết trong bức tâm thư của Ngài gửi các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân ngày 25-10-87: “Giáo Hội VN chúng ta, nếu mỗi người chúng ta không hợp tác xây dựng thì ai xây dựng? Dân Tộc VN chúng ta, nếu mỗi người chúng ta không hợp tác bảo tồn thì ai bảo tồn?” Ông Rinh có nghĩ là lời nói trên đây có giá trị gì không? Hay ông cũng lại coi những lời của Đức Ông Hoài là chuyện “tầm phào của mấy kẻ vô công rỗi nghề”?

Ông Rinh ám chỉ là cuộc tranh đấu của giáo dân VN, San Jose đã làm cho người Mỹ khinh dễ người VN. Tôi thấy ông Rinh có nhiều tự ti mặc cảm. Ông nghĩ thế là sai, vì giáo dân có làm gì trái luật hoặc chống người Mỹ đâu mà “xấu hổ”. Chỉ có kẻ sợ sệt, cam phận cúi đầu, tự bỉ mới đáng khinh dễ. Tôi đã nói chuyện với nhiều người Mỹ, cả Công giáo lẫn không công giáo. Khi họ hiểu chuyện, họ đều trách ĐGM quá cứng rắn và Cha Dương lì lợm. Chính Cha John Rebold ở bang New Mexico (Cha Rebold đang giúp giáo dân VN ở đó) đã nói với cụ Nguyễn Đức Hiệp rằng: “ĐGM Du Maine đã lầm khi muốn đồng hoá giáo dân VN, vì làm như vậy không bao giờ thành công.” Cha nói tiếp: “Các cố vấn của ĐGM kém quá và còn làm phiền cho Ngài nhiều.” (Chính Nghĩa số 1, bộ mới, ngày 11-7-87,  bài  “Đi Viếng Đền Thờ Nữ Vương La Vang”). Một điều nữa tôi muốn nói với ông Rinh là tôi thấy ông là con người bất nhã. Ông gọi Trung Tâm Công Giáo VN, San Jose, là “sào huyệt”. Ông dùng câu “người dại cởi truồng, người khôn xấu hổ” để chỉ cuộc tranh đấu của họ. Cách ăn nói này hạ cấp, không xứng đáng với một người trí thức như ông. Nó tỏ ra ông thiếu hiểu biết về biến cố San Jose mà lại muốn lên mặt dạy đời. Ông không đồng ý với họ, đó là quyền của ông. Nhưng ông dùng những từ ngữ này đối với họ thì tỏ ra ông là con người bất nhã.

Đọc bài của ông Rinh tôi đoán là những tin tức ông nhận được về cuộc tranh đấu của giáo dân VN San Jose đều do phe Cha Dương cung cấp. Phe cha Dương đã xuất bản hai tạp chí, Đức Tin và Tín Hữu để ủng hộ chính sách của ĐGM. Nhiều bài trong hai tạp chí này đầy những điều bịa đặt gian dối, tục tĩu đến nỗi chính ĐGM đã ra lênh bắt đình bản vì nó không xứng đáng. Tôi đã chứng minh những điều tôi nói trên trong báo Chính Nghĩa.

Ở Xứ  Mỹ này, tranh luận đường hoàng là một phương tiện hữu hiệu để giải quyết các vấn đề khó khăn và làm sáng tỏ lập trường của mình đối với dân chúng. Tôi đã nhiều lầnđề nghị với Cha Dương và phe nhóm của Cha hãy gặp đại diện giáo dân tranh đấu trên ti vi hay trong các cuôc hội thảo để tranh luận làm sáng tỏ hòng đi đến hoà giải. Nhưng Cha Dương và phe nhóm của Cha cứ lẩn tránh, rồi viết xằng viết bậy, chụp mũ giáo dân, làm chia rẽ cộng đồng.

Giáo dân VN San Jose sẵn sàng đón nhận những ý kiến xây dựng từ mọi phía; nhưng nhất định chống lại những cách nói vu vơ, miệt thị, chụp mũ quàng xiên vì nó gây chia rẽ, phá hoại, đáng khinh, không xứng đáng với những người hiểu biết.


76-  THƯ NGỎ KÍNH GỬI LM. NGUYỄN MINH HIỀN

Montery ngày 22 tháng 12 năm 1988

Thưa Cha,

Con được đọc trong tuần báo Chính Nghĩa số 70 ra ngày 17-12-1988, mục Vẽ Voi có một câu liên quan đến Cha. Câu này đã làm cho con băn khoăn rất nhiều. Con tin là có nhiều người khác cũng băn khoăn như con. Vì vậy, con thấy thư này cần gửi đến Cha, yêu cầu Cha lên tiếng để mọi người biết rõ hư thực thế nào.

Trong mục Vẽ Voi số báo kể trên của Đốc Gàn có một câu như sau: “Có người hỏi Đốc:

Linh Mục Hiền (Nguyễn Minh Hiền) , phó của Cha Dương) giảng ở nhà thờ Maria Goretti rằng ai đi lễ chung với đám Chính Nghĩa thì không thành.”
Thưa Cha, theo giáo lý công giáo mà con được học thì con không thể tin được rằng một Linh Mục mà lại có thể tuyên bố một câu vô ý thức vài dại dột đến như thế. Con xin trình bày như sau; và nếu Cha thấy những điều giáo lý này mà con đã được học là sai thì xin Cha giảng cho con. Con xin cám ơn Cha.

Giáo Luật điều 900 (và lời chú thích sau đó) quy định rằng bất cứ một tu sĩ nào mà được phong chức Linh Mục một cách hợp luật thì truyền Phép Mình Thánh đều thành. Khi Phép Mình Thánh mà thành thì Lễ Mi-sa cũng thành vì truyền Phép Mình Thánh là phần chính yếu của Lễ Mi-sa. Vì thế, ai dự Lễ Mi-sa đó đều thành.

Vậy nếu điều giáo lý này đúng (và con tin là đúng) thì lời tuyên bố của Cha là sai. Điều sai lầm này rất nghiêm trọng vì nó thuộc về tínlý và khi nó xuất phát từ của miệng của một Linh Mục thì nó lại càng nguy hiểm gấp bội phần, vì Linh Mục đã được học Thần Học đủ để được thu phong. Vì thế, giáo dân nghi ngờ về khả năng Thần Học của Cha và do đó cũng nghi ngờ tư cách giảng dạy của Cha.

Ông Đốc Gàn trong mục Vẽ Voi này, bằng cách nói rất mộc mạc nhưng rất sắc bén, đã trả lời người hỏi câu trên như sau:

“Thì thử mời Linh Mục Hiền qua nhà thờ Trung Tâm dự lễ. Sau khi truyền phép, Linh Mục Hiền liệu có dám cầm Mình Thánh ném thử xuống đất coi xem lễ có thành hay không là biết liền.”

Ông Đốc Gàn cũng chỉ là một giáo dân thường như mọi giáo dân, nhưng khi nói câu đó ông đã tỏ ra hiểu điều giáo luật này.

Nếu Cha nói là đi lễ ở Trung Tâm không thành tức là Cha muốn nói Cha Tân truyền phép không thành. Nếu Cha Tân truyền phép không thành thì bánh đâu có thể trở thành Mình Thánh được; và như vậy, Cha có vứt Bánh Thánh xuống đất cũng không có tội gì. Ông Đốc Gàn “thách” Cha như vậy đó. Cha có dám làm không? Ông Đốc Gàn này thâm thật, vì Giáo Luật điều 1367 xác định rằng kẻ nào cả gan ném đồ thánh thiêng đi thì tự động bị vạ tuyệt thông và nếu kẻ đó là một giáo sĩ thì còn phải chịu thêm một hình phạt khác nữa, đó là bị cất chức năng của vị giáo sĩ và do đó bị loại trừ khỏi hàng giáo sĩ.
Thưa Cha, bề nào thì Cha cũng phải lên tiếng giải thích cho rõ trắng đen. Nếu là chuyện thường thì có thể bỏ qua được, chứ điều này thật là quan trọng có hại nhiều đến uy tín và chức vụ Linh Mục của Cha, vì theo Giáo Luật điều 1369, một người thường mà tuyên bố bậy bạ có hại cho sự đạo đức hoặc phát biểu sai lầm chống lại đạo giáo hay Giáo Hội thì sẽ bị trừng phạt đích đáng huống chi là một Linh Mục. Vậy xin Cha lên tiếng càng sớm càng tốt cho mọi người hiểu rõ sự việc. Cha càng để lâu bao nhiêu càng làm cho giáo dân mất tin tưởng ở Cha bấy nhiêu.

