Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Khí đốt: Châu Âu khổ công tìm kế phá vòng lệ thuộc Nga

UKRAINE-GAS-SLOVAKIA


Trạm trung chuyển khí đốt từ Nga sang Tây Âu qua ngả Ukraina tại Velke Kapusany (Slovakia)REUTERS/Radovan Stoklasa

Làm thế nào để tự chủ hơn về khí đốt và bớt bị lệ thuộc vào nguồn cung cấp từ Nga ?

 Một trong những giải pháp đang được Liên Hiệp Châu Âu đẩy mạnh là "Tuyến ống dẫn khí Xuyên biển Adriatic" gọi tắt là TAP (Trans-Adriatic Pipeline), chuyển khí đốt của Cộng hòa Trung Á Azerbaijan từ vùng biên giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ đến miền Nam nước Ý, xuyên qua miền Bắc Hy Lạp, Albania và biển Adriatic.

Thủ tướng Ý, nước hiện là chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, ông Matteo Renzi, đã ghé thăm Azerbaijan hôm 20/09/2014 để tiếp tục thảo luận về đề án Tuyến ống dẫn khí Xuyên biển Adriatic.

 Đây là phương án đã được đèn xanh, nhưng công cuộc xây dựng vẫn chưa bắt đầu, và sớm nhất thì phải chờ mãi đến năm 2019, Châu Âu mới có thể được cung cấp khí đốt qua ngã này.

Đối với ông Pierre Terzian, chủ nhiệm chuyên san Pétrostratégies (Chiến lược dầu hỏa), kể cả khi được hoàn tất, do công suất rất hạn chế, TAP vẫn chưa thể giúp Liên Hiệp Châu Âu giảm được đáng kể mức lệ thuộc vào khí đốt của Nga.

Sau đây là bài phỏng vấn chuyên gia Pierre Terzian dành cho RFI.

RFI : Khủng hoảng Ukraina đã nêu bật trở lại sự lệ thuộc của Châu Âu vào nguồn năng lượng đến từ Nga. Khí đốt do Nga cung cấp hiện được chuyển đến Châu Âu qua các đường ống dẫn khí nào ?

Pierre Terzian : Từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, toàn bộ khí đốt từ Nga chuyển đến châu Âu đều đi qua ngã Ukraina.
Trước đó, khi Liên Xô còn tồn tại, hoàn toàn không có vấn đề gì, nhưng khi Ukraina trở thành độc lập, các bên đã phải có một số dàn xếp.

Một vài năm sau đó, Ukraina bắt đầu gây khó khăn cho việc trung chuyển khí đốt, buộc Nga và Châu Âu phải tính đến việc xây dựng các đường ống dẫn khí mới, không đi ngang Ukraina, để khỏi phải lệ thuộc vào một tuyến duy nhất là qua ngã Ukraina, bởi vì khí đốt của Nga đã và vẫn chiếm 30% lượng khí đốt tiêu thụ ở Châu Âu.

Châu Âu và Nga trước hết đã xây dựng một đường ống dẫn khí đi qua Ba Lan.
Sau đó, họ thiết lập một đường ống khác dẫn đến Thổ Nhĩ Kỳ. Và bước thứ ba là xây dựng một đường ống dẫn đi qua biển Baltic để chuyển khí đốt trực tiếp từ miền bắc nước Nga sang Đức.

Đề án mới nhất không đi qua Ukraina mang tên South Stream - vốn cho phép tránh hẳn tình trạng trung chuyển qua Ukraina - hiện đang gặp vấn đề : Dự án này đã bị chặn lại từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraina vào tháng Hai vừa qua.

Tóm lại, ngay khi giành lại được độc lập, Ukraina đã có thế độc quyền trong việc cho khí đốt Nga quá cảnh để sang Châu Âu.
Thế độc quyền này đang trên đà bị xóa bỏ hoàn toàn do các vấn đề nẩy sinh với Nga.

 Ukraina hiện không còn khả năng mua khí đốt của Nga do tình hình kinh tế gần như bị phá sản của mình.

RFI : Đường ống dẫn khí Xuyên biển Adriatic phải chuyển khí đốt từ Azerbaijan đến Ý. Liệu đây có phải là một phương cách tốt nhất để tránh nhập khẩu khí đốt của Nga hay không ?

Pierre Terzian : Đây là chỉ là một biện pháp có tác dụng rất nhỏ bởi vì sẽ chỉ có khoảng 10 tỷ m3 khí đốt từ Thổ Nhĩ Kỳ đi vào Châu Âu.
Một khối lượng quá ít so với mức tiêu thụ của Châu Âu, hiện đã vượt quá 450 tỷ m3 và sẽ lên đến 500 tỷ. Để so sánh, lượng khí đốt nhập từ Nga là 150 tỷ m3.

Lý do Châu Âu chọn tuyến đường đưa khí đốt về miền Nam Ý khá bí ẩn. Một cách logic, nếu muốn cạnh tranh với khí đốt Nga, dù chỉ trên quy mô nhỏ, Châu Âu lẽ ra phải chọn dự án Nabucco.

Châu Âu từ lâu đã đấu tranh cho Nabucco vì muốn đưa khí đốt đến khu vực trung tâm của Châu Âu, tức là đến Áo, chứ không phải là đến miền nam nước Ý, một khu vực rất xa các nơi tiêu thụ quan trọng, và cũng đã được cung ứng dư thừa bằng nguồn khí đốt, đặc biệt là đến từ Libya và Algeri, cũng như bằng khí hóa lỏng.