Thật ra, giáo dân rất trưởng thành và hiểu biết. Lời tuyên bố trên đây của Cha - nếu có – chỉ làm cho họ thấy sự kém cỏi của Cha, vì họ biết đâu là lẽ phải. Ngay cả việc Đức Giám Mục cấm Lễ, giáo dân biết là Ngài cấm vì tức giận và áp bức chứ không phải vì lẽ phải, vì thiện ý hay vì tình thương. Nếu vì tình thương thì Ngài đã không cấm cách như thế. Ngài không thể bắt buộc giáo dân phải đi lễ Cha Dương được vì sự hiềm khích giữa Cha và họ rất nghiêm trọng nên họ cảm thấy dự lễ của Cha không đem lại lợi ích gì cho họ cả; họ mất bình an trong tâm hồn. Về Cha Dương, Cha thường giảng dạy phải làm hoà và tha thứ cho nhau. Giáo dân đã nhiều lần lên tiếng xin gặp Cha để làm hoà mà Cha không cho gặp. Vậy xin Cha Dương cho biết tại sao Cha không muốn làm hoà với giáo dân. Cha giảng như vậy mà Cha không làm như vậy thì có ích gì?

Giáo dân đã không thể đi lễ Cha Dương được thì đi lễ tiếng Việt Nam ở đâu bây giờ? Câu trả lời tất nhiên và đích đáng nhất là đi lễ ở Trung Tâm. Đó là lý do giáo dân đi lễ ở Trung Tâm càng ngày càng đông. Mặc cho Cha Dương xuyên tạc về con số, sự thật vẫn là sự thật và ai cũng biết cả. Giáo dân đi lễ ở Trung Tâm vì họ cảm thấy thoải mái, sung sướng và sốt sắng.

Một khi giáo dân nắm vững được những điều này thì dù Cha (Hiền) có tuyên bố như trên hay gì gì đi nữa cũng không ảnh hưởng gì được họ mà chỉ gây thiệt hại cho uy tín của Cha thôi.

Một lần nữa, xin Cha Hiền lên tiếng giải thích cho giáo dân biết rõ về câu tuyên bố của Cha ở nhà thờ Maria Goretti. Và xin Cha khuyên Cha Dương hãy nhận lời giáo dân ra làm hoà với họ cho cộng đồng được bình yên.

Kính thư,
                                                     
                                                   
77-  TÔI ĐỌC BÀI PHỎNG VẤN CỦA ÔNG NGUYỄN TRUNG HOÀ

Tạp chí ngày nay số 72, tháng 12-88 trang 12 có đăng bài phỏng vấn ông Nguyễn Trung Hoà, chủ tịch Phong Trào Bảo Vệ Đức Tin, San Jose, của đặc phái viên Hồng Phong.

Trước hết tôi thành thật khen Ngày Nay có ý kiến muốn giúp độc giả xa gần tìm hiểu biến cố San Jose. Ai cũng biết rằng người ta có thể giúp Ngày Nay nhiều nhất trong nỗ lực này là Cha Lưu Đình Dương, vì hiện nay cũng như trước kia, Linh Mục Dương là nguyên nhân chính của cuộc biến động này. Rất tiếc là Cha Dương đã không muốn hợp tác, mặc dầu “Ngày Nay đã ân cần mời Linh Mục Lưu Đình Dương chấp nhận cuộc phỏng vấn để Linh Mục có dịp nói lên quan điểm của mình về cuộc tranh chấp này, nhưng Linh Mục Dương nhất định từ chối.” Không ai có thể hiểu được thái độ của Cha Dương, vì nó trái ngược với tất cả mọi lề lối làm việc đạo, đời xưa nay. Ký giả Hồng Phong đã phỏng vấn ông Nguyễn Trung Hoà. Sau khi đọc bài phỏng vấn này, tôi xin góp ý như sau:

Tôi nhận thấy ông Hoà có nhiều nhận xét sai lầm, đôi khi ông mất bình tĩnh. Tôi xin lần lượt trình bày về những điều này sau đây.

1. Ông Hoà bị lẫn lộn cả về ngày tháng và sự việc, chẳng hạn ông nói là vài tháng sau khi cuộc tranh đấu bùng nổ - nghĩa là vào khoảng tháng 9-86 – Uỷ Ban Bảo Vệ Công Lý và Hoà Bình mới được thành lập (trang 10, cuối cột 1). Sự thật, Uỷ Ban Bảo Vệ Công Lý và Hoà Bình đã được thành lập ngày 29-6-86, tức là gần một tháng trước khi cuộc tranh đấu bùng nổ (Thơ Ông Trần Công Thiện gửi UBBVCLHB, trang bìa Chính Nghĩa số 1). Ngày Cha Dương được các viên chức Toà Giám Mục và cảnh sát hộ tống về Trung Tâm là ngày 21-7-86 chứ không phải 21-8-86; vì ngày này nội vụ đã sang đến Toà Thánh Vatican rồi. Đây chỉ là một vài ví dụ. Thật ra những sai lầm về ngày tháng này không quan trọng, nhưng tôi muốn vạch ra để độc giả thấy là ông Hoà đang ở trong tình trạng đầu óc lộn xộn, không nắm vững được sự việc nên những nhận xét của Ông không chính xác. Chẳng hạn lúc thì ông nói là ông tháp tùng Cha Dương về Trung Tâm, lúc khác thì ông nói là ông đến Trung Tâm để đón Cha Dương. Khi thì ông nói là đài truyền hình (Mỹ) địa phương phát những màn ảnh chiếu trên Tivi bất lợi cho Cha Dương (có nghĩa là lợi cho giáo dân tranh đấu) lúc khác thì ông lại nói là người Mỹ bóp còi phản đối giáo dan tranh đấu. Ông tự cắt nghĩa bóp còi có nghĩa là phản đối. Nhưng ở Mỹ bóp còi cũng có nghĩa là tán thưởng nữa.

2. Ông Hoà cho là lý do xô xát trong nhà thờ là vì bên tranh đấu cổ động ngừng cúng tiền, còn bên Đức Tin thì vẫn tổ chức xin tiền như thường lệ. Nhận xét này sai lầm. Lý do xô xát là vì hai bên tranh giành giúp việc phụng vụ trong nhà thờ. Đây chỉ là vấn đề nguyên tắc, ai cũng biết như thế. Ông Hoà còn sai lầm hơn nữa khi ông nói là “đã có lần phe tranh đấu hành hung 2 giáo dân VN bị thương ở nhà thờ St. Lucy’s ở Campbell, phải đưa vào bệnh viện.” Sự thật ngược lại, và hai người trong nhóm Đức Tin đã bị cảnh sát bắt giữ, phải ra toà nhận tội. Hồ sơ ở Toà Án còn đó.

3. Ông Hoà nói, “hành động của nhóm tranh đấu có tính cách chính trị vì họ có sách lược hẳn hoi.” Tôi không hiểu ông Hoà muốn nói “tính cách chính trị” gì? Đã gọi là tranh đấu (giáo dân tranh đấu cho hai thỉnh nguyện: giáo xứ thể nhân và xin đổi lệnh bổ nhiệm Cha Dương) thì phải có là sách lược, có tổ chức hẳn hoi. Như thế mà ông Hoà gọi là làm chính trị à? Bất cứ một tổ chức nào, một cuộc vận động nào cũng phải có tổ chức, có kế hoạch. Cứ nhìn vào những phong trào, đoàn thể của Giáo Hội thì ta thấy là phải có tổ chức chặt chẽ thì mới thành công được. Ông Hoà có gọi những phong trào, đoàn thể công giáo này là làm chính trị không? Tôi thấy nhận xét của ông Hoà sai lầm và nông cạn.

4.  Khi trả lời câu hỏi về các sinh hoạt tại Trung Tâm hồi đó, ông Hoà đã nói, “Tuy danh xưng khác nhau, nhưng về sinh hoạt tôn giáo thì hoàn toàn như một xứ Mỹ không có sự khác biệt.” Ông Hoà đã sai. Tại Trung Tâm không được phép làm lễ ngày Chúa Nhật và các phép Bí Tích. Các giáo dân phải đi lễ VN tại các nhà thờ Mỹ theo giờ giấc người Mỹ ấn định cho mình. Các trẻ em phải mang đến nhà thờ Mỹ để các Cha VN rửa tội. Các lễ cưới phải làm ở các nhà thờ Mỹ. Có lần một giáo dân VN qua đời đem đến nhà thờ Trung Tâm làm phép xác. Sau đó đã bị Cha Sở Mỹ quở trách. Vậy thì Trung Tâm giống giáo xứ Mỹ ở chỗ nào? Xin ông Hoà giải thích. Điều này ai cũng biết. Tại sao ông Hoà tuyên bố sai lầm nghiêm trọng như thế?

5. Về câu tuyên bố mà ông Hoà nói là của Đức Giám Mục Du Maine ám chỉ rằng vì giáo dân VN nghèo nên không có giáo xứ thể nhân được. Tôi không biết được đích thực ĐGM có tuyên bố như vậy hay không, hay là ông Hoà nhớ loạng quạng chuyện nọ với chuyện kia. Nhưng nếu thật sự ĐGM có tuyên bố như vậy thì đó là một quan niệm sai lầm của vị chủ chiên. Trách nhiệm của chủ chiên phải đặt ích lợi sống đạo của giáo dân và sự rỗi linh hồn lên trên tất cả. Vì vậy mà có những vị Giám Mục Mỹ đã hết sức giúp đỡ con chiên VN bằng cách chẳng những cho lập giáo xứ mà còn nâng đỡ tài chánh cho đến khi con chiên đứng vững, như giáo xứ ở Sacramento, New Mexico, Maryland v.v . . .

Ta thử nhìn vào cách làm việc của Giáo Hội. Nhiều vị giáo sĩ, nam nữ tu sĩ ngày đêm lặn lội nơi hang cũng ngõ hẻm, nhiều khi nguy hiểm đến cả tính mệnh để giúp đỡ giáo dân giữ đạo. Việc đó chứng tỏ rằng điều mà Giáo Hội quan tâm nhất là truyền bá Phúc Âm và làm đủ mọi cách để giúp đỡ giáo dân tiến tới trong việc sống đạo của họ. Đàng khác, dựa vào thực trạng, tôi không tin là giáo dân thiếu khả năng tài chánh, và Giáo Hội đâu có đặt điều kiện phải có nhà thờ đồ sộ khang trang 5, 7 triệu để giáo dân thờ phượng Chúa. Nếu ĐGM cho giáo xứ và nếu chưa tạo được nhà thờ mới thì cơ sở Trung Tâm của Cộng Đồng Công Giáo VN cũng có thể dùng làm nhà thờ được chứ đâu có đến nỗi nào đem so sánh với nhiều nơi thờ phượng khác. Hiện giờ cộng đồng đang trong thế đi lên; với sự đoàn kết của tất cả giáo dân thì chẳng mấy chốc mà có cơ sở khang trang cho giáo xứ Việt Nam.

6. Ông Hoà nói là trước đây Trung Tâm đã được Toà Giám Mục trợ cấp 22 ngàn mỗi năm. Tôi cũng đã nghe nói như thế; nhưng có nhiều người thông hiểu các việc của cộng đồng ngay từ lúc ban đầu thì không tin như thế. Họ đã lên tiếng trong báo Chính Nghĩa yêu cầu những người nói như vậy cho biết Toà Giám Mục đã giúp cho Trung Tâm 22 ngàn bao giờ. Nhưng không ai lên tiếng trả lời cả. Một điều đúng sự thật và không ai nghi ngờ được, đó là ngân sách của Họ Đạo VN do Cha Dương làm “chánh xứ” năm 1988 đã bị thâm thụt và đã nhận được sự tài trợ của Toà Giám Mục số tiền 22 ngàn Mỹ Kim (Theo tờ Chân Lý của Cha Dương ngày 4-12-88).

7. Ông Hoà nói, “Sau khi khánh thành nhà thờ thì đã nhen nhúm những mưu toan trở thành một giáo xứ độc lập như của Mỹ.” Giáo dân bàn tính xin giáo xứ mà sao ông Hoà lại nói là “mưu toan”? Đầu óc ông lệnh lạc quá. T6oi không nghĩ rằng ông Hoà có đủ khả năng để có những nhận xét đích thực về cuộc tranh đấu của giáo dân VN, San Jose.

8. Khi trả lời câu hỏi: “Nếu Cha Dương xin rút lui ngay từ buổi đầu thì tổ chức tranh đấu còn tiếp tục hoạt động nữa không?” Ông Hoà đã trả lời: “ . . . được đằng chân lân đằng đầu, dù Cha Dương có từ chức, mà Cha nào về họ vẫn tiếp tục chống đối . . .” Tôi nhận thấy câu trả lời này đã tỏ ra ông Hoà không có khả năng để suy nghĩ thẳng thắn mà chỉ nhắm mắt chống đối giáo dân. Thảo nào cuộc biến động còn kéo dài vì những người có định kiến như ông Hoà mà làm cố vấn cho Đức Giám Mục thì làm sao ĐGM biết được sự thật. Tôi tin là nếu Cha Dương rút lui và ĐGM chấp thuận cho giáo xứ thì không một ai tranh đấu nữa, như trong thư Ông Bài, đại diện cộng đồng, gửi ĐGM đăng trong Chính Nghĩa số 70 trang 3, cuối số 1, có câu như sau: “Ngay cả đến trường hợp nếu Đức Cha và Họ Đạo Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, với một Cha chính xứ mới, không đủ khả năng tài chánh để mua cơ sở mới thì chúng con vẫn sẵn sàng để cho địa phận tạm thời sử dụng cơ sở của chúng con làm cơ sở Họ Đạo như trong thời gian từ 1985 đến 1986.” Ông Hoà có thấy là sự xác quyết của ông sai lầm không?

9. Về câu hỏi số người ủng hộ phe tranh đấu và số người ủng hộ phe Đức Tin, ông Hoà đã phạm vào hai lỗi lầm quan trọng. Ông Hoà nói, “Những người nào không theo phe chống đối mặc nhiên là những người ủng hộ Giáo Hội . . .” Ông Hoà đã tỏ ra hoàn toàn không biết gì về luật Giáo Hội. Không ai có thể tin được rằng một người chủ tịch Phong Trào Bảo Vệ Đức Tin mà lại mù tịt về Đức Tin và về Giáo Luật. Ông Hoà phải biết rằng những người tranh đấu cũng là những người ủng hộ Giáo Hội, vì họ chẳng những không làm gì sai Giáo Luật mà lại còn giữ đúng theo Giáo Luật nữa. Nếu họ chống Giáo Hội, tại sao đại diện của họ là Ông Trần An Bài lại được Vatican chọn để rước Mình Thánh Chúa từ chính tay Đức Giáo Hoàng trong dịp Phong Thánh tại Rôma? Xin giáo xứ thể nhân và xin đổi lệnh bổ nhiệm vị chánh xứ vì vị này có thành tích chống nguyện vọng của họ và chống đối họ thì trái Giáo Luật ở chỗ nào? Ông Hoà tuyên bố bừa bãi như vậy mà ông nghĩ độc giả tin ông được à?

10. Ông Hoà còn nói là “phe tranh đấu có tối đa là từ 3 trăm đến 5 trăm người . . .” Lại một lần nữa người ta thất vọng về nhận định sai lầm của ông. Chuyện số nhiều, số ít đã được bàn cãi từ lâu rồi. Giáo dân tranh đấu xin ĐGM hỏi ý kiến giáo dân để biết xác thực số nhiều hay số ít ủng hộ Cha Dương, nhưng ĐGM từ chối. Để biết được số nhiều, số ít như thế nào, tôi xin đưa ra một ví dụ cụ thể: Cùng một ngày 15-10-88 có cuộc rước kiệu kính Đức Mẹ Fatima; ở Trung Tâm người dự đông đảo, báo chí loan tin khoảng 1500 người; còn ở nhà thờ St. Lucy ở Campbell của nhóm Đức Tin thì không tới 100 người. Ông Hoà nghĩ sao về sự kiện này?

11. Một điều mà ai cũng phải công nhận là đúng, đó là có một số khá đông giáo dân mới đầu không theo nhóm nào cả. Nhưng dần dần họ có cảm tình và ủng hộ giáo dân tranh đấu vì họ thấy ĐGM quá khắc nghiệt và chèn ép con chiên bằng cách cấm Thánh Lễ, cấm các Phép Bí Tích để bắt ức con chiên. Họ cũng thấy Cha Dương chỉ dựa thế ĐGM, cứ một mực từ chối không làm hoà với giáo dân tranh đấu, mặc dầu giáo dân đã nhiều lần ngỏ ý muốn làm hoà với Cha.

12. Khi ký giả Hồng Phong hỏi về việc cảnh sát mang chó đến nhà thờ thì ông Hoà trả lời rằng: “ . . . không phải do ĐGM yêu cầu cảnh sát đem chó đến để đàn áp giáo dân như sự xuyên tạc và vu khống của phe tranh đấu để làm xúc động quần chúng.” Tôi muốn nói rằng ông Hoà tỏ ra ngây ngô, thiếu hiểu biết. sự thật, nếu ĐGM không yêu cầu thì làm sao cảnh sát và chó săn có thể được vào trong nhà thờ, đứng gần cung thánh, quay lưng lên bàn thờ và mặt lầm lì nhìn xuống giáo dân dự lễ. Một sự hiểu biết sơ đẳng về pháp luật cũng cho ta biết là cảnh sát không bao giờ được làm như thế trong nhà thờ vì quốc gia và giáo hội phải tách rời, không được xen vào việc của nhau; người Mỹ gọi là Separation of State and Church.

Ông Hoà còn liều lĩnh nói thêm: “Vu khống và xuyên tạc là nghề chuyên môn của họ như dùng chiêu bài giáo xứ thể nhân để duy trì văn hoá cho giáo dân VN . . .” Tại sao ông Hoà lại nghĩ là “giáo xứ thể nhân để duy trì văn hoá” là vu khống và xuyên tạc? Vậy khi Đức Thánh Cha khuyên các ĐGM địa phương lập giáo xứ thể nhân cho người tỵ nạn để duy trì văn hoá của họ thì ông Hoà cũng nghĩ là Đức Thánh Cha vu khống và xuyên tạc à? Tôi xin ông Hoà giải thích.

13. Chính nhóm Đức Tin mới thật là người chuyên môn vu khống và xuyên tạc. Tôi xin chứng minh như sau: Ngày 15-8-88 giáo dân tranh đấu đi hành hương ở Carmel được Cha sở là Đức Ông McMahon cho phép làm lễ và rửa tội cho một số em nhỏ và người lớn trong Vương Cung Thánh Đường Carmel. Thế mà báo Tín Hữu của phe Đức Tin số 25, trang 18 dám nói là giáo dân rửa tội “chui” ở bờ bể Carmel, báo này còn bịa đặt một cách trơ trẽn rằng: “Theo nguồn tin của giới an ninh có thẩm quyền thì những người này tụ tập tại Monterey không phải với mục đích cử hành nghi thức Thánh Tẩy mà là để nghiên cứu địa hình địa vật và những chiến thuật đột kích nhân ngày công du của Đức Giáo Hoàng vào tháng 9 sắp tới.” Vu khống và bịa đặt như thế là hết mức rồi! Ông Hoà có thấy là phe nhóm của ông vô trách nhiệm không?

14. Về tư cách của ông Hoà. Tôi có nhận xét sau đây: Ông Hoà là chủ tịch Phong Trào Bảo Vệ Đức Tin mà ông dễ mất bình tĩnh và có những cách ăn nói thô tục, dùng những từ ngữ không xứng đáng với địa vị của ông; chẳng hạn khi ông tháp tùng Cha Dương về Trung Tâm ông hung hăng “xắn tay áo” và hùng hổ xưng hô “mày, tao, chúng nó, đứa nào . . .” với giáo dân. Cảnh này làm tôi nhớ lại dịp Cha Tịnh về San Jose do trát đòi của Toà Án. Cha Tịnh đi lễ ở nhà thờ Saint Victory’s. Một nhóm người trong Phong Trào Bảo Vệ Đức Tin định hành hung Cha, gọi Cha là “nó, thằng đó, tên đó . . .” Họ còn chửi rủa, nhiếc mắng Cha: “chửi vào mặt nó như vậy mà mặt nó cứ trơ trơ ra.” Ông Hoà nghĩ sao về sự chửi rủa hàng giáo sĩ của phe nhóm ông?
Đọc những câu trả lời của ông Nguyễn Trung Hoà trong bài phỏng vấn này, tôi thấy ông Hoà có tư tưởng một chiều. Cái gì ông nghĩ, ông làm, ông cho là đúng, là phải; cái gì người khác làm mà ngược lại với ông thì ông cho là sai. Thảo nào dân chúng nhận thấy đời sống của ông về mặt đạo giáo thật là lộn xộn; nhưng có lẽ ông vẫn nghĩ là ông làm phải (CN số 8 ngay29-8-87, bài ‘ĐGM San Jose đề cử hai người bất xứng yết kiến Đức Giáo Hoàng’). Thật tình, tôi không dám nói đến đời tư của ai.  Nhưng nếu người đó giữ một chức vụ lãnh đạo đoàn thể công giáo như chức vụ chủ tịch Phong Trào Bảo Vệ Đức Tin của ông Hoà thì ai cũng có quyền biết về khía cạnh công giáo của ông vì nó liên hệ đến chức vụ của ông. Vậy khi tôi nói như trên về ông Hoà tôi không có ý nói xấu đời tư của ông, nhưng là để biện minh rằng ông Hoà là con người chủ quan vị kỷ và những nhận xét của ông về cuộc tranh đấu của giáo dân VN, San Jose chẳng những sai lầm lại còn có nhiều định kiến tới mức vô lý nữa.

Monterey ngày 6 tháng 1 năm 1989

78-  NĂM MỚI NÓI CHUYỆN CŨ

“Ôn cố nhi tri tân”. Xem lại việc cũ để tìm biết việc mới. Trong bất cứ công việc gì của một tổ chức hay đoàn thể nào, sau một thời gian, những người liên hệ đều có những buổi hội họp thảo luận để tìm biết ưu khuyết điểm về những công việc của mình rồi tìm cách sửa chữa, thay đổi với mục đích để cải tiến. Cứ xem ngay trong Giáo Hội Công Giáo của ta. Các Đức Giáo Hoàng cũng với Thượng Hội Đồng Giám Mục đã nhiều lần có những Công Đồng để sửa chữa và hoạch định những thay đổi trong Giáo Hội. Các chế độ cộng sản độc tài, tàn bạo đến như thế nào mà cũng phải có những thời kỳ “Sửa sai” hoặc “xét lại” cũng vì mục đích đó.

Biến cố San Jose đã kéo dài hơn hai năm rồi, đã có bao nhiêu biến chuyển xảy ra, từ những ngày gay gắt ồn ào đến nay để có thể tạm gọi là lắng dịu ít nhất là bề ngoài. Nhưng tôi sợ nó vẫn có thể bộc phát trở lại nếu những người liên hệ của cả hai bên không biết cách đề phòng. Nhưng đề phòng thế nào? Đó là điều mà ai cũng tự hỏi. Tôi cũng đã tự hỏi như vậy nhiều lần, nhưng rốt cuộc cũng chưa tìm được câu trả lời, vì biến cố này có tầm mức quá to tát và phức tạp mà mình thì thấp hèn. Tuy nhiên tôi tự nhủ mình có ý kiến dù nhỏ mọn nhưng cứ đưa ra, gọi là để đóng góp với trăm ngàn ý kiến của những người khác. Sau đây là một vài ý kiến của tôi. Nói thật và nói thẳng. Tôi xin lỗi những ai có thể bị phật lòng.

Trước hết, ta phải nhìn nhận rằng cả hai bên, bên tranh đấu và bên Toà Giám Mục cùng Cha Dương đều đã phạm phải lầm lỗi. Những lầm lỗi khởi thuỷ làm nảy sinh ra cuộc tranh đấu này thì ai cũng biết rồi, tôi xin miễn nhắc lại.

Có một điều tôi dám nói mà không sợ lầm, đó là những lầm lỗi của bên tranh đấu đều do phản ứng đối với những hành động sai lầm của Toà Giám Mục và của bên Cha Dương. Một vài ví dụ: Việc ĐGM không những từ chối xét đơn thỉnh nguyện của giáo dân về việc bổ nhiệm Cha Dương mà lại còn một mực tiến hành lễ “tấn phong” Cha Dương nên giáo dân mới phản ứng mãnh liệt như vậy. Việc Cha Sullivan truất phế Ban Chấp Hành Họ Đạo rồi tự ý cắt cử những thừa tác viên mới để thay những thừa tác viên của Ban Chấp Hành Họ Đạo đã làm cho giáo dân phản ứng chống lại, gây ra xô xát trong nhà thờ. Rồi từ phản ứng này gây ra phản ứng khác mà ta gọi là phản ứng dây chuyền.

Mục đích bài này không phải là nhắc lại những gì đã xảy ra trong biến cố này. Mục đích bài này là đưa ra một vài ý kiến khiêm tốn hy vọng đề phòng cho biến cố này khỏi trở lại sôi động, gay gắt và kìm giữ nó trong tình rạng yên lặng hiện nay, trong kh chờ một giải pháp thoả đáng cho vấn đề.

Theo tôi, việc đầu tiên mà ta có thể làm trong lúc này là mọi bên hãy hạ giọng thấp xuống, nói với nhau bình tĩnh hơn. Chúng ta hãy kìm hãm tính nóng nảy của mình bằng cách ăn nói, viết lách hoà nhã tuy vẫn cương quyết. Những luận điệu và từ ngữ có tính cách gay go như: ly khai, vong bản, cộng sản giật dây, chống phá Giáo Hội, phạm Thánh v.v . . . Vì những từ ngữ này chẳng những gây ra hiềm khích mà còn không đúng sự thật nữa. Nếu ta bình tĩnh và thành thực với lòng ta thì ta sẽ nhận thấy rằng những lời nói này đều sai cả.

- Không ai ly khai cả vì tất cả giáo dân vẫn thuộc về Giáo Hội, không một ai xa lìa Giáo Hội.

- Không ai vong bản cả vì ai cũng nhận mình là người Việt và muốn gia đình, con cháu mình giữ được phong tục, nến nếp, truyền thống quý giá trước sự đe doạ đảo lộn luân thường đạo lý của dân tộc ta.

- Không ai bị cộng sản giật dây cả. Ngược lại, những hoạt động trong cộng đồng đều tỏ ra ai cũng tích cực chống cộng bằng tinh thần, bằng lời nói và bằng việc làm.

- Không ai chống đối Giáo Hội cả vì ai cũng một lòng vâng phục Giáo Hội và bảo vệ Giáo Hội. Nếu có ai nghĩ rằng chống lệnh hành chính bất công của ĐGM là chống phá Giáo Hội thì kẻ đó hoặc cố chấp hoặc không biết gì về luật lệ của Giáo Hội cả.

- Không ai “phạm Thánh” khi dự lễ Cha Tân làm ở Trung Tâm cả vì Cha Tân không bị mất chức năng Linh Mục thì Ngài vẫn có quyền cử hành Thánh Lễ và bất cứ ai dự lễ của Ngài đều thành. Ai nói “phạm Thánh” thì chính kẻ đó đã phạm Thánh vì họ biết mà còn cả gan nói xúc phạm đến Thánh Lễ ở Trung Tâm. Kẻ nào tuyên bố bừa bãi như vậy, như trong tờ Chân Lý của Cha Dương, ngày 18-12-88, hãy coi chừng lời nói của mình kẻo phạm lề luật của Giáo Hội về phương diện thánh thiêng vì những kẻ này có thể tự động bị phạt vạ. Trước đây, trong thư ngỏ gửi Cha Nguyễn Minh Hiền đăng trong Chính Nghĩa số 72, ngày 7-1-89 (Tôi có gửi thư riêng cho Cha Hiền) tôi xin Cha Hiền trả lời câu hỏi về lời tuyên bố của Cha ở nhà thờ Maria Goretti rằng: “Ai đi lễ chung với đám Chính Nghĩa thì không thành.” Nhưng chưa thấy Cha Hiền trả lời. Vậy xin Cha Hiền lên tiếng để giáo dân hiểu rõ ý của Cha. Nhân tiện tôi cũng xin nói rằng Thánh Lễ do Cha Tân cử hành tại Trung Tâm được ghi rõ ngày giờ trên báo Chính Nghĩa một cách công khai. Tại sao tờ Chân Lý của Cha Dương lại có thể nói rằng những lễ đó là “lễ chui”? Tôi không hiểu cách ăn nói của bên Cha Dương. Khi tôi yêu cầu họ giải thích thì họ lại im lờ đi. Như vậy, những lời nói của họ còn nghĩa lý gì không?Có đáng cho giáo dân tin không?

Về thái độ giữa giáo dân VN với nhau. Chúng ta là con một Chúa, con một Giáo Hội Mẹ VN. Nếu chúng ta không đồng ý được với nhau trong biếncố này thì chúng ta vẫn có thể kính trọng ý kiến của nhau và chấp nhận nhau vì ai cũng có quyền làm theo ý kiến riêng mà mình cho là phải miễn là điều đó không trái luật đạo hay luật đời. Đừng thù hằn, giận ghét nhau. Chúng ta cố sống sao cho đúng với tinh thần của người Kitô hữu, tức là thương yêu nhau trong mọi hoàn cảnh. Trong họ hàng tôi, có nguời theo bên này, có người theo bên kia, có người đứng giữa; nhưng chúng tôi không hề gây gổ nhau, đả phá nhau. Chúng tôi vẫn giữ được tình nghĩa họ hàng với nhau.

Đối với các Linh Mục VN. Cả hai bên một đôi khi đã phạm phải lẫm lỗi. Chẳng hạn báo Chính Nghĩa đã đăng bài của ông Lương Sĩ Hiệp và ông Phạm Kim Vinh đã có chỗ chỉ trích quá đáng các Linh Mục VN. Dù rằng ông Lương Sĩ Hiệp và ông Phạm Kim Vinh phải chịu trách nhiệm về bài của họ; nhưng vì đăng trong Chính Nghĩa nên Chính Nghĩa cũng bị giận lây. Báo Đức Tin, Tín Hữu và tờ Chân Lý của Cha Dương cũng đã viết những lời lẽ xúc phạm đến các Linh Mục VN. Dĩ nhiên tác giả những bài đó phải chịu trách nhiệm; nhưng những người chủ trương các báo này cũng phải liên đới chịu trách nhiệu như báo Chính Nghĩa vậy.

Tôi rất mến phục các Linh Mục VN đã vì hoàn cảnh mà phải âm thầm chịu đựng. Tôi thấy các Ngài đang ở trong tình trạng còn ngặt nghèo hơn chúng ta. Chức Vụ Linh Mục của các Ngài cộng thêm hoàn cảnh tị nạn đã đặt các Ngài trong cáithế bí không làm gì được, đành phải im lặng. Các Ngài đâu có được quyền lợi hay tự do như các Linh Mục Mỹ. (Báo Monterey Herald ngày 3-7-87 có đăng tin là ở địa phận Monterey, CA, có mười Linh Mục Mỹ đã đệ đơn tại toà Thượng Thẩm để kiện ĐGM Shubsda về mưu toan lường gạt họ trong việc hoạch định quy chế lương hưu trí của họ. Tin này được loan truyền trên Tivi và báo chí địa phương. Sau gần một năm rưỡi, ngày 29-11-88, Toà Giám Mục Monterey đã điều đình với mười Linh Mục này cho họ được như ý để họ rút đơn kiện – Theo Báo Monterey Herald ngày 21-12-88. Các Linh Mục VN đâu có được một phần nào quyền lợi hay tự do như thế. Biết bao nhiêu Linh Mục VN đã bị bạc đãi. Trường hợp Cha Nguyễn Chính ở San Jose còn bị ĐGM Du Maine đuổi ra khỏi địa phận của Ngài nữa. Tôi có lời xin lỗi các Linh Mục VN nếu các Ngài bị xúc phạm cách này hay cách khác vì biến cố San Jose này.

Đối với ĐGM Du Maine, chúng ta nhất định giữ vững lập trường về hai thỉnh nguyện vì nó chính đáng. Giáo Luật cho ta quyền lợi đó và Đức Thánh Cha khuyến khích ta. Tuy vậy, cho dù Ngài có khắc nghiệt với chúng ta, chúng ta vẫn phải kính trọng chức vụ của Ngài. Chúng ta tranh đấu trong vòng pháp luật, giáo luật và phẩm cách của chúng ta.

Lịch sử sẽ phê phán hành động và tư cách của mọi người liên hệ đến cuộc tranh đấu này vì từ Đức Giám Mục, các Linh Mục cho đến chúng ta. Bao lâu Ngài còn cấm Thánh Lễ và Bí Tích đối với chúng ta thì chúng ta càng cương quyết hơn. Lễ Mi-sa và Bí Tích là của ăn thiêng liêng của ta. Ngài cấm ta thì có khác gì cha mẹ cấm con cái không được ăn uống. Làm sao con cái có thể sống được, nói gì đến lớn lên thành người khoẻ mạnh. Theo luật đời, cha mẹ nào cấm con cáinhư thế là phạm tội “lạm dụng con cái” (child abuse) và hình phạt cho tội trạng này có thể rất nặng tuy theo hậu quả của sự “lạm dụng” này. Giáo Hội lo cho việc linh hồn của giáo dân còn hơn cha mẹ lo việc thể xác cho con cái. Vậy mà ĐGM đang tâm cấm ta. Không có cách nào Ngài có thể biện minh cho hành động của Ngài. Ngài không có lý do nào bắt giáo dan phải dự lễ Cha Dương trong khi Ngài biết là Cha Dương và giáo dân có sự hiềm khích sâu xa, và Cha Dương vẫn một mực không muốn làm hoà với giáo dân mặc dù giáo dân sẵn sàng làm hoà với Cha. ĐGM biết thế mà tại sao Ngài vẫn làm thế? Đó là điều mà tôi không làm sao hiểu được. Tôi xin độc giả suy nghĩ về điều này để nhận ra sự đau khổ, bất công mà giáo dân VN, San Jose phải chịu để thông cảm cho họ trong hoàn cảnh khó khăn này.

Nhưng Chúa không bao giờ để con cái Chúa bơ vơ, đói khát. Chúa đã sai Cha Tân đến với ta. Người Cha này đã bị bao nhiêu khó khăn, vất vả, bị cấm cản đủ điều. Nhưng Người đã kiên nhẫn và cương quyết nói thẳng cho Toà Giám Mục biết rằng thiên chức Linh Mục của Người không cho phép Người bỏ con chiên VN đói khát của ăn tinh thần, Người có bổn phận giúp đỡ, dìu dắt con chiên trên đường giữ đạo, vì đó là sứ mạng Chúa đã giao cho Người khi Người được thụ phong và Người không thể nào làm trái lương tam của một Linh Mục dòng Phanxicô như lời Người đã khấn hứa trước mặt Bề Trên thay mặt Chúa.

Chúng ta cảm tạ Chúa đã gửi Cha Tân đến với chúng ta trong khi chúng ta bị cấm cách gần như tuyệt vọng. Chúng ta cứ vững lòng tin tưởng ở Chúa Quan Phòng, giữ đạo sốt sắng, đoàn kết xây đắp cộng đồng, không gây hận thù với ai vì đó là trái với Thánh Ý Chúa, thương yêu mọi người vì đó là dấu chỉ con cái Chúa, kiên nhẫn đợi chờ ngày Bề Trên tìm được giải pháp thoả đáng cho chúng ta.

Ước mong một ngày gần đây tất cả giáo dân Việt Nam, San Jose được xum họp dưới một mái nhà thờ giáo xứ thể nhân ấm cúng để mọi người cùng nhau thờ phượng Chúa, hàn gắn mọi vết thương đau, tỏ tình thương yêu dân tộc để cho chúng ta và con cháu chúng ta mãi mãi giữ được truyền thống đạo đức, luân lý quý giá của dân tộc ta đang bị lung lay, xáo trộn bởi nếp sống mới nơi này.

Monterey ngày 28-1-1989

79-  VAI TRÒ HÒA GIẢI CỦA LM. NGUYỄN ĐỨC THIỆP VÀ LM. NGUYỄN MẠNH TÂN

Theo tin báo Chính Nghĩa số 79 xuất bản ngày 4-3-1989 thì “Toà Giám Mục San Jose đã liên lạc với Cha Bề Trên Tỉnh Dòng để nhờ Cha Tân tìm một biện pháp hoà giải. Cha Nguyễn Mạnh Tân đã được Toà Giám Mục San Jose coi là người duy nhất ở vào vị thế có thể đem đến sự hoà giải giữa Toà Giám Mục và Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam. Ngài đã được mời như một sứ giả để giúp Toà Giám Mục giải quyết các nhu cầu phục vụ cho người Việt Nam.”

Đã từ lâu lắm rồi giáo dân mới lại được nghe hai chữ “hoà giải” từ phía Toà Giám Mục. Riêng về phía giáo dân thì hoà giải là khẩu hiệu của họ. Họ luôn luôn ước ao được hoà giải, nhưng Toà Giám Mục đã không muốn mà chỉ muốn dùng quyền lực của mình.

Nhớ lại dịp Cha Nguyễn Đức Thiệp được Toà Giám Mục mời về San Jose để hoà giải, Đức Giám Mục Du Maine đã nói cho Cha Thiệp biết là Ngài muốn Cha Thiệp “tìm hiểu xem giáo dân VN muốn gì, ý kiến của các Linh Mục VN như thế nào v.v. . .” (Báo Dân Tộc số 241, trang 5) Cha Thiệp đã làm như thế và đã viết tờ tường trình sơ khởi dài 9 trang đệ Đức Giám Mục (Chính Nghĩa số 21, trang 21). Sau khi nhận được tờ tường trình của Cha Thiệp, một viên chức cao cấp của Toà Giám Mục tuyên bố là “ĐGM Du Maine thật sự đã có quyết định rồi, không cần đếm xỉa đến nội dung bản tường trình của Cha Thiệp”. (San Jose Mercury News, ngày 4-11-1986). Giáo dân bỡ ngỡ, không hiểu tại sao nhận được tờ bản trình của Cha Thiệp rồi mà Toà Giám Mục lại tuyên bố như thế. Giáo dân linh cảm thấy một sự chẳng lành. Thật vậy, ĐGM đã không tuyên bố bản tường trình 9 trang của Cha Thiệp và cuối cùng đã làm áp lực đối với Cha Thiệp để Ngài viết “bản tường trình vắn tắt” hoàn toàn chiều theo ý của Toà Giám Mục và trách móc giáo dân. Bản tường trình vắn tắt này đã không hề nói gì về hai thỉnh nguyện của giáo dân là nguyên nhân chính và duy nhất của cuộc tranh đấu, không hề nói gì về việc Cha Thiệp phải “tìm hiểu xem giáo dân VN muốn gì, ý kiến của các Linh Mục VN như thế nào v.v. . .” Ai cũng nhận thấy là bản tường trình vắn tắt này là một bản văn vô giá trị và vô nghĩa vì nó lạc đề. Giáo dân thấy Cha Thiệp đã bất công đối với họ. Giáo dân viết thư, viết báo xin Ngài lên tiếng giảithích, nhưng Ngài làm ngơ. Rất tiếc, một cơ hội làm hoà đã qua đi vì Toà Giám Mục chỉ muốn dùng Cha Thiệp để gò ép giáo dân theo ý muốn của TGM. Cha Thiệp đã bị gây áp lực và quên đi thiên chức “hoà giải” mà chính Cha đã tự nhận cho mình nhưng rồi về sau Cha lại chối.

Trong vụ “hoà giải” của Cha Thiệp, giáo dân cảm thấy bị bất công, bị lừa dối. Ai mà quên được việc Cha Thiệp gặp gỡ giáo dân ở Trung Tâm. Giáo dân tin tưởng ở lòng nhân ái, ngay thẳng của Cha, thổ lộ tâm tình đau buồn của mình với Cha. Thế mà Cha đã phản bội họ, nói xấu họ với phe Cha Dương. Phe Cha Dương thâu băng Cha rồi đem bán lấy tiền. Ngay cả ông Thiện và Ông Bài là những người có nhiều kinh nghiệm về việc xử thế mà không dè cũng bị Cha hất cẳng vì quá tin tưởng vào tư cách Linh Mục của Cha và thái độ vô tư của vị hoà giải.

Khi cuộc tranh đấu bùng nổ, giáo dân quyết định không đóng tiền cho Cha Dương. Họ để dành tiền này để khi nào được Giáo Xứ như thỉnh nguyện thì sẽ đóng góp cho Giáo Xứ. Nhưng khi Cha Thiệp về hoà giải, giáo dân đã bảo nhau đóng tiền trở lại để tỏ thiện chí và gây bầu không khí thuận lợi cho sự làm hoà. Nhưng Toà Giám Mục thì lại không làm thế. Người Phe Cha Dương lợi dụng sự hoà hoãn của giáo dânrồi cậy thế ĐGM, lên mặt hống hách hơn. Mộ ví dụ cụ thể là ở nhà thờ St. Lucy’s, Campbell, họ gây sự với giáo dân tranh đấu ở ngay trong nhà thờ rồi cào đầu ăn vạ, nằm lăn ra ở nhà thờ và đổ vạ cho phe tranh đấu đả thương họ. Mưu mô ấu trĩ này không lừa bịp được ai, họa chăng chỉ lừa bịp được một số người ở xa vì không hiểu chuyện nên cứ quy mọi tối cho giáo dân tranh đấu.

Nay Toà Giám Mục lại mời Cha Tân hoà giải. Cha Tân sẵn sàng nhận lời hoà giải vì đó là sự mong mỏi của mọi giáo dân và cũng là của chính Cha. Sự có mặt của Cha ở Trung Tâm là điều-vạn-bất-đắc-dĩ. Vì ĐGM đã tàn nhẫn cấm Thánh Lễ và Bí Tích là của ăn thiêng liêng của giáo dân nên thiên chức và lương tâm Linh Mục Dòng Phanxicô của Cha cũng như tình đồng hương tỵ nạn đã từng chia sẻ thảm cảnh của người tha hương đã thúc đẩy Cha đến để cứu vớt họ trong khi họ bị bỏ rơi. Báo Chính Nghĩa số 77 ngày 18-2-1989 có đăng một câu trả lời của Cha Tân cho Toà Giám Mục rằng: “Tôi đến San Jose để phục vụ cho đoàn chiên bơ vơ. Ngay khi nào đoàn chiên này được chăm sóc thì tôi sẽ ra đi”. Lập trường và thiện chí của Cha Tân thật rõ ràng: Cha đến Trung Tâm vì nhu cầu cấp bách của giáo dân để sự sống đạo của họ khỏi bị thiệt thòi trong khi chờ đợi một sự giải quyết thoả đáng của ĐGM đối với đoàn chiên bị Ngài xua đuổi. Còn việc mục vụ nào cao đẹp hơn? Vậy khi Toà Giám Mục ngỏ ý nhờ Cha giúp đỡ trong việc hoà giải thì Cha sẵn sàng ngay và cầu mong cho sự hoà giải được thành công. Còn giáo dân thì sao? Dĩ nhiên là giáo dân vui mừng vì hoà giải là điều mà giáo dân kêu xin ĐGM từ xưa đến nay. Vậy giáo dân trong mong gì ở cuộc hoà giải này?

Sự ước mong của giáo dân rất giản dị vì hai thỉnh nguyện của giáo dân rất đơn giản và rõ ràng:

1. Giáo dân xin ĐGM Du Maine cho họ Giáo Xứ Thể Nhân như Giáo luật cho phép và chính Đức Thánh Cha khuyến khích (Giáo luật điều 518).
2. Giáo dân xin ĐGM rút lại lệnh bổ nhiệm Cha Dương làm chánh xứ vì có sự hiềm khích sâu xa giữa Cha với giáo dân. Vì vậy, việc mục vụ của Cha không còn ích lợi cho sự sống đạo của giáo dân nữa (Giáo luật điều 1740, 1741).

Thật ra, ĐGM chỉ có thể dùng Cha Tân làm môi giới đưa đến sự hoà giải mà Toà Giám Mục đã làm ngơ trước đây. Cha Tân không thể thay mặt giáo dân trong việc hoà giải này được. Vấn đề khó khăn xảy ra hiện nay chỉ là giữa Toà Giám Mục và giáo dân tranh đấu mà thôi. Vậy phải có sự hoà giải giữa Toà Giám Mục và giáo dân tranh đấu. Bằng cách nào? Không thể làm gì khác hơn là đối thoại. Phải có đối thoại giữa Toà Giám Mục và giáo dân. Đối thoại để giải toả những sự hiểu lầm và để tìm ra lẽ phải. Đối thoại để bắt lại nhịp cầu thông cảm, hoà hợp. Đối thoại là chìa khoá để mở cửa thành công. Không có đối thoại thì còn bế tắc. Bao lâu còn bế tắc là còn đau khổ, còn chia rẽ, còn nhiều phiền luỵ.

Cha Tân và giáo dân tran đấu đã tỏ thiện chí bằng cách “quyết định tạm ngưng các Thánh Lễ tại nhà thờ Cộng Đồng trong vòng hai tuần lễ, kể từ thứ bảy, mồng 4-3-89 đến hết thứ sáu, 17-3-89”.

Lần trước, khi Cha Thiệp đến “hoà giải”, giáo dân tranh đấu cũng đã tỏ thiện chí bằng cách trở lại đóng tiền các ngày lễ Chúa Nhật. Nhưng tiếc thay Toà Giám Mục đã không có một cử chỉ thiện chí nào, lại còn cho phe Cha Dương lợi dụng cơ hội gây xáo trộn trong nhà thờ. Cha Tân và giáo dân đã tỏ thiện chí. Chúng ta chờ xem Toà Giám Mục sẽ đáp lại thiện chí của ta như thế nào trong cuộc hoà giải này.

Chúng ta cứ vững lòng đoàn kết, kiên trì và gia tăng lời cầu nguyện.

80-  HOÀ GIẢI ĐÃ ĐI ĐẾN ĐÂU?

Khi Toà Giám Mục ngỏ ý nhờ Cha Nguyễn Mạnh Tân làm môi giới để hoà giải vụ San Jose, Cha Tân đã hoan hỉ nhận lời và để tỏ thiện chí, Ngài đã đồng ý ngưng cử hành Thánh Lễ và các phép Bí Tích tại nhà thờ cộng đồng hai tuần như Cha Bề Trên tỉnh Dòng Phanxicô đã đề nghị. “Hai tuần, Cha Bề Trên nói, đã đủ để cho Toà Giám Mục tìm một phương pháp hoà giải”.

Hai tuần đã qua, đã chấm dứt vào ngày 17-3-1989. Cha Tân đã trở lại Nhà Thờ Cộng Đồng để cử hành Thánh Lễ như trước vì nhu cầu cấp bách của giáo dân. Người ta tự hỏi: “Việc hoà giải đã đi đến đâu rồi? Cha Tân không tuyên bố gì cả, ngoại trừ có người hỏi thì Cha trả lời vắn tắt rằng “Ngài chi giúp ý cho Toà Giám Mục. Việc công bố các quyết định là tuỳ nơi Toà Giám Mục”. (CN số 81) Còn Toà Giám Mục thì không ra một thông cáo nào cả. Cách làm việc như vậy là trái với nếp sống của một xã hội mà dân trí đã trưởng thành và cởi mở. Cách làm việc này dễ nảy sinh ra những tin đồn thất thiệt có hại, vì người dân không còn biết đâu là sự thật, đâu là hư.

Nhiều lần tôi đã trình bày trong báo Chính Nghĩa rằng trong bất cứ một sự bất hoà nào, từ những trường hợp nhỏ như giữa bạn bè đến những việc lớn như giữa các quốc gia, cách hoà giải tốt nhất là đối thoại để tìm ra nguyên do, phải trái rồi từ đó đi dến dung hoà, hoà giải. Giáo dân luôn luôn lên tiếng là họ muốn đối thoại. Họ xin được gặp Toà Giám Mục và Cha Dương để trình bày quan điểm của họ, đồng thời họ cũng ước ao được nghe và góp ý với quan điểm của Toà Giám Mục và Cha Dương. Nhưng Toà Giám Mục và Cha Dương không cho họ gặp. Đã vậy, Toà Giám Mục và bên Cha Dương thường tuyên bố là giáo dân hiểu sai và nói láo với dân chúng về Toà Giám Mục và Cha Dương. Như vậy nghĩa là thế nào? Nói rằng giáo dân hiểu sai và nói láo mà lại không cho giáo dân gặp để giải thích hoặc đối chất thì như vậy Toà Giám Mục và Cha Dương đã lạm ngôn. Bất cứ ai còn một chút lương tri, biết suy nghĩ đều nhận thấy rằng cách làm việc của Toà Giám Mục và Cha Dương là không hợp lý và người ta phải kết luận rằng Toà Giám Mục và Cha Dương đã sai nên mới tránh gặp giáo dân. Vì có bao giờ những người vừa có quyền, vừa làm phải mà lại phải tránh gặp những người vừa không có quyền, vừa làm sai không? Giáo dân đâu có ú mê gì mà không hiểu sự thực hiển nhiên này.

Đã tránh né không dám gặp giáo dân, Cha Dương và các Linh Mục phụ tá của Ngài lại còn dùng Toà giảng, xuyên tạc về công việc của Cha Tân (CN. 80). Đó là một việc thiếu tác phong đạo đức của chức vụ Linh Mục, là lạm dụng chức quyền trong việc giảng dạy. Hèn chi mà nhiều giáo dân trước đây dự lễ bên Cha Dương đã than phiền rằng những lời giảng của các Ngài đã làm cho họ chán ngấy và chia trí. Bây giờ họ đến lễ Cha Tân ở Nhà Thờ Cộng Đồng: Ngày Chúa Nhật vừa qua (19-3-89) khoảng 2 giờ chiều, sau khi dọn cơm xong cho các ông, các anh lao động ở Trung Tâm, một bà trong hội Các Bà Mẹ Công Giáo vừa ra khỏi bếp để xả hơi thì thấy một cụ ông đang được một thanh niên dắt tay cụ đi vào phía trong. Bà này chạy ra hỏi thăm xem cụ muốn gặp ai để giúp. Cụ trả lời: “Tôi nghe nói  bên Trung Tâm họ đang mở mang to tát lắm. Tôi muốn tới xem họ làm ăn ra sao.” Bà này niềm nở đỡ tay cụ thay cho anh thanh niên, đưa cụ đi xem từ trong ra ngoài và chung quanh. Đi đến đâu cụ cũng gật gù nói: “Ừ, khá lắm, rộng rãi lắm” Nhìn những hàng ghế sắt la liệt xếp đặt ngăn nấp thứ tự thành hàng, dưới một vòm cao che vải dù sặc sỡ để giáo dân ngồi dự lễ và một bục cao để đặt bàn thờ được trang trí thanh tao mỹ thuật, mắt cụ sáng lên và nói: “ Như thế này cũng khang trang lắm rồi. Dự lễ như thế này là được lắm rồi. Nhà Thờ như thế cũng được rồi. Các ông bà ở đây vui quá nhỉ. Từ nay tôi sẽ bảo cháu nó đưa tôi đi lễ ở Trung Tâm.” Bà kia vừa đưa tay cụ cho anh thanh niên vừa nói: “Vâng, thưa cụ, chúng cháu ở đây vui lắm. Ngày thứ bảy, các trẻ em, thiếu niên đến học giáo lý và tiếng Việt sầm uất lắm. Chiều nào cũng đọc kinh xem lễ, khấn các Thánh Tử Đạo đông đảo, sốt sắng. Mời các cụ, các ông bà, anh chị em đến với chúng cháu cho có tình quê hương”.

Trở lại vấn đề hoà giải. Dịp Cha Thiệp về hoà giải, ai cũng thấy rõ là mặc dù Đức Giám Mục nói là Ngài muốn Cha Thiệp phỏng vấn các Linh Mục Việt Nam và giáo hữu Việt Nam càng nhiều càng tốt rồi báo cáo cho Đức Giám Mục biết “các con chiên của Ngài muốn gì” (Dân Tộc số 240) Nhưng thật ra Đức Giám Mục chỉ muốn Cha Thiệp làm theo ý của ĐGM là gò ép giáo dân phải theo ý Ngài và bỏ cuộc tranh đấu như đã được chứng minh trong Bản Tường Trình Vắn Tắt của Cha Thiệp. Cuộc hoà giải do đó đã hoàn toàn thất bại vì Toà Giám Mục không biết dung hoà mà chỉ ỷ vào quyền lực ép buộc giáo dân. Còn cuộc hoà giải này thì sao? Không ai biết cái gì đã được thảo luận vì Toà Giám Mục cũng như Cha Tân đều không tuyên bố gì cả. Sự im lặng này cho ta biết là không có kết quả gì cả; vì ta thấy Toà Giám Mục và Cha Dương vẫn một mực nói rằng giáo dân nói sai, nói láo. Cái khổ cho Toà Giám Mục và Cha Dương là chính giáo dân không thấy đại diện của họ nói sai hay nói láo điều gì về Toà Giám Mục và Cha Dương cả. Ngược lại, họ chỉ thấy Toà Giám Mục và Cha Dương nói sai và nói láo thôi. Bằng chứng mới nhất như sau:

1. Trong tờ Chân Lý, Cha Dương đã nói là Đức Giám Mục cho giáo dân được có giáo xứ. Xin hỏi Cha Dương: Đức Giám Mục đã ban sắc lệnh cho giáo xứ chưa? Ai cũng biết là chưa. Như vậy tự xưng giáo xư là nói láo, là đánh lừa dư luận và giáo dân.

2. Cha Dương gửi thư cho giáo dân Việt Nam nói là Toà Giám Mục hứa sẽ xây cho giáo dân Việt Nam ngôi nhà thờ năm triệu gồm có nhà thờ, trường học, phòng họp, phòng cho các Cha ở v.v. . . Xin hỏi Cha Dương: Có văn thư nào của Toà Giám Mục hứa như thế chưa? Nếu Toà Giám Mục hứa mà không làm là Toà Giám Mục hứa bậy. Nếu Toà Giám Mục không hứa mà Cha Dương nói là có thì Cha Dương nói láo, là đánh lừa dư luận và giáo dân.

Dựa vào cung cách làm việc của Toà Giám Mục và của Cha Dương từ trước đến nay, chúng ta thấy là Toà Giám Mục và Cha Dương vẫn không thay đổi lập trường, vẫnkhông muốn dung hoà và vì vậy không muốn giải hoà. Có lẽ vì vậy mà Toà Giám Mục và Cha Tân không tiết lộ một chi tiết nào về những cuộc thảo luận “hoà giải” cả. Giáo dân thất vọng vì chưa đạt được hoà giải. Nhưng giáo dân mừng là Toà Giám Mục đã học được bài học là không thể dùng áp lực đối với Cha Tân như họ đã dùng đối với Cha Thiệp trước đây.

Nói tóm lại, bao lâu Toà Giám Mục còn khư khư giữ lập trường cổ hủ, lỗi thời chỉ biết chèn ép giáo dân. Chưa nhìn ra sự thật, lẽ phải thì chưa có thể hoà giải được. Nếu bị bế tắc thì sẽ phải chờ Toà Thánh quyết định. Một điều chắc chắn là trước khi quyết định, Toà Thánh phải điều tra kỹ lưỡng. Lúc đó, giáo dân mà Toà Giám Mục và Cha Dương thường tránh né sẽ được nhân viên Toà Thánh thẩm vấn và rất có thể được đối chất với Toà Giám Mục và Cha Dương.

Là con cái của Giáo Hội, chúng ta sẵn sàng vâng theo phán quyết của Toà Thánh. Dĩ nhiên Đức Giám Mục và Cha Dương cũng phải tuân theo phán quyết của Toà Thánh. Ai không tuân theo thì sẽ bị loại ra khỏi Giáo Hội. Trong khi chờ đợi chúng ta cứ vững lòng giữ đạo sốt sắng và tăng gia lời cầu nguyện.

Monterey, ngày 20-3-1989.

Trở về  MỤC LỤC   *   Phần 9