Rủi thay Tuyến đường ống xuyên biển Adriatic lại được chọn, với một khối lượng khí đốt cực nhỏ - chỉ 10 tỷ m3 - và sẽ chuyển đến một nơi tệ hại nhất, tức là miền nam nước Ý.

RFI : Phải chăng đây là một dự án mặc nhiên loại trừ các nước châu Âu bị lệ thuộc nhiều nhất vào nguồn khí đốt từ Nga ?

Pierre Terzian : Đúng vậy. Thoạt đầu được trình bày như một biện pháp cho phép đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt và giảm sự lệ thuộc vào Nga, dự án này rốt cuộc đã "xì hơi" và biến thành một phương tiện cung cấp thêm khí đốt cho Ý, một nước đã được cung ứng đầy đủ, trong khi một bộ phận của Châu Âu phụ thuộc nặng nề nhất vào khí đốt của Nga, nghĩa là vùng Trung Âu, Đông Âu và Bắc Âu thì lại không được dự án này quan tâm.

Hơn nữa, TAP là một dự án cực kỳ tốn kém, và sẽ không thể nào có lời. Điều đó đã khiến cho hai tập đoàn Châu Âu trong nhóm tham gia đề án - cụ thể là Total và Statoil - rút lui.
Người ta đã nói đến một mức đầu tư 56 tỷ đô la. Đó là con số chính thức và người ta cũng chính thức thừa nhận rằng chi phí đó rất có thể sẽ bị vượt qua.

RFI : Phải chăng đó là lý do khiến cho Ủy ban Châu Âu không tha thiết với dự án này ?

Pierre Terzian : Ủy ban Châu Âu phải miễn cưỡng đồng ý vì dự án Nabucco mà họ ủng hộ đã bị hủy bỏ vì những lý do bí ẩn.
Họ nói : "Thôi được ! Hãy chấp nhận những gì có sẵn và cái có sẵn là dự án này !"

Trong thực tế, Nga chưa bao giờ thực sự cắt khí đốt bán sang Châu Âu. Họ cúp khí đốt bán cho Ukraina vì nước này không trả tiền mua. Những vấn đề đã nẩy sinh khi kinh tế Ukraina bị suy yếu và nước này không thể thanh toán tiền mua khí đốt của Nga và bắt đầu hút khí mà Nga bán qua Châu Âu. Chính Châu Âu cũng công nhận điều này. Gốc rễ vấn đề nằm ở đó.

RFI : Hợp đồng 45 tỷ euro mà Matxcơva đã ký với Trung Quốc, có thể giúp Nga gia tăng áp lực trên Châu Âu hay không ?

Pierre Terzian : Hợp đồng mà Nga đã ký với Trung Quốc là một giấc mơ cũ của Vladimir Putin.
Khi lên nắm quyền, Putin đã nhận ra rằng nước Nga quá phụ thuộc vào Châu Âu trong vấn đề bán khí đốt của mình.

 Trong thực tế, Nga chỉ có một khách hàng là Châu Âu, và về mặt chiến lược, họ ở trong một tình huống rất dễ bị tổn thương. Người ta nói rất nhiều đến sự lệ thuộc của Châu Âu đối với Nga, nhưng lại quên rằng Nga thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào Châu Âu.

Vladimir Putin lúc đó đã tự nhủ rằng ông phải quay sang Châu Á. Các cuộc đàm phán để bán khí đốt cho Trung Quốc đã bắt đầu từ lâu, nhưng chỉ vào tháng Năm vừa qua thì hợp đồng mới được ký kết vì Nga muốn đa dạng hóa thị trường của họ.

 Thời điểm không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên vì việc ký kết chỉ diễn ra hai tháng sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraina.
Nga trước mắt sẽ bán cho Trung Quốc 38 tỷ m3 khí đốt, sau đó khối lượng này sẽ tăng lên 60 tỷ.

Sau này, một đường ống dẫn khí đốt, được gọi là "phía Tây" sẽ được xây dựng hướng tới Trung Quốc.
Trong vòng 15 năm tới đây, Nga sẽ bán khí đốt qua Châu Á, chủ yếu là qua Trung Quốc, nhưng cũng qua Nhật Bản dưới dạng khí đốt hóa lỏng, một khối lượng tương đương với những gì họ đang bán sang Châu Âu, tức là từ 100 đến 150 tỷ m3.

Vào thời điểm đó, lợi thế đàm phán của Châu Âu sẽ bị suy yếu. Đó là những khả năng cần phải dự đoán, nhưng rủi thay chính trị lại có một logic mà kinh tế không hiểu được.

RFI : Hoa Kỳ nuôi tham vọng lớn là xuất khẩu được khí đá phiến của họ sang Châu Âu. Tình hình hiện ra sao ? Điều đó có thực tế hay không ?

Pierre Terzian : Các dự án xuất khẩu khí đốt của Mỹ đang phát triển theo tốc độ riêng.
 Hiện nay, đã có bốn hoặc năm dự án được phê duyệt hoàn toàn, cả trong lãnh vực xuất khẩu lẫn xây dựng vốn là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau về mặt kỹ thuật.

Tuy nhiên, khí đốt đó không nhất thiết là sẽ được xuất qua Châu Âu, hiện có sự cạnh tranh của Châu Á, với Nhật Bản, Hàn Quốc, vốn cũng rất cần khí đốt.

Quả là khí đá phiến của Mỹ sẽ là một nguồn cung cấp khi đốt mới cho Châu Âu, nhưng không nên tin rằng điều đó sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề khí đốt của Châu Âu. Còn rất lâu mới giải quyết xong.


Switch mode views